“Giải mã” phong cách thời trang mới của ông Kim Jong-un
Sự thay đổi phong cách thời trang của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể xuất phát từ mong muốn xây dựng hình ảnh cá nhân sau 8 năm cầm quyền.
Khi giám sát một vụ thử nghiệm bệ phóng tên lửa siêu lớn của Triều Tiên vào ngày 28/11, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã mặc một áo khoác da dáng dài màu đen. Phong cách này của ông Kim Jong-un cho thấy sự khác biệt hoàn toàn với phong cách của cha và ông nội trước đây.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát vụ thử bệ phóng tên lửa của Triều Tiên hôm 28/11. (Ảnh: KCNA).
Trước đó vài ngày, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên cũng mặc một áo khoác dài màu nhạt trong chuyến thăm tới một cơ sở quân sự trên đảo biên giới Changrin.
Sự thay đổi bất ngờ về phong cách thời trang của nhà lãnh đạo Triều Tiên đã làm dấy lên nhiều đồn đoán rằng, ông Kim Jong-un có thể đang tìm cách xây dựng hình ảnh cá nhân để biến ông trở nên khác biệt hơn so với các lãnh đạo tiền nhiệm, đặc biệt trong bối cảnh quyền lực của ông ngày càng được củng cố trong bộ máy chính quyền Triều Tiên.
“Ông Kim dường như đang nỗ lực để xây dựng hình ảnh và tầm ảnh hưởng cá nhân nhiều nhất có thể”, Kim Yong-hyun, giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Dongguk, cho biết.
Chỉ với vài năm chuẩn bị, ông Kim Jong-un đã tiếp quản vị trí lãnh đạo đất nước Triều Tiên từ cha, cố lãnh đạo Kim Jong-il, vào tháng 12/2011 sau khi ông Kim Jong-il qua đời. Kể từ đó, nhà lãnh đạo non trẻ của Triều Tiên đã điều hành mọi công việc theo đường lối do cha và ông nội để lại.
Video đang HOT
Ông Kim Jong-un thăm một cơ sở quân sự trên đảo Changrin ngày 25/11 (Ảnh: Yonhap).
Trong thời gian đầu nắm quyền, ngoại hình với kiểu tóc cắt cao, gọn gàng xung quanh và chải ngược về phía sau, cặp kính có gọng làm bằng sừng và trang phục tối màu theo “kiểu Mao Trạch Đông”của ông Kim Jong-un được cho là rất giống với phong cách của ông nội Kim Nhật Thành – nhà lập quốc vĩ đại được người dân Triều Tiên vô cùng tôn kính.
Theo giới quan sát, nỗ lực của ông Kim Jong-un trước đây trong việc xây dựng hình ảnh cá nhân được ví như “bản sao” của cha và ông nội là điều dễ hiểu, bởi khi đó ông Kim Jong-un phải tập trung vào việc củng cố quyền lực của ông trong nội bộ đảng cầm quyền, chính phủ và quân đội Triều Tiên. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, vị thế của ông Kim Jong-un đã thay đổi.
Các nhà phân tích cho rằng, sự chuyển biến gần đây về diện mạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có lẽ liên quan nhiều hơn tới sở thích cá nhân của ông, trong khi giảm bớt yếu tố chính trị nhằm thể hiện mong muốn xây dựng hình ảnh tươi mới hơn của một nhà lãnh đạo đất nước.
Ông Kim Jong-un mặc áo khoác dài khi thị sát cơ sở quân sự (Ảnh: KCNA).
Ngoài sự đổi mới về phong cách thời trang, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng cho thấy sự thay đổi về phong cách lãnh đạo, khác so với các thế hệ tiền nhiệm. Điều này được thể hiện trong chính sách ngoại giao của chính quyền Kim Jong-un với Hàn Quốc, Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Kim Jong-un đã tổ chức 3 cuộc gặp song phương, trong đó có cuộc gặp lịch sử tại khu phi quân sự chia tách biên giới Hàn Quốc và Triều Tiên hồi tháng 6. Bên cạnh đó, ông Kim Jong-un cũng để ngỏ con đường ngoại giao hòa bình với Hàn Quốc dù trên danh nghĩa, hai quốc gia láng giềng vẫn đang trong tình trạng chiến tranh do chưa ký hiệp ước hòa bình sau chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953).
Tuy vậy, hiện vẫn còn nhiều hoài nghi về việc, liệu sự thay đổi về phong cách thời trang của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có báo hiệu một sự chuyển biến lớn trong các chính sách đối ngoại và quân sự của Triều Tiên hay không./.
Thành Đạt
Theo Dân trí
Đằng sau thông điệp Triều Tiên gửi Mỹ
Ngày 29-11, Triều Tiên đã ra thông báo xác nhận thử thành công hệ thống bắn liên tiếp của bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn, dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào một ngày trước đó, đúng vào dịp Lễ Tạ ơn ở Mỹ.
Một phụ nữ ở Hàn Quốc xem một chương trình tin tức về các vụ thử không xác định của Triều Tiên hôm 28-11, với hình ảnh chỉ đạo của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP
Hàn - Nhật không chia sẻ thông tin tình báo về vụ thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên
Các quan chức Hàn Quốc ngày 29-11 cho biết, nước này và Nhật Bản không trao đổi thông tin quân sự với nhau liên quan tới vụ thử vũ khí hôm 28-11 của Triều Tiên theo khuôn khổ Hiệp định chia sẻ thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật.
Một quan chức chính quyền Hàn Quốc khẳng định: "Tokyo không yêu cầu chúng tôi chia sẻ thông tin tình báo về các vụ phóng mới nhất này" và Seoul cũng không tìm kiếm thông tin mà Nhật Bản thu thập được về vụ việc này".
T.N
Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của Triều Tiên cho biết, Viện Khoa học Quốc phòng đã tiến hành vụ thử nhằm đánh giá lần cuối khả năng của bệ phóng. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ vô cùng hài lòng với kết quả vụ thử. "Vụ thử - nhằm mục đích kiểm tra lần cuối khả năng ứng dụng trong chiến đấu của hệ thống phóng siêu lớn đa tên lửa - đã cho thấy sự siêu việt về mặt quân sự và kỹ thuật và tính đáng tin cậy rất chắc chắn của hệ thống. Lãnh tụ tối cao đã bày tỏ rất hài lòng với kết quả của vụ thử", KCNA viết. Phát biểu tại một cuộc họp ngắn hôm 29-11, Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cũng khẳng định Triều Tiên đã bắn 2 quả đạn tầm ngắn trong cuộc thử nghiệm "bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn". Đây là vụ thử vũ khí lớn lần thứ 13 của Triều Tiên trong năm nay, và là lần thứ 4 bệ phóng tên lửa siêu lớn được thử.
Cảnh cáo Mỹ - Hàn
Vụ thử mới nhất về cái gọi là tên lửa KN-25 được cho là lời nhắc nhở gửi đến Mỹ ngay trong ngày Lễ Tạ ơn về thời hạn cuối năm mà nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đặt ra cho Washington để thể hiện sự linh hoạt trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ.
Một loạt các vụ thử kể từ khi KN-25 lần đầu tiên được công bố vào tháng 8 cho thấy, Bình Nhưỡng đang dần cải thiện khả năng bắn nhanh nhiều tên lửa từ các phương tiện phóng di động. Khả năng đó khiến trong trường hợp chiến tranh, các hệ thống tên lửa của Triều Tiên có thể nhanh chóng được triển khai, khai hỏa và di chuyển trước khi bị lực lượng Hàn Quốc hoặc Mỹ nhắm vào, các chuyên gia cho biết. Jeffrey Lewis, một nhà nghiên cứu tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí (CNS) của James Martin, cho biết: "Khi tên lửa bắn đi càng nhanh, nó càng (có thể) nhanh thoát ra và tránh được đòn phản công của đối phương".
Trong khi đó, Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) ngày 29-11 cho rằng, việc Triều Tiên dường như đã thử nghiệm một bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn như một tín hiệu cảnh báo rằng nước này có thể quay trở lại cách hành xử trước kia nếu không đạt được những điều mong muốn trong các cuộc đàm phán với Mỹ.
Đếm ngược đến thời hạn chót
Ngày 29-11, một phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, phụ trách các vấn đề liên Triều kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng quân sự và quay trở lại bàn đối thoại.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã đặt ra thời hạn cuối năm để bắt đầu lại các cuộc đàm phán với Mỹ như cả hai vẫn đang bế tắc sau khi cuộc họp cấp chuyên viên vào tháng trước đã bị phá vỡ. Trong khi đàm phán với Washington, Bình Nhưỡng đã chứng minh sự tiến bộ trong phát triển vũ khí thông thường. Các nghị sĩ Hàn Quốc hôm 29-11 cho biết, một cơ quan tình báo đã báo cáo những hoạt động vận chuyển gia tăng tại địa điểm phóng tên lửa Tongchangri mà Bình Nhưỡng nói đã phá hủy vào năm ngoái. Đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm các tên lửa mới có tính năng tương tự SS-26 Iskander của Nga, loại tương đối nhỏ nhưng dễ cất giấu, dễ phóng và cơ động hơn.
Triều Tiên đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và cảnh báo có thể đi một "con đường mới", động thái làm bùng nổ lo ngại họ có thể tiếp tục thử nghiệm tên lửa tầm xa và hạt nhân vốn đã bị đình chỉ kể từ năm 2017.
KHẢ ANH
Theo cadn.com.vn
Triều Tiên thử tên lửa, gây sức ép Triều Tiên muốn tăng sức ép lên Mỹ và Hàn Quốc trước thềm hạn chót cuối năm bằng việc thể hiện sự tiến bộ trong chương trình vũ khí của họ Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 29-11 cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un rất hài lòng với kết quả của đợt thử nghiệm vũ khí một ngày trước...