Giải mã hàng ngàn sợi dây nhiều màu bí ẩn trên đảo của Anh
Các nhà bảo tồn chim biển vừa “giải mã” được nguồn gốc của những sợi dây chun bí ẩn tìm thấy trên đảo Mullion ngoài khơi bờ biển Cornish của Anh.
Theo Guardian, không có ai sinh sống trên hòn đảo này, vì vậy, khách du lịch muốn đến đây cần phải xin giấy phép.
Các nhà bảo tồn thỉnh thoảng phải chèo thuyền kayak ra đảo để tiến hành khảo sát cuộc sống của các loài chim biển. Tuy nhiên, mới đây họ đã phát hiện điều lạ lùng – có rất nhiều dây chun nhiều màu sắc trên đảo.
Một loạt câu hỏi hiện ra trong đầu họ: Chúng dạt vào bờ từ một xác tàu hay là sản phẩn của một đoàn làm phim?
Các nhà nghiên cứu chim của tổ chức West Cornwall Ringing Group và National Trust cho biết số dây chun xuất hiện do những con chim biển nhầm chúng là giun và tha về đây từ đất liền.
Những con mòng biển lớn lưng đen và mòng biển cá trích đã nhặt dây chun từ những cánh đồng hoa và mang chúng về đây.
Một phần nhỏ trong số hàng nghìn sợi dây chun và phần còn lại của lưới đánh cá màu xanh lá cây được các nhà bảo tồn chim biển tìm thấy trên đảo Mullion của Anh. Ảnh: PA.
“Có một chút thất vọng”, Mark Grantham từ tổ chức West Cornwall Ringing Group nói. “Đây là nơi rất đẹp, con người ít khi đặt chân tới nhưng giờ đây những dây chun cho thấy con người đã hủy hoại thiên nhiên ở mọi nơi”.
Grantham cho biết nhóm của ông đã đi đến hòn đảo từ năm 2013 nhưng đến giờ mới phát hiện ra đống dây chun. Ông cho biết nhóm khảo sát của ông thường tổ chức chuyến đi ngắn nên họ không nhận ra điều bất thường này.
Video đang HOT
“Chúng tôi hoang mang vì không biết làm thế nào những sợ dây chun lại xuất hiện ở đây”, ông Grantham chia sẻ. “Để tránh đánh động đến những con chim đang làm tổ, chúng tôi chỉ đến đây để dọn dẹp một lúc. Nhưng chỉ trong vòng một giờ, chúng tôi đã thu nhặt được hàng nghìn sợi dây chun và những gì còn sót lại từ lưới đánh bắt cá”.
Trong số đó, có những sợi còn mới nhưng có sợi đã bạc màu, cũ kỹ. Vị chuyên gia nghĩ rằng đó là thành quả lao động của những con chim trong nhiều thập kỷ.
Hòn đảo hiện là nhà của những con mòng biển lưng đen. Khoảng 70 tổ chim được xây lên trong mỗi mùa hè.
Theo news.zing.vn
Bình yên đảo Nẹ
Đã bao lần về với biển nhưng cái rộng dài, bao la của đại dương chưa bao giờ khiến chúng tôi thôi hào hứng, say mê.
Mặt biển mênh mông bày ra trước mắt kẻ du hành biết bao điều kỳ thú. Những con thuyền đua nhau chạy về phía mặt trời, lướt nhẹ trên những con sóng lấp lánh đang cựa mình dưới ánh nắng.
Các cán bộ, chiến sĩ Đại đội hỗn hợp đảo Nẹ luôn nghiêm túc duy trì huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu.
"Biển hôm nay rất êm, lặng như ao làng. Các cô may mắn rồi đấy!" - người lái thuyền với thân hình rắn chắc, khỏe mạnh, nước da màu bánh mật cười thân thiện, từ mũi thuyền nói vọng lại chúng tôi bằng chất giọng miền biển đặc quánh chẳng thể lẫn vào đâu được. Mang theo tất cả những háo hức, chờ mong và những dòng suy tư chấp chới theo con nước, chúng tôi theo thuyền của ngư dân xuất phát từ bến cá Ngư Lộc (Hậu Lộc), bắt đầu hải trình đến với đảo Nẹ - hòn đảo nhỏ bình yên mà anh hùng.
10h30 phút sáng, đúng thời điểm "con nước lên", chiếc thuyền nhỏ của ngư dân Nguyễn Văn Nhàn (xã Minh Lộc) đưa chúng tôi lênh đênh suốt hơn 40 phút trên biển để cập bến đảo Nẹ. Là đảo gần bờ, đảo Nẹ có chiều dài gần 900m, bề ngang nơi rộng nhất khoảng 400m; nằm theo hướng Tây Nam - Đông Bắc. Góc Tây Nam là nơi cao nhất của đảo và có đỉnh với độ cao khoảng hơn 70m; từ đây đảo thấp dần về phía Đông Bắc.
Cùng với các đảo khác (người dân địa phương quen gọi là hòn) như: Hòn Mũi hài (hài tị), hòn Sụp, hòn Bò (gồm bò mẹ và bò con - tên chữ là Hoàng ngưu mẫu tử) tạo thành một cánh cung án ngữ, che chắn sóng gió mặt phía Nam và phía Đông cho vùng đất ven biển Hậu Lộc. Do có đảo Nẹ che chắn phía ngoài làm cho bề mặt vụng nước bên trong khá yên tĩnh, mà nói theo cách nói hình tượng của nhiều người thì dải bờ này nằm trong "bóng sóng". Trước đây, khi chưa có các phương tiện định vị hiện đại như bây giờ, ngư dân thuộc các xã ven biển Hậu Lộc thường lấy mốc đảo Nẹ để làm phương hướng cho tàu thuyền trông đó mà về bến đỗ.
Không chỉ thu hút bởi cảnh sắc thiên nhiên nguyên sơ, đảo Nẹ nổi tiếng với ngôi đền thiêng - nơi thờ Đức vua thông thủy, vị thần tối linh cai quản các cửa biển. Những hình dung ban đầu về đảo Nẹ thông qua các tư liệu gắn với nét đặc sắc trong văn hóa - tín ngưỡng vùng cửa biển càng khiến chúng tôi thêm phần háo hức, mong mỏi được đặt chân lên đảo Nẹ để thỏa sức mà ngắm nhìn, khám phá.
Chiếc thuyền nhỏ cứ thế chở chúng tôi lướt nhẹ trên mặt sóng lấp lánh ánh bạc. Càng tiến gần đến đảo Nẹ, khung cảnh thiên nhiên của một vùng biển trời quê hương càng thêm tươi đẹp, thu hút. Cái cảm giác ngồi trên thuyền, chốc chốc lại vô thức giật mình vì đàn cá nhỏ, tươi rói nảy mình tanh tách lên khỏi mặt biển mang đến sự mới mẻ, thích thú. Hình ảnh những chòi canh ngao của ngư dân nằm rải rác trên mặt biển gợi lên trong lòng chúng tôi cảm giác ngậm ngùi, rưng rưng. Miên man trong những dòng suy nghĩ, cảm xúc mà chuyến đi biển mang lại, thuyền chở chúng tôi đã rất nhanh cập bến trước sự chào đón nhiệt tình của các cán bộ, chiến sĩ Đại đội hỗn hợp đảo Nẹ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa.
Sau những cái bắt tay thân tình, nồng hậu, đi giữa màu xanh mướt mát của hệ sinh thái trên đảo; du dương tận hưởng bản hòa tấu của "những nghệ sĩ nhỏ" ríu rít trong những vòm lá; chúng tôi lắng nghe Đại úy Trần Công Khải, Phó Đại đội trưởng Đại đội hỗn hợp đảo Nẹ say sưa, tự hào giới thiệu về lịch sử hình thành, truyền thống anh hùng của đảo.
Trong lịch sử kháng chiến cứu quốc, đảo Nẹ được biết đến là một hòn đảo anh hùng gắn liền với những chiến công của quân đội ta. Có thể nói, đảo Nẹ là một trong những "chiến hạm nổi" của tỉnh Thanh Hóa, đơn vị tiền tiêu trong công cuộc chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, Đại đội hỗn hợp đảo Nẹ đã trải qua chặng đường 64 năm chiến đấu và trưởng thành.
Xác định nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đơn vị là thực hiện huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu; tuần tra, canh gác, bảo vệ các mục tiêu then chốt của đảo; thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển khi có tình huống xảy ra. Nhiều năm liền, Đại đội hỗn hợp đảo Nẹ đạt danh hiệu Đơn vị quyết thắng và nhiều bằng khen, giấy khen của quân khu và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa.
Để có được những thành tích đáng tự hào ấy, bên cạnh sự quan tâm, động viên kịp thời, sát sao trong công tác chỉ đạo của các cấp chỉ huy thì không thể không kể đến nỗ lực khắc phục khó khăn, vất vả, luôn quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
Có dụng tâm lắng nghe những mẩu chuyện kể về đời, về nghề của các cán bộ, chiến sĩ nơi đây mới thấu hiểu hết được sự thiêng liêng, sâu sắc của câu nói: "Đảo là nhà, biển cả là quê hương". Ví như câu chuyện của Đại úy Trần Công Khải, Phó Đại đội trưởng Đại đội hỗn hợp đảo Nẹ - người có 7 năm gắn bó với vùng biển đảo quê hương.
Nhìn lại chặng đường đã qua, anh Khải bồi hồi tâm sự: "5 năm công tác ở đảo Mê, 2 năm gắn bó với đảo Nẹ, tuy môi trường, địa bàn làm việc có nhiều nét khác biệt nhưng đối với tôi, tình yêu và mối quan hệ khăng khít giữa quân và dân vùng biển đảo trên khắp mọi miền của Tổ quốc bao giờ cũng nhất mực chân thành, tình nghĩa như thế". "Quân với dân như cá với nước", màu áo lính giữa trùng khơi là điểm tựa vững chắc để ngư dân kiên cường bám biển. Và sự kiên cường bám biển của ngư dân lại trở thành nguồn động lực to lớn, giúp người lính thêm vững vàng tay súng. Tình cảm ấy đã hòa quyện vào nhau, kết thành thành trì kiên cố trên biển, không kẻ thù nào xâm phạm được.
Cũng như đồng chí Khải, Thượng tá Nguyễn Xuân Cương cũng đã 9 năm công tác tại các đơn vị đảo; trong đó từng có 7 năm làm công tác cơ yếu tại Trường Sa. Ngần ấy thời gian cách trở với đất liền, đóng quân tại nơi "đầu sóng ngọn gió" nên khi ngồi nhớ lại làm sao cho khỏi có đôi chút rưng rưng trong lòng người lính đảo: "Bất kể người lính nào khi nhận nhiệm vụ công tác tại Trường Sa đều cảm thấy được sự khắc nghiệt, vất vả, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhưng chúng tôi vẫn thường tâm niệm một điều, mình là quân nhân thì phải biết hy sinh, biết sống và chiến đấu vì sự bình yên của Tổ quốc và nhân dân" - Thượng tá Nguyễn Xuân Cương bộc bạch tâm sự.
Từ Trường Sa về với đảo Nẹ, điều kiện làm việc bớt đi phần nào những khó khăn, khắc nghiệt, đồng chí Cương chia sẻ: "Đảo Nẹ là đảo gần bờ nên mọi điều kiện công tác, sinh hoạt cũng thuận lợi hơn rất nhiều, nhất là sự động viên kịp thời từ đất liền. Đó là một trong những động lực to lớn để chúng tôi yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao phó. Nói như thế không phải để so sánh bởi đã là người lính biển thì đảo nào cũng chính là nhà".
Nép mình giữa đồng đội, chốc chốc lại tủm tỉm cười mỗi khi chúng tôi hỏi chuyện, Trung sĩ Nguyễn Văn Bắc là lính thực hiện nghĩa vụ trên đảo đã được gần 2 năm, "tuổi đời mới tròn đôi mươi", trẻ nhất đảo. Như để động viên người lính trẻ cởi mở trò chuyện, đồng chí Khải tươi cười vỗ vai Trung sĩ Bắc, nói như khoe với chúng tôi: "Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ tại đơn vị, đồng chí Bắc có sự phấn đấu và được chỉ huy đơn vị ghi nhận, tặng giấy khen.
Vừa qua, đồng chí Bắc được giới thiệu đoàn viên ưu tú tham gia lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng". Lần đầu tiên đặt chân lên đảo nhận nhiệm vụ, Trung sĩ Bắc cảm thấy hồi hộp, lo lắng, lạ lẫm với mọi thứ. Nhưng Bắc bảo: "Càng tiếp xúc, càng trải lòng, em càng cảm thấy gần gũi, thân thuộc, yêu mến cuộc sống trên đảo. Cảnh sắc thiên nhiên nơi này rất đẹp, trong lành. Các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sống tình cảm, nhiệt tình giúp đỡ lẫn nhau".
Chúng tôi chia tay các cán bộ, chiến sĩ Đại đội hỗn hợp đảo Nẹ khi ánh chiều đã nhuộm đỏ từng lớp sóng, gửi lại những ân tình, lưu luyến trong màu xanh áo lính. Nét bình yên của đảo Nẹ hiện lên trong câu chuyện về đôi cây sung - si biết yêu nhau tự trong mạch nguồn của đất, nếu một cây trút lá thì cây còn lại lá xanh mướt reo ca cùng nắng gió.
Hay chuyện rất vui, rất thật từ cuộc sống của người lính đảo, rằng: Quả trứng vịt lộn từ đất liền gửi ra cho mâm cơm người lính thêm phần cải thiện bỗng một sớm mai nở ra chú vịt con ngơ ngác tìm mẹ. Thế là cả đại đội "chung tay" nuôi chú vịt con ấy từ khi còn đỏ hỏn đến khi sắp sửa thành vịt mẹ. Vườn rau tăng gia của đơn vị chiều nào cũng có đôi bàn tay người lính xới xáo, gieo trồng...
Chiều dần buông, bến cá Ngư Lộc đã ở rất gần, giữa biển khơi thèm khát vị nước ngọt nơi đất liền, bỗng thấy chạnh lòng khi nhớ tới nỗi niềm trăn trở của Đại úy Khải từng chia sẻ: "Tuy ở gần bờ nhưng nhiều khi, lính đảo chúng tôi vẫn "khát" nước ngọt dùng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt lắm. Đảo có nguồn nước dự trữ nhưng sao cho đủ được, chủ yếu phải sử dụng nguồn nước mưa. Nhưng hiện tại, hệ thống bể chứa trên đảo ít, một số bể đã xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng không sử dụng được.
Có những năm trời khô, hạn, ít mưa, đơn vị phải đi tàu vào các điểm có cầu cảng gần đảo mua từng khối nước ngọt vận chuyển ra đảo". Ngoảnh đầu nhìn về phía đảo Nẹ đang xa dần, câu hát chẳng biết từ đâu văng vẳng khắp bốn bề sóng nước: "Có bình yên nào mà không xót xa"...
Ký của Hương Thảo
Theo baothanhhoa.vn
Vụ "chiếm nhà trái phép" ở TP.HCM : Thêm tội "huỷ hoại" và "lấy cắp" tài sản? Liên quan đến vụ tranh chấp căn nhà số 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM. Cơ quan cảnh sát điều tra- Công an quận 1, TP.HCM đã tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Lâm Hoàng Tùng (SN 1991, ngụ quận Bình Thạnh) - giảng viên Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại...