Giải pháp giảm gánh nặng đái tháo đường cho cộng đồng
Đái tháo đường (ĐTĐ) được xem là căn bệnh nguy hiểm mà cộng đồng đang phải đối mặt. Theo ước tính của tổ chức Y Tế Thế Giới (WTO) có hơn 346 triệu người đang mắc đái tháo đường. Trong đó, Việt Nam được xem là quốc gia có tỷ lệ gia tăng số lượng mắc bệnh ĐTĐ nhanh nhất trên thế giới.
Ảnh minh họa
Những con số báo động về tỷ lệ tăng ĐTĐ
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) đang ngày càng lan rộng và trở thành một đại dịch có tốc độ phát triển nhanh (gấp 6 lần so với bệnh tim) để lại những tác hại và biến chứng khôn lường ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sức khỏe và tuổi thọ của mọi người. Theo thống kê, năm 2012, số người mắc bệnh ĐTĐ đã tăng lên 5.7% và tỷ lệ tiền đái tháo đường là 27%. Nhóm tuổi từ 30-64 được xem là đối tượng được khoanh vùng có tỷ lệ mắc ĐTĐ cao nhất, ước tính khoảng 2.7%. Thống kê cũng cho thấy nhóm tuổi mắc ĐTĐ đang có xu hướng trẻ hóa theo thời gian.
Theo ý kiến của PGS-TS Tạ Văn Bình, Viện trưởng Viện Đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa “Điều nguy hiểm nhất chính là người bệnh không hề ý thức được bản thân đang mắc bệnh cho đến lúc nó trở nặng và gây ra biến chứng nguy hiểm”. Như vậy, việc phòng chống và cứu chữa kịp thời rất quan trọng vì chỉ cần chủ quan, bệnh có thể dẫn đến nguy cơ biến chứng nặng như mù lòa, tổn thương tim mạch, dây thần kinh, dẫn đến nhiễm trùng và phải cắt cụt chi.
Giải pháp giảm gánh nặng điều trị
Đái Tháo Đường là vấn đề nan giải không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh mà còn là gánh nặng đối với ngành y tế của nhiều quốc gia hiện nay. Ở Việt Nam, hằng năm, ngành y tế đã phải tiêu tốn khoảng 3-6% ngân sách để điều trị các biến chứng của ĐTĐ. Về chi phí điều trị, PGS.TS Bình cũng cho biết: “Chi phí cho điều trị bệnh ĐTĐ là một chi phí phức tạp, tổng hợp của nhiều yếu tố do nó phải gắn liền với giải quyết biến chứng của bệnh, đặc biệt là những người phải nằm viện thì thường chi phí điều trị các biến chứng chiếm tới 2/3 tổng chi phí điều trị”. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm bệnh trong giai đoạn chưa khởi phát rất quan trọng để tránh tình trạng “bệnh chồng bệnh”.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, một số loại thuốc điều trị ĐTĐ hiện nay không thể khống chế được tình trạng bệnh, dẫn đến bác sĩ phải điều chỉnh tăng liều cho bệnh nhân hoặc phối hợp với các nhóm thuốc khác. Khi đó bệnh nhân sẽ phải uống rất nhiều loại thuốc cùng một lúc. Điều này sẽ tạo nên sự thiếu chủ động cho bệnh nhân trong việc tuân thủ đúng liều lượng của thuốc, đặc biệt là nhóm bệnh nhân cao tuổi.
Gần đây, công nghiệp dược phẩm đã có bước tiến đột phá, mang đến một giải pháp mới trong việc sản xuất thuốc điều trị bệnh ĐTĐ khi cho ra đời loại thuốc phối hợp trong 1 viên (1 lần uống 1 viên duy nhất). Việc phối hợp sẵn nhiều hoạt chất trong một loại thuốc giúp bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân cao tuổi, sử dụng tiện lợi và dễ dàng hơn trong việc tuân thủ điều trị, đồng thời giúp người bệnh kiểm soát tốt được đường huyết, đưa về mức chuẩn, hạn chế tăng cân và chủ động hơn trong suốt quá trình điều trị. Theo đánh giá, các thế hệ thuốc mới này giúp bác sĩ kê toa nhanh chóng và chính xác hơn; nhân viên khoa Dược và các nhà thuốc quản lý, phân phát thuốc đơn giản hơn và tránh được tối đa các sai sót hay nhầm lẫn thuốc.
Cô Phạm Thu H, 53 tuổi (ngụ tại Quận 1, TP. HCM) bị ĐTĐ cho biết, hơn 3 tháng qua cô đã được bác sĩ chỉ định dùng loại thuốc mới. Loại thuốc này không những giúp hạ đường huyết nhanh mà còn giúp ổn định đường huyết lâu dài. Cô H. còn cho biết mình đã không còn gặp tình trạng quên hay lấy thiếu một loại thuốc như phác đồ trước đây phải dùng nhiều loại nữa.
Với sự phát triển của khoa học, việc ra đời loại thuốc phối hợp nhiều hoạt chất trong một viên trong việc điều trị ĐTĐ sẽ góp phần rất lớn vào việc kiểm soát tình trạng ĐTĐ cũng như hạn chế những biến chứng nguy hiểm, giảm thiểu gánh nặng của căn bệnh này đối với toàn xã hội.
Theo VNE