“Giải mã” mô hình “hiệp sỹ” chống tội phạm: Bài 2: Bước đi chậm nhưng chắc chắn
Có thể thấy, hầu hết các tỉnh, thành phố đều đang duy trì mô hình người dân tham gia phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đảm bảo trật tự giao thông, trật tự công cộng. Thế nhưng, mô hình hoạt động hiệu quả thực chất như “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm” ở Bình Dương chưa nhiều…
Một ổ nhóm đối tượng xấu bị các “hiệp sỹ” Bình Dương phát hiện
“Họ tham gia câu lạc bộ không có lương, thậm chí có câu lạc bộ, hội viên còn phải đóng góp kinh phí tùy theo hoàn cảnh, điều kiện của mình”, thông tin của Thượng tá Phạm Xuân Trường- Phó Văn phòng Công an tỉnh Bình Dương khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Đây cũng là điều được xác định trong bản quy chế hoạt động của “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm” mà tỉnh Bình Dương ban hành từ năm 2006. Kinh phí hoạt động của câu lạc bộ gồm các khoản tài trợ của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; từ khoản hỗ trợ từ quỹ quốc phòng – an ninh; từ một phần ngân sách và đóng góp của hội viên (trên cơ sở bàn bạc, thỏa thuận và thống nhất bằng biên bản họp lấy ý kiến của các hội viên – ban chủ nhiệm).
Nói bất ngờ, bởi lâu nay, ở nhiều địa phương và ngay cả tại Hà Nội, một trong những vấn đề khiến cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở phải “đau đầu”, chính là chế độ – chính sách để xây dựng, duy trì các mô hình người dân tham gia giữ gìn ANTT. Đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp thông tin về một vài cá nhân tham gia bắt giữ tội phạm. Hoặc quy mô hơn là việc một dòng họ, một khu phố xây dựng được mô hình quản lý, giáo dục con em, công dân không vi phạm pháp luật. Thế nhưng, đó chỉ là những cá nhân, những cách nghĩ – cách làm mang tính tự phát chứ chưa thể hiện được vai trò điều hành, chỉ đạo, định hướng của cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở. Ở nhiều địa phương hiện nay, có những mô hình với tên gọi còn “kêu” hơn “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm” Bình Dương.
Song tìm hiểu thực chất, không ít những câu lạc bộ – mô hình ấy đang hoạt động theo kiểu “đánh trống, ghi tên”, hoạt động chú trọng về… hình thức. Nghĩa là cứ đến kỳ cuộc quan trọng nào, cứ đến trước kỳ tổng kết nào, hội viên của câu lạc bộ lại trống giong cờ mở, xúng xính áo quần. Họ cũng tham gia tuần tra kiểm soát, cũng ứng trực, nhưng khi kỳ cuộc qua đi thì phong trào cũng… hết.
Video đang HOT
Sự khác biệt lớn nhất giữa “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm” của Bình Dương với các mô hình khác trên toàn quốc (dù về tên gọi hay chức năng nhiệm vụ có giống nhau), đó là động lực tham gia câu lạc bộ của hội viên. Ở Bình Dương, đó là sự tự nguyện. Còn ở nhiều địa phương, đó là sự thụ động. Gần 90 “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm” ở Bình Dương, chỉ đếm trên đầu ngón tay những hội viên có độ tuổi từ 60 trở lên. Còn địa phương khác, hội viên – người tham gia các mô hình đảm bảo ANTT – mà đạt độ tuổi bình quân 60, đã được coi là… trẻ. Chính vì động cơ tham gia một cách tự nguyện khiến đa phần hội viên “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm” ở Bình Dương chẳng mấy băn khoăn về kinh phí, hỗ trợ.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít những hội viên còn có điều kiện kinh tế khá giả. “Họ làm việc hăng lắm, như vụ khám phá mấy ổ nhóm chuyên rải đinh trên đường cao tốc. Anh em hội viên bỏ công việc vài ngày, thậm chí quên ăn để cải trang, phục kích theo về tận ổ bọn rải đinh, rồi thông báo về ban chủ nhiệm câu lạc bộ, thông báo về công an cơ sở đến bắt”, Đại tá Nguyễn Văn Sơn – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương ghi nhận.
Vậy chúng ta “học” được gì từ mô hình “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm” của Bình Dương? “học” được gì từ những trái tim nhiệt huyết, quả cảm của những “hiệp sỹ” luôn xem nhẹ “gánh nặng” cơm áo? Nếu tính từ thời điểm xây dựng mô hình người dân tham gia phòng, chống tội phạm một cách bài bản, có tổ chức và đạt được hiệu quả như hiện tại, Bình Dương đã trải qua khoảng thời gian không ngắn: 5 năm. Điểm mấu chốt ở đây có thể thấy trong việc xây dựng phong trào ở Bình Dương là những bước đi chậm mà chắc; chọn triển khai thí điểm, thấy hiệu quả mới tổ chức nhân rộng. Bí quyết khác của Bình Dương, đó là tìm và phát huy được vai trò của những cá nhân dũng cảm. Không phải 89 “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm” ở Bình Dương đều đạt hiệu quả như nhau. Có những câu lạc bộ trong năm 5 qua chỉ chú trọng ở việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân – “viên gạch” đầu tiên của mô hình này.
Lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương nhìn nhận, vai trò cá nhân có ý nghĩa hết sức quan trọng trong mô hình “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm”. Cá nhân ấy có tinh thần dũng cảm, sẵn sàng nhận việc khó, thậm chí dám đương đầu với hiểm nguy. Nó là nhân tố kích thích ý chí của những hội viên, là điều kiện “cần” để xây dựng một câu lạc bộ mạnh và là điều kiện “đủ” để gây dựng thành phong trào người dân bảo vệ ANTT hiệu quả. Dễ hiểu vì sao sau những vụ việc “hiệp sỹ” A bị thương trong khi truy bắt tội phạm, “hiệp sỹ” B bị đối tượng tấn công, thời gian ngắn sau đó, Bình Dương lại có những “hiệp sỹ” khác không ngại xả thân mình vì việc nghĩa. Sức mạnh, hiệu quả của “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm” ở Bình Dương đã tạo được hiệu ứng ngược. Có câu lạc bộ được một ngân hàng đứng ra mua bảo hiểm cho toàn bộ hội viên. Còn việc doanh nghiệp, tổ chức “thưởng nóng” vài triệu đến cả chục triệu đồng cho câu lạc bộ, hội viên nào đó, là… chuyện thường ngày ở Bình Dương.
Từ tham gia tự nguyện đến xây dựng mô hình có tổ chức, có quy chế hoạt động, đặc biệt có sự quan tâm, chia sẻ thường xuyên của cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở; đó chính là điều mà nhiều địa phương cần phải “học”, qua mô hình người dân tham gia phòng, chống tội phạm ở Bình Dương. Cùng với việc “tìm” cơ chế và chế độ – chính sách cho hội viên, hãy biết cách phát huy tinh thần dũng cảm và kết nối từng cá nhân vào một tập thể dũng cảm, từ đó nhân rộng thêm những điển hình. Cơ chế – chính sách cũng là việc thể hiện sự quan tâm đối với phong trào, với hội viên. Nhưng nó không thể là yếu tố tiên quyết. Không phong trào – mô hình người dân tham gia đảm bảo ANTT nào mà sự tham gia của hội viên lại bắt nguồn từ tính toán quyền lợi, lương bổng. Hoặc nếu có, nó sẽ sớm rơi vào thất bại. “Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm” của Bình Dương chính là “bài học lớn” để mỗi địa phương, ngẫm nghĩ, áp dụng…
Theo ANTD
"Giải mã" mô hình "hiệp sỹ" chống tội phạm, Bài 1: Những "Lục Vân Tiên" giữa đời thường
Trực tiếp bắt quả tang trên 800 vụ với gần 1.000 đối tượng trong 5 năm đi vào hoạt động, những chàng "hiệp sỹ" phòng chống tội phạm ở tỉnh Bình Dương có thể nói đã "nổi tiếng" toàn quốc.
Một tổ hội viên "Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm" ở Bình Dương
Cái nôi của các "hiệp sỹ"
Ý thức được hệ lụy của sự phát triển "nóng" về kinh tế - xã hội, từ năm 1997, Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Ban chỉ huy Quân sự thị xã Thủ Dầu Một đã xây dựng mô hình "Đội dân quân tự vệ giữ gìn trật tự công cộng và vây bắt đối tượng trộm, cướp, cướp giật" trên địa bàn thị xã Thủ Dầu Một. Hai phường đầu tiên của thị xã được chọn triển khai thí điểm mô hình này, là Phú Hòa và Phú Cường.
Thành viên của Đội lúc đó là những người trong Ban dân quân tự vệ phường và những thanh niên tích cực làm các nghề như "xe ôm", cắt tóc, sửa chữa xe... là những người thường xuyên hoạt động trên các trục lộ giao thông. Đúng như tên gọi, "Đội dân quân tự vệ giữ gìn trật tự công cộng và vây bắt đối tượng trộm, cướp, cướp giật" có hai mảng; một mảng giữ gìn TTGT, trật tự công cộng. Mảng còn lại chuyên truy bắt đối tượng trộm, cướp, cướp giật. Đội viên ở mảng này được trang bị còi, dùi cui, đèn pin để làm nhiệm vụ.
Có thể thấy, "Đội dân quân tự vệ giữ gìn trật tự công cộng và vây bắt đối tượng trộm, cướp, cướp giật" chính là tiền thân của khá nhiều mô hình giữ gìn ANTT ở Bình Dương thời gian sau này. Nổi bật nhất trong số đó chính là "Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm", với những chàng "hiệp sỹ" săn bắt cướp đang thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận. Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương nhớ lại về sự manh nha hình thành của "Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm". Đó là khoảng thời gian tháng 6-2003. Khi đó, một bộ phận sinh viên trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh được nhà trường phân công về Sở Tư Pháp tỉnh Bình Dương để thực tập. Lãnh đạo Sở Tư pháp đã bàn thảo với đại diện BCĐ 138/CP (BCĐ chương trình quốc gia phòng chống tội phạm) của tỉnh, đưa các sinh viên về một số xã ven đô để thực tập, với nội dung chính là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.
Những thí điểm hiệu quả
Đại diện tỉnh Đoàn Bình Dương thăm, trao Bằng khen cho một "hiệp sỹ"
bị thương trong khi đuổi bắt tội phạm
Xã Thuận Giao của tỉnh Bình Dương được chọn thí điểm để đưa sinh viên luật về, với đối tượng tuyên truyền là hội viên Đoàn Thanh niên và Phụ nữ. "Thí điểm sau thời gian ngắn, chúng tôi nhận thấy ngay sự hào hứng của đối tượng được tuyên truyền kiến thức pháp luật, cũng như hiệu quả công tác tuyên truyền đem lại", Thượng tá Phạm Xuân Trường - Phó Văn phòng Công an tỉnh Bình Dương, người trực tiếp theo dõi mô hình "Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm" nói. Sau Thuận Giao, sinh viên trường Luật TP Hồ Chí Minh được tăng cường về nhiều xã khác. Hiệu quả của nó khiến lãnh đạo tỉnh Bình Dương mạnh dạn ban hành quyết định thành lập và quy chế hoạt động của "Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm", tháng 8-2006. Thời điểm đó, chức năng chính của câu lạc bộ chỉ là tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Và cho đến nay, phần lớn trong số 89 trên tổng số 91 câu lạc bộ phòng, chống tội phạm ở Bình Dương vẫn hoạt động theo hướng này.
Địa bàn bứt phá đầu tiên trong mô hình "Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm", một lần nữa lại là thị xã Thủ Dầu Một. Khi "Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm" được triển khai thì tại thị xã Thủ Dầu Một vẫn duy trì mô hình "Đội dân quân tự vệ giữ gìn trật tự công cộng và vây bắt đối tượng trộm, cướp, cướp giật". Điểm chung của hai mô hình này là nhiệm vụ- quyền hạn của hội viên tham gia công tác bảo vệ ANTT tại địa phương.
Sau khi bàn tính, lãnh đạo công an và thị xã Thủ Dầu Một quyết định gộp hai mô hình bằng cách đẩy mạnh hoạt động, hiệu quả của "Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm" theo hướng vừa tuyên truyền pháp luật, đồng thời thành lập các tổ chuyên tuần tra, phục kích, bắt giữ tội phạm.
Mỗi câu lạc bộ gồm có ban chủ nhiệm và hội viên. Chủ nhiệm câu lạc bộ do đồng chí chủ tịch hoặc phó chủ tịch cấp xã đảm nhiệm. Trong ban chủ nhiệm còn có cán bộ tư pháp, trưởng công an, xã đội trưởng, đại diện các đoàn thể. Hội viên là những người thường trú hoặc tạm trú ở địa bàn xã, phường, với tiêu chí đầu tiên là tự nguyện tham gia câu lạc bộ. Một câu lạc bộ có thể chia thành nhiều tổ để sinh hoạt. Cơ chế hoạt động của hội viên nhất thiết phải chịu sự giám sát, quản lý của ban chủ nhiệm. Ngoài việc tham gia tuần tra kiểm soát địa bàn cùng công an cơ sở, hay những trường hợp tham gia bắt quả tang đối tượng phạm pháp, hội viên "Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm" phải tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc - chế độ thông tin báo cáo đối với ban chủ nhiệm, không được thực hiện những hành vi trái quy định pháp luật.
Hơn 5 năm qua, hội viên "Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm" ở Bình Dương đã trực tiếp bắt quả tang trên 800 vụ với gần 1.000 đối tượng. Đặc biệt trong khoảng 1 năm trở lại đây, mô hình này được biết đến nhiều với những chiến công trinh sát, tham gia bắt giữ những "ổ" chuyên rải đinh trên đường cao tốc; những vụ dũng cảm truy đuổi, bắt giữ đối tượng cướp giật; hay gần đây nhất là việc đương đầu với một ổ nhóm lưu manh côn đồ ở Bình Dương. Trong cuộc chiến vì sự bình yên cho cộng đồng ấy, đã có những hội viên phải đổ máu, thậm chí hy sinh cả tính mạng. Và thật không quá để định danh những hội viên "ăn cơm nhà..." này là "hiệp sỹ"...
Theo ANTD
Khi phóng viên là chàng 'Lục Vân Tiên hiện đại' Sau khi git si dâa mt phụang mua hoai, tên p bỏ chyng mt phóng viên khng ch. Phóng viênt p đng thii nhìny mt thanh niên da ngămen, cao 1m65, cân nặng trên 50kg, vẻ mặt khả nghi,ang chy bán sng bán cht. Theo phản x nhiên,i vi nhảy xung xe của ngi bn, ri chy bi theo vào con hẻm 99...