Giải pháp cho Biển Đông: Con đường gian nan
Tranh chấp Biển Đông tiếp tục sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN ( AMM) lần thứ 48. Tuy nhiên, con đường đi tìm tiếng nói chung về vấn đề này xem ra còn khá gian nan…
Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 48 đang diễn ra tại Malaysia – Ảnh: Lam Yên
Ngày 3.8, ngoại trưởng 10 nước ASEAN tập trung tại Kuala Lumpur (Malaysia) để tham dự Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 48 (từ ngày 1 đến ngày 6.8). Trưởng đoàn VN là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh.
Trong khuôn khổ Hội nghị còn có Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần 22 với sự tham dự của 10 ngoại trưởng ASEAN cùng 17 nước đối tác đối thoại, sẽ thảo luận các vấn đề chính trị và an ninh hiện tại của quốc tế và trong khu vực.
Ngoài ra, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho biết các nhà lãnh đạo sẽ tham gia thêm Hội nghị sau Hội nghị Bộ trưởng (PMC) về các vấn đề liên quan đến ASEAN, và thảo luận cùng 10 đối tác chiến lược tiềm năng như Úc, Trung Quốc, Canada, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Nga, Liên minh Châu Âu và Mỹ.
Những năm gần đây, các tranh chấp trên Biển Đông ngày càng gia tăng và có xu hướng căng thẳng. Giữa năm 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam đã gây căng thẳng trong khu vực. Phía Philippines cũng tìm sự ủng hộ của trọng tài quốc tế để giải quyết các tranh chấp và chỉ trích Trung Quốc như một “kẻ lật lọng” khi làm trái các cam kết giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán. Khi căng thẳng tiếp tục bùng phát trên các vùng biển tranh chấp, Trung Quốc đã công khai cảnh cáo Nhật và Mỹ không nên tham gia vào cuộc xung đột này.
Vì vậy, một sự đồng thuận về giải pháp cho Biển Đông là cần thiết hơn lúc nào hết.
Tại cuộc họp báo trước thềm Hội nghị, Ngoại trưởng Malaysia, Anifah Aman cho biết Hội nghị lần này sẽ xem xét một số đề xuất nhằm giải quyết căng thẳng gia tăng giữa các quốc gia và sự cần thiết để thực thi các đoạn văn có liên quan của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). “Đây là một bước tiến quan trọng đối với việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”, ông nói.
Cuối tháng 7 vừa qua, tại Hội nghị quan chức cấp cao (SOM) tổ chức tại Thiên Tân (Trung Quốc), ASEAN và Trung Quốc đã đồng thuận tiến tới giai đoạn đàm phán tiếp theo để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), nhằm ràng buộc các bên tranh chấp không “châm ngòi nổ” cho các xung đột tại khu vực; đồng thời thành lập “đường dây nóng” để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông.
Tuy nhiên, chỉ sau đó vài ngày, đầu tháng 8 Trung Quốc lại “thả” hơn 10.000 tàu cá tràn vào Biển Đông và kêu ca an ninh biển đang bị đe doạ. Hành vi “bất nhất” của Trung Quốc càng làm hy vọng tìm được tiếng nói chung về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị càng nhỏ dần.
Cạnh đó, bất chấp lời kêu gọi thống nhất quan điểm, một số thành viên ASEAN có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc vẫn có những chương trình nghị sự phân kỳ. Điều này cũng khiến việc thảo luận vấn đề Biển Đông trở nên “nhạy cảm” và khó giải quyết hơn.
Lam Yên
(từ Kuala Lumpur)
Video đang HOT
Theo Thanhnien
ASEAN- Việt Nam: 20 năm đồng hành và tương lai phía trước
Ngày hôm nay (28/7) là tròn 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN, đánh dấu một mốc lịch sử mang ý nghĩa to lớn với quốc gia và khu vực.
Cách đây 20 năm, ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Brunei, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội này.
20 năm tham gia, ASEAN đã chứng kiến quá trình trưởng thành của Việt Nam trên sân chơi hội nhập. (ảnh: KT)
Đây là một dấu mốc lớn đánh dấu quá trình hội nhập khu vực cũng như tiến trình hợp tác, liên kết của cả khu vực, có thể xem như một bước ngoặt trong tiến trình mở cửa và hội nhập khu vực, quốc tế của đất nước. Cánh cửa đầu tiên đã được mở ra giúp Việt Nam từng bước tháo gỡ thế bao vây, cấm vận, đưa đất nước hòa nhập vào đời sống khu vực.
20 năm tham gia, ASEAN đã chứng kiến quá trình trưởng thành của Việt Nam trên sân chơi hội nhập từ giai đoạn học hỏi, làm quen, đến thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của thành viên, tiến tới tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm.
Thành tựu của Việt Nam sau 20 năm gia nhập
Ba năm sau khi chính thức gia nhập, Việt Nam đã đảm nhận nghĩa vụ đầu tiên của một thành viên với việc tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (1988), chủ trì xây dựng và thông qua Chương trình Hành động Hà Nội (HPA) triển khai Tầm nhìn ASEAN 2010 cũng như đề ra các biện pháp ứng phó với các vấn đề nảy sinh sau khủng hoảng tài chính khu vực, để lại dấu ấn tốt đẹp đầu tiên của Việt Nam trong ASEAN.
Ba năm tiếp theo đó, theo luân phiên, Việt Nam tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (2000 - 2001) khóa 34, chủ trì thành công chuỗi các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và giữa ASEAN với các Đối tác tại Hà Nội tháng 7/2001, đề xuất và thông qua, Tuyên bố Hà Nội về Thu hẹp khoảng cách phát triển, cụ thể hoá Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) đẩy mạnh phát triển đồng đều, bền vững trong Hiệp hội.
Vai trò của Việt Nam tiếp tục được thể hiện rõ nét qua những đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng các văn kiện định hướng lớn đưa ASEAN chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh liên kết và xây dựng cộng đồng như: Tuyên bố Hòa họp Bali II năm 2003, Chương trình Hành động Vientiane (VAP) năm 2004, Hiến chương ASEAN năm 2007, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2009-2015, Kế hoạch Công tác Sáng kiến Liên kết ASEAN...
Một trong những kết quả nổi bật là Việt Nam đã thực hiện xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2010 - năm bản lề quan trọng đối với ASEAN trong kế hoạch 5 năm thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào 2015 trong giai đoạn chuyển tiếp, đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống với tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động mới.
Một cuộc họp giữa các lãnh đạo cấp cao ASEAN trong năm Việt Nam đóng vai trò là Chủ tịch ASEAN. (ảnh: AP)
Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác ASEAN với chủ đề "Hướng tới cộng đồng ASEAN: Từ tầm nhìn đến hành động"; chủ trì tổ chức và điều hành một loạt các hoạt động quan trọng của ASEAN và thông qua nhiều Văn kiện, tuyên bố quan trọng, có tầm chiến lược trong định hướng phát triển của ASEAN. Việt Nam đã chủ động nêu các sáng kiến quan trọng trong việc lập một số cơ chế mới như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN 8 (ADMM ), Hội nghị những người đứng đầu các cơ quan an ninh ASEAN (MACOSA), và việc Hội nghị Thượng đỉnh Đông á (EAS) đã được mở rộng với sự tham gia của Nga và Mỹ.
Trên nền tảng những kết quả tốt đẹp của năm 2010, Việt Nam tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò chủ động và tích cực trong triển khai các trọng tâm, ưu tiên hướng mạnh về mục tiêu hình thành Cộng đồng như nỗ lực thực hiện hiệu quả và đúng hạn Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đẩy mạnh thu hẹp khoảng cách phát triển, triển khai kết nối ASEAN, đóng góp quan trọng và việc xây dựng và triển khai các văn kiện và quyết sách chiến lược của ASEAN trong giai đoạn mới như Tuyên bố về Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các quốc gia toàn cầu (Tuyên bố Hoà hợp Bali II) năm 2011, Tuyên bố về các nguyên tắc quan hệ cùng có lợi của Cấp cao năm 2012, khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP)...
Trong giai đoạn điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc từ 2009 - 2012, Việt Nam đã góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hai bên đi vào chiều sâu và thực chất hơn, trong đó có việc thông qua chương trình hành động thực hiện Tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc 2011 - 2015, các Nguyên tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) xây dựng các thành tố cơ bản của Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam tiếp tục dành ưu tiên cao và cam kết mạnh mẽ cùng các nước thành viên tập trung đưa Cộng đồng ASEAN đi vào hiện thực, đồng thời chuẩn bị cho những bước phát triền mới tiếp theo của cộng đồng ASEAN sau năm 2015.
Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam tiếp tục dành ưu tiên cao đưa Cộng đồng ASEAN đi vào hiện thực. (ảnh: ITN)
Có thể nói, Việt Nam là một trong 3 nước đạt tỷ lệ cao nhất trong việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch tổng thể Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (84,5%) dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay, tích cực đàm phán về các biện pháp thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ và nỗ lực hoàn thành cam kết về xóa bỏ thuế quan đối với các sản phẩm trong các ngành ưu tiên hội nhập, mở rộng hợp tác và liên kết kinh tế giữa ASEAN với các đối tác.
Những lợi ích mà Việt Nam nhận được khi gia nhập ASEAN
Hội nhập và tham gia và các hoạt động hợp tác của ASEAN giúp Việt Nam tranh thủ được những lợi ích thiết thực về kinh tế-thương mại và văn hóa - xã hội, hỗ trợ đắc lực cho phát triền kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tham gia liên kết kinh tế nội khối ASEAN cũng như các thỏa thuận Thương mại tự do giữa ASEAN với các Đối tác một mặt giúp Việt Nam thu hút đầu tư và kinh doanh từ bên ngoài, mặt khác, cũng là cầu nối để Việt Nam tiếp cận các thị trường tiềm năng trong và ngoài khu vực.
Điển hình nhất là thông qua tham gia AFTA, quan hệ kinh tế thương mại của Việt Nam tiếp tục được nhân lên trong và ngoài ASEAN với các thỏa thuận FTA của ASEAN với các đối tác quan trọng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand (sắp tới là Hongkong, EU, Mỹ) ... và các khuôn khổ thương mại đa phương sâu rộng hơn là RCEP, TPP.
Hơn nữa, Việt Nam cũng tiếp nhận thêm nguồn lực, thông tin, khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại, từng bước nâng cao năng lực thể chế và hội nhập quốc tế, tăng cường khả năng xử lý các vấn đề xuyên quốc gia... dưới sự hỗ trợ của ASEAN.
Đồng thời, ASEAN cũng góp phần giúp Việt Nam xác định các mục tiêu và định hướng chiến lược phát triển đất nước cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội thông qua việc theo đuổi các mục tiêu chung của ASEAN và tiến hành các bước cải cách, điều chỉnh trong nước cho phù hợp với các mục tiêu đó.
Nói tóm lại, việc gia nhập ASEAN năm 1995 của Việt Nam được đánh giá là một quyết định rất quan trọng có ý nghĩa cả ở tầm quốc gia và khu vực. Ở tầm quốc gia, đây là quyết định tạo cho Việt Nam sự gắn kết với khu vực, cùng với khu vực xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác, phục vụ cho hai nhiệm vụ chiến lược và bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Ở tầm khu vực, vào thời điểm năm 1995, khu vực Đông Nam Á còn rất nghi kỵ, thậm chí căng thẳng và đối đầu với nhau thì việc ASEAN kết nạp Việt Nam cũng như Việt Nam gia nhập ASEAN đã tạo cho môi trường khu vực gắn kết lại với nhau hướng tới một ASEAN gồm 10 nước Đông Nam Á.
Với việc Việt Nam tham gia, ASEAN có điều kiện hơn để hướng tới xây dựng cộng đồng và đóng góp vai trò trung tâm của mình trong hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực.
Sau 20 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam đã chứng minh được vị thế của mình trong khu vực, chứng tỏ được một nước tích cực, chủ động đóng góp vào tiến trình phát triển của ASEAN.
Vẫn còn nhiều thách thức trên hành trình sắp tới
Dẫu cho những kết quả to lớn mà Việt Nam đã đạt được sau khi gia nhập ASEAN, những vẫn còn nhiều thách thức đang chờ cả Việt Nam và ASEAN ở phía trước.
Về kinh tế, Việt Nam vẫn còn chậm phát triển so với các nước trong khu vực. Bởi thế, thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam khi ASEAN đang tiến tới một Cộng đồng kinh tế chung vào cuối năm 2015.
ASEAN tiến tới một Cộng đồng kinh tế chung vào cuối năm 2015. (ảnh: KT)
Về công tác tuyên truyền, quảng bá về ASEAN tuy đã đạt một số kết quả quan trọng nhưng cần đẩy mạnh và tiến hành đồng bộ hơn nữa, nhất là nâng cao nhận thức và ý nghĩa thiết thực củn hợp tác ASEAN đến đông đảo người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Về hòa bình và an ninh, Việt Nam tiếp tục củng cố và nâng cao vai trò ASEAN như một lực lượng chủ chốt đối với hòa bình và an ninh khu vực, bao gồm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.
Những nền tảng tốt đẹp của 20 năm vừa qua là điều đáng tự hào, song cũng là thách thức cho Việt Nam trong việc xác định một hướng đi mới, với tâm thế mới để cùng ASEAN bước vào Cộng đồng chung sau năm 2015.
Tham gia hợp tác ASEAN đã và sẽ mang lại cho Việt Nam những cơ hội, lợi ích to lớn, thiết thực về nhiều mặt, nhất là khi ASEAN trở thành một thực thể chính trị - kinh tế khá gắn kết; có vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực Đông Á và là đối tác không thể thiếu của nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước lớn. Riêng về kinh tế, ASEAN với hơn 600 triệu dân, tổng GDP hàng năm gần 3.000 tỷ USD là thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Trong một bài viết, Phó Thủ tướng, Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhận định: "Chúng ta tin tưởng rằng, với kinh nghiệm của 20 năm tham gia hợp tác ASEAN tích cực, chủ động và có trách nhiệm, với vị thế của đất nước ngày càng được nâng cao trong khu vực và quốc tế, và với nỗ lực và quyết tâm chính trị, Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình, tiếp tục đồng hành và phát triển cùng ASEAN vì mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và có vai trò quan trọng đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực"./.
Theo Phương Chi
VOV.VN