“Giải mã” nguyên nhân thuốc lá lậu lộng hành như “đại dịch”
Lợi nhuận cao, lực lượng chức năng ở các điểm “ nóng” mỏng, đời sống người dân vùng biên giới khó khăn, chất lượng, mẫu mã thuốc lá trong nước không cạnh tranh được với thuốc lá nhập lậu…là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thuốc lá lậu hoành hành như “đại dịch”.
Chở 16.000 gói thuốc lá lậu được trả 10 triệu đồng
Khoảng 5h sáng ngày 23/12 Cục Cảnh sát kinh tế Bộ Công an (C46B) phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh mật phục tại khu vực đường Trường Chinh, quận 12 bắt quả tang xe khách 46 chỗ mang BKS 53S – 0988 do tài xế Võ Văn Phúc (35 tuổi, ngụ tỉnh Long An) điều khiển lưu thông từ Long An đi ngã ba Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai).
Sau khi kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện trên xe có nhiều bao tải chứa thuốc lá nhập lậu hiệu Jet trong hầm xe ô tô. Tài xế đã không xuất trình được hóa đơn, giấy tờ liên quan đến số hàng. Lực lượng chức năng đã đưa xe và tang vật về kho Chi cục Quản lý thị trường (thuộc quận Tân Phú, TPHCM) để lấy lời khai. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 16.350 gói thuốc lá hiệu Jet nhập lậu, tài xế Phúc khai nhận toàn bộ số hàng trên là chở thuê cho một người ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để giao cho khách tại ngã ba Dầu Giây (Đồng Nai) với giá 10 triệu đồng, chủ hàng đã đưa trước 5 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ nhận khi hoàn thành công việc.
Tài xế xe khách làm việc với lực lượng Quản lý thị trường
Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Quản lý thị trường TP.HCM, từ đầu năm 2014 đến nay, Chi cục quản lý thị trường Thành phố phối hợp Cục Cảnh sát kinh tế đã bắt giữ hơn 800.000 bao thuốc lá lậu.
Vụ bắt xe khách chở thuốc lá lậu chỉ là một vụ điển hình trong hàng ngàn vụ mà lực lượng chức năng thành phố đã triệt phá. Điều này cho thấy, cuộc chiến với thuốc lá lậu vẫn gian nan, chưa có dấu hiệu suy giảm.
Mới đây, vào đầu tháng 12/2014, Tổng Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị “Triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá”. Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh – Cục trưởng Cục C46 (thuộc Tổng Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm, Bộ Công an) đã thẳng thắn nhìn nhận về tình hình buôn lậu thuốc lá. Theo Thiếu tướng Thịnh, công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý hành vi kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu bị buông lỏng. Tại các địa bàn trọng điểm như TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các địa phương khác, việc bán lẻ thuốc lá ngoại nhập lậu diễn ra công khai, nhưng ít bị kiểm tra, xử lý.
Vì sao thuốc lá lậu hoành hành như “đại dịch”?
Video đang HOT
Việc ngăn chặn tình trạng buôn lậu thuốc lá luôn gặp nhiều khó khăn, gian nan
Theo đánh giá của Tổng Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm Bộ Công an, mặc dù lực lượng chức năng chống buôn lậu từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều cố gắng, xây dựng nhiều giải pháp để đấu tranh, phòng chống buôn lậu thuốc lá nhưng kết quả con hạn chế bởi các nguyên nhân:
Lợi nhuận thu được từ việc buôn lậu thuốc lá khá cao, hiện nay thuốc lá điếu hợp pháp trong nước đang bị áp thuế tiêu thụ đặc biệt 65%, thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu 135%, thuế thu nhập doanh nghiệp 25%, quỹ phòng chống tác hại thuốc lá 1% dẫn đến giá bán thuốc lá sản xuất trong nước cao hơn nhiều so với thuốc lá nhập lậu. Chính vì vậy, hoạt động buôn lậu thuốc lá thu được là “siêu lợi nhuận”.
Ngoài việc “thua xa” về cạnh tranh giá cả, ngành sản xuất thuốc lá trong nước chưa đáp ứng được thị hiếu của người dùng, mẫu mã, chất lượng không cạnh tranh được với thuốc lá nhập lậu. Nhiều loại thuốc có nhu cầu tiêu dùng cao như Hero, Jet…nhưng các nhà máy trong nước không sản xuất được.
Một nguyên nhân khách quan khác là do đời sống của người dân vùng biên giới còn nhiều khó khăn, đa số người tham gia vận chuyển thuốc lá lậu cho các đầu nậu đều là lao động nghèo không có việc làm ổn định, không có trình độ văn hóa…
Các “nài” chở thuốc lá lậu phóng bạt mạng trên đường luôn là nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông
Nhìn nhận khách quan, lãnh đạo Tổng Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm Bộ Công an cũng thẳng thắn cho biết, lực lượng chức năng ở các điểm “nóng” về thuốc lá lậu chưa thực hiện tốt nhiệm vụ, không khống chế được tình hình dẫn đến thuốc la nhập lậu lộng hành, ngang nhiên vận chuyển vào Việt Nam. Lực lượng cảnh sát kinh tế quá mỏng, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ban ngành liên quan, công tác kiểm tra, kiểm soát buôn bán thuốc lá lậu tại thị trường nội địa còn kém…
Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TPHCM từng phát biểu trước hội nghị “Triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá” rằng: “Trên đường, các đối tượng chở thuốc lá lậu chạy thành đoàn, chạy vi phạm cả giao thông, kể cả hiện tượng CSGT nhìn thấy xe chở thuốc lá luận vi phạm giao thông cũng không dám bắt. 98% xe gắn máy vận chuyển thuốc lá lậu là xe trộm cắp. Việc xử phạt là do Chủ tịch UBND TPHCM, nhưng người vi phạm đa phần là nông dân, không cư trú tại TPHCM nên việc tống đạt xử lý rất khó khăn. Bắt giữ “tay chân” rất nhiều, nhưng xử lý “đầu nậu” rất thấp”.
Trung Kiên
Theo Dantri
"Việt Nam kiên định quan điểm không công nhận mại dâm là hợp pháp"
"Việt Nam kiên định quan điểm không công nhận mại dâm là hợp pháp. Tuy nhiên, việc phòng chống mại dâm phải có tính xã hội trên tinh thần bảo vệ quyền con người, tôn trọng tối đa nhân phẩm" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.
Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm (2003-2013)
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm (2003-2013). Chương trìnhdo Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tổ chức sáng 19/12 tại Hà Nội.
Mại dâm là bất hợp pháp
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tại Việt Nam hiện có 3 luồng ý kiến khác nhau về mại dâm: Cương quyết không cho tồn tại mại dâm; tập trung quản lý mại dâm; hướng đến chấp nhận mại dâm. Phó Thủ tướng nhận định, Việt Nam kiên quyết coi mại dâm là bất hợp pháp, nhưng việc phòng chống mại dâm cần trên tinh thần bảo vệ quyền con người, tôn trọng nhân phẩm con người. Đồng thời trong việc phòng chống đòi hỏi có phương pháp khoa học, sự bình tĩnh để tìm ra các giải pháp.
"10 năm vừa qua, số lượng người bán dâm tăng, hình thức tinh vi phong phú, đa dạng, công nghệ hơn. Công tác phòng chống mại dâm không chỉ là nhiệm vụ của một cơ quan mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, bộ máy Nhà nước, đặc biệt là vai trò của cộng đồng. Chúng ta cần kiên trì quan điểm tiếp tục phòng là chính, giảm thiểu tác hại, kiên quyết xử lý tội phạm liên quan tới mại dâm để trục lợi" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận.
Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận, sau 10 năm triển khai Pháp lệnh, một số quy định không còn phù hợp với tinh thần Hiến pháp mới, luật mới chưa được đồng bộ, thiếu một số quy định mới theo sát thực tiễn, một số quy định không còn cần thiết.
"Chính phủ sẽ bàn và trình Quốc hội Luật Phòng, chống mại dâm, để đồng bộ với các Luật khác, đảm bảo tôn trọng quyền con người. Vấn đề đặt ra nếu sửa Luật còn nhiều thời gian, tiếp tục thực hiện các quy định hiện hành, nhất là Luật xử lý vi phạm hành chính mới; nghiên cứu làm Luật, huy động cả xã hội tham gia, góp ý xây dựng Luật mới" - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kết luận.
Thống kê còn xa vời
Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện số người bán dâm có hồ sơ quản lý tại 63 tỉnh, thành phố là 11.240 người. Thống kế này chưa phản ánh thực chất sốngười bán dâm trên thực tế đang rất cao. Vì nguyên nhân hoạt động mại dâm ngày càng phức tạp, tinh vi và trá hình.
Nhiều đối tượng và hình thức mại dâm mới đã xuất hiện trên thực tế: Gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet, facebook...
Tệ nạn mại dâm đã và đang gây ra nhiều nguy cơ lây lan các dịch bệnh xã hội, HIV/AIDS qua đường tình dục không an toàn; gia tăng các tổ chức tội phạm mua bán, tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy; mua bán người, tổ chức hoạt động mại dâm ở một số địa phương...
Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ rõ, công tác phòng, chống mại dâm đang đứng trước nhiều thách thức mới: Hệ thống pháp luật về phòng chống mại dâm bộc lộ bất cập, thiếu sự hội nhập quốc tế, chưa được đầu tư công nghệ thông in hiện đại, nguồn lực đầu tư phòng, chống mại dâm hạn hẹp...
Đại diện một số tỉnh, thành phố được coi là điểm nóng về hoạt động mại dâm như TPHCM, Hà Nội, Khánh Hòa đã đưa một số khó khăntừ khi thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính: Không đưa người bán dâm vào các cơ sở, xã phường, thị trấn;hoạt động mại dâm ở thành phố chuyển từ trá hình sang diện rộng qua mạng internet trong và ngoài nước; mại dâm nam, đồng giới và chuyển giới chưa có quy định cụ thể...
Nhiều đại diện từ các sở LĐ-TB&XH cũng đưa ra kiến nghị sửa đổi Pháp lệnh phòng chống mại dâm, đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Phòng chống mại dâm, bổ sung các quy định xử lý mại dâm nam, mại dâm đồng giới, khiêu dâm kích dục.
Đồng thời, các cơ quan chức năng sớm ban hành chính sách hỗ trợ người bán dâm hoàn lương, tiếp cận nguồn trợ giúp xã hội, trợ vốn tạo việc làm giúp hoàn lương, hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Theo Cục Cảnh sát hình sự, Tổng Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm (Bộ Công an), ngay khi Pháp lệnh phòng, chống mại dâm có hiệu lực, lực lượng Công an đã đồng loạt ra quân, triệt phá được nhiều đường dây tổ chức mại dâm lớn, tổ chức lực lượng triệt phá 11.676 tổ chức hoạt động mại dâm, bắt 47.350 đối tượng, trong đó 9.179 chủ chứa môi giới, 12.900 người mua dâm và 14.598 người bán dâm. Cục CSHS cũng nêu lên thực trạng xuất hiện đối tượng mại dâm hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật, thi sắc đẹp, điển hình như đường dây gái gọi do Nguyễn Trung Kiên (Kiên "pê đê"), Nguyễn Văn Hoàng (Hoàng "Mẫu") cầm đầu mới bị triệt phá...
Hoàng Mạnh
Theo Dantri
Chống tham nhũng: Không diệt chuột, chuột sẽ đuổi chủ ra khỏi nhà! Thông điệp này được Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam khuyến nghị tại Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 13. Sáng nay (26/11), Thanh tra Chính phủ phối hợp cùng Bộ Tư pháp, phối hợp với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam tổ chức đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 13 với chủ đề...