‘Giải pháp cứu bất động sản chỉ là liều thuốc đông y’
Cho rằng tồn kho chất đầy như núi, nhiều đại biểu lo ngại, giải pháp cứu địa ốc mới chỉ ngấm từ từ khiến một cơ thể ốm yếu không vượt qua cơn trọng bệnh. Song Bộ trưởng Xây dựng cam kết, giải pháp sẽ giúp thị trường dần hồi phục.
Tại phiên họp bàn về giải pháp cứu thị trường bất động sản sáng 24/1, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết, theo dữ liệu từ 94 sàn giao dịch, trong 11 tháng năm 2012, Hà Nội có 1.833 giao dịch thành công với tổng giá trị 6.198 tỷ đồng. Hiện có trên 50% sàn giao dịch bất động sản tạm dừng hoặc không có giao dịch. Tại TP HCM, lượng giao dịch thành công không nhiều. Giá thị trường giảm trên hầu hết các phân khúc từ 5 đến 50%.
Đại biểu Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cho rằng, thị trường bất động sản khủng hoảng như hiện nay là do sự bất cập của thể chế. Đơn cử, năm 2009 lĩnh vực xây dựng cơ bản đã phải sửa một loạt luật, do vậy, nay cần có quy định cụ thể để tháo gỡ. “Nhà ở giống như máy bay, hạng thương gia thì nhiều mà phổ thông thì ít. Nếu không bắt đúng bệnh thị trường với những quy định thể chế cụ thể thì càng can thiệp càng rối”, ông Lịch lo ngại.
Lương căn hộ chung cư hiện nay có thể đáp ứng đến năm 2050. Ảnh: Hoàng Lan
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước đồng tình, các giải pháp về hàng tồn kho cũng như giải cứu thị trường địa ốc nói chung mới chỉ là “phần ngọn”. Theo ông Kiêm, khi chưa giải quyết tận gốc vấn đề thì “cục máu chưa kịp tan đã đọng lại”.
Người đứng đầu ngành xây dựng giải đáp, một trong nguyên nhân dẫn đến thị trường đóng băng như hiện nay là do công tác quản lý từ trung ương địa phương còn yếu, luật có nhiều chồng chéo, thiếu quy hoạch đồng bộ dẫn đến lệch pha cung cầu, thị trường ách tắc. Trong tổng số trên 3.000 dự án phân cấp cho các địa phương phê duyệt, chỉ có 34 dự án thuộc quyền chấp thuận của Chính phủ. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ đã xây dựng xong nghị định về quản lý phát triển đô thị, theo hướng tăng cường kiểm soát thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Thị trường bất động sản liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành như xây dựng, vật liệu xây dựng, điện, nội thất, thi trường tài chính tiền tệ và công tác quản lý Nhà nước. “Do vậy, các giải pháp sẽ dần dần từng bước tháo gỡ khó khăn nhưng không thể dứt điểm ngay”, Bộ trưởng Dũng thẳng thắn.
Chưa hài lòng với câu trả lời, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – Đại biểu Đỗ Văn Đương đánh giá, giải pháp tháo gỡ tồn kho cũng như của thị trường bất động sản hiện mới chỉ là liều thuốc đông y. “Thuốc ngấm từ từ, chầm chậm, kéo dài, trong khi đó cơ thể lại đang ốm yếu thì hiệu quả không cao”, ông nói.
Video đang HOT
Một số giải pháp được ông Đương đánh giá là liều thuốc tây y như chia nhỏ căn hộ, phát triển nhà ở xã hội… nhưng mới chỉ đáp ứng được một phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, không đủ sức để giải cứu thị trường bất động sản. “Trong khi đó, chung cư cao tầng chất chồng như núi. Bộ Xây dựng đánh giá tác động của các giải pháp cứu chung cư, biệt thự đất nền có đạt hiệu quả 70-80% hay không? Tôi cho là nếu chỉ có 10-20% thì không đạt hiệu quả”, ông Đương chất vấn.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản có tính chất dài hạn chứ không phải ngắn hạn. Theo ông Dũng, để giải quyết một cách nhanh triệt để cứu thị trường cần nguồn lực tài chính rất lớn. Các nước trên thế giới phải bỏ tiền từ quỹ dữ trữ quốc gia để mua lại tồn kho bất động sản sau đó bán lại, còn Việt Nam chưa đủ điều kiện thì phải tháo gỡ từng bước.
“Giải pháp chúng tôi đưa ra đủ mạnh chưa? Tôi xin trả lời, chúng tôi mốn mạnh hơn nữa và tất nhiên, phải hoàn toàn phù hợp với nền kinh tế Việt Nam. Phân khúc nhà ở sẽ ấm lên, thị trường bất động sản sẽ bớt khó khăn chứ chưa vượt qua được khó khăn ngay”, Bộ trưởng Dũng trả lời.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tồn kho các dự án phát triển nhà ở khoảng 42.250 căn nhà, 92.800 m2 sàn văn phòng cho thuê, 98.400 m2 trung tâm thương mại, 7,9 triệu m2 đất nền, 1,9 triệu m2 đất thương mại. Bộ Xây dựng ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho khoảng 111.963 tỷ đồng. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho hay, số liệu về tồn kho bất động sản mới chỉ nói một phần tồn kho, nhiều dự án còn nợ xấu khách hàng.
Tuy nhiên, tháo báo cáo quý IV/2012 của Công ty CB Richard Ellis (CBRE) Việt Nam, TP HCM; Hà Nội lần lượt có tới hơn 28.000 và 20.500 căn hộ đã chào bán trên thị trường nhưng chưa có chủ sở hữu và phải mất 4-5 năm nữa mới có thể vượt qua tình trạng thừa cung. Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2012 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng TP HCM và Hà Nội mỗi nơi có khoảng hơn 35.000 căn hộ sẵn sàng để bán.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa, đoàn TP HCM cho rằng, thực trạng bất động sản có quá nhiều bí ẩn và người cứu chưa bắt đúng mạch của con bệnh. Nguồn cung bất động sản quá lớn. “Thậm chí có ý kiến cho rằng, lượng căn hộ hiện đáp ứng được nhu cầu về nhà ở đến tận năm… 2050. Liệu có nhóm lợi ích nào thao túng?”, ông Hòa nghi vấn.
Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Dũng cho hay, Bộ vẫn đang đánh giá về hàng tồn kho để dữ liệu chính xác hơn. “Tất cả các chính sách đưa ra đều vì nền kinh tế, không vì lợi ích nhóm”, Bộ trưởng rành rọt. Hàng tồn kho theo Bộ trưởng là những sản phẩm chưa được giao dịch mặc dù đã hoàn thành. Trường hợp dự án có người mua nhưng hạ tầng chưa có thì không được xếp vào tồn kho.
Tại hội nghị, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình cam kết, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương khuyến khích ngân hàng thương mại cho vay vốn những dự án đang dang dở. Tuy nhiên, việc đánh giá cụ thể về vốn đầu tư, dự án khả thi hay không thì phụ thuộc vào từng chính sách của ngân hàng thương mại”, ông nói.
Theo VNE
Giải cứu thị trường hay bảo vệ lợi ích nhóm?
Đó là câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên điều trần của Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về giải pháp giải cứu thị trường bất động sản diễn ra sáng qua.
Có tạo thêm các khu "ổ chuột"?
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng nói trong các giải pháp Chính phủ ban hành đã bao gồm cả giải pháp lâu dài, như hướng tới việc cân đối cung - cầu trên thị trường thông qua chú trọng tới phân khúc nhà ở xã hội cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp. Tuy vậy, ông Dũng thừa nhận các giải pháp đưa ra mới dừng ở "liệu cơm gắp mắm" trong bối cảnh tiềm lực kinh tế có giới hạn, trong khi bộ mong muốn giải pháp "liều lượng mạnh hơn".
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong phiên điều trần - Ảnh: C.T.V
Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương "truy": Việc cho phép chia nhỏ chung cư có trái gì với chủ trương xây dựng đô thị khang trang hiện đại hiện nay không? Liệu có tạo ra những khu "ổ chuột" mới? "Khái niệm nhà ổ chuột là gắn liền với hình ảnh xập xệ, chất lượng thấp, điều kiện hạ tầng, môi trường kém. Nhưng những căn hộ diện tích nhỏ mà có chất lượng đảm bảo, điều kiện hạ tầng xung quanh tốt thì không thể nói là ổ chuột", Bộ trưởng Dũng "phản biện". Ông Dũng còn dẫn chứng các nước xung quanh cũng có những căn hộ diện tích rất bé, khoảng 15 m2 nhưng rất khang trang hiện đại giữa nội đô, đáp ứng nhu cầu ở trung tâm đô thị, và thông tin thêm: "Hiện đã có nhiều doanh nghiệp (DN), nhất là ở TP.HCM, chủ động xin được cơ cấu lại dự án, thiết kế để cho ra sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, với trường hợp xin chia nhỏ căn hộ, nếu tăng dân số trong phạm vi nhà đó thôi thì không sao nhưng tăng ở quy mô khu vực thì phải tính toán điều kiện hạ tầng xung quanh rồi mới cho phép cơ cấu lại diện tích nhà hay không".
Hiện trên thị trường BĐS nguồn cung căn hộ đã vượt nhu cầu rất nhiều, thậm chí có chuyên gia đánh giá nguồn cung đủ đáp ứng đến 2050, vậy tại sao DN không chịu giảm giá bán căn hộ trong khi quy luật cung thừa thì phải giảm giá? Liệu có thế lực ngầm nào mong chờ sự giải cứu này không?
Chủ tịch Tập đoàn Than - khoáng sản VN Trần Xuân Hòa
Có thế lực ngầm nào mong chờ giải cứu?
Chủ tịch tập đoàn Than - khoáng sản VN Trần Xuân Hòa đặt vấn đề: "Băng" ở thị trường bất động sản (BĐS) có một phần vốn nhà đầu tư nước ngoài, người đầu cơ trục lợi, vậy có nên đặt vấn đề giải cứu hay cần coi là sự điều chỉnh tất yếu trong xã hội. "Hiện trên thị trường BĐS nguồn cung căn hộ đã vượt nhu cầu rất nhiều, thậm chí có chuyên gia đánh giá nguồn cung đủ đáp ứng đến 2050, vậy tại sao DN không chịu giảm giá bán căn hộ trong khi quy luật cung thừa thì phải giảm giá? Liệu có thế lực ngầm nào mong chờ sự giải cứu này không?", ông Hòa chất vấn.
Theo Bộ trưởng Xây dựng, giá BĐS tại Hà Nội hiện đã giảm được ít nhất 5%, đất nền có dự án giảm tới 50%, chung cư giảm bình quân 15 - 20%, có nơi giảm tới 30%. Tuy nhiên, mức giảm chưa phù hợp với khả năng thanh toán cũng như kỳ vọng của người dân, nhà đầu tư vẫn lãi nhiều. Bộ trưởng cho rằng, vấn đề mấu chốt quyết định mức giảm giá BĐS chính là khả năng chịu đựng của DN đó đến đâu, vì liên quan tới chi phí đầu tư, lãi vay ngân hàng và khả năng tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa, theo quy luật thị trường thì chúng ta có biện pháp can thiệp điều chỉnh cung - cầu nhưng không thể bắt nhà đầu tư "hạ thế này hạ thế kia được".
Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa Lê Nam nói: "Cần phải bóc tách phần hệ quả của hoạt động đầu cơ chụp giật, đẩy giá, thậm chí là tham nhũng trong khối băng BĐS, vì nhà nước không thể gánh hết lượng hàng tồn kho trong thị trường. Với những trường hợp như vậy nên để thị trường tự điều tiết sẽ có lợi hơn cho người dân". Ủy viên Ủy ban Kinh tế Bùi Văn Phương "bồi" thêm: Bây giờ DN BĐS đang chờ đợi, ỷ lại vào sự giải cứu của nhà nước, như vậy có công bằng hay không, như vậy sẽ là bảo vệ lợi ích nhóm. Không thể cứ một người gây ra và một người đi giải quyết hậu quả.
Theo Bộ trưởng, bảo vệ lợi ích DN cũng là vì lợi ích của xã hội, của người dân vì DN có tiếp tục sản xuất mới làm ra sản phẩm, giải quyết việc làm, nộp thuế. "Giải pháp này đưa ra thì phân khúc nhà ở xã hội sẽ ấm lên, người nghèo sẽ có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở. Cùng với thời gian, sự phục hồi của nền kinh tế thì thị trường BĐS sẽ được tháo gỡ khó khăn", Bộ trưởng quả quyết.
Nhà ở xã hội chỉ nên dưới 500 triệu đồng
Trong tài liệu gửi tới phục vụ phiên giải trình, NHNN Việt Nam cho biết sẽ phối hợp Bộ Xây dựng ban hành quy chế cho vay của các NHTM đối với các đối tượng thu nhập thấp, CBCCVC để mua, thuê nhà ở xã hội và mua, thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Quy chế này dự kiến được áp dụng vào cuối tháng 3 tới.
Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Ngô Văn Minh tỏ ý nghi ngờ: NH tới đây sẽ cho vay bằng LS huy động cộng 3% cho nhà đầu tư hoặc trần LS huy động cộng với 1% cho người thu nhập thấp. Nhưng với mức lãi vay khoảng 10% thì với căn nhà khoảng 70 m2, giá 15 triệu đồng/m2 chẳng hạn, mỗi năm người thu nhập lấy đâu ra 100 triệu đồng mà trả lãi?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đồng tình với nhận định của ĐB Minh và thừa nhận giá nhà ở xã hội mà 1 tỉ đồng/căn "là khó thật". Theo ông Dũng, nhà ở xã hội giá chỉ nên khoảng 500 triệu đồng trở lại thôi. Hiện Bình Dương đang làm nhà ở xã hội khoảng 30 - 36 m2 và chỉ bán khoảng 90 triệu đồng. Mong muốn là Hà Nội sẽ làm nhà ở xã hội khoảng 500 triệu đồng với khoảng 50 m2, cộng với ngân hàng cho vay lãi suất thấp khoảng 3 - 6%, vì nếu cao hơn sẽ khó khả thi. "Muốn như vậy thì NHNN phải có một gói tái cấp vốn từ 20.000 - 40.000 tỉ để hỗ trợ các NHTM, cộng với hỗ trợ của các địa phương theo điều kiện cụ thể, như vậy thì người nghèo sẽ có nhà", Bộ trưởng đề nghị.
Theo TNO
Thủy điện Sơn La hoàn thành sớm 3 năm Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định, thủy điện Sơn La đáp ứng yêu cầu thiết kế, đủ điều kiện đưa vào vận hành khai thác sử dựng. Việc hoàn thành sớm 3 năm so với kế hoạch đã làm lợi 2 tỷ USD cho đất nước. Sáng 20/12, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đã...