Giải mã những bí ẩn bất tận ở Phong Nha-Kẻ Bàng…
Phong Nha-Kẻ Bàng được mệnh danh là “Vương quốc hang động” của thế giới.
Và đến nay, nó vẫn chứa đựng những điều bí ẩn, bất ngờ chưa được khám phá. Những bí ẩn bất tận giữa lòng di sản đã và đang góp phần làm phong phú thêm danh mục sản phẩm du lịch của tỉnh Quảng Bình.
Bí ẩn “Hố sụt quái vật” Kong Collapse…
Năm 1997, với sự giúp đỡ của người dân bản địa, nhóm thành viên của Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh (British Caving Research Association-BCRA) đã khám phá một hệ thống hang động với 3 hang lớn tiếp nối nhau là hang Hổ, hang Over và hang Pygmy (hang động lớn thứ 4 thế giới).
Trong hệ thống hang đã xuất hiện một hố sụt lớn và nay được gọi tên là Kong Collapse. Hố sụt hình thành và cắt chia hệ thống hang động này thành 3 hang: Pygmy, Over và Hổ với những khung cảnh kỳ vĩ, tráng lệ đặc trưng khác nhau. Các nhà thám hiểm hang động BCRA đã phát hiện ra Kong Collapse với hình dạng rất đặc biệt sau khi bơi suốt 20 phút xuyên qua dòng nước sâu từ cửa trước ra cửa sau của hang Đại Ả (một hang động trong VQG Phong Nha-Kẻ Bàng). Nhưng rồi, nhóm thám hiểm đã phải quay lại vì chưa tìm được lối ra và phải tạm gọi tên nó là hố sụt ngõ cụt.
Gần đây, với sự hỗ trợ của các chuyên gia hang động, các nhà thám hiểm của Jungle Boss đã tiếp tục hành trình khám phá hang Hổ. Và may mắn hơn, họ phát hiện được toàn bộ lối vào ra của hố sụt và cấu tạo xuyên suốt hệ thống 3 hang này.
Để tìm được lối vào Kong Collapse, đội ngũ chuyên gia đã sử dụng những thiết bị chuyên dụng hiện đại và an toàn bậc nhất mới tìm được chính xác vị trí cửa. Họ đã vô cùng vất vả khi lần theo lối mòn sau cửa hang Hổ và từ đó leo lên một vách núi đá cao dựng đứng để sang hố sụt.
Kong Collapse mang một vẻ đẹp vừa bí ẩn vừa lộng lẫy đến kinh ngạc. Hiện có 2 cách để vào hố sụt mà con người có thể lựa chọn: bơi xuyên hang Đại Ả hoặc đu dây trên cao xuống từ miệng hố ở những vách núi thấp.
Với chiều cao lên đến 450m từ đỉnh cao nhất đến đáy, Kong Collapse đã trở thành một trong những hố sụt cao nhất thế giới với dòng sông ngầm và khu rừng nguyên sinh bên trong đầy bí ẩn để tiếp tục chờ đợi sự khám phá của con người. Sở dĩ hố sụt này được đặt tên Kong vì hình dáng nhìn từ trên cao xuống rất giống chiếc đầu khổng lồ của nhân vật King Kong trong bộ phim bom tấn nổi tiếng cùng tên.
Tuy nhiên, do mới được đưa vào khai thác du lịch nên số lượng khách được đặt chân đến 3 hang động này còn rất ít.
Hoang sơ, thơ mộng ở thung lũng Ha Ma Đa…
Ông Lê Lưu Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Jungle Boss (đơn vị đang khai thác tuyến du lịch khám phá trải nghiệm thung lũng Ha Ma Đa) chia sẻ, những năm qua, du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng đã có nhiều biến chuyển tích cực, sản phẩm du lịch có chất lượng ngày càng đa dạng và phong phú, chất lượng dịch vụ từng bước được nâng lên. Ngoài các sản phẩm du lịch truyền thống, như: động Phong Nha-Tiên Sơn, động Thiên Đường, khám phá thiên nhiên rừng Gáo-hang Ozo, “Chinh phục Sơn Đoòng-hang động lớn nhất thế giới”…, các sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm và khám phá thiên nhiên trong Vườn quốc gia đã được chú trọng đầu tư, khai thác có hiệu quả để phục vụ nhu cầu du khách tham quan.
Video đang HOT
“Thung lũng Ha Ma Đa nằm sâu giữa lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được đánh giá là điểm đến hấp dẫn và thú vị. Đây là tuyến du lịch trải nghiệm tuyệt vời dành cho những ai muốn hòa mình vào thế giới thiên nhiên hoang sơ, thơ mộng…”, ông Dũng chia sẻ.
Du khách thỏa thích bơi lội trong lòng hồ Ma Đa.
Thung lũng Ha Ma Đa có diện tích khá rộng lớn, tương đối bằng phẳng và được bao bọc xung quanh bởi những dãy núi đá vôi hùng vĩ. Cùng với đó là những khu rừng rậm nguyên sinh hoang sơ với nhiều loài thực vật quý hiếm. Ở thung lũng này có hồ Ma Đa được du khách mệnh danh là “Hồ bơi tự nhiên”. Hồ nước được nối liền với một hang sông ngầm, nên có dòng nước được hòa quyện từ trong suối nguồn núi đá chảy ra. Nước trong hồ Ma Đa có màu trong xanh tự nhiên như ngọc bích. Dòng nước ở đây trong xanh đến mức, ngay cả khi đứng trên bờ, ta cũng rất dễ dàng nhìn thấy những đàn cá suối đang bơi lội sâu dưới lòng hồ.
Tại đây, du khách sẽ được thỏa sức bơi lội trong dòng nước mát của hồ. Những ai ưa thích mạo hiểm sẽ có cơ hội thử sức với trò chơi “nhảy cầu” từ những bậc đá có độ cao từ 1,5-5,5m bên vách núi và quăng mình xuống dòng nước sâu thẳm.
Sau khi thỏa sức với dòng nước mát lạnh của hồ Ma Đa, du khách sẽ được nghỉ ngơi bên cạnh bờ hồ và mê mẩn ngắm cảnh rừng nguyên sinh, những ngọn núi đá vôi hùng vĩ ẩn khuất sau những vòm mây trắng, nghe tiếng hót của hàng trăm loại chim, tiếng gọi của muông thú…
Ngọc Hải – Bùi Thành
Theo Báo Quảng Bình
Giải mã bí ẩn rừng lim cổ thụ được thần trăn bảo vệ
Là niềm tự hào của người dân xã Hậu Thành (Yên Thành, Nghệ An), rừng lim nguyên sinh núi Tháp Lĩnh có cả nghìn cây cổ thụ 2 đến 3 người ôm không xuể.
Huyện đồng bằng Yên Thành được xem là "bờ xôi ruộng mật", vựa lúa lớn nhất Nghệ An nhưng vẫn tồn tại rừng lim nguyên sinh, có tuổi đời hàng trăm năm tại xã Hậu Thành.
Rừng lim Tháp Lĩnh có diện tích gần 20ha, nổi lên giữa những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay. Trong rừng có hàng nghìn cây lim, đường kính từ 30cm trở lên, được người dân xem như chốn "cấm sơn", không ai được xâm phạm.
Những bậc cao niên trong làng cũng không biết cánh rừng có từ bao giờ, chỉ biết khi sinh ra rừng đã ở đó. Trải qua nhiều thế hệ, khu rừng vẫn giữ nguyên nét hoang sơ, huyền bí, u tịch.
Một góc rừng lim nguyên sinh Tháp Lĩnh ở xã Hậu Thành
Đường vào rừng và đền Cả được lát bê tông, bên ngoài có hàng rào bảo vệ
Men theo đường mòn dẫn lên núi, càng vào sâu lại càng có nhiều cây lim cổ thụ hiện ra. Thân và gốc lim nổi u sần, gồ ghề, bám nhiều rêu mốc, cành cây buông tán rộng cả một vùng.
Là người trông coi bảo vệ rừng Tháp Lĩnh, ông Lại Văn Ngân (SN 1961, trú tại xã Hậu Thành) cho biết, lim ở đây chủ yếu là lim xanh và lim sâu róm.
Những cây lim đường kính hơn 1m, 2 đến 3 người ôm nhiều vô kể. Ngoài cây lim, rừng còn có nhiều cây gỗ quý như trai, gụ, trắc, hương... Đây cũng là nơi cư ngụ của nhiều loài động vật như chim, kỳ nhông, chồn, sóc...
"Tôi làm công việc bảo vệ rừng Tháp Lĩnh hàng chục năm nay. Dù người dân địa phương rất có ý thức bảo vệ nhưng ngày nào tôi cũng dạo mấy vòng xem rừng mới yên tâm.
Phải mất hàng trăm năm khu rừng này mới phát triển, cho ra những cây gỗ quý như ngày nay, chúng ta phải bảo vệ cho con, cháu, cho xóm làng", ông Ngân tâm sự.
Đền Cả nằm nép mình dưới chân núi Tháp Lĩnh
Lối mòn trong khu rừng lim quý
Đất lành chim đậu
Nằm nép dưới chân núi Tháp Lĩnh là ngôi đền Cả linh thiêng. Đền thờ thần khai khẩn và các vị công thần có công với đất nước.
Ông Mai Công Định (SN 1942, trú xã Hậu Thành) - người trông coi đền Cả kể lại, vào thời nhà Lê, trong một lần đi qua xã Hậu Thành, đức thánh Nguyễn Hữu Chỉ (quê Thanh Hóa) nhìn thấy núi Tháp Lĩnh phong cảnh hữu tình, là vùng đất lành chim đậu nên đã đưa con cháu đến khai hoang, chiêu dân lập làng.
Ông Mai Huy Định kể về lịch sử đền Cả và rừng lim Tháp Lĩnh
"Để tưởng nhớ công ơn của đức thánh Nguyễn Hữu Chỉ, 5 người dân đã dựng đền Cả dưới chân núi Tháp Lĩnh, gần mộ của ông để hương khói thờ phụng.
Ngày rằm, mồng một, người dân địa phương lại đến thắp hương để tưởng nhớ đến ngài. Vào các dịp lễ, Tết, con cháu hồi hương không quên tới đây gieo quẻ, cầu phúc, cầu an", ông Định nói thêm.
Qua nhiều thế hệ, đền Cả về sau còn thờ thần trăn và các vị công thần có công với đất nước. Theo quan niệm của người dân, thần trăn rất linh liêng, ngài cai quản, bảo vệ rừng lim Tháp Lĩnh. Nếu có kẻ xấu vào phá hoại, chặt phá cây đều bị thần trừng phạt.
Ông Định cho rằng, câu chuyện về thần trăn chỉ là người dân hư cấu để khuyên răn mọi người không được làm tổn hại rừng. Nhờ đó mà từ trẻ con đến người già ở xã Hậu Thành ai cũng có ý thức bảo vệ rừng.
Chặt 1 cây trồng lại 10 cây
Theo ông Định, trước đây, dân làng Đức Hậu (tên gọi cũ của xã Hậu Thành) từng quy định việc bảo vệ rừng Tháp Lĩnh trong hương ước của làng. Theo đó, nếu ai chặt một cây ở rừng thì sẽ bị phạt nặng, buộc phải trồng lại 10 cây khác.
Khu rừng có thảm thực vật phong phú
Trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bom đạn cày xới mảnh đất Hậu Thành, nhưng cứ một cây lim ngã xuống, dân làng lại cùng nhau trồng lại. Nhờ đó, núi Tháp Lĩnh ngày nay vẫn giữ được vẻ tươi tốt.
Chủ tịch UBND xã Hậu Thành Phạm Văn Luyến cho biết, năm 2001, nhân dân trong xã tổ chức thu gom, nhặt những hạt cây lim xanh rụng xuống để ươm bầu, được trên 500 cây con; đồng thời, làm cỏ, cắt tỉa cành trên 200 gốc lim, gụ, trai có tuổi đời lâu năm.
Ngoài ra, để tránh trâu bò cũng như người ngoài vào xâm hại, xã Hậu Thành xây tường rào hàng km chạy vòng quanh núi để bảo vệ, tu bổ 2 con đường chạy dọc sườn núi và lên đỉnh núi cao gần 150m.
Lim ở núi Tháp Lĩnh chủ yếu là lim xanh và lim sâu róm
Nhiều cây lim cổ thụ có thân to 2 đến 3 người ôm
Theo ông Luyến, hiện vẫn chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể nào về rừng lim Tháp Lĩnh, cũng như xác định độ tuổi những cây cổ thụ.
Năm 2017, rừng Tháp Lĩnh được bàn giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Yên Thành quản lý về mặt hành chính. Tuy nhiên, đến nay UBND xã Hậu Thành vẫn trích ngân sách mỗi tháng 2 triệu đồng cho 2 người bảo vệ núi Tháp Lĩnh và đền Cả.
"Đền Cả đã được quy hoạch 0,3ha để tu bổ, xếp hạng di tích nhưng do đền nằm trong đất rừng đặc dụng nên chưa thực hiện được. Đối với người dân xã Hậu Thành, rừng lim Tháp Lĩnh không chỉ là "lá phổi xanh" mà còn là một di sản thiên nhiên quý giá. Tôi mong muốn cấp trên quan tâm hơn nữa, có đề án nghiên cứu, bảo vệ để rừng ngày càng xanh tươi, trù phú", ông Luyến nói thêm.
Không chỉ ông Luyến, ông Định mà ở Hậu Thành ai cũng có tình yêu và trân quý rừng lim cổ thụ này. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng rừng lim vẫn trường tồn, minh chứng cho sức sống kỳ diệu, gắn kết bền chặt của người dân.
Theo Vietnamnet
Khách tây tò mò, thích thú khi khám phá vẻ đẹp hồ Ma Đa - Hang Trạ Ang Những năm qua, du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã có nhiều biến chuyển tích cực, sản phẩm du lịch có chất lượng ngày càng đa dạng và phong phú Chất lượng dịch vụ từng bước được nâng lên đã đáp ứng được phần nào nhu cầu của du khách thời gian qua, góp phần tăng trưởng kinh tế, khẳng định vị...