Giải pháp để doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ vay
Người dân, doanh nghiệp đang có các khoản nợ vay tại các ngân hàng và có thu nhập, doanh thu sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài có thể liên hệ với các ngân hàng để được cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc giảm lãi vay.
Đáng chú ý, các khoản nợ sẽ được cơ cấu lại trong thời gian 12 tháng và việc giãn nợ kéo dài đến tháng 6/2022.
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: TTXVN
Kéo dài thời gian cơ cấu các khoản nợ vay
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Thông tư 14 được sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi và hỗ trợ nhiều hơn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh kéo dài; trong đó, có một số điểm mới đáng lưu ý.
Cụ thể, Thông tư 14 cho phép thay đổi các khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021, thay vì chỉ bao gồm các khoản nợ phát sinh đến trước ngày 10/6/2020 theo Thông tư 01. Đồng thời, kéo dài thời gian tái cơ cấu nợ đến ngày 30/6/2022, thay vì như kế hoạch ban đầu là ngày 31/12/2021.
Điều này không chỉ tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai mà còn góp phần không nhỏ giúp người dân, doanh nghiệp ổn định dòng tiền, giảm bớt áp lực tài chính trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
“Hiện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai kịp thời và tổ chức có hiệu quả Thông tư 14, để đảm bảo cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận với chính sách hỗ trợ đầy đủ theo quy định. Đồng thời, sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện Thông tư 14 và việc đồng thuận giảm lãi vay ở các ngân hàng, đảm bảo cho chính sách đi vào cuộc sống một cách thiết thực nhất”, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết.
Ngay khi Thông tư 14 có hiệu lực từ ngày 7/9/2021, một số ngân hàng thương mại cho biết cũng đã bắt đầu triển khai việc cơ cấu lại nợ cho khách hàng.
Video đang HOT
Theo ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), hiện ngân hàng đã triển khai việc cơ cấu nợ cho khách hàng đủ điều kiện. Theo đó, các khách hàng có dư nợ vay tại Sacombank đang gặp nhiều khó khăn do dịch không có khả năng thanh toán được các khoản nợ gốc, lãi đến hạn và có đề xuất được cơ cấu, giãn nợ thì ngân hàng sẽ xem xét triển khai áp dụng hỗ trợ theo nội dung của Thông tư 14.
Một số ngân hàng cũng cho biết, do có liên quan đến các quy định pháp lý, nên ngân hàng không thể tự động cơ cấu lại nợ hay giảm lãi vay cho khách hàng mà cần có đề xuất của khách hàng. Hiện nhiều tỉnh, thành đang phải áp dụng Chỉ thị 16 nên gặp nhiều khó khăn khi di chuyển, nhưng người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông qua các kênh giao dịch trực tuyến và liên hệ tổng đài ngân hàng để được hướng dẫn hỗ trợ.
Đối với vấn đề giảm lãi vay đối với các khoản vay mới, hiện nhiều ngân hàng đang triển khai các gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ cho khách hàng, nhất là ở các tỉnh thành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch.
Chẳng hạn, mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết, từ nay đến 31/12/2021, Agribank cân đối 30.000 tỷ đồng chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ để hỗ trợ khách hàng tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Với chương trình này, khách hàng có thể được giảm lãi suất cho vay lên đến 2 điểm %/năm.
Video Player is loading.
PauseUnmute
Remaining Time 7:58
X
Hay như tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), ngoài việc giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hành, MB cũng xây dựng các gói lãi suất và các sản phẩm cho vay mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5 – 1,5 điểm % so với biểu lãi suất thông thường trước đây của MB. Với các sản phẩm, dịch vụ mới, MB giảm lãi suất cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
Tuy vậy, theo các ngân hàng, do diễn biến dịch kéo dài, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất, chuỗi cung ứng bị đứt gãy nên khả năng hấp thụ vốn vay mới vào nền kinh tế hiện rất chậm.
Theo ông Phan Đình Tuệ, dù ngân hàng có chính sách ưu đãi giảm lãi vay, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng đang gặp nhiều khó khăn và có xu hướng chậm dần trong 2 tháng gần đây. Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trong nước. Hiện dư địa tín dụng còn nhiều nên chỉ cần các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn theo quy định thì đều được ngân hàng xem xét cho vay.
Thực tế, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến hết tháng 8/2021, tăng trưởng tín dụng cả nền kinh tế đạt 7,4% so với cuối năm 2020, tương đương với mức tăng 14,6% so với cùng kỳ. Mặc dù tín dụng vẫn duy trì đà hồi phục kể từ tháng 4/2020, tuy nhiên tăng trưởng trong tháng 8 có phần chậm lại dưới ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội. Trong 2 tháng 7 và 8/2021, tổng giá trị tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 88.000 tỷ đồng, chủ yếu vào giai đoạn cuối tháng 8 và thấp hơn nhiều so với mức tăng thêm 600.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.
Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, tăng trưởng tín dụng sẽ chưa có nhiều tiến triển trong tháng 9 và tháng 10, khi lệnh giãn cách xã hội vẫn còn áp dụng ở nhiều thành phố lớn. Thanh khoản trên hệ thống nhờ đó vẫn duy trì trạng thái dồi dào và lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp.
Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, tín dụng toàn ngành đã giảm từ tháng 7 khi số lượng ca nhiễm mỗi ngày tăng cao và việc giãn cách xã hội quyết liệt hơn được áp dụng ở nhiều thành phố lớn. Do đó, tín dụng hệ thống chỉ tăng 0,9 điểm % trong 2 tháng vừa qua, đạt 7,4% tại thời điểm cuối tháng 8.
VNDirect theo đó hạ dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành cho năm 2021 xuống còn 10-12%, từ mức 13% trước đó, do đánh giá cầu tín dụng chưa phục hồi bởi ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay. Ở kịch bản cơ sở, các chuyên gia của VNDirect kỳ vọng số lượng ca nhiễm mỗi ngày sẽ giảm và việc đi lại sẽ được nới lỏng vào cuối tháng 9. Nhu cầu tín dụng theo đó sẽ tăng trở lại vào cuối quý 4/2021.
Trẻ em là F0 tại TP Hồ Chí Minh sẽ được hỗ trợ như thế nào?
Ngày 11/9, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã có văn bản trả lời một số vấn đề liên quan đến trẻ em khi là F0.
Đáng chú ý, khi trẻ em là F0 ngoài hỗ trợ theo quy định của nhà nước còn được hưởng các hỗ trợ khác.
Trẻ em là F0 sẽ nhận được nhiều hỗ trợ từ nhà nước và các đơn vị, ban ngành TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Bệnh viện Nhi Đồng TP Hồ Chí Minh
Theo đó, khi trẻ em là F0 sẽ được hưởng trợ cấp theo các công văn: Công văn số 2209/UBND-KT ngày 1/7/2021 của UBND TP Hồ Chí Minh về triển khai chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID- 19, hỗ trợ người đang điều trị, cách ly tập trung (trong đó có trẻ em) tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày trong thời gian điều trị, bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung; đối với Công văn số 2512/UBND-VX ngày 28/7 của UBND TP Hồ Chí Minh triển khai hỗ trợ đối với trẻ em (người dưới 16 tuổi theo quy định của Luật Trẻ em) đang điều trị do mắc COVID-19 (F0), hoặc cách ly y tế để phòng chống COVID-19 (F1) theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tiền ăn với mức 80.000 đồng/người/ngày, từ ngày 27/4 đến ngày 31/12; thời gian hỗ trợ theo thời gian điều trị thực tế nhưng tối đa 45 ngày đối với F0 và 21 ngày đối với F1.
Ngoài ra, trẻ em còn được hỗ trợ thêm một lần mức 1 triệu đồng/trẻ em và ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí đối với các chi phí ngoài phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và chi phí khám, chữa bệnh đối với trẻ em không có thẻ bảo hiểm tế. Khi trẻ trở về nhà (sau khi điều trị và cách ly tập trung) thì được chính quyền địa phương, ban ngành, đoàn thể xác minh hoàn cảnh hỗ trợ gạo, mì gói, sữa... Nếu quá khó khăn thì kêu gọi các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm giúp đỡ.
Đối với trường hợp trẻ em có cha mẹ đã qua đời vì COVID, theo Sở Lao động Thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh, căn cứ Khoản 1, Điều 5, Chương II, Nghị định 20/2021/NĐ-CP: trẻ em mồ côi cả cha mẹ sẽ được xét trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng.
Theo đó, mức trợ cấp có hệ số là 2,5 đối với trường hợp trẻ dưới 4 tuổi; hệ số 1,5 đối với trường hợp từ đủ 4 tuổi trở lên, được cấp thẻ Bảo hiểm y tế miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường. Thời gian trợ cấp đến dưới 16 tuổi; nếu đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học sẽ tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.
Mặt khác, căn cứ Luật Trẻ em 2016, Nghị định 56/2017/NĐ-CP và Nghị định 20/2021/ NĐ-CP, trẻ mồ côi cả cha mę thì được đưa vào diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế bởi ông, bà, cô, chú cậu, dì, người thân; cá nhân cộng đồng trong xóm, tổ dân phổ; nhận nuôi con nuôi; đưa vào các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập.
Hiện nay, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cũng đã và đang vận động chăm sóc, hỗ trợ cho trẻ có cả cha mẹ qua đời vì COVID hoặc chỉ có cha hoặc mẹ qua đời vì COVID, người còn lại đang điều trị trong khu cách ly tập trung có hoàn cảnh khó khăn từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng/trẻ và hỗ trợ thêm gạo, sữa, mì gói..
Những gia đình có trẻ em sẽ được các đơn vị, ban ngành chăm lo trong mùa dịch bệnh.
Liên quan đến vấn đề TP Hồ Chí Minh có kế hoạch hỗ trợ cho các em trên địa bàn để các em được đi học lâu dài, Sở Lao động Thương binh và xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, để chia sẻ khó khăn, giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh trước bối cảnh dịch bệnh kéo dài, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã đề xuất miễn học phí học kỳ I; đồng thời kêu gọi người dân có điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay cũ, không có nhu cầu sử dụng chia sẻ với học sinh khó khăn trong việc học trực tuyến.
Ngoài ra, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, các đoàn thể và tổ chức xã hội đã và đang vận động các nguồn lực hỗ trợ cơ sở vật chất, máy tính, điện thoại và kết nối mạng... tạo điều kiện cho các em học online.
Đối với trẻ em thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em diện bảo trợ xã hội (mồ côi cả cha mę, trẻ mồ côi 1 phía nhưng người còn lại không có khả năng chăm lo, không nguồn nuôi dưỡng, trẻ khuyết tật...) được miễn giảm các khoản phụ phí khác; các em có gia đình khó khăn nhưng vượt khó vươn lên trong học tập cũng sẽ được các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... quan tâm với nhiều chương trình học bổng hỗ trợ học tập.
Ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất huy động Khảo sát biểu lãi suất của các ngân hàng trong tuần đầu tháng 9/2021 cho thấy lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tiếp tục có xu hướng điều chỉnh giảm. Khách hàng giao dịch tại hội sở chính Vietcombank, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN Tại các ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát...