Giải Nobel Hòa bình 2013 đã có chủ
Chiều nay (11/10), Ủy ban Nobel Na-uy đã chính thức tuyên bố trao giải Nobel Hòa bình 2013 cho tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), với mong muốn đóng góp vào nỗ lực cấm phổ biến vũ khí hóa học toàn thế giới.
Trụ sở của OPCW tại Hà Lan
Có trụ sở tại Hague, Hà Lan, OPCW là một tổ chức nhỏ được thành lập để thực thi Công ước 1997 về vũ khí hóa học.
Những tháng gần đây, tổ chức này đã trở thành tâm điểm chú ý khi cử các thanh sát viên tới giám sát quá trình giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria bất chấp tình hình giao tranh ác liệt.
Trước giờ trao giải, hầu hết các hãng cá cược tại châu Âu cũng như các nhà phân tích đều cho rằng Malala Yousafzai, nữ sinh 16 tuổi người Pakistan là người có cơ hội giành giải cao nhất.
Khả năng này càng trở nên rõ ràng hơn khi trong ngày 10/10, Malala được nhận giải thưởng Sakharov của Nghị viện châu Âu. Đây được xem như giải thưởng về nhân quyền cao quý nhất châu lục này, với giá trị tiền thưởng 50.000 euro.
Dù vậy chỉ ít giờ trước khi giải thưởng được công bố, truyền thông Na-uy đã dự báo OPCW sẽ được trao giải.
Cho đến nay đã có 189 quốc gia là thành viên của tổ chức này.
Thanh Tùng
Video đang HOT
Tổng hợp
Theo Dantri
Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Viện Quốc tế Pháp
Dân trí xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp nhan đề "Đối tác chiến lược Việt-Pháp: Xây dựng lòng tin chiến lược vì hoà bình, hợp tác và thịnh vượng".
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp. (Ảnh: Chinhphu.vn/VGP/Nhật Bắc)
Thưa Quý vị và các bạn,
Tôi rất vinh hạnh được gặp mặt đông đảo Quý vị, các chính khách, học giả, nhà nghiên cứu uy tín của nước Pháp. Tôi xin có lời cảm ơn đến Ngài Tổng Giám đốc cùng các đồng nghiệp tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp đã giúp chúng ta có cơ hội này để cùng nhau trao đổi về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước Việt Nam và Pháp trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng và rất khó lường.
Thưa Quý vị và các bạn,
Quan hệ hai nước chúng ta - Việt Nam và Pháp đã bắt đầu từ rất lâu trước khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 và năm nay chúng ta cùng kỷ niệm 40 năm sự kiện này và cũng là 20 năm sau chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam của cố Tổng thống Franois Mitterrand, mở ra thời kỳ phát triển mới của quan hệ Việt Nam và Pháp.
Nhìn lại chặng đường không ít thăng trầm lịch sử, phải chăng quá trình phát triển quan hệ hai nước chúng ta như hình ảnh con tầu đang căng buồm lướt sóng thể hiện trên Biểu trưng của thủ đô Paris, dù phải trải qua nhiều bão tố, sóng gió, những thời khắc rất khó khăn, dù có "chòng chành nhưng không bao giờ chìm đắm"1 và luôn vững niềm tin rằng con tầu sẽ tới bến bờ của sự thành công.
Thưa Quý vị và các bạn,
Trong 40 năm qua, với nỗ lực vun đắp từ cả hai phía, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, quan hệ Việt Nam và Pháp đã đạt những thành quả quan trọng đầy ý nghĩa. Pháp là một quốc gia châu Âu đầu tiên, ngay từ những năm đầu thập kỷ 1990, đã tích cực ủng hộ công cuộc Đổi mới cũng như quá trình phát triển và hội nhập quốc tế toàn diện của Việt Nam. Việt Nam luôn nhất quán coi trọng và ưu tiên quan hệ đối tác với Pháp trong tổng thể chính sách đối ngoại của mình. Sự nồng ấm trong quan hệ đã thể hiện sâu rộng qua nhiều chuyến thăm của Lãnh đạo cấp cao và các cuộc trao đổi, tiếp xúc thường xuyên của các cơ quan, địa phương, tổ chức xã hội. Cho tới nay, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận quan trọng, thiết lập và duy trì thường xuyên, hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giao lưu nhân dân... Qua đó, Việt Nam và Pháp đã từng bước trở thành đối tác quan trọng cùng có lợi của nhau trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp độ. Việt Nam và Pháp cũng đã phối hợp tích cực cùng nhau trong khuôn khổ các diễn đàn đa phương khu vực, liên khu vực và toàn cầu.
Pháp hiện là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ hai, đối tác thương mại châu Âu lớn thứ ba của Việt Nam và là một trong những nhà tài trợ phát triển (ODA) hàng đầu. Trên 300 công ty, ngân hàng Pháp đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, nhiều hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao của Pháp được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam. Hầu hết máy bay trong đội bay hàng trăm chiếc của của Hàng không quốc gia Việt Nam là các loại máy bay hiện đại Airbus. Hơn 7.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại các giảng đường đại học của Pháp. Gần 20 thành phố, địa phương của Pháp có quan hệ đối tác với các thành phố, địa phương của Việt Nam, triển khai 70 dự án trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, hợp tác pháp ngữ, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, vệ sinh môi trường, đô thị hóa, dạy nghề, phát triển kinh tế nông thôn, y tế... Và còn rất nhiều các hoạt động hợp tác khác đang ngày càng tăng lên về quy mô, lĩnh vực và đối tượng hợp tác, không chỉ các cơ quan nhà nước mà cả nhiều tổ chức xã hội và người dân. Tuy nhiên tiềm năng, thế mạnh hợp tác hai bên còn rất lớn, đòi hỏi chúng ta phải có cách làm mới, năng động hơn nữa, sáng tạo hơn nữa và hiệu quả hơn nữa.
Có thể khẳng định rằng mối quan hệ Việt-Pháp ngày nay đã trở thành một biểu tượng của tinh thần dũng cảm khép lại và vượt qua những "chòng chành", những trang sử đau buồn của quá khứ để xây dựng lòng tin vào nhau - lòng tin chiến lược - cùng hướng tới hòa giải, hòa bình, hữu nghị và phát triển. Đồng thời đây cũng là hình mẫu cho sự hợp tác Đông-Tây, giữa Pháp, một quốc gia công nghiệp hàng đầu ở châu Âu và Việt Nam, một nước đang phát triển năng động ở Đông Nam Á.
Xuất phát từ những nền tảng tốt đẹp đó, tôi cho rằng hôm nay chúng ta có thể cùng nhau vui mừng nói rằng "con tầu" quan hệ hai nước đã cập bến bờ của tình hữu nghị và sự hợp tác thành công với việc Lãnh đạo hai nước cùng tuyên bố xác lập Quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp.
Quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Pháp hôm nay thể hiện sự chín muồi của mối quan hệ đa lĩnh vực và trên nhiều cấp độ giữa hai nước chúng ta. Quan hệ đối tác chiến lược sẽ mở ra một giai đoạn hợp tác mới của mối quan hệ chân thành, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực từ chính trị-ngoại giao, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ cho tới an ninh quốc phòng và cùng chia sẻ lợi ích vì hòa bình, phồn vinh của nhân dân hai nước.
Trách nhiệm của chúng ta là phải cùng nhau hợp tác với những tư duy mới, cách làm sáng tạo để tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ song phương đặc biệt, thân tình này đi vào chiều sâu, hiệu quả và phát triển mạnh mẽ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Trước mắt chúng ta cần dành sự quan tâm, nỗ lực hợp tác trên các nhóm lĩnh vực trọng tâm như hợp tác chính trị-ngoại giao; quốc phòng và an ninh; kinh tế, hợp tác phát triển; văn hóa, giáo dục đào tạo; nghiên cứu khoa học và tư pháp, bao gồm cả hợp tác song phương và đa phương trên các diễn đàn quốc tế, khu vực, toàn cầu.
Từ những bài học kinh nghiệm bổ ích đã qua, hai bên cần phải tăng cường các chuyến thăm, gặp gỡ, tiếp xúc của Lãnh đạo cấp cao để đạt được sự thống nhất về các vấn đề mang tầm chiến lược trên các lĩnh vực. Qua đó mở đường cho việc nâng cấp các cơ chế đối thoại và thúc đẩy hợp tác trong hàng loạt các lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam và là thế mạnh của Pháp, như năng lượng, công nghiệp hàng không và vũ trụ, công nghệ cao, nông nghiệp, giao thông, ngân hàng...
Năm nay Việt Nam và Pháp sẽ cùng phát hành một bộ tem chung nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Bác sỹ Alexandre Yersin, người đã đến sống, làm việc tại miền Trung Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20 cho đến cuối đời. Ngày hôm nay và mãi sau này, người dân chúng tôi vẫn nhớ đến Bác sĩ Yersin không chỉ bởi những phương thuốc phòng dịch mà trên hết là sự tận tụy, tấm lòng cảm thông sâu sắc về thân phận con người. Câu chuyện đó đã gợi mở cho chúng ta, trong thời gian tới, cần phải dành ưu tiên hợp tác về giáo dục đào tạo cho thế hệ trẻ tương lai và coi giao lưu văn hóa-nghệ thuật của các tổ chức xã hội và người dân là điểm tựa, nền tảng vững chắc, lâu dài cho phát triển quan hệ đối tác chiến lược của chúng ta.
Thưa Quý vị và các bạn,
Trong thế giới toàn cầu hóa với các mối quan hệ quốc tế đan xen, tùy thuộc vào nhau, tôi muốn chia sẻ với quý vị suy nghĩ về mối quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp đặc biệt của chúng ta, vốn mang nhiều nét riêng - tôi xin nhấn mạnh là những nét rất riêng, rất đặc thù - bởi những điểm chung về giá trị văn hóa, bởi chiều sâu của quan hệ lịch sử giữa hai nước, hai dân tộc Việt-Pháp. Việt Nam ngày nay vẫn là thành viên tích cực của Cộng đồng Pháp ngữ. Mối quan hệ này nên phát triển như thế nào đặt trong tổng thể các quan hệ hợp tác của hai khu vực châu Á và châu Âu.
Hiện nay hợp tác chung giữa hai châu lục đang kết nối thông qua Diễn đàn hợp tác Á-Âu ASEM, Đối thoại ASEAN-EU... Trong bối cảnh đó, quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp cần phải làm gì để có thể trở thành một cây cầu nối mới cho phát triển hợp tác Á-Âu. Ở đầu cầu phía Đông, là khu vực châu Á nơi tập trung 2 nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới và nhiều nền kinh tế quan trọng khác, trong đó có Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đang dần trở thành một Cộng đồng kinh tế năng động với trên 600 triệu dân và một lực lượng lao động trẻ, GDP khoảng 2,2 nghìn tỷ USD. Ở đầu cầu phía Tây, đó là Liên minh châu Âu, một nền văn minh lâu đời, một nền kinh tế hùng mạnh và là một nhà xuất khẩu lớn nhất của thế giới. Mong rằng cây cầu nối Việt-Pháp sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác của hai khối kinh tế đông, tây khổng lồ này nhằm tạo nên xung lực cho sự phát triển toàn cầu và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp.
Pháp là nước Châu Âu đầu tiên tham gia ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC) của ASEAN (2007) và đang hành động mạnh mẽ trong quan hệ với nhiều nước ASEAN, mà việc xác lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam là một ví dụ cụ thể. Từ năm 1995, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã có những phát triển nhanh chóng, trong đó quan hệ hợp tác Việt-Pháp là một động lực quan trọng. Với sự hỗ trợ tích cực của Pháp, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và hiện nay đang đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, điều này sẽ mở ra không gian hợp tác mới, rộng lớn cho hợp tác Việt-Pháp. Hiện nay, Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với quy mô và độ mở thị trường rất lớn, đây sẽ là cơ hội để sản phẩm của các doanh nghiệp Việt-Pháp có thể tiếp cận thị trường rộng lớn của 12 nước Châu Á Thái Bình Dương (bao gồm cả Hoa Kỳ, Nhật Bản).
Có thể thấy rằng quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp cần phát triển hài hòa với các cặp quan hệ Pháp-ASEAN, Việt Nam-EU để có thể cùng nhân lên sức mạnh và hiệu quả.
Bên cạnh xu thế phát triển tích cực của quan hệ hợp tác Á-Âu, chúng ta cũng cảm nhận được "sức nóng" của sự cạnh tranh về lợi ích chiến lược, nhất là giữa các nước lớn, sự cọ xát bởi những khác biệt về giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn... cần được cân bằng thỏa đáng. Hợp tác, cùng tùy thuộc vào nhau phải lấn át, thay thế chủ nghĩa dân tộc vị kỷ. Trong quá trình khó khăn đầy thách thức này, rất cần phải xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia đối tác. Phải chăng mối quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp trên nền tảng của sự tin cậy, của những giá trị lịch sử, văn hóa, nhân văn sâu sắc riêng có, cần phải được phát huy, tạo hiệu ứng lan tỏa để góp phần xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển trên 2 châu lục Á, Âu. Qua đó, hai nước chúng ta cùng góp phần ngăn ngừa sự can dự mang những toan tính chỉ cho riêng mình, bất bình đẳng; ngăn chặn những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế mang tính chất áp đặt và chính trị cường quyền. Tất cả vì hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển và thịnh vượng trên thế giới.
Hôm nay chúng ta vui mừng về việc hai quốc gia xác lập quan hệ đối tác chiến lược, nhưng đó mới chỉ là bước đầu, trước mắt chúng ta có nhiều cơ hội tươi sáng và cả những thách thức, khó khăn. Tôi rất mong được sự chia sẻ, đóng góp của các quý vị, các bạn để cùng nhau tìm ra những giải pháp phù hợp, cách làm hay, sáng tạo nhằm làm cho quan hệ đối tác chiến lược Việt-Pháp ngày càng phát triển vì sự thịnh vượng, vì lợi ích chính đáng của nhân dân hai nước và vì quan hệ tốt đẹp giữa các quốc gia trên thế giới.
Xin cảm ơn Quý vị và các bạn.
1. Dòng chữ tiếng La Tinh "Fluctuat nec mergitur" được ghi trên biểu trưng của Thành phố Paris, bên trên là hình tượng một con thuyền lướt sóng với cánh buồm căng gió luôn tiến lên phía trước, thể hiện ý chí vượt lên mọi cam go, thăng trầm và biến cố lịch sử của người dân Paris.
PV
Theo Dantri
Thế giới nói gì về việc Tổng thống Ai Cập bị lật đổ? Cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng đầu tiên trước thông tin Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự. Tổng thống Mỹ Barack Obama. Quân đội Ai Cập ngày 3/7 đã phế truất Tổng thống Morsi sau khi những người phản đối ông tiến hành các cuộc biểu tình rầm rộ kéo...