Giải Oscar tạo ra hạng mục mới nhằm đối phó với phim siêu anh hùng?
Nhiều người yêu phim đang băn khoăn về hạng mục mới được bổ sung tại lễ trao giải Oscar – giải “Thành tựu xuất sắc cho phim đại chúng”.
Kể từ lần đầu tiên đăng cai vào năm 1929, tới nay giải thưởng Viện Hàn Lâm, hay còn gọi là giải Oscar vẫn được coi là phần thưởng danh giá nhất dành cho những người làm việc trong ngành điện ảnh. Sự kiện trao giải hàng năm đều thu hút sự chú ý lớn của truyền thông cũng như người yêu phim ảnh, và vinh danh những cá nhân, tác phẩm xuất sắc nhất của môn nghệ thuật thứ bảy.
Dù danh giá là vậy, nhưng những năm gần đây lượng người theo dõi sự kiện Oscar trên truyền hình ngày càng giảm sút. Nguyên nhân lớn nhất được cho là bởi lễ trao giải có thời lượng quá dài (5 tiếng cho sự kiện chính, 2 tiếng trên thảm đỏ). Sự dài hơi này có thể làm mất lòng nhiều người vốn chỉ quan tâm đến các hạng mục quan trọng như Phim hay nhất, Nam/nữ diễn viên xuất sắc nhất,… Tuy nhiên, cũng có giả thuyết rằng Oscar mất khán giả do những bộ phim được đề cử phần lớn đều không được nhiều người biết đến.
Cụ thể, trong 10 phim được đề cử tại sân khấu Oscar thì phải có tới 9 cái tên thuộc những thể loại như chính kịch, tâm lý xã hội, hài kịch và đôi khi cả nhạc kịch. Ngược lại, dòng phim hành động bom tấn, hay kinh dị rất ít khi có mặt tại lễ trao giải danh giá này. Nguyên nhân có lẽ là vì phim hành động hay bị xem là sáo rỗng, chỉ thỏa mãn thị giác khán giả chứ không có chiều sâu nghệ thuật.
Trong quá khứ, giải Oscar từng nhiều lần làm ngơ hàng loạt phim hành động kinh điển như Star War, Star Trek, Jurassic Park, Indiana Jones,… Trừ một số ngoại lệ như Chúa Tể của những chiếc nhẫn, Avatar,… thì các phim bom tấn hầu như chỉ dự thi ở những hạng mục nhỏ như kỹ xảo, phối âm, biên tập,…
Mới đây, viện hàn lâm Oscar đã tuyên bố kể từ năm 2019, lễ trao giải sẽ có thêm một hạng mục mới mang tên “ Thành tự xuất sắc cho phim đại chúng“. Mục đích của hạng mục này được cho là để vinh danh những tác phẩm hành động bom tấn mà thông thường không được lòng hội đồng Oscar. Tuy nhiên, việc công bố giải thưởng mới này lại đang khiến nhiều người phải đặt câu hỏi.
Trước hết, chưa rõ tiêu chí của viện hàn lâm về “phim đại chúng” là gì, dựa trên doanh thu, kỹ xảo hay yếu tố khác. Có thể hiểu nôm na khái niệm này nhằm ám chỉ những bộ phim bom tấn thu được nhiều tiền vé ngoài rạp. Nhưng rõ ràng có rất nhiều phim hành động vừa có doanh thu lớn, tràn ngập kỹ xảo, vừa cực kỳ có chiều sâu như Inception, Dunkirk, Interstellar,… Những bộ phim như vậy liệu còn có thể coi là “phim đại chúng” nữa hay không?
Không thể phủ nhận rằng những năm gần đây, phim bom tấn đang ngày càng được lòng giới phê bình và nhận sự đầu tư rất kỹ lưỡng bởi các hãng sản xuất. Chỉ riêng dòng phim siêu anh hùng đã thu về hàng chục tỷ đô la, khiến ngành công nghiệp điện ảnh không thể coi thường. Trong quá khứ, họa hoằn lắm mới có một tác phẩm siêu anh hùng được tranh tài ở các hạng mục chính ( The Dark Knight trong hạng mục Nam diễn viên phụ, Logan trong hạng mục kịch bản chuyển thể). Liệu giải thưởng “phim đại chúng” mới lập ra này có giúp những bộ phim đó được vinh danh nhiều hơn hay không?
Câu trả lời, theo nhiều fan hâm mộ của thể loại hành động, có lẽ là không. Đối với họ, hạng mục mới chỉ là một chiêu chơi bẩn nước đôi của viện hàn lâm. Một mặt, nó sẽ giúp lễ trao giải thu hút thêm người xem, nhưng mặt khác, nó sẽ đóng vai trò một “cái thùng” để hội đồng Oscar ném vào đó các phim hành động ăn khách mà họ không muốn công nhận. Những bom tấn hành động như Fast And Furious, Mad Max và nhất là phim siêu anh hùng sẽ phải chen chúc trong một hạng mục duy nhất này, dọn đường cho phim chính kịch truyền thống tiếp tục lên ngôi ở các giải quan trọng hơn như Phim Hay Nhất.
Trường hợp tương tự cũng từng xảy ra tại giải Oscar đối với thể loại hoạt hình. Trước khi bước sang thế kỷ 21, một số phim hoạt hình vẫn được đề cử ở hạng mục Phim hay nhất tại Oscar, tiêu biểu như Người Đẹp và Quái Vật (1992). Từ năm 2001, hạng mục “phim hoạt hình xuất sắc nhất” ra đời, vinh danh những siêu phẩm như Toy Story, Frozen, Spirited Away… Tuy nhiên cũng từ năm đó, gần như chẳng có phim hoạt hình nào được đề cử Phim hay nhất nữa.
Video đang HOT
Năm ngoái, nhiều người hâm mộ siêu anh hùng DC đã rất thất vọng khi bộ phim Wonder Woman không nhận được đề cử nào, dù là cho diễn viên nữ chính (cho Gal Gadot) hay đạo diễn ( Patty Jenkins). Năm nay, đến lượt fan Marvel đặt niềm tin vào hai bom tấn Black Panther và Avengers: Infinity War. Liệu họ có được toại nguyện không? Liệu Infinity War và Black Panther có được tranh tài ở những hạng mục hiển hách như phim hay nhất, kịch bản xuất sắc nhất, đạo diễn xuất sắc nhất hay không? Hay chúng sẽ chỉ được tranh giải trong hạng mục “phim đại chúng” mới tinh và xem ra không có nhiều ý nghĩa này?
Theo Saostar
Oscar gây tranh cãi dữ dội khi mở đường cho phim siêu anh hùng
Tôn vinh các tác phẩm bom tấn giải trí bằng hạng mục riêng để thu hút thêm lượng khán giả truyền hình theo dõi sự kiện Oscar, AMPAS xem ra đang mắc phải sai lầm rất lớn.
Ngày 8/8, Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh nước Mỹ (AMPAS) bất ngờ ra thông báo gây ngạc nhiên cho toàn bộ công chúng. Họ quyết định mở thêm hạng mục mới cho giải thưởng Oscar: Phim đại chúng xuất sắc ( Best Popular Film).
AMPAS dự kiến sớm thông báo tiêu chí cụ thể của hạng mục một cách rộng rãi để các studio có thể chuẩn bị chiến dịch vận động phù hợp. Ngay từ lúc này, có lẽ Black Panther, Avengers: Infinity War hay Mission: Impossible - Fallout đã có thể bắt đầu cho một cuộc cạnh tranh khốc liệt.
Song, hạng mục Phim đại chúng xuất sắc đang vấp phải sự phản đối dữ dội từ cả giới phê bình, báo chí, lẫn khán giả đại chúng.
Bị mỉa mai đủ đường
Ngay sau khi AMPAS đưa ra quyết định mới, hàng loạt nhà báo quốc tế đã sử dụng Twitter để chỉ trích Viện hàn lâm. Số đông mỉa mai, châm chọc và giễu nhại hạng mục mới của Oscar ngay từ khi đó chưa chắc đã là tên gọi chính thức.
Matt Goldberg của Collider viết: "Viện hàn lâm muốn nói rằng: nếu chúng tôi trao một tượng vàng Oscar cho phim siêu anh hùng, các bạn sẽ theo dõi buổi lễ trao giải chứ?". Ở đây, anh cũng muốn chỉ ra thực tế rằng các bom tấn siêu anh hùng hoặc giải trí thường chỉ góp mặt ở các hạng mục kỹ thuật trong những năm gần đây.
Black Panther vô tình bị đưa vào nhiều thông điệp mỉa mai Viện hàn lâm sau khi họ quyết định mở thêm hạng mục Phim đại chúng xuất sắc. Ảnh: Disney.
Marvel Studios và Vũ trụ Điện ảnh Marvel đến nay vẫn chưa một lần nhận tượng vàng Oscar. Năm nay, Black Panther của họ đứng trước cơ hội làm nên lịch sử khi tác phẩm bom tấn toàn các ngôi sao da màu tạo hiệu ứng tốt tại phòng vé, trên mặt báo và cả mạng xã hội bằng phần nội dung tương đối thuyết phục.
Tuy nhiên, chưa có điều gì là chắc chắn, và Black Panther hoàn toàn có thể rơi vào trường hợp của Wonder Woman (2017) đến từ DCEU vào năm ngoái. Charles Grameco của The Guardian và Vulture lập tức bình luận: "Xem ra Viện hàn lâm quá sợ dư luận nếu như họ không trao được giải nào cho Black Panther thì phải".
Hay như Matt Patches của Polygon ngao ngán bình luận: "Này, hãy trao Oscar danh dự cho Kevin Feige và tiếp tục như cũ đi". Ở đây, Feige là người đứng đầu Marvel Studios và là bộ óc đằng sau Vũ trụ Điện ảnh Marvel.
Alison Willmore của Buzzfeed thì chỉ ra điều trớ trêu rằng: "Mở ra giải thưởng này chẳng khác nào nói các hạng mục khác là thiếu phổ thông". Cũng dựa trên ý kiến đó, một số cây bút mỉa mai nên đặt tên hạng mục mới là Phim đại chúng nhưng bị giới phê bình không thích xuất sắc.
Các bộ phim thắng giải Phim truyện xuất sắc tại Oscar trong một vài năm trở lại đây thường có doanh thu phòng vé rất thấp. Ảnh: A24.
Anne Thompson - cây bút hàng đầu của Indiewire - bình luận ngắn gọn rằng đây là "nỗ lực trong tuyệt vọng để thu hút lượng khán giả theo dõi lễ trao giải". Lượng người theo dõi trực tiếp sự kiện Oscar trên truyền hình cứ thế giảm dần qua từng năm, và mới rơi xuống mức thấp lịch sử hồi đầu năm nay.
Đáp án không đúng dành cho sự tuyệt vọng
Rất nhiều tờ báo quốc tế đã gọi hành động của Viện hàn lâm là "desperate" - tuyệt vọng. Bên cạnh việc mở hạng mục mới, AMPAS còn tuyên bố sẽ tìm cách khiến cho lễ trao giải trên truyền hình trở nên giải trí hơn.
Trong đó, khi trực tiếp, một số hạng mục phụ hoặc kỹ thuật được rút ngắn, chỉ phát lúc thông báo kết quả giữa giờ quảng cáo để nhường thời lượng cho các hoạt động khác. Sau này, khoảnh khắc trao giải và bài phát biểu của người thắng giải vẫn xuất hiện trong các buổi phát sóng lại.
Điều đó chắc chắn sẽ gây tranh cãi lớn trong nội bộ Viện hàn lâm, bởi một số hiệp hội nghề không muốn hạng mục của mình bị rút gọn như thế, mà vẫn được phát lúc trao giải đầy đủ trên sóng trực tiếp.
Liệu có thể xếp La La Land vào hạng mục Phim đại chúng xuất sắc hay không? Ảnh: Lionsgate.
Tuy nhiên, việc đó chắc chắn không thể gây tranh cãi bằng hạng mục Phim đại chúng xuất sắc. Trở lại đầu 2018, lễ trao giải Oscar năm nay giảm 20% lượng người xem so với 2017 xuống còn 26,5 triệu khán giả. Đó là con số thấp nhất trong lịch sử, nhưng vẫn vượt xa các sự kiện lớn khác như Emmy, Tony hay Grammy.
Đó có lẽ là lý do chính để hạng mục Phim đại chúng xuất sắc ra đời. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Viện hàn lâm có hành động giống như vậy. Hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc mới chỉ xuất hiện từ năm 2001 để tôn vinh một thể loại phim phổ biến nhưng rất khó chen chân vào cuộc đua Phim truyện xuất sắc khi ấy chỉ có đúng 5 đề cử.
Trong một năm mà Black Panther thu hơn 700 triệu USD tại riêng Bắc Mỹ, động lực cho quyết định của Viện hàn lâm là điều dễ hiểu. Họ cũng đã lập tức xác nhận rằng một bộ phim có quyền tham gia cả hai hạng mục: Phim truyện và Phim đại chúng xuất sắc.
Nhưng liệu định nghĩa của "phim đại chúng" là gì? Đồng ý rằng Avengers: Infinity War, Black Panther hay Mission: Impossible là vậy nhờ những kết quả vượt trội tại phòng vé. Nhưng trường hợp của La La Land thì sao khi tác phẩm ca vũ nhạc từng giành 6 giải thưởng Oscar cũng thu tới 446,1 triệu USD?
Cứ coi La La Land có thể xếp vào hạng mục Phim đại chúng xuất sắc, thì nhiều trường hợp tréo ngoe khác lại nảy sinh. The Greatest Showman (2017) cũng là một tác phẩm ca vũ nhạc vượt trội tại phòng vé với thành tích lên tới 434,5 triệu USD.
Nhưng nó chắc chắn không được giới phê bình yêu mến bằng La La Land. Vậy liệu chỉ doanh thu có là đủ để bộ phim của Hugh Jackman chen chân vào Oscar?
The Dark Knight (2008) là tác phẩm từng khiến AMPAS phải hứng chịu nhiều chỉ trích và buộc đưa ra thay đổi. Ảnh: Warner Bros.
Việc mở ra hạng mục Phim đại chúng xuất sắc sẽ khiến giải thưởng điện ảnh danh giá nhất bắt đầu mang màu sắc của People's Choice Award, hay thậm chí là MTV Movie & TV Award. Nhưng lượng khán giả theo dõi có tăng hay không thì chưa chắc.
Không ai có thể đảm bảo rằng khán giả sẽ ngồi trước TV suốt ba tiếng đồng hồ chỉ để biết xem liệu Tom Cruise với Mission: Impossible - Fallout có thể đánh bại dàn siêu anh hùng thiện chiến của Marvel Studios hay không.
Năm 2009, Viện hàn lâm từng đối mặt với làn sóng chỉ trích dữ dội khi không trao cho The Dark Knight một đề cử tại hạng mục Phim truyện xuất sắc. Sau đó, AMPAS quyết định tăng số lượng ứng viên lên thành 5-10 phim tùy theo mỗi năm.
Nhìn lại quá khứ, The Dark Knight đúng là "phim đại chúng", nhưng bản thân chất lượng tác phẩm là rất tốt. Bom tấn của Christopher Nolan xứng đáng được tôn vinh bằng một đề cử bởi tính nghệ thuật, chứ không phải chỉ đơn thuần là tính đại chúng.
Oscar vẫn có thể mở ra thêm hạng mục để thu hút khán giả. Ảnh: Paramount.
Để tôn vinh các bộ phim giải trí, Viện hàn lâm chắc chắn không thiếu hạng mục để mở thêm. Họ bấy lâu nay vốn luôn bị chỉ trích là đã làm ngơ đội ngũ đóng thế, và đến giờ vẫn quyết không trao tượng vàng cho những cá nhân thầm lặng nhưng có đóng góp to lớn trong các dự án hành động bom tấn.
Còn nỗ lực mở ra hạng mục Phim đại chúng xuất sắc thì chẳng khác nào là một sai lầm, hay thậm chí là một trò hề, trước cơn tuyệt vọng của AMPAS.
Ngoài việc thay đổi cấu trúc chương trình và mở hạng mục mới, từ năm 2020, Oscar dự kiến được tổ chức sớm từ ngay đầu tháng 2. Viện hàn lâm muốn tăng tính gay cấn của lễ trao giải khi công bố giải thưởng trước các sự kiện của một số hiệp hội nghề nghiệp (như diễn viên, nhà sản xuất, biên kịch...) hoặc BAFTA.
Đó là một thay đổi có phần hợp lý. Song, việc này có thể gây ra khó khăn nhất định cho các thành viên của AMPAS bởi họ chưa chắc đã có đủ thời gian để theo dõi hết các bộ phim tranh tài.
Tuấn Lương
Theo Zing
10 năm sau khi ra mắt, cùng nhìn ngắm di sản mà The Dark Knight đã để lại The Dark Knight không chỉ trở thành một tượng đài trong chính dòng phim của mình mà còn ảnh hưởng đến mọi khía cạnh khác ở Hollywood, từ quay phim, phong cách kịch bản cho đến thể thức trao giải, và quan trọng nhất là thắp lên hy vọng cho các thế hệ nhà làm phim tiếp theo. Năm 2008, The Dark Knight...