“Giải mã” gà giá siêu rẻ
Chúng tôi tìm hiểu thông tin gà giá rẻ tại chợ Hà Vĩ đúng thời điểm dịch cúm gia cầm bùng phát tại một số tỉnh của Trung Quốc. Điều gì xảy ra nếu những con gà chết ở chợ Hà Vĩ chính là gà nhiễm H5N1 được “nhập khẩu” từ bên kia biên giới?
Gà chết chất thành đống
Ngày thứ tư, chúng tôi tiếp tục tìm về Hà Vĩ (Thường Tín, Hà Nội) trong vai người mua gà.
3h sáng. Một chiếc xe tải mang biển số 34L – 4… tiến vào chợ. Hàng chục thương lái vây quanh chuẩn bị nhập gà. Chiếc lồng đầu tiên được mở ra, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh gà nằm chết còng queo. Có con đang thoi thóp thở, mào tím tái, có con chân run lẩy bẩy, mắt lờ đờ… Số khỏe hơn lông lá cũng xác xơ, cánh tím đen, đi lại chậm chạp.
Cảnh mua bán tấp nập ở chợ gia cầm đầu mối Hà Vĩ
Rất nhanh chóng, chủ cửa hàng vứt gà chết sang một bên, gà sống được thả vào chuồng. Đám gà thoi thóp thở được vứt lẫn vào đống gà chết. “Mấy hôm nay thời tiết nóng bức, lại vướng vụ cúm gia cầm bên Trung Quốc. Làm ăn khó khăn, giờ thêm một đống gà chết thế này còn lãi lờ gì nữa”, Q., chủ xe cám cảnh nói.
Nghĩ tôi “cùng hội cùng thuyền”, Q. chia sẻ: “Bình thường, gà này bán giá 35.000 – 40.000 đồng/kg nhưng giờ chết rồi chỉ bán được giá 10.000 đồng/con. Hôm nay chết cả tạ gà, thử hỏi có còn lãi không?”.
Những con gà chết được vứt sang một bên để bán với giá siêu rẻ
4 rưỡi sáng, thêm vài chiếc xe tải chở gà tiến vào chợ. Dọc hai bên vỉa hè, gà chết xếp thành từng đống lớn. Có cửa hàng còn cho sẵn gà chết vào trong lồng để chờ lái buôn tới lấy.
Vì sao gà mía giá rẻ chiếm phần nhiều trong chợ gà đầu mối Hà Vĩ? Chúng tôi tìm được câu trả lời sau khi tiếp xúc với ông V., người có thâm niên làm nghề bốc xếp ở chợ. “Đa số gà ở chợ Hà Vĩ là gà mía (chiếm khoảng 60%) được nhập về từ các trang trại bên kia biên giới. Hàng nhập về tới đâu là hết luôn trong ngày, ít khi có hàng tồn. Trong quá trình vận chuyển đường xa, rất nhiều gà bị chết. Số gà này được bán lại cho các thương lái, sau một vài thủ thuật, gà chết được trộn lẫn cùng gà sống mang ra chợ bán. Gà chết chỉ có người bán mới phân biệt được, chứ người mua thì…?!”.
Nhiều nơi trong chợ, gà chết chất thành từng đống như thế này
Mánh khóe “trộn” hàng
Phía đầu cổng chợ, một phụ nữ tay lăm lăm cầm kéo tiến vào. “Phập” – đâm trúng tia, máu đen chảy nhỏ giọt trên nền bê tông, chỉ chờ có thế, đám ruồi nhặng kéo đến bâu kín. Để bán được giá cao, người phụ nữ này mách nước: “Đối với gà chết, cần phải chọc vào cổ, dốc ngược xuống cho chảy hết máu đen, bớt thâm thịt. Làm như vậy mới dễ dàng “trộn” gà được. Mỗi con gà này có giá dao động từ 25.000 – 30.000 đồng, không kể trọng lượng”.
Video đang HOT
Cảnh cắt tiết gà ngay tại chợ
Tảng sáng, chợ bắt đầu tấp nập người mua kẻ bán. Các lái buôn đỗ lại bên cạnh đống gà chết. Khung cảnh mua bán gà chết còn tấp nập hơn cả gà sống. Mấy người phụ nữ mặt bịt khẩu trang kín mít chỉ hở hai con mắt nhao vào. Chiếc cân được bày ra. Một người đàn ông quần ống thấp ống cao xách những con gà loại, đang ngắc ngoải hoặc đã cắt tiết cho vào lồng. Có con chưa kịp cho vào lồng đã chết rũ rượi. Nhiều vệt máu thâm bầm bám vào những con gà đang run lẩy bẩy. Từ cổ những con gà đã bị cắt tiết, máu đen nhỏ tong tong xuống mặt đất từng vệt, đọng thành từng cục. Trong chốc lát, đống gà chết đã được bán hết veo.
Theo quan sát của chúng tôi, sau khi chọn mua gà chết, các lái buôn thường mua thêm gà sống. Mỗi xe máy chạy ra khỏi cổng chợ, phía sau nếu không là bao gà chết được xếp lên đỉnh lồng gà sống thì cũng là gà chết được “vắt vẻo” phía sau xe, theo các lái buôn về nhà.
Cảnh mua bán gà chết
Trên con đường chất đầy rơm rạ, chúng tôi bám theo một xe Dream mang biển số 29Z4 – 96… Trên xe chất khoảng tạ rưỡi gà đủ loại nhưng phần nhiều là gà mía chạy ra hướng quốc lộ 1A (cũ). Phía trên là một bao gà chết. Chúng tôi giữ khoảng cách vừa đủ để không mất hút đối tượng. Tới địa bàn xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín), thấy đã “vượt” ra khỏi vòng nguy hiểm, chúng tôi tiến gần lên chiếc xe này hỏi:
- Anh chở gà chết về làm gì?
Người thanh niên tròn mắt ngạc nhiên, mặt biến sắc, vẻ chột dạ, trả lời: “Em chỉ chở thuê thôi chứ không biết gì đâu”.
- Gà chết trên xe là gà gì?
- Gà mía anh ạ.
- Anh chở gà chết thế này, bên thú y không nói gì à?
Không quan tâm câu hỏi của chúng tôi, người đàn ông này phanh xe lại, bịt khẩu trang kín mít rồi rẽ vào một con đường nhỏ sát đường quốc lộ?!
Gà chết lẫn gà sống được chở đi tiêu thụ
Thấy có điểm khả nghi, tờ mờ sáng sớm hôm sau, chúng tôi quay lại chợ Hà Vĩ và tiếp tục bám theo người đàn ông này. Tại chợ, anh ta gom cả gà sống lẫn gà chết vào chiếc lồng rồi chất lên xe chở đi. Khác với hôm trước, để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng, anh ta chọn đi đường vòng qua những khu dân cư vắng vẻ. Điểm đến của chuyến hàng này là một địa chỉ giết mổ gia cầm tại địa bàn chợ Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội. 2 tiếng sau, hàng chục thương lái tới đây nhập gà rồi hối hả chạy về phía nội thành.
Theo Khampha
Gà siêu rẻ 30 nghìn/kg là gà Trung Quốc?
Chợ thịt gà 30 ngàn đồng/kg (đã thịt) ở khu vực cầu Lủ (Kim Giang, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phần nhiều là gà thải và không rõ nguồn gốc. Thậm chí cơ quan chức năng còn đang đặt nghi vấn nguồn gốc của mặt hàng này có thể là từ Trung Quốc bởi trong năm qua họ đã tiêu hủy rất nhiều gà giá siêu rẻ không có giấy tờ được nhập lậu về từ Trung Quốc.
Gà không kiểm dịch, không rõ nguồn gốc
Ngày 25/5, trao đổi với VietNamNet, ông Cấn Xuân Bình, Chi cục trưởng chi cục Thú y Hà Nội cho biết ngay sau khi có thông tin báo chí đưa về chợ gà siêu rẻ ở khu vực cầu Lủ, Chi cục Thú y Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, xử lý kịp thời nếu phát hiện sai phạm.
Theo đó, khu vực chợ bán thịt gà siêu rẻ là dãy phố dài thuộc 2 phường của 2 quận: phường Định Công (quận Hoàng Mai) và phường Khương Đình (quận Thanh Xuân).
Tổng số hộ kinh doanh bày bán thịt gà siêu rẻ là 19 hộ, trong đó có 7 hộ thuộc phường Định Công và 12 hộ thuộc phường Khương Đình.
Ông Bình còn khẳng định: "Hoàn toàn không có gà mía, gà ta như lời người bán nói".
Còn ông Phạm Đăng Vĩnh, Trạm trưởng Trạm thú y quận Hoàng Mai cho biết ngay sau khi báo chí đưa tin, trạm đã phối hợp với đơn vị quản lý thị trường và UBND phường Định Công kiểm tra 7 hộ bán thịt gà siêu rẻ trên địa bàn.
Kết quả cho thấy: Ngày 23/5, đoàn kiểm tra đã phát hiện 3 hộ bán thịt gà không có giấy kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, bắt và tiêu thủy 30,5kg gà thịt. Đến ngày 24/5, đoàn tiếp tục kiểm tra, tịch thu và tiêu hủy 12kg gà đã giết mổ của 2 hộ vì không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Chợ thịt gà siêu rẻ ở khu vực cầu Lủ (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: VietNamNet
2 hộ còn lại có dấu kiểm dịch và giấy tờ chứng minh nguồn gốc nên được phép bày bán.
"Tuy được bày bán tiếp vì có giấy tờ nhưng nếu có nghi ngờ gà nhiễm bệnh thì chúng tôi vẫn tịch thu, lấy mẫu kiểm tra", ông Vĩnh cho hay.
Trong 12 hộ kinh doanh thịt gà còn lại thuộc địa bàn phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) cũng có những hộ vi phạm.
Bà Nguyễn Thị Oanh, Trạm trưởng Trạm thú y quận Thanh Xuân cho biết 2 ngày qua đã kiểm tra, tịch thu, tiêu hủy một lượng gà thịt không có dấu kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Từ hôm nay (25/5), trạm cử cán bộ đứng trực ở chợ, nếu các hộ còn bán gà không kiểm dịch sẽ tịch thu ngay.
Toàn bộ 19 hộ kinh doanh gà ở đây (có giấy tờ hoặc không) đều cho biết họ lấy gà từ chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội).
Nghi vấn gà nhập lậu từ Trung Quốc
Nhận định về mức giá siêu rẻ trên, bà Oanh cho rằng có thể gà được bán là gà thải loại (đã đẻ hết trứng), chất lượng thịt kém, lại bán ở chợ chiều nên có tâm lý "bán rẻ cho hết".
Tuy nhiên, ông Phạm Đăng Vĩnh còn bổ sung thêm nghi vấn cho rằng có thể số gà này còn được nhập lậu về từ Trung Quốc nên mới có cái giá "giật mình" như vậy và không thể có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Theo ông Vĩnh, trong năm 2011 vừa qua, Trạm thú y quận Hoàng Mai đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, thu giữ, tiêu hủy 3 lần tổng cộng gần 1 tấn gà lông nhập lậu từ Trung Quốc không có giấy tờ.
Đặc điểm của loại gà này là thịt dai, khá thơm ngon, xương cứng nên thường được bán cho các quán phở trên địa bàn Hà Nội (vì bán phở mà thịt gà bở thì người tiêu dùng chê).
Ông Vĩnh còn cho biết thêm: Trong những đợt bắt đó, các đối tượng vi phạm khai họ mua gà thải từ Trung Quốc với giá 5 ngàn đồng/con.
"Do đó, nếu làm sạch sẽ rồi mà bán 30 ngàn đồng/kg thì họ vẫn còn lãi chán", ông Vĩnh cho hay.
Theo kế hoạch, trạm thú y quận Hoàng Mai và Thanh Xuân sẽ tiếp tục triển khai kiểm tra thịt gia cầm bày bán ở khu vực này để tránh hiện tượng người tiêu dùng bị lừa, mua phải gà không đảm bảo chất lượng.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng cùng các Chi cục Quản lý thị trường đã phát hiện và thu giữ hàng nghìn tấn hàng gia cầm bẩn nhập lậu về Việt Nam.
Mới đây nhất vào ngày 10/5, Đội quản lý thị trường số 30, kết hợp với Công an huyện và Trạm thú ý huyện Thường Tín đã tạm giữ một xe mang biển kiểm soát Hải Dương và một xe mang biển kiểm soát Hải Phòng, chở khoảng 2 tấn gà nhập lậu, đang trên đường đến huyện Thường Tín tiêu thụ.
Cùng ngày, Đội quản lý thị trường số 12, Chi cục quản lý thị trường Hà Nội, Đội cảnh sát môi trường Công an quận Thanh Xuân bắt giữ 800 kg gà được nhập lậu từ Trung Quốc.
Tất cả đều không có nguồn gốc xuất xứ và giấy chứng nhận kiểm dịch.
Theo VietNamNet
Đột nhập 'tổng hành dinh' gà chết cho hàng cơm Cách Hà Nội chừng 20km, chợ gà lớn nhất Thủ đô hằng ngày vẫn buôn bán tấp nập. Tại đây, gà sắp chết được bẻ quặt cho chết, gà yếu cũng được vội vàng cắt tiết và nhanh chóng chuyển về nội đô bán cho các nhà hàng, tiệm ăn hay các quán cơm bình dân. Đột nhập chợ gà lớn nhất miền...