Giải mật video vụ Mỹ không kích làm chết 10 dân thường Afghanistan
Tờ New York Times đã công bố một đoạn video giám sát bằng máy bay không người lái mới được giải mật vào ngày 19/1 về vụ không kích khiến 10 dân thường thiệt mạng ở Afghanistan năm ngoái.
Trong những ngày cuối cùng của cuộc rút quân gấp khỏi Afghanistan vào mùa hè năm ngoái, Mỹ đã tiến hành một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào một kẻ tình nghi là khủng bố. Về sau, Mỹ xác định rằng mục tiêu là người từng vận chuyển nước cho quân đội Mỹ. Cuộc tấn công đã cướp đi sinh mạng của 10 dân thường.
Theo đài Sputnik, tờ New York Times đã công bố một đoạn video giám sát bằng máy bay không người lái mới được giải mật vào ngày 19/1, làm sáng tỏ hơn về cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Kabul diễn ra vào ngày 29/8/2021 này. Trong vụ này, quân đội Mỹ làm chết 10 người vô tội, trong đó có 7 trẻ em.
Các video chưa từng xuất hiện bao gồm khoảng 25 phút cảnh quay im lặng và khá mờ từ hai máy bay không người lái. Cả hai đều là MQ-9 Reapers.
Tờ New York Times có được các video trên sau vụ kiện Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (đơn vị phụ trách các hoạt động quân sự ở Afghanistan) theo Đạo luật Tự do Thông tin (FOIA).
Video đang HOT
Họ hàng và hàng xóm của gia đình Ahmadi đứng quanh một ô tô bị máy bay không người lái Mỹ làm biến dạng. Ảnh: Getty Images
Theo thông lệ tiêu chuẩn về tiết lộ thông tin quân sự, đây được coi là một động thái khá bất thường của Bộ Quốc phòng Mỹ liên quan đến trường hợp một cuộc không kích dẫn đến thương vong về người, thường chỉ được coi là thiệt hại ngoài ý muốn.
Các video cho thấy một chiếc ô tô đến gần và lùi vào sân trên một con phố dân cư có tường bao quanh. Một trong những video có những hình ảnh mờ, có lẽ là từ một camera được thiết kế để phát hiện nhiệt.
Vài phút trước khi tên lửa Hellfire lao vào trong, người ta có thể nhìn thấy một số người đi trong sân, một số có thể là trẻ em đi bộ trên phố bên ngoài. Có thể nhìn thấy những người hàng xóm đang đổ nước từ các mái nhà xuống sân.
Do đoạn phim được ghi lại từ góc nhìn trên cao nên chiều cao của hầu hết những người bên trong sân hầu như không thể xác định được, nên rất khó xác định liệu đó có thực sự là trẻ em hay không.
Video có tầm nhìn rõ hơn về sân lại ở dạng đen trắng và chất lượng kém hơn. Sau đó là cảnh vụ nổ do vụ không kích gây ra.
Vào tháng 11/2021, một quan chức Lầu Năm Góc tuyên bố rằng những hình ảnh trong đoạn video cho thấy có ít nhất một trẻ em trong vùng tấn công khoảng hai phút trước khi tên lửa được phóng đi.
Bộ Quốc phòng thừa nhận vụ tấn công là một sai lầm thương tâm khiến người dân vô tội thiệt mạng. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã gửi lời chia buồn tới các thành viên gia đình nạn nhân, bao gồm gia đình của Zamarai Ahmadi, người làm việc cho tổ chức nhân đạo Dinh dưỡng và Giáo dục Quốc tế.
Ahmadi bị quân đội Mỹ xác định là khủng bố Nhà nước Hồi giáo, người bị cho là đang lên kế hoạch cho nổ một thiết bị gần sân bay Kabul, nơi đang tiến hành cuộc sơ tán.
Cuộc điều tra do Bộ Quốc phòng tiến hành đã kết luận rằng hành vi sai trái hoặc kém năng lực không phải là yếu tố dẫn đến vụ việc. Người đứng đầu Lầu Năm Góc quyết định không trừng phạt ai sau vụ việc.
Chính phủ Mỹ đã cam kết sẽ tái định cư cho thân nhân của các nạn nhân, cũng như nhân viên của tổ chức cứu trợ và đưa ra các khoản chi trả cụ thể cho gia đình, nhưng họ vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào.
Tiết lộ 'sai sót tình báo nghiêm trọng' trong các cuộc không kích của Mỹ
Báo New York Times (Mỹ) ngày 18/12 đưa tin, những tài liệu của Lầu Năm Góc mà báo này mới tiếp cận được cho thấy những "sai sót tình báo nghiêm trọng" trong các cuộc không kích của Mỹ tại Trung Đông và Afghanistan, gây ra cái chết của hàng nghìn dân thường, trong đó có nhiều trẻ em.
Máy bay chiến đấu Mỹ không kích Syria. Ảnh tư liệu: Daily Express
Báo này cho rằng tập tài liệu mật liên quan đến hơn 1.300 báo cáo về thương vong của dân thường trong hơn 50.000 vụ không kích do Mỹ tiến hành tại Afghanistan, Iraq và Syria 5 năm qua cho thấy bức tranh khác hẳn những gì Washington miêu tả về cuộc chiến được quảng bá là tiến hành bằng các loại bom đạn chính xác, trong khi những cam kết về sự minh bạch và trách nhiệm giải trình không được đảm bảo.
Đáng chú ý là vụ đặc nhiệm Mỹ ngày 19/7/2016 tiến hành không kích nơi được cho là khu vực triển khai của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở miền Bắc Syria với báo cáo ban đầu là 85 tay súng bị tiêu diệt. Thương vong thực tế là khoảng 120 nông dân và dân làng thiệt mạng.
Một ví dụ khác là cuộc tấn công tháng 11/2015 tại Ramadi, Iraq sau khi một người đàn ông bị phát hiện đang kéo "một vật thể nặng không xác định" vào vị trí của IS. "Vật thể" đó về sau được xác định là một trẻ em, cũng thiệt mạng trong vụ tấn công.
Gần đây, quân đội Mỹ đã phải lên tiếng thừa nhận sai lầm trong một vụ không kích nhầm bằng máy bay không người lái (UAV) trên đường phố thủ đô Kabul của Afghanistan hồi tháng 8 làm chết 10 thành viên trong một gia đình, trong đó có trẻ em.
Các hình ảnh do thám chất lượng kém hoặc không đầy đủ thường là nguyên nhân góp phần để xảy ra những vụ không kích nhầm gây chết chóc cho người dân.
Ngổn ngang nỗi lo hậu xung đột tại Afghanistan Hai tháng kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul và lập ra chính quyền mới, đồng thời lực lượng Mỹ và đồng minh rút quân khỏi Afghanistan, tình hình bất ổn vẫn tiếp diễn tại đất nước Tây Nam Á này đã trở thành một trong những chủ đề trọng tâm của các chương trình nghị sự quốc tế...