Giải mật kế hoạch hạt nhân của Mỹ nhằm tàn phá Liên Xô, Trung Quốc trong Chiến tranh lạnh
Trong thời Chiến tranh lạnh, Quân đội Mỹ từng lên kế hoạch tấn công hạt nhân để biến Liên Xô và Trung Quốc thành đất chết.
Lính Mỹ quan sát một vụ thử hạt nhân ở bang Nevada năm 1952 AFP
Giới nghiên cứu tại đại học George Washington (Mỹ) gần đây công bố những tài liệu mới được giải mật cho thấy Lầu Năm Góc từng xem xét các khả năng tàn phá nền công nghiệp và lực lượng lao động của Liên Xô và Trung Quốc, theo đài RT.
Theo đánh giá của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ năm 1964, quân đội nước này sẽ biến Liên Xô thành xã hội không thể sống được bằng đòn tấn công hạt nhân phủ đầu hoặc đáp trả, phá hủy 70% hạ tầng công nghiệp ở nước này.
Kế hoạch không nêu rõ mức độ thiệt hại nhân mạng sau các cuộc tấn công này nhưng tài liệu tương tự vào năm 1961 ước tính sẽ khiến 71% cư dân ở các vùng đô thị lớn của Liên Xô thiệt mạng.
Về phần Trung Quốc, Lầu Năm Góc dự tính sẽ tiêu diệt 30 thành phố lớn và loại trừ khoảng 30% dân cư thành thị, gây thiệt hại nặng cho ngành công nghiệp nước này. Cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn nếu thành công sẽ đảm bảo Trung Quốc không còn là một đất nước có thể sống được, trích đánh giá của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ.
Trong đánh giá năng lực và chính sách hạt nhân của chính quyền Tổng thống Donald Trump công bố hồi tháng 2, năng lực quân sự của Nga và Trung Quốc vẫn là thách thức, mối đe dọa lớn cho nước Mỹ.
Video đang HOT
Moscow sau đó chỉ trích đánh giá này mang tính đối đầu còn Bắc Kinh coi chính sách hạt nhân của Mỹ là hình mẫu của tâm lý thời Chiến tranh lạnh.
Theo TNO
Kế hoạch tấn công hạt nhân phủ đầu Liên Xô của Mỹ
Mỹ từng lên kế hoạch tấn công phủ đầu Liên Xô bằng vũ khí hạt nhân từ năm 1962 trong trường hợp nổ ra chiến tranh.
Các mục tiêu trên lãnh thổ Liên Xô sẽ bị tấn công theo kế hoạch SIOP-62. Ảnh: Imgur.
Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, các chiến lược gia Mỹ từng bí mật lên kế hoạch hành động tổng thể (SIOP) để đối phó Liên Xô và khối hiệp ước Warsaw. Một trong những nội dung được vạch ra là tấn công phủ đầu Liên Xô bằng vũ khí hạt nhân, theo National Interest.
Năm 1962, kế hoạch đầu tiên mang tên SIOP-62 được đưa ra. Có hai kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân được đề xuất. Đầu tiên là tấn công hạn chế bằng lực lượng trực chiến hạt nhân, vốn chỉ chiếm phần nhỏ kho vũ khí hạt nhân Mỹ. Kịch bản còn lại là tấn công tổng lực bằng tất cả vũ khí trong biên chế quân đội Mỹ.
Chuyên gia quân sự Kyle Mizokami cho biết SIOP dự tính tấn công phủ đầu khoảng 1.000 cơ sở hạt nhân Liên Xô nếu có dấu hiệu chiến tranh sắp nổ ra. Lực lượng trực chiến hạt nhân sẽ tấn công 75% số mục tiêu, bao gồm bệ phóng, sở chỉ huy và kiểm soát của Liên Xô, khối hiệp ước Warsaw và Trung Quốc.
Trong đòn đánh phủ đầu này, 199 thành phố Liên Xô có dân số trên 50.000 người sẽ bị tấn công, gây thương vong cho 56% dân số thành thị và 37% tổng dân số Liên Xô. Ở Trung Quốc, 49 thành phố sẽ trở thành mục tiêu, khiến 41% dân số thành thị và 10% tổng dân số thiệt mạng. Ở Đông Âu, chỉ các mục tiêu quân sự bị nhắm tới với thương vong ước tính hơn 1,3 triệu người.
Trong kịch bản tấn công tổng lực, 295 thành phố Liên Xô sẽ bị phá hủy, chỉ 5 thành phố có dân số trên 50.000 người còn nguyên vẹn. 72% dân số đô thị và 54% dân số Liên Xô sẽ thương vong, tương đương 108 triệu trong tổng số 217 triệu dân thiệt mạng. Ở Trung Quốc, 78 thành phố sẽ bị tấn công, làm 53% dân thành thị và 16% tổng dân số bị ảnh hưởng. Thương vong ở Đông Âu sẽ lên tới hơn 4 triệu người.
Về tổng thể, SIOP-62 ước tính một cuộc tấn công tổng lực của Mỹ vào Liên Xô, Trung Quốc và khối Warsaw sẽ khiến 355 triệu người thiệt mạng trong 72 giờ đầu tiên. Bản kế hoạch này không đưa ra thương vong của Mỹ trong chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, báo cáo của Phòng Đánh giá Công nghệ (OTA) thuộc Lầu Năm Góc năm 1978 có nêu chi tiết về khả năng Liên Xô trả đũa hạt nhân Mỹ.
Theo đó, trong trường hợp Liên Xô tấn công hạt nhân nhằm vào Mỹ, ước tính 60-88 triệu người Mỹ sẽ thiệt mạng. Nếu được cảnh báo sớm, các thành phố lớn và khu công nghiệp có thể được sơ tán, tuy nhiên điều này chỉ có thể giảm số thương vong xuống còn 47-51 triệu người. Báo cáo của OTA không đề cập đến việc đồng minh Mỹ như NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc bị tấn công, nhưng điều này gần như chắc chắn sẽ xảy ra.
Mục tiêu Mỹ nếu Liên Xô đáp trả bằng 2.000 đầu đạn (chấm đen) và 500 đầu đạn (tam giác). Ảnh: Imgur.
Một báo cáo của Bộ tư lệnh không quân chiến lược Mỹ (SAC) ước tính 1.215 mục tiêu chiến lược của Mỹ sẽ bị Liên Xô tấn công bằng khoảng 3.000 đầu đạn hạt nhân với tổng sức công phá 1.340 Megaton, tương đương 1,34 tỷ tấn thuốc nổ TNT.
Do cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu kiên cố, đặc biệt là hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), Moscow sẽ sử dụng tên lửa đạn đạo R-36M (NATO định danh: SS-18 Satan), mỗi quả chứa 10 đầu đạn với tổng sức công phá 5,5-7,5 Megaton. Ngoài ra, oanh tạc cơ và máy bay tiếp liệu Mỹ có thể trở thành mục tiêu của ICBM và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Liên Xô.
Một cuộc tấn công nhằm vào các thành phố Mỹ ở khu vực Trung Tây, nơi có lực lượng hạt nhân nước này, sẽ khiến 34 triệu người chết và 25-64 triệu người bị thương. Tuy nhiên, vào năm 1962, Bộ tư lệnh Không quân Mỹ ước tính nước này sẽ chịu tổn thất ít hơn Liên Xô.
Lý do là sức công phá của vũ khí hạt nhân Mỹ trong thập niên 1960 lớn hơn Liên Xô, trong khi vũ khí hạt nhân Liên Xô chủ yếu phải lắp trên oanh tạc cơ. Vào thời điểm năm 1962, Liên Xô có 300-320 vũ khí hạt nhân, nhưng chỉ có 40 đầu đạn trong số này không triển khai từ oanh tạc cơ.
Căn cứ oanh tạc cơ Liên Xô, vốn là mục tiêu tấn công ưu tiên của Mỹ, lại nằm sát khu vực có nhiều dân thường. Trong khi đó, các cuộc tấn công trả đũa của Liên Xô chủ yếu nhằm vào bãi chứa ICBM, căn cứ oanh tạc cơ và tàu ngầm chiến lược Mỹ, vốn nằm ở khu vực có ít dân cư.
SIOP khẳng định hầm chứa ICBM sẽ là mục tiêu đầu tiên của Mỹ bị tấn công. Ảnh: Wired.
Dù hiểm họa chiến tranh hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô đã chấm dứt, nhưng Mỹ vẫn phải đối mặt với nguy cơ nổ ra cuộc chiến tương tự với Trung Quốc và Nga. Hậu quả của chiến tranh hạt nhân trong thế kỷ 21 sẽ thảm khốc không kém. Do đó, các bên cần kiểm soát kho vũ khí hạt nhân, xây dựng lòng tin và giảm căng thẳng, chuyên gia Mizokami nhấn mạnh.
Duy Sơn
Theo VNE
Hồ sơ tuyệt mật về Bom Sa Hoàng: Quả bom "quái vật" tương đương 57 triệu tấn thuốc nổ mạnh nhất Với sức mạnh tương đương 57 triệu tấn TNT, bom Sa Hoàng (Tsar Bomba) trở thành vũ khí nguyên tử lớn nhất từng được thử nghiệm trong lịch sử loài người. Trước khi Thế chiến II (1939 - 1945) bùng nổ, giới khoa học Đức đã có phát hiện mang tính cách mạng làm thay đổi mãi mãi sức mạnh của vũ khí...