Giải mã khoảnh khắc “gây sốt” tại thượng đỉnh G7
Cùng ghi lại khoảnh khắc khi các nhà lãnh đạo thế giới họp bàn tại hội nghị thượng đỉnh G7 nhưng dưới những góc chụp khác nhau, thông điệp mà các bức ảnh truyền tải cũng mang những ý nghĩa khác nhau.
Hội nghị thượng đỉnh của 7 nước công nghiệp G7 đã diễn ra tại Canada trong tuần này với sự tham gia của 7 nhà lãnh đạo. Một khoảnh khắc ấn tượng đã được ghi lại khi Tổng thống Donald Trump ngồi giữa đám đông các quan chức, xung quanh ông là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte. Tất cả dường như đang tranh luận về một chủ đề khi trên bàn xuất hiện một số tài liệu.
Bức ảnh chụp các nhà lãnh đạo G7 theo phiên bản Mỹ (Ảnh: BBC)
Bức ảnh đầu tiên, hay còn gọi là phiên bản Mỹ, được phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders công bố sau khi “bắt”được khoảnh khắc các nhà lãnh đạo tụ họp vào lúc 10h45 ngày 9/6. Trong phiên bản này, người xem có thể thấy rõ gương mặt thể hiện rõ sự bình tĩnh của Tổng thống Trump. Nhà lãnh đạo Mỹ dựa lưng vào ghế một cách tự tin trong một bầu không khí bao trùm sự hoài nghi. Tổng thống Trump cũng khoanh tay trước ngực, thể hiện thái độ khước từ trước mặt các nhà lãnh đạo khác.
Bức ảnh phiên bản Pháp cho thấy phản ứng của Tổng thống Macron (Ảnh: BBC)
10 phút sau, văn phòng Tổng thống Pháp cũng đăng một bức ảnh chụp lại cảnh tượng tương tự, song ở một góc đối diện. Bức ảnh này cho thấy Tổng thống Macron dường như đang đàm phán với người đồng cấp Mỹ, thậm chí ông còn dùng ngôn ngữ cơ thể để truyền đạt ý tưởng. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo khác chăm chú nghe ông Macron nói và rõ ràng bị cuốn hút bởi phong thái của ông.
Video đang HOT
Thủ tướng Merkel được cho là thể hiện sự quyền lực trong bức ảnh phiên bản Đức (Ảnh: BBC)
Không lâu sau đó, văn phòng báo chí của Thủ tướng Merkel cũng “đáp trả” bằng một bức ảnh gây chú ý. Bức ảnh này do Jezco Denzel, nhiếp ảnh gia làm việc cho chính phủ Đức và từng được vinh danh trong giải thưởng báo chí thế giới danh giá, chụp lại. Những gì người xem có thể cảm nhận được từ bức ảnh này là sự quyền lực của Thủ tướng Đức.
Trong phiên bản của Đức, Thủ tướng Merkel đặt hai tay xuống bàn và nhìn thẳng vào Tổng thống Trump. Ông chủ Nhà Trắng dường như căng thẳng, nhìn về phía Thủ tướng Đức, lắng nghe và không đáp trả. Trong khi đó, Tổng thống Macron và Thủ tướng Anh bị che khuất. Bức ảnh này cũng thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng.
Thủ tướng Conte cầm trên tay tài liệu trong bức ảnh phiên bản Italy (Ảnh: BBC)
So với các bức ảnh trên, bức ảnh do Thủ tướng Italy đăng tải cho thấy sự khiêm tốn, có lẽ để phản ánh rằng ông Conte đã phải làm việc trong gần 3 ngày hội nghị tại Canada. Trong bức ảnh, ông Conte xuất hiện từ phía sau, đang cầm trên tay tài liệu và trình bày với Thủ tướng Merkel cùng Tổng thống Macron.
Bức ảnh do Canada công bố chụp cuộc họp của các nhà lãnh đạo (Ảnh: NDTV)
Dường như để kết thúc “cuộc chiến ảnh” giữa các nước, tài khoản của Thủ tướng Justin Trudeau, với tư cách là nước chủ nhà”, đã đăng tải bức ảnh với sự góp mặt đầy đủ của cả 7 nhà lãnh đạo. Bức ảnh này cho thấy Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo khác đều cùng ngồi trên bàn họp ở vị trí ngang bằng nhau. Ý nghĩa của bức ảnh này phù hợp với vai trò chủ tịch G7 năm nay cũng như truyền thống gìn giữ hòa bình của Canada.
Thành Đạt
Theo Dantri
G7 căng thẳng vì Tổng thống Trump đề xuất Nga trở lại khối
Căng thẳng tại khối 7 cường quốc hàng đầu thế giới đã bị đẩy lên mức mới sau hàng loạt những động thái từ Mỹ và 6 nước còn lại, trong đó có việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đề xuất mời Nga trở lại G7.
Các nguyên thủ quốc gia khối G7 (Ảnh: Reuters)
Theo thông báo phát đi từ văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Macron, Thủ tướng Anh Theresa May, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã đồng thuận phản đối Nga quay trở lại G7 theo đề xuất của ông Trump.
"Quan điểm chung của châu Âu là chống lại việc Nga trở lại G7", một trợ lý cấp cao của ông Macron nói với báo giới, dù các nhà lãnh đạo từng bỏ ngỏ "khả năng đối thoại" với Moscow.
Trước đó, tân Thủ tướng Italy Conte nói rằng ông ủng hộ đề xuất của ông Trump nhằm đưa lại Nga về G7, cho rằng đó là vì lợi ích của tất cả.
Hiện quan hệ giữa Anh và Nga đang có một số vướng mắc, nhất là sau khi London cáo buộc Nga đứng sau vụ tấn công cựu điệp viên của Moscow đang sống tại Anh. Thủ tướng May từng trả lời Sky News rằng: "Rõ ràng chúng ta biết là chúng ta cần phải hợp tác với Nga. Cụm từ tôi dùng ở đây là hợp tác nhưng hãy cẩn trọng. Hãy nhớ vì sao mà G8 lại trở thành G7. Và trước bất cứ một cuộc bàn bạc hay thương lượng về vấn đề này, chúng ta cần chắc chắn Nga đã thay đổi hướng đi và theo một con đường khác".
Ngày 8/6, ông Trump cho rằng Nga nên có mặt ở bàn đàm phán tại hội nghị G7. Phía Canada lập tức lên tiếng phản đối đề xuất của ông Trump, theo Sputnik. Đại diện từ phía Nga cũng cho hay hiện Moscow đang tập trung vào mô hình khác, không phải là G7.
Tổng thống Trump rời G7 sớm
Trong những ngày qua căng thẳng nội bộ khối G7 đã gia tăng. Mâu thuẫn bắt đầu bằng việc các đồng minh của Mỹ đồng loạt lên tiếng chỉ trích chính sách thương mại đơn phương vì lợi ích nước Mỹ, cho đến đề xuất bất ngờ của ông Trump và việc ông sẽ rời cuộc họp từ sớm với lý do bay tới Singapore chuẩn bị gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12/6.
Theo lịch trình từ Nhà Trắng, ông Trump sẽ chỉ dự cuộc họp đến phần nội dung "bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ", và bỏ qua chủ đề thảo luận về "biến đổi khí hậu và năng lượng sạch".
Nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump đã gạt bỏ đi vai trò truyền thống của Washington tại G7. Trong khi những người tiền nhiệm của ông ủng hộ thương mại tự do và hệ thống thương mại tuân thủ luật lệ của Tổ chức Thương mại thế giới thì quan điểm của ông Trump là ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ vì ông cho rằng Mỹ đang là nạn nhân của những thương vụ không công bằng.
Ngoài ra, giới quan sát cũng lo ngại rằng với tình hình căng thẳng hiện tại 7 thành viên trong khối có lẽ sẽ gặp khó khăn trong việc đồng thuận để đưa ra tuyên bố chung.
Các chuyên gia cho rằng ông Trump dường như đang đi những nước cờ khá mạo hiểm vào thời điểm này khi ông cần rất nhiều sự ủng hộ từ các đồng minh trong các vấn đề đàm phán với Triều Tiên và tình hình Trung Đông.
Ông Sebastian Mallaby, chuyên gia về quan hệ quốc tế, nhận định rằng quan hệ giữa Mỹ và phần còn lại ở G7 đã đi tới một cuộc khủng hoảng cấp độ cao hơn, cho rằng vấn đề không còn là vì căng thẳng thương mại, mà là quan điểm của ông Trump với một hệ thống đã tồn tại lâu nay.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Phía sau cái bắt tay nồng ấm giữa lãnh đạo Mỹ - Pháp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên thăm cấp nhà nước Mỹ kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống năm 2017. Động thái thắt chặt quan hệ giữa 2 lãnh đang thu hút sự chú ý của thế giới. Vợ chồng Tổng thống Mỹ Donald Trump đón tiếp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron...