Giải mã chiến lược ‘bành trướng lắt léo’ kiểu Trung Quốc
‘Trong thời gian sắp tới, không loại trừ việc họ sẽ đưa máy bay quân sự ra Trường Sa’ – GS Alexander Vuving.
LTS: Từ cuối năm 2015 đến nay, Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động leo thang – quân sự hóa tại biển Đông. Mới đây nhất là việc Trung Quốc đưa tên lửa và máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa của Việt Nam. Vậy khả năng gì sẽ đến ở biển Đông? Báo Pháp Luật TP.HCM gửi đến quý độc giả loạt bài viết “Chuyển động biển Đông” với nhiều phân tích của giới chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này.
Sau sự kiện Trung Quốc (TQ) đưa tên lửa tầm xa ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (VN), nhiều chuyên gia cảnh báo Bắc Kinh đã chuẩn bị cho việc tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông.
GS Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương (Mỹ), lại có nhận định khác.
“TQ sẽ không lập ADIZ ở biển Đông”
. Phóng viên: Thưa ông, việc TQ tiến hành tuần tra liên tục cũng như tăng cường các cơ sở nhân tạo không chỉ ở Trường Sa mà gần đây còn xây căn cứ trực thăng, điều tên lửa, máy bay chiến đấu đến Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của VN) cho thấy viễn cảnh gì sắp diễn ra trong năm 2016-2017 sắp tới?
GS Alexander Vuving: Vừa qua TQ đã xây đảo nhân tạo, sân bay, cầu cảng ở các nơi họ chiếm đóng trên biển Đông. Rồi họ sẽ tiếp tục xây dựng các cơ sở vật chất, các công trình lưỡng dụng cho cả dân sự và quân sự.
Năm qua TQ đưa máy bay quân sự ra Hoàng Sa, đầu năm nay bay thử máy bay dân dụng ra Trường Sa, sau đó đưa tên lửa phòng không tầm xa ra Hoàng Sa. Trong thời gian sắp tới, không loại trừ việc họ sẽ đưa máy bay quân sự ra Trường Sa, sẽ đưa tàu hải cảnh, tàu chiến, kể cả tàu ngầm ra Trường Sa.
TQ đã và đang xây radar trên các đảo họ chiếm đóng ở Trường Sa. Họ đã có pháo phòng không tầm thấp ở Trường Sa nhưng sau này có khả năng họ sẽ lẳng lặng đưa cả tên lửa phòng không tầm xa ra Trường Sa.
. Nhiều ý kiến cho rằng thời gian tới, nhất là sau sự kiện Bắc Kinh điều tên lửa tầm xa ra Hoàng Sa, sẽ tiến hành tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông. Quan điểm của ông như thế nào về những dự báo như thế?
Nhiều khả năng TQ sẽ không tuyên bố lập ADIZ ở biển Đông, nếu có chỉ lập ở khu vực Hoàng Sa. Bởi TQ đã học được bài học sau khi lập ADIZ Hoa Đông, bị phản ứng mạnh mẽ mà không được lợi gì nhiều trên thực tế.
Nếu lập ở biển Đông, phản ứng sẽ mạnh hơn, đổ vỡ quan hệ với ASEAN. Nhưng vì TQ đơn phương cho rằng bên trong đường lưỡi bò là lãnh thổ TQ và với bốn sân bay dài 3 km ở Hoàng Sa và Trường Sa cùng với các giàn tên lửa có khả năng bắn xa 200 km, TQ nghĩ rằng tiến tới đây, họ trở thành nước duy nhất có khả năng thiết lập vùng cấm bay trên phần lớn bầu trời biển Đông.
. Trên bản đồ Trường Sa, Hoàng Sa, đâu là những “chốt” quan trọng mà theo ông TQ có thể sẽ đẩy mạnh các hoạt động “quân sự hóa” và tăng cường kiểm soát trong thời gian tới?
Video đang HOT
Cho đến cuối năm 2016, TQ sẽ hoàn thành hai đường băng mỗi cái dài 3 km trên hai đảo nhân tạo ở Subi và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam – NV). Do đã có tính toán ngay từ khi chiếm đảo cách đây hơn 20 năm, cả bảy thực thể mà TQ chiếm đóng (trái phép – NV) ở quần đảo Trường Sa đều nằm ở những vị trí chiến lược.
TQ đã chiếm quần đảo Hoàng Sa từ năm 1974 nhưng họ chưa xây dựng hết các thực thể mà mới chỉ tập trung phát triển một số vị trí quan trọng, đặc biệt là đảo Phú Lâm.
TQ sẽ tiếp tục xây dựng các công trình quân sự và các cơ sở lưỡng dụng (phục vụ cả quân sự và dân sự) trên bảy đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa và một số đảo nhân tạo trên quần đảo Hoàng Sa.
Cuối tháng 1-2016, TQ đã tăng cường số lượng tàu giả dạng tàu cá ở khu vực Ba Kè thuộc mép ngoài vùng đặc quyền kinh tế của VN. TQ có thể đang có kế hoạch gây hấn hoặc xây dựng cấu trúc cố định trên một số bãi cạn ở khu vực Ba Kè.
“Trong thời gian sắp tới, không loại trừ việc họ sẽ đưa máy bay quân sự ra Trường Sa” – GS Alexander Vuving.
Phải “chơi cờ vây” với TQ
. Viễn cảnh sắp tới sẽ rất phức tạp cho an ninh biển Đông khi khu vực này bị TQ đơn phương kiểm soát mạnh mẽ?
Điều gì sẽ diễn ra trong thời gian tới không chỉ phụ thuộc vào hành động đơn phương của TQ mà còn phụ thuộc hành động đáp trả của các nước khác. Tuy nhiên, dù thế nào thì trong hai năm tới tình hình biển Đông sẽ tiếp tục căng thẳng.
Lý do là vì TQ từ lâu muốn độc chiếm biển Đông, mà nay họ có lực thì họ sẽ lấn tới. Nếu các nước phản ứng yếu thì họ càng lấn lướt. Nếu các nước phản ứng mạnh thì căng thẳng cũng sẽ phải lên cao một thời gian rồi mới có thể dịu đi.
. Làm thế nào để các nước láng giềng liên quan đến tranh chấp biển Đông có thể tạo sức ép buộc TQ xuống thang, giải tỏa nỗi lo về an ninh?
Nếu đối phó theo phương thức trực tiếp thì chỉ có “ăn miếng trả miếng” mới buộc TQ phải xuống thang. Nhưng cho đến nay, nhìn chung các nước vẫn lo ngại căng thẳng leo thang thành xung đột lớn.
TQ biết vậy nên càng lấn lướt. Cũng có thể đối phó theo phương thức gián tiếp như chơi cờ vây. Mới đây Mỹ và ASEAN đã ra tuyên bố chung về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Đây là một nước cờ vây thiết lập sân chơi cho một trật tự khu vực trong tương lai. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở những bước đi như vậy thì chưa đủ. Còn cần nhiều nước cờ vây quả quyết hơn nữa, theo hướng hợp tác giữa Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước khác với VN, Philippines, Malaysia.
ĐỖ THIỆN
Theo_PLO
"Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông nhằm thống trị Đông Á"
Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ mạnh mẽ cáo buộc, Trung Quốcrõ ràng đang quân sự hoá Biển Đông nhằm thống trị Đông Á bằng cách triển khai tên lửa, radar, máy bay chiến đấu tới khu vực này.
Cụ thể, phát biểu trước Uỷ ban Quân lực Thượng viện Mỹ ngày 23.2, ông Harry Harris tuyên bố, việc Trung Quốc đưa tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, bố trí hàng loạt radar và xây dựng đường băng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam "đang làm thay đổi môi trường hoạt động ở Biển Đông" và làm "leo thang căng thẳng" trong khu vực.
Đô đốc Mỹ nhấn mạnh rằng, những động thái trên là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thống trị Đông Nam Á.
"Tôi tin rằng Trung Quốc đang theo đuổi bá quyền ở Đông Á", Đô đốc Harris nhấn mạnh khi được hỏi về mục đích của Trung Quốc.
Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ.
Trước đó, nguồn tin trong chính phủ Mỹ đã xác nhận rằng, Trung Quốc vừa tiếp tục triển khai thêm máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm. Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh điều chiến đấu cơ tới hòn đảo và động thái lần này tiếp tục làm dấy lên những quan ngại nghiêm trọng về ý định của nước này, theo Reuters.
Đô đốc Harris cũng cho hay, ông ủng hộ việc Mỹ tiến hành tuần tra hàng hải và hàng không trên Biển Đông diễn ra thường xuyên hơn dù các tên lửa chống hạm DF-21 và DF-26 của Trung Quốc sẽ gây ra mối đe doạ đối với các tàu sân bay Mỹ.
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, Mỹ có khả năng thực hiện những điều mà chúng ta cần phải làm, nếu hoàn cảnh bắt buộc". Theo đó, Đô đốc Mỹ kêu gọi, Hải quân Mỹ cần đầu tư phát triển thế hệ tên lửa mới để đối phó với Trung Quốc.
Tên lửa HQ-9 Trung Quốc triển khai phi pháp tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Những tuyên bố của Đô đốc Mỹ được đưa ra ngay trước thềm cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Tại cuộc gặp này, ông Vương Nghị biện minh rằng, các động thái quân sự của Trung Quốc không đe dọa tự do hàng hải ở Biển Đông đồng thời Bắc Kinh cùng các láng giềng Đông Nam Á có khả năng "duy trì ổn định trong khu vực".
Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ Kerry lên án những hoạt động của Trung Quốc đã tạo nên "chu kỳ leo thang căng thẳng" ở Biển Đông.
"Điều đáng tiếc là tên lửa, máy bay chiến đấu và các khẩu pháo đã xuất hiện ở Biển Đông, gây lo ngại lớn đối với việc lưu thông qua khu vực này, cũng như với những bên phụ thuộc vào Biển Đông để phát triển thương mại một cách hoà bình", ông nhấn mạnh.
Trước cuộc gặp trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố nói rằng, việc nước này triển khai các hoạt động quân sự ở Biển Đông cũng tương tự như những gì Mỹ làm tại Hawaii.
Ngay sau đó, Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest đã lên tiếng bác bỏ bình luận của phía Trung Quốc.
"Không quốc gia nào khác ngoài Mỹ có quyền tuyên bố chủ quyền đối với Hawaii. Nhưng khi xem xét các đặc điểm trên Biển Đông, nhiều quốc gia đã đưa ra các tuyên bố chủ quyền chồng lấn. Mỹ không tham gia trong tranh chấp chủ quyền. Chúng tôi khuyến khích các bên giải quyết vấn đề theo cách hoà bình, hợp pháp và tránh đối đầu cũng như leo thang căng thẳng trong khu vực", ông Josh Earnest phát biểu ngày 22.2.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest.
Trung Quốc đã ngang ngược đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Philippines... bất chấp sự phản đối của các nước có liên quan cũng như cộng đồng quốc tế.
Trong vòng một tuần trở lại đây, Trung Quốc ngang nhiên chỉ ra hàng loạt động nghiêm trọng như đưa tên lửa đất đối không HQ-9 tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, xây dựng hàng loạt radar trên 4 hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, điều chiến đấu cơ J-11 và JH-7 đến đảo Phú Lâm...
Những động thái trên khiến các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế quan ngại, Bắc Kinh đang đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông.
Theo Danviet
Bí ẩn thiên nga trắng Tu -160: Sát thủ tiêu diệt IS Trong hệ thống các loại máy bay chiến đấu của Nga tham gia chiến dịch không kích tại Syria thì Tupolev Tu -160 Blackjack được nhận diện là máy bay chiến lược siêu âm tầm xa lần đầu tiên xuất hiện. Trong quá khứ, Tu -160 từng là biểu tượng cho sức mạnh quân đội Nga thời chiến tranh lạnh (1947 - 1991),...