Giải nghĩa tên phố Hàng Ngang, Tố Tịch
Phố Hàng Ngang vốn là nơi buôn bán của người Hoa gốc Quảng Đông, họ làm tường và cổng chắn ngang cả phố để đảm bảo an ninh. Thời Pháp thuộc, phố có tên là rue des Cantonnais (phố của người Quảng Đông).
Sau bài viết “Những tên phố cổ Hà Nội ít người hiểu nghĩa”, rất nhiều độc giả đã đăng bình luận, thắc mắc vì sao lại có tên phố là Hàng Ngang. Một số độc giả đã suy luận phố này “chuyên bán rượu ngang” hoặc “bán ghế ngang”.
Thực ra, theo Từ điển Hà Nội địa danh của tác giả Bùi Thiết, do ở hai đầu phố trước đây có các bức tường chắn ngang, ở giữa là cổng gỗ, ban ngày mở ra, ban đêm đóng lại nên gọi là Hàng Ngang. Đây vốn là nơi buôn bán của người Hoa gốc Quảng Đông, họ làm cổng cho cả phố để đảm bảo an ninh. Thời Pháp thuộc, phố có tên là rue des Cantonnais (phố của người Quảng Đông).
Phố Hàng Ngang.
Một bức tranh từ thời Pháp còn lưu lại hình ảnh bức tường và cánh cổng ngang phố này, với chú thích rõ ràng “Porte de la rue des Cantonnais” (Cổng phố của người Quảng Đông). Trước đây, phố này là nơi Hoa kiều bán các mặt hàng chè, thuốc, vải vóc.
Cùng với tên phố Hàng Ngang, ở cửa Nam thành cổ Hà Nội còn có phố Đình Ngang, với lý giải: Vào thời Lê, phố này có cái đình chắn ngang giữa đường, dân gian gọi là “Hoành Đình”. Sau này đình bị phá dỡ, nhiều người cho rằng, dấu tích của đình chính là bãi đất rộng ở đầu phố, hiện dùng làm bãi đỗ xe.
Còn phố Hàng Đào, nối liền phố Hàng Ngang xuống Hồ Hoàn Kiếm, là nơi chuyên bán lụa là vóc nhiễu của các thương nhân người Việt. Phố có tên như vậy, vì từ thời Lê, đây là khu vực chuyên nghề nhuộm màu cho vải, trong đó chủ yếu là nhuộm điều (tức màu hồng đào).
Phố Hàng Đào.
Có thể nhiều người chưa biết, Phố Hàng Gai trước đây bán loại gai gì? Đó là các loại dây tước từ vỏ cây gai, cây đay để đan võng, bện thừng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, sau này, các cửa hàng bán gai đã chuyển về phố Bát Đàn.
Từ phố Hàng Gai đi ra Hàng Quạt, có phố Tố Tịch. Nhiều người nhầm tưởng phố đặt theo tên người. Thực ra Tố Tịch, chữ Hán nghĩa là chiếu trắng. Có lẽ, tên phố chỉ mặt hàng người dân ở đây buôn bán từ thời xưa.
Ở ngang phố Tạ Hiện, có ngõ Hài Tượng. Nghĩa chữ Hán thì hài là giày, tượng là thợ, Hài Tượng là phố của những người thợ làm giày. Đây là nơi tập trung của những người thợ làm nghề thuộc da, đóng giày, khâu hài gốc từ làng Chắm, xã Phong Lâm, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương di cư lên. Ngày xưa ngõ này thông sang phố Hàng Giầy, cũng là phố chung một nghề của những người thợ làng Chắm.
Một số tên phố cho biết về bộ máy hành chính của kinh thành Thăng Long xưa, như các phố Phủ Doãn, Ngõ Huyện, Thọ Xương.
Thời Lê, đứng đầu phủ Phụng Thiên là viên quan Phủ Doãn (tương đương UBND thành phố Hà Nội bây giờ) đặt trụ sở ở phố Phủ Doãn ngày nay.
Phủ Phụng Thiên gồm hai huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương. Huyện Vĩnh Xương đến thời Nguyễn đổi tên thành huyện Thọ Xương, bao gồm phần đất của quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần quận Đống Đa. Khu vực đặt sở lỵ của huyện Thọ Xương sau này có tên là ngõ Thọ Xương. Con ngõ cạnh đó có tên Ngõ Huyện cùng lý do. Trước đây, cả hai ngõ này đều có tên là Ngõ Huyện.
Từ phố Phủ Doãn sang phố Nhà Chung có phố Chân Cầm. Tên phố này ghép từ tên hai thôn ngày xưa là Chân Tiên và Minh Cầm.
Video đang HOT
Dọc phố Phủ Doãn ngược lên phía Bắc là phố Đường Thành. Đây là con đường nằm bên tường thành Hà Nội xưa. Theo “Từ điển đường phố Hà Nội” của tác giả Giang Quân, do phố chạy qua cửa Chính Đông thành cổ nên trước đây có tên là phố Cửa Thành. Thời Pháp thuộc gọi phố này là Rue de la Citadelle (phố Thành). Sau Cách mạng Tháng Tám, phố chính thức được đặt tên là Phố Đường Thành.
Trên phố Đường Thành có ngõ Tạm Thương. Tên ngõ này có khoảng đầu thế kỷ 19, dưới thời nhà Nguyễn. Ở đây có dựng một cái kho để chứa tạm thóc thuế do dân nộp trước khi chuyển vào kho chính, gọi là kho Trạm Thương, sau nhân dân thấy thóc chứa ở đây mới là tạm thời nên gọi luôn là kho Tạm Thương rồi trở thành tên ngõ từ lúc nào không rõ.
Từ phố Đường Thành (cạnh chợ Hàng Da) đến phố Phùng Hưng có Ngõ Trạm. Đây là nơi có một trạm dịch, chuyên chuyển phát công văn từ trong thành Hà Nội đi các tỉnh.
Từ phố Hàng Mã thông sang Hàng Vải có phố Cổng Đục do đoạn tường thành ở đây bị đục ra làm cổng để đi lại.
Hà Nội còn có phố Hàng Rươi, nhiều người băn khoăn: Rươi mỗi năm chỉ có một mùa, là hai tháng 9, 10 cuối mùa thu, vậy thời gian còn lại trong năm, các cửa hàng ở phố này bán gì? Điều này được giải thích là: Những ngày còn lại trong năm, các nhà buôn trên phố hay bán mắm rươi.
Lê Tiên Long
Theo VNE
Chùa cổ gần 300 năm tuổi của người Hoa ở chợ Lớn
Nằm tọa lạc tại số 710 Nguyễn Trãi, (Q.5, TP.HCM), chùa Bà Thiên Hậu là một trong những ngôi chùa cổ nhất mang đậm kiến trúc của người Hoa ở Chợ Lớn.
Chùa Bà Thiên Hậu được nhóm người Hoa gốc Tuệ Thành (tức Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông) di dân sang Việt Nam góp vốn và góp công xây dựng vào khoảng năm 1760
Chùa nằm trong khu trung tâm của những người Hoa đầu tiên đến tạo lập nên Chợ Lớn sau này. Chùa được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 7 tháng 1 năm 1993
Chùa Bà từng được trùng tu lớn vào các năm 1800, 1842, 1890, 1916...
Nóc chùa được trang trí hoa văn hình hoa lá, hình nhân bằng gốm sứ do hai lò Bửu Nguyên và Đồng Hòa sản xuất vào năm Mậu Dần (1908)
Trang trí ở các điện là hình hoa lá, chim thú và hoành phi, câu đối, biển tự thường là màu đỏ, vàng tạo sự ấm áp, tin tưởng. Chùa còn có các bức tranh đắp nổi liên hoàn, các con vật thuộc "tứ linh"
Theo học giả Vương Hồng Sển thì Thiên Hậu Thánh Mẫu (vị thần được thờ chính trong chùa) có tên là Mi Châu, sinh ngày 23 tháng 3 (âm lịch) năm Giáp Thân (1044), sống ở Phước Kiến (Trung Quốc). Một hôm, cha Bà là Lâm Tích Khánh cùng hai anh trai đi thuyền chở muối đến Giang Tây, giữa đường gặp bão lớn. Lúc đó, Bà đang ngồi dệt vải cạnh mẹ nhưng xuất thần để đi cứu cha và hai anh. Dù cố gắng, nhưng Bà chỉ cứu được hai anh, còn cha bị sóng cuốn. Từ đó, mỗi khi thuyền bè ngoài biển bị nạn người ta đều gọi vái đến Bà. Năm Canh Dần (1110) nhà Tống sắc phong cho Bà là "Thiên Hậu Thánh Mẫu"
Chùa Bà Thiên Hậu có lối kiến trúc tam quan cách điệu với cửa vào ở chính giữa và hai hành lang, tạo sự thông thoáng để mọi người dễ dàng di chuyển trong những ngày đông người đến viếng. Đây là tổ hợp 4 ngôi nhà liên kết nhau tạo thành mặt bằng giống hình chữ "khẩu" hoặc chữ "quốc". Ba dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và chính điện.
Tiền điện là hai trang thờ hai bên cổng vào: Phúc Đức Chánh thần (phải) và Môn Quan Vương Tả (trái). Tại đây có bia đá ghi truyền thuyết về Thiên Hậu Thánh Mẫu và các bức tranh lớn vẽ cảnh bà đang hiển linh trên sóng nước
Giữa các dãy nhà này có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời), giúp không gian chùa thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung và có chỗ thoát khói hương
Chùa xây toàn bằng vật liệu bên Tàu đem qua, từ viên gạch, tấm ngói, đến những đồ gốm gắn trên mái nóc...
Trung điện có bộ lư phát lam lớn niên hiện Quang Tự thứ 12 (1886). Hai bên bộ lư là kiệu sơn son thiếp vàng, bằng gỗ tốt, dành rước Bà vào ngày vía Bà với chiếc thuyền rồng chạm hình nhân, rước theo cùng với kiệu Bà
Những cuộn hương vòng mang đặc sắc văn hóa tín ngưỡng của người Hoa
Người dân đến chiêm bái tại chùa Bà Thiên Hậu
Chính điện, được gọi là Thiên hậu Cung, gian giữa thờ Bà Thiên Hậu, hai bên thờ bà Kim Hoa Nương Nương (phía phải) và Long Mẫu Nương Nương (phía trái)
Được biết pho tượng Bà Thiên Hậu tạc từ một khối gỗ nguyên cao 1m, có từ khá lâu, trước khi xây chùa, vốn được thờ ở Biên Hòa và đến năm 1836 mới di chuyển về đây. Hai pho tượng còn lại bằng cốt giấy sơn màu. Các pho tượng đều được khoác áo thêu lộng lẫy. Gian phụ nằm hai bên chính điện thờ Quan Thánh, Địa Tạng, Thần Tài
Chính điện chùa còn hai đại đồng chung niên hiệu Càn Long năm thứ 60 (1796) và Đạo Quang năm thứ 10 (1830). Trong tủ kính lớn ở chính điện là tượng Bát Tiên và tướng lịnh của D'Ariès vào năm 1860 cấm các binh sĩ Pháp và Y-Pha-Nho phá phách.
Hai chuông cổ đặt trong chính điện.
Chùa Bà Chợ Lớn hằng ngày vẫn đón tiếp những người đến cúng lễ khá đông. Nhưng đông hơn là vào các ngày mùng 1và rằm hằng tháng, các ngày lễ, tết trong năm của người Hoa như tết Nguyên đán, tết Nguyên tiêu, Tết Đoan ngọ...
Đặc biệt, ngày 28 tết, chùa tiến hành lễ cúng Bà và lễ khai ấn. Riêng ngày vía Bà (23-3 âm lịch) được xem là ngày hội chính của chùa. Ngay từ đêm hôm trước, tại chùa đã cử hành lễ tắm Bà. Sáng ngày 23, mọi người lại tổ chức lễ rước Bà: Tượng Bà được đặt vào kiệu do các thanh niên nam nữ ăn mặc đẹp đẽ diễu qua các đường phố quanh chùa. Theo sau kiệu có thuyền rồng, các tấm bảng đỏ ghi tên các vị thần được thờ phụng trong chùa, các đội múa gồm: múa lân, múa sư tử, múa rồng, các đội nhạc dân tộc vừa biểu diễn vừa múa hát tạo nên một quang cảnh náo nhiệt trong các khu phố đông đảo người Hoa...
Ngoài ra, chùa còn khoảng 400 đồ cổ, trong đó có bảy pho tượng thần, sáu tượng đá, chín bia đá, hai chuông nhỏ, bốn lư hương đồng, một lư hương đá, 10 bức hoành phi, 23 câu đối và 41 tranh nổi... Tất cả cổ vật này đều được chế tác rất công phu, tỉ mỉ.
Theo Hoàng Giang (Pháp Luật TPHCM)
Náo nhiệt chợ trung thu trong không gian phố cổ Chợ trung thu phố cổ đã bắt đầu mở bán trên tuyến phố Hàng Mã, Hàng Lược từ mấy ngày nay, thu hút một lượng người đổ về đây khá đông. Đồ chơi bao gồm nhiều loại phục vụ cả trẻ nhỏ lẫn thanh thiếu niên, nhiều màu sắc, mẫu mã hiện đại tràn ngập các quầy hàng. Từ nhiều năm nay, một...