Giải mã tính toán gây sốc khó lường của Tổng thống Philippines
“Tôi sẽ vạch ra đường lối mới (cho Philippines) và sẽ không phụ thuộc vào Mỹ”, ông Rodrigo Duterte, vị Tổng thống nổi tiếng cứng rắn, mạnh bạo của Philippines từng tuyên bố. Theo đó, dưới sự dẫn dắt của ông Duterte, chính sách đối ngoại của Philippines đang chuyển hướng nhanh chóng mặt.
Xa lánh và quay mũi giáo chống lại Mỹ
Theo giới phân tích, với những người từng nghi ngờ khả năng ông Duterte có thể “đảo chiều” quan hệ với Mỹ, đồng minh quan trọng và lâu năm của Philippines, những sự kiện xảy ra trong 2 tuần gần đây đủ để khiến họ phải thay đổi suy nghĩ.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) mới đây bị chỉ trích vì vạ miệng xúc phạm Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Sau khi nhậm chức vào cuối tháng 6, Tổng thống Philippines Duterte đã nhanh chóng tiến hành củng cố quyền lực trong bộ máy nhà nước và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhóm xã hội dân sự khác nhau ở trong nước. Điều này cho phép ông Duterte có khả năng ung dung chuyển hướng chính sách đối ngoại của Philippines, thiết lập một đường lối mới không giống bất cứ người tiền nhiệm nào của ông mà không sợ vấp phải những trở ngại đáng kể.
“Tôi thực là một người thô lỗ. Tôi đang tận hưởng những nốt những ngày còn được phép là một người đàn ông thô lỗ. Khi tôi trở thành tổng thống, vào thời điểm tôi tuyên thệ nhậm chức, sẽ có một sự lột xác”, ông Duterte từng cam đoan với những người ủng hộ mình.
Lời cam kết của ông Duterte khi đó khiến nhiều người nhầm tưởng rằng, chiến lược hùng biện cứng rắn của ông thời tranh cử – bao gồm cả những tuyên bố nhắm trực tiếp vào Mỹ – đơn giản là một cách quảng bá khôn ngoan, không có gì đáng ngại.
Do đó khi ông Duterte tới dự hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) được tổ chức tại thủ đô Viêng Chăn của Lào tuần trước, nhiều người kỳ vọng thấy được sự “lột xác” của ông để trở nên sắc sảo, mềm mỏng và khôn khéo hơn, giống như những gì vị tổng thống này từng tuyên bố. Tuy nhiên, sau tất cả, Tổng thống Duterte lại cho cả thế giới thấy lối đối ngoại theo kiểu Hyde và Jekyll (tính 2 mặt trong một con người) của mình.
Theo đó, tại hội nghị, ông Duterte – người nhận cương vị chủ tịch hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2017 và vốn được đánh giá là người theo đuổi chính sách đối ngoại thực dụng cao trong tranh chấp Biển Đông và các quan hệ với Trung Quốc – đã nồng hậu ôm các nhà lãnh đạo châu Á, trong khi gay gắt buông những lời lẽ xúc phạm tới Tổng thống Mỹ Barack Obama, nguyên thủ của một nước đồng minh quan trọng và lâu năm với Philippines.
Thế rồi, ngay sau đó, khi phía Mỹ “nổi giận” trước những lời lẽ xúc phạm ông Obama và hủy bỏ cuộc họp song phương, Tổng thống Duterte vội vã bày tỏ sự hối tiếc về vạ miệng mà ông mắc phải. Ông nhấn mạnh rằng, những lời nhận xét thô lỗ của mình không nhắm trực tiếp vào Tổng thống Obama. Về phần mình, để hạ thấp căng thẳng và giữ quan hệ, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố trấn an đồng minh Philippines rằng, ông không để bụng những lời nhận xét xúc phạm mang tính cá nhân của Tổng thống Duterte.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chạm mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Lào sau vạ miệng.
Tuy nhiên, ngay khi nhiều người vừa thở phào rằng, nỗ lực kiểm soát hậu quả từ vạ miệng của ông Duterte đã thu “trái ngọt” thì vị Tổng thống Philippines lại một lần nữa bất ngờ quay mũi giáo tấn công Mỹ.
Theo đó, ông Duterte ngày 12.9 tuyên bố muốn toàn bộ lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang hỗ trợ quân đội sở tại chống khủng bố ở tỉnh Mindanao kể từ năm 2002 phải rút về nước.
Video đang HOT
Tổng thống Philippines nhấn mạnh, ông “không muốn gây bất hòa với Mỹ. Nhưng các binh sĩ Mỹ phải ra đi. Chừng nào chúng ta còn đứng về phía Mỹ, chúng ta sẽ không bao giờ có hòa bình tại Mindanao. Chúng ta có thể phải bỏ cuộc” đồng thời cảnh báo là nếu người Mỹ còn hiện diện trong vùng họ sẽ bị bắt làm con tin hoặc bị giết. Giới phân tích nhận định, tuyên bố trên của ông Duterte có thể tiếp tục đẩy quan hệ Mỹ – Philippines vào tình trạng căng thẳng, nhưng mang lại tiếng tăm cho ông trong dân chúng thoogn qua một thông qua lập trường độc lập hơn về an ninh.
Theo đó, chỉ trong khoảng một tháng qua, quan hệ giữa Mỹ và Philippines đã đảo chiều từ “mối quan hệ chiến lược, đặc biệt quan trọng tới bất ổn và căng thẳng”. Theo giới phân tích, tình trạng này có thể sẽ lặp đi lặp lại và làm thay đổi mối quan hệ song phương gần gũi và lâu năm giữa Mỹ và Philippines.
Xích lại gần Trung Quốc
Bất chấp những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và chiến thắng pháp lý mang tính bước ngoặt mới đây của Philippines trong vụ kiện Đường lưỡi bò mới đây với Trung Quốc, ông Duterte liên tục nhấn mạnh chủ trương muốn đối thoại và đàm phán song phương với Trung Quốc. Theo đó, chính sách của ông Duterte được đánh giá là mang tính thực dụng cao khi tránh đối đầu quyết liệt với Trung Quốc.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt tay Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Hội nghị ASEAN tại Viên Chăn, Lào hôm 7.9.2016
Việc Tổng thống Duterte nhiều lần “gây sự” với Mỹ trong đó bao gồm tuyên bố sẵn sàng xem xét lại quan hệ song phương, cụ thể là các thỏa thuận quân sự giữa Manila và Washington cũng được giới phân tích nhận định là động thái nhằm giúp Philippines xích lại gần hơn với Trung Quốc.
Đặc biệt, trong khi tỏ ra xa lánh Mỹ, nhà lãnh đạo Philippines lại kêu gọi hợp tác mạnh mẽ hơn với Trung Quốc và Nga, bao gồm cả lĩnh vực quân sự.
Bloomberg ngày 13.9 dẫn nguồn tin cho hay, Tổng thống Duterte dường như đang xem xét khả năng mua vũ khí của Nga và Trung Quốc.
Ông Duterte nói Philippines cần máy bay trực thăng có thể sử dụng để chống lại quân nổi dậy và chống khủng bố ở Mindanao, với giá rẻ hơn mà không có sự ràng buộc nào.
“Tôi không cần máy bay phản lực, F-16 chẳng ích gì cho chúng tôi. Chúng tôi không có ý định chống lại bất cứ nước nào”, ông Duterte tuyên bố và cho biết thêm rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cùng các quan chức kỹ thuật trong các lực lượng vũ trang sẽ thăm Trung Quốc và Nga để “xem những gì là tốt nhất.”
Chưa hết, Tổng thống Philippines cũng đang chuẩn bị cho khả năng tổ chức chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc càng sớm càng tốt, có thể trong những tuần tới, hướng tới mục đích chính là giải quyết tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc một cách hòa bình..
“Trung Quốc có thể đang lo lắng về tôi. Vì vậy, họ đề nghị cung cấp các máy bay. Nếu chúng tôi muốn mua máy bay từ một bên đối tác (Trung Quốc), nếu đó là hàng miễn phí, tại sao chúng ta lại không nhận lấy? Ồ, cảm ơn!”, Tổng thống Duterte nhấn mạnh.
Như vậy, sau tất cả, theo giới phân tích, nhà lãnh đạo mới của Philippines đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng rằng, ông không bận tâm đến những lời chỉ trích từ phía Mỹ và sẵn sàng quay lưng với đồng minh thân cận lâu năm để đổi lấy chính sách độc lập hơn về an ninh, lấy lòng người dân trong nước, cũng như gây dựng mối quan hệ êm đẹp hơn với Trung Quốc.
Theo Danviet
Mỹ và Trung Quốc đang bị ông Duterte chơi "mèo vờn chuột"
Tuyên bố "đuổi" lực lượng đặc biệt Mỹ và muốn mua vũ khí Trung Quốc, Tổng thống Duterte đang có những tính toán đầy khôn khéo?
Duterte muốn mua vũ khí Trung Quốc: Thật hay đùa?
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói rằng ông muốn mua vũ khí từ Trung Quốc, nhưng đó chỉ là cách ông dùng "lá bài Trung Quốc" để đối phó với Mỹ hơn là một kế hoạch thực tế.
Oh Ei-sun, chuyên viên cao cấp tại Trường nghiên cứu quốc tế S Rajaratnam, Singapore, bình luận: "Những gì Duterte đang làm là sử dụng &'lá bài Mỹ' để chống lại Trung Quốc và ngược lại, nhằm đạt được lợi ích lớn nhất cho Philippines.
Xét từ góc độ này, ông hoàn toàn có thể &'nghiêm khắc' và &'phong phú' (những từ mà Tổng thống Mỹ Obama dùng để mô tả về Duterte sau khi bị ông xúc phạm là &'đồ con hoang'-PV) hơn với Mỹ, bởi Philippines vẫn là trụ cột quan trọng trong chính sách tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ.
Đó là lý do Mỹ kiềm chế phản ứng của họ đối với sự bùng nổ của Duterte nhiều hơn đối với Trung Quốc,"
"Tôi cho rằng thực ra ông Duterte đang tìm kiếm những vũ khí tốt hơn với giá hời từ Mỹ," ông Oh nói thêm.
Duterte nói với các sĩ quan quân đội Philippines hôm 13/9 rằng ông sẽ không cho phép các lực lượng của chính phủ nước này tham gia tuần tra chung trên biển Đông với "các thế lực nước ngoài", đồng thời cho biết ông xem xét việc tìm kiếm trang thiết bị quốc phòng từ Trung Quốc và Nga.
Trước đó, Duterte gây sốc khi tuyên bố ông muốn các lực lượng đặc biệt của Mỹ rời khỏi miền Nam Philippines. Nhưng phía Mỹ cho biết họ chưa nhận được thông báo chính thức của Manila.
Tổng thống Philippines được cho là đang làm rạn nứt quan hệ với Mỹ, trong khi ông cố gắng hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh, vốn bị sứt mẻ nghiêm trọng sau phán quyết vụ kiện biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA) hôm 12/7.
Ngô Sĩ Tồn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông - trung tâm do Chính phủ Trung Quốc thành lập, nói rằng Tổng thống Duterte đang thăm dò thái độ của Mỹ và kỳ vọng đạt được những lợi ích lớn hơn, đặc biệt là về khí tài quân sự, bất chấp những tuyên bố mạnh miệng của ông có vẻ "không tưởng".
Ông Ngô nói: "Hiệp ước quốc phòng tương hỗ giữa Mỹ và Philippines là một văn kiện ràng buộc pháp lý được phê chuẩn bởi Tòa án tối cao Philippines.
Chỉ vài lời nói của ông Duterte không thể chấm dứt quan hệ quân sự mật thiết với Mỹ..."
"Trung Quốc nhiều khả năng không bán vũ khí cho Philippines như nguyện vọng của Duterte bởi song phương thiếu tin cậy lẫn nhau.
Ngoài ra, sẽ thật hổ thẹn nếu Philippines sử dụng tàu chiến Trung Quốc để đối đầu với Trung Quốc," ông Ngô đánh giá.
Nhà bình luận quân sự người Trung Quốc, ông Châu Thần Minh thì cho rằng Manila không đủ can đảm và sức mạnh để xa rời Mỹ. Theo ông, lời tuyên bố muốn mua vũ khí của Trung Quốc chỉ là "điệu bộ" để làm hài lòng Bắc Kinh.
Châu nói với SCMP: "Vấn đề tương thích chính là rào cản Trung Quốc bán vũ khí cho Philippines. Nước này đã quen với vũ khí của Mỹ, vốn khác hoàn toàn về thiết kế và sản xuất so với Trung Quốc."
Quan hệ quốc phòng Mỹ-Philippines rất tốt đẹp khi Tổng thống Obama công du Philippines năm 2014 (Ảnh: manilalivewire)
Những lời nói của Duterte "gây nhiễu"
Học giả Oh Ei-sun nhận định, đề nghị bằng miệng về việc Philippines muốn mua vũ khí Trung Quốc không thể xem là tín hiệu quan hệ hai bên ở biển Đông đã hòa dịu.
"Ngay cả khi Philippines không cương quyết về vấn đề phán quyết PCA thì các quốc gia Đông Nam Á khác cũng sẽ làm như vậy," Oh nói.
Trong khi đó, ông Ngô Sĩ Tồn khẳng định Manila sẽ không phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế bởi Mỹ và Nhật Bản không cho phép điều đó xảy ra.
Rodrigo Duterte nổi tiếng vì những phát ngôn mạnh miệng và tiền hậu bất nhất. Không đầy 1 tháng trước khi "làm căng" với Mỹ, ông đã thề sẽ "đổ máu" với Trung Quốc nếu nước này dám gây hấn ở vùng biển tranh chấp.
"Chúng ta sẽ không đầu hàng dễ dàng. Xương máu các chiến sĩ của chúng ta sẽ đổ xuống, và các bạn có thể tính cả tôi," ông tuyên bố.
Oh Ei-sun thừa nhận khó khăn trong việc phân định thái độ từ các phát ngôn "muôn màu muôn vẻ" của Tổng thống Philippines.
Ông nói: "Chúng ta khó có thể thể phân biệt thái độ nghiêm túc, hay chỉ là hiệu quả &'như thật', từ những phát ngôn phong phú mà Duterte thốt ra hầu như hàng ngày.
Theo Soha News
Muốn quân Mỹ rút khỏi Mindanao, Duterte ngầm ám chỉ điều gì? Phát ngôn viên của ông Duterte tiết lộ một điều bất ngờ dù Bộ Ngoại giao Philippines đã lên tiếng trấn an dư luận, đặc biệt là đồng minh Mỹ. Hôm nay, 13/9, quân đội Philippines cho biết, lực lượng này sẽ chờ đợi "chỉ đạo cụ thể" từ Tổng thống Philippines sau khi ông này tỏ ý muốn rút binh lính Mỹ...