Giải mã hiện tượng ‘bé 67 ngày tuổi biết nói’
Thông tin “bé 67 ngày tuổi” Lê Thị Yến Nhi có thể nói các từ “bà ơi, mẹ ơi, bố ơi” gây xôn xao dư luận mấy ngày qua. Dư luận phần lớn vẫn bán tín bán nghi trước thông tin này và chờ đợi sự xác minh của cơ quan chức năng, sự lí giải của các nhà nghiên cứu khoa học.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng ( UIA) cho biết, bé Lê Thị Yến Nhi không phải là trường hợp đầu tiên được báo chí quan tâm. Tuy nhiên, đến thời điểm này Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người chưa ghi nhận trường hợp nào có khả năng đặc biệt như vậy.
“Những trường hợp được cho là thần đồng này, khi đi ghi nhận thông tin báo chí có được nghe trực tiếp không hay chỉ qua lời người nhà để lại? Nếu phóng viên tận tai nghe và có file ghi âm thì mới có cơ sở cho rằng đứa trẻ đó có khả năng đặc biệt còn việc xác minh kết luận thì phải sử dụng các phương pháp thẩm định khoa học. Hơn nữa, những người có khả năng đặc biệt phải duy trì được trong thời gian nhất định chứ không phải nói một vài lần rồi không lặp lại được nữa”, ông Khanh nói.
Lý giải hiện tượng bé Nhi trước thông tin gia đình cung cấp cho báo chí, theo ông Khanh, những âm thanh “bà ơi, mẹ ơi, bố ơi” mà gia đình cho rằng cháu bé có thể nói chỉ là những âm thanh ngẫu nhiên và nó vô tình na ná với tiếng gọi thật. Tuy nhiên, với sự ảo tưởng, suy diễn của bố mẹ, điều đó đã trở thành hiện tượng đặc biệt.
Bé Nhi 67 ngày tuổi được đồn thổi được người dân ví là “thần đồng”, “ kỳ nhân”, “người trời”.
“Con người có khả năng đặc biệt là điều mà khoa học đã ghi nhận nhưng không phải trường hợp nào gia đình phản ánh cũng là sự thật. Ví như vụ bé gái gây cháy ở Tp. HCM gây sự chú ý của dư luận thời gian trước chỉ là sự ảo tưởng của người lớn. Những gì gia đình phát ngôn chỉ là lí do, biện luận cho những điều họ cho là như thế trước đó. Nó cũng giống như khi nhìn các đám mây trên trời, thấy nó khung hình gần giống với dáng con vật đó thì cứ cố hình dung giống con này, con kia….Tất cả chỉ là ảo giác chứ không có nghiên cứu khoa học nào chứng minh cả”, ông Khanh dẫn chứng.
Video đang HOT
Trước đó, một số báo đăng tải thông tin về bé Lê Thị Yến Nhi bé 67 ngày tuổi, con gái anh Lê Văn Tấn (27 tuổi) và chị Lường Thị Thoa (19 tuổi) ở xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng, Hà Nam) biết gọi “bà ơi, mẹ ơi, bố ơi” mỗi khi đói đòi ăn. Tuy nhiên, đó chỉ là những ghi nhận từ lời kể của gia đình, những câu chuyện kháo nhau của những người dân địa phương chứ không có ghi nhận thực tế, xác minh thông tin của người viết.
Thời gian trước đây, cũng đã có không ít cháu bé khác được đồn rằng biết nói từ 2-3 tháng tuổi. Trong đó, có vụ, khi chính quyền địa phương xác minh đã khẳng định đó chỉ là tin đồn thất thiệt. Thậm chí, bố mẹ cháu bé cũng thừa nhận những thông tin trong dư luận không có thật, mặc dù trước đó trên nhiều trang báo đăng tải thông tin được cho là do chính họ cung cấp.
Những ngày giữa tháng 1/2013, dư luận xôn xao trước thông tin cháu Trần Hương Giang, hơn 3 tháng tuổi, là con gái vợ chồng anh Trần Văn Đẩu (SN 1973) và chị Cao Thị Lan (SN 1974) ở thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành (Quảng Nam) đang biết nói “ba ơi, mẹ ơi”.
Cuối tháng 12/2007 trên nhiều trang báo xuất hiện tin ” Cháu bé 2 tuổi đã biết nói”. Đó là bé Trần Diệu L. (sinh ngày 23/6/2007) con gái anh Trần Đại Cường (SN 1982) và chị Ngô Thị Lê (SN 1984) ở thôn Thuận Hoà xã Thuận Đức- TP Đồng Hới tỉnh Quảng Bình.
Theo những bài viết này, bà nội cháu cho biết, một ngày lúc cháu Linh hơn 2 tháng tuổi, bỗng mọi người trong gia đình nghe tiếng trẻ con gọi: “Ba mẹ”, “ba ơi”, “mẹ ơi”. Cả nhà đều giật mình không tin vào tai”. Bố mẹ cháu bé còn cho biết, cháu có một số điểm khác thường như: 2 tháng đã mọc răng, biết giận dỗi như người lớn ….
Cũng tại Quảng Nam, cuối tháng 1/2011 xôn xao tin đồn bé 2 tuổi biết gọi bố, gọi mẹ. Nhân vật “thần đồng” này là bé Lê Thị Hà Gi., sinh ngỳ 26/9/2010, con anh Lê Minh Vương (25 tuổi, trú tại xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh). Trao đổi với báo chí, bố cháu bé cho biết, vào một buổi trưa, khi Giang gần 2 tháng tuổi, vợ chồng đang ôm con ngủ bỗng nghe cháu gọi “ba!”, “mẹ!”. Sau đó, cháu nói liên tục từ một âm đến ba âm.
Hầu hết những trường hợp trên chỉ ồn ào dư luận một thời gian rồi mất hút giữa chừng theo lối “có đầu mà không có cuối”, ai tin hay không là tùy.
Theo Người đưa tin
Choáng với nhà ngoại cảm "bạn" của Long Vương, Thổ địa
Trong số đó, xuất hiện một nhóm người "can đảm", tự tin tới mức chủ động đến các cơ quan nghiên cứu về ngoại cảm và khả năng đặc biệt để làm khảo nghiệm và xin giấy chứng nhận để được hành nghề một cách đàng hoàng hơn.
Việc mở trung tâm áp vong dường như đang là "mốt" của đại đa số những người tự cho rằng mình có khả năng ngoại cảm. Nhưng ít ai biết rằng, trong số đó, xuất hiện một nhóm người "can đảm", tự tin tới mức chủ động đến các cơ quan nghiên cứu về ngoại cảm và khả năng đặc biệt để làm khảo nghiệm và xin giấy chứng nhận để được hành nghề một cách đàng hoàng hơn. Trường hợp của "nhà ngoại cảm rởm" Lê Công Đức (trú tại Hoài Đức, Hà Nội) là một điển hình tiêu biểu.
Sáng 3/11/2011, Lê Công Đức cùng một số "đệ tử" của mình tìm đến Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (viết tắt là UIA) với yêu cầu được khảo nghiệm và chứng nhận khả năng đặc biệt để tham gia tổ chức tìm mộ, hay áp vong gọi hồn ở địa phương.
Ngay buổi sáng hôm sau, Liên hiệp UIA chính thức tiến hành cuộc khảo nghiệm đầy kịch tính, nhiều chất bi hài đối với "nhà ngoại cảm" này.
Trước cuộc khảo nghiệm, Lê Công Đức đã tự xưng là "tướng quân" và khoe với Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Giám đốc Liên hiệp UIA rằng: "Tướng quân được Quan Thế Âm phù hộ, do đó có thể sai khiến được thần linh, thổ địa trên khắp Việt Nam để tìm mộ và hài cốt liệt sĩ.
Tìm mộ liệt sĩ cách xa hàng chục km
Đúng 8h sáng 4/11/2011, trước sự chứng kiến và hỗ trợ của toàn thể nhân viên Liên hiệp hội UIA, "Tướng quân" bước vào phần khảo nghiệm giao lưu với thế giới bên kia. Bài khảo nghiệm đầu tiên nhằm đánh giá khả năng thấu thị của "Tướng quân" nhà Giời. Nhiệm vụ của ông Đức là thông qua điện thoại, chỉ chính xác đâu là mộ của một gia đình ở Lâm Lợi, Hạ Hòa, Phú Thọ.
Không cần biết nhân viên ngồi trước mặt mình có quan hệ như thế nào với gia đình thất lạc mộ, cầm tờ giấy ghi một vài thông tin về tên tuổi, quê quán người mất,... ngay lập tức "Tướng quân" khấn Quan Thế Âm và các vị thần linh. Và màn hội thoại thông qua điện thoại giữa "nhà ngoại cảm" với gia đình bị thất lạc mộ bắt đầu:
Hình ảnh nhà ngoại cảm "rởm" Lê Công Đức tìm mộ liệt sĩ qua điện thoại tại Liên hiệp UIA.
"Alô, ai cầm máy đấy? Cháu nội à? Cầm máy nhé. "Tướng quân" sẽ mời Quan thần linh thổ địa xứ đồng này lên chỉ mộ cho nhé".
Mọi người trong phòng khảo nghiệm nín thở chờ đợi. Bởi nếu thành công, thì đây sẽ là "nhà ngoại cảm" đầu tiên có khả năng "triệu thỉnh được thần linh thổ địa ở bất kỳ đâu trên cả nước Việt Nam
Sau hàng chuỗi câu hỏi liên tiếp kéo dài vài chục phút, "nhà ngoại cảm" lại giục : "Quan Thần linh lên chưa?", "Cho người ngồi để quan thần linh nhập đi, cứ chờ nhé, quan Thần linh sẽ lên ngay". Điện thoại được ngắt vài phút để gia đình chờ thần linh.
Trong thời gian đó, nhân viên UIA tranh thủ trò chuyện cùng "nhà ngoại cảm" về việc quan thần linh chỉ mộ. Mọi người băn khoăn không biết quan thần linh nhập sẽ như thế nào để biết đó là Quan thần linh?, nhà ngoại cảm hùng hồn trả lời:
"Quan thần linh sẽ lắc lư, phồng mồm, trợn mắt rất hùng dũng. Nếu đồng ý chỉ mộ thì Ngài sẽ đứng phắt dậy, quay hai vòng và chỉ vị trí ngôi mộ", vừa nói, "Tướng quân" vừa diễn tả những cử chỉ hết sức hài hước.
" Thế anh tìm được bao nhiêu ngôi mộ rồi?"
"Đã bảo là bề Trên mới cho anh làm mà lại. Đang tìm dở hai ngôi mộ liệt sĩ trong Huế thì bị công an xã, công an huyện bắt dừng lại, không cho làm nữa".
Quay trở lại cuộc khảo nghiệm, "nhà ngoại cảm" năn nỉ thần linh:
- Tướng quân là Lê Công Đức, ở Thôn... , xã Phú Đa, Phú Vang, Thừa Thiên Huế, thần linh giúp tướng quân chỉ mộ đi.
- Cách trở thế này "Tướng quân" có nhìn thấy mặt đâu. Thần linh giúp "Tướng quân" nhé, chỉ mộ nhé!
Có vẻ như thần linh bên kia đã đồng ý. Nét mặt "Tướng quân" bên này như dãn dần ra, nở nụ cười mãn nguyện rồi hoan hỉ nói với mọi người tại trụ sở UIA:
"Đấy, đã bảo là anh nhờ thần linh giúp là được ngay".
"Dạ, thần linh bảo cách chỗ đào cũ 2-3 mét à? Vâng ạ. Rồi ông này quay sang cô nhân viên Liên hiệp : "Người nhà cứ đào chỗ thần linh chỉ đấy là thấy mộ. Thần linh đã chỉ là chính xác".
Khi thần linh thăng, nhân viên ban khảo nghiệm băn khoăn hỏi Tướng quân:
"Nhưng đào sâu bao nhiêu thì thấy cốt hả anh?"
"Đào sâu, lúc nào thấy cốt thì thấy chứ sao!"
Vừa giờ nghỉ trưa. Vậy là cuộc chỉnh mộ trực tiếp qua điện thoại có thể coi như thành công. Đã mời được quan thần linh lên và chỉ vị trí ngôi mộ.
"Tìm thấy" liệt sĩ chống Pháp hi sinh trên đồi A1 ở nơi khảo nghiệm
Ngày thứ 2, "Tướng quân" đến cơ quan vẫn với nét mặt hào hứng, thậm chí có vẻ khấp khởi mừng vì chỉ hết ngày khảo nghiệm hôm nay nữa thôi, sẽ được cầm giấy chứng nhận khả năng đặc biệt về Huế làm việc.
Tuồng cũ diễn lại. Nhưng lần này là giúp ông Lê Đình An tìm anh trai Lê Đình Ân là liệt sĩ chống Pháp, hy sinh ở đồi A1, Điện Biên Phủ. Màn áp vong, gọi hồn qua điện thoại bắt đầu. Liệt sĩ "lên", chỉ khóc lóc và kêu đau đớn. "Tướng quân" dỗ dành và yêu cầu liệt sĩ đứng lên chỉ phần mộ đang ở vị trí nào.
Liệt sĩ kêu bị thương từ bụng trở xuống, mất cả hai chân thì không thể đứng được. "Tướng quân" nói: "Cứ đi, đi cho đến khi nào ngã lăn ra thì chỗ ngã ra là phần mộ!". Ngay khi Tướng quân vừa dứt lời chỉ bảo, chỉ nghe thấy đầu dây bên kia " ối" một tiếng như là ai vừa ngã ra vậy, rồi mất tín hiệu!
Thành công rồi, liệt sĩ ngã ra chỉ mộ rồi đấy - "Tướng quân" vui mừng.
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, giám đốc Liên hiệp UIA xuất hiện và thông báo cuộc khảo nghiệm kết thúc. Ông yêu cầu " nhà ngoại cảm" cùng đoàn cán bộ xuống tầng 2. "Tướng quân" còn đang chưa hết vui mừng vì ca tìm mộ thành công, nghe nói cho biết kết quả ở tầng 2 nên bước liền.
Ông Khanh mở toang cửa phòng, yêu cầu nhân viên cho "nhà ngoại cảm" thấy toàn cảnh Đồi A1, thấy liệt sĩ Lê Đình Ân. Trước mắt "nhà ngoại cảm" là tập thể các cán bộ cơ quan đang làm việc bên bàn vi tính.
Mở rộng màn hình vi tính, toàn bộ hình ảnh nhân viên đang trong vai liệt sĩ Ân khóc vì đau, bị thương, cảnh "người nhà của liệt sĩ vỗ về dỗ dành vong..., thấy cả cảnh thần linh xứ đồng gò Cây Sống, Lâm Lợi, Hạ Hòa, Phú Thọ đang nhập lên chỉ mộ theo yêu cầu của "tướng quân".
Thì ra không hề có mà mãnh, vong linh nào nói chuyện với "nhà ngoại cảm" hết, mà chỉ có những nhân viên ngay trong phòng làm việc của Liên hiệp hội nói chuyện điện thoại nhằm thử khả năng thấu thị từ xa của ông Đức mà thôi.
"Tướng quân" đang từ vui mừng chuyển sang ngạc nhiên đến há hốc miệng, lắp bắp không nói lên lời, định quay đầu bỏ chạy.
Kết luận dành cho nhà ngoại cảm "rởm" Lê Công Đức là không hề có khả năng ngoại cảm và có triệu chứng hoang tưởng cao độ. Kết quả của cuộc khảo nghiệm khiến Lê Công Đức từ một "tướng quân" oai phong trở nên lo lắng, sợ sệt. Nhưng có lẽ thành công nhất của cuộc khảo nghiệm là trước khi rời Liên hiệp UIA, nhà ngoại cảm "rởm" đã hứa sẽ không hành nghề mê tín dị đoan nữa.
Theo GDVN
Cô bé 67 ngày tuổi biết nói ở Hà Nam Nhiều ngày nay người dân quanh huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam xôn xao chuyện một bé gái chưa đầy 3 tháng tuổi đã biết gọi "bà ơi, mẹ ơi, bố ơi" mỗi khi đói đòi ăn. Bé Yến Nhi được nhiều người đồn thổi là "thần đồng" khi chưa đầy 3 tháng tuổi biết nói. 67 ngày tuổi gọi "bà ơi" Những...