Giải mã ý đồ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên
CHDCND Triều Tiên, sáng nay (22/6), phóng hai tên lửa từ bờ biển phía đông nước này, cả hai được cho là tên lửa tầm trung Musudan.
Hãng tin CNN dẫn lời Tư lệnh Dave Benham, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, hai vụ phóng được thực hiện từ thành phố cảng Wonsan và không gây đe dọa cho khu vực Bắc Mỹ. Theo quân đội Hàn Quốc, vụ phóng đầu lúc 5h58′ (giờ địa phương) không thành công. Hai giờ sau, lúc 8h05′, tên lửa thứ hai được phóng đi, bay được 150km.
Triều Tiên khoe tên lửa Musudan trong một lễ diễu binh. (Ảnh: Yonhap)
Bộ Ngoại giao Mỹ đã lập tức lên án sự kiện: “Chúng tôi có thông tin Triều Tiên bắn hai tên lửa đạn đạo. Chúng tôi đang giám sát và tiếp tục đánh giá tình hình với sự phối hợp chặt chẽ của các đồng minh và đối tác trong khu vực”.
Mỹ thúc giục Triều Tiên ngừng các vụ thử tên lửa đạn đạo, nhấn mạnh rằng việc làm của chính quyền Bình Nhưỡng càng khiến cho cộng đồng quốc tế thúc đẩy cấm vận lên nước này.
Video đang HOT
Năm nay, Triều Tiên rất quan tâm đến tên lửa Musudan, vũ khí có tầm bắn 3.000-5.500km. Trong tháng 5, nước này thực hiện vụ thử Musudan lần 4 nhưng tên lửa phát nổ ngay khi rời bệ phóng.
Cuối tháng 4, vụ thử kép 2 tên lửa Musudan cũng thất bại. Trước đó, vào dịp kỷ niệm sinh nhật người sáng lập Triều Tiên Kim Il-sung, Triều Tiên thử tên lửa nhưng không thành công.
Theo giới phân tích, Triều Tiên có thể tiếp tục sẽ phóng thử tên lửa với cường độ như từ đầu năm. Stephan Haggard – Giám đốc Chương trình Triều Tiên – Thái Bình Dương của trường Đại học California San Diego, nói Bình Nhưỡng làm vậy là do ngày càng gặp nhiều thách thức về tài chính.
Chính quyền Kim Jong-un vừa chịu thêm các đòn trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc, vốn có mục đích ngăn nước này tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế. Tổ hợp công nghiệp Kaesong chung của Triều Tiên và Hàn Quốc thì bị phía Seoul đóng cửa.
“Triều Tiên đang bắt đầu cảm thấy nỗi đau khá lớn về kinh tế”, ông Haggard nhận định. “Một phần ý đồ (của nước này) là muốn thu hút sự chú ý trở lại Triều Tiên, nhờ đó, có thể họ nghĩ sẽ được nới bớt cấm vận”.
Cũng theo chuyên gia này, Triều Tiên muốn phát triển các tên lửa còn bởi đó cũng là cách phóng vũ khí hạt nhân. “Bạn có thể phát triển một thiết bị hạt nhân, nhưng nếu bạn không phóng được nó đi thì nó chẳng có giá trị gì về chiến lược”. Và, nếu không có một lực lượng không quân hoặc một tàu ngầm đủ năng lực về kỹ thuật, phát triển tên lửa là cách duy nhất.
Haggard lý giải, vũ khí hạt nhân mang lại cho chính quyền Kim Jong-un sức mạnh thương lượng với phần còn lại của thế giới. “Chúng càng bay xa thì cái giá mà cộng đồng bên ngoài (Triều Tiên) phải trả để họ từ bỏ chúng càng cao”, ông nói.
Kim Jong-un ráo riết tăng cường năng lực hạt nhân và tên lửa với tốc độ nhanh hơn cả cha của ông này, cố Chủ tịch Kim Jong-il. Trả lời phỏng vấn của CNN hồi đầu tháng, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Minkoo chỉ ra rằng, trong 18 năm Kim Jong-il lãnh đạo đất nước, Triều Tiên thực hiện 18 vụ thử tên lửa. Nhưng chỉ trong 4 năm Kim Jong-un lên nắm quyền, Triều Tiên tiến hành 27 lần thử, gồm cả hai vụ phóng sáng nay.
Thanh Hảo
Vietnamnet
Hàn Quốc họp khẩn vì Triều Tiên phóng tên lửa tầm trung
Các cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc sẽ bàn bạc biện pháp đối phó với các cuộc phóng tên lửa đạn đạo tầm trung liên tiếp của Triều Tiên.
Hình ảnh được cho là tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan của Triều Tiên. Ảnh:Yonhap.
Ngày 22/6, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho biết sẽ mở cuộc họp với các cố vấn an ninh quốc gia sau khi Triều Tiên liên tiếp phóng hai tên lửa đạn đạo tầm trung sáng nay, theo Reuters.
Vụ phóng mới nhất của Triền Tiên diễn ra lúc 8h05, vài giờ sau khi lần phóng đầu tiên thất bại. Tên lửa Triều Tiên bay được 400 km và rơi xuống biển Nhật Bản, không gây bất cứ thương vong nào về người.
Hàn Quốc tuyên bố sẽ tìm kiếm "sự giúp đỡ từ các đồng minh" để đối phó việc Triều Tiên phóng tên lửa. Hàn Quốc có thể sẽ đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bởi Triều Tiên đã vi phạm lệnh cấm thử tên lửa. Các biện pháp ngoại giao có thể sẽ dẫn đến việc Hội đồng Bảo an ra nghị quyết lên án động thái của Triều Tiên.
Triều Tiên biên chế 50 tên lửa đạn đạo Musudan trong quân đội từ năm 2007, nhưng chưa từng thử nghiệm tên lửa này cho đến tháng 4. Với tầm bắn 3.000-4.000 km, tên lửa Musudan có thể vươn tới bất cứ nơi nào tại Nhật Bản, thậm chí bắn tới đảo Guam của Mỹ.
Văn Việt
Theo VNE
Nhật Bản tuyên bố không tha thứ Triều Tiên vì phóng tên lửa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên án cuộc thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên hôm nay, gọi đây là hành động "không thể tha thứ". Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: Reuters. "Không thể tha thứ nếu đó là một vụ phóng tên lửa đạn đạo", đài NHK dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói. "Chúng tôi sẽ...