Giải mã cách làm du lịch bất chấp thiên tai ở Philippines
Philippines là quốc gia gắn liền với những thiên tai. Dù nằm ở vị trí địa lý không thuận lợi, quốc đảo này tận dụng hiệu quả tài nguyên sẵn có để phát triển du lịch bền vững.
Thái Lan tạo ấn tượng nhờ dấu ấn Phật giáo đặc trưng, du khách nhắc đến Indonesia như thiên đường nhiệt đới nhờ sức hút của các hòn đảo trù phú, Việt Nam được du khách yêu thích bởi những kiến trúc lâu đời và ẩm thực đa dạng. Cái tên Philippines lại gắn liền với những trận thiên tai gây hậu quả nặng nề.
Trong bản đồ du lịch Đông Nam Á, Philippines là điểm đến chưa có nhiều nổi trội, song không thể phủ nhận ngành du lịch quốc gia này đang tạo nên nhiều sự bứt phá. Mặc dù phải liên tục hứng chịu những trận siêu bão, động đất, Philippines vẫn cố gắng thúc đẩy du lịch phát triển nhờ tận dụng tài nguyên biển phong phú và cách quảng bá, quản lý du lịch hiệu quả.
“Cái rốn” của thiên tai
Trước khi được truyền thông nhắc tên nhiều là nơi diễn ra SEA Games 30, Philippines nổi tiếng bởi được coi như “rốn bão” của Đông Nam Á. Có vị trí địa lý bất lợi, đất nước này nằm ở trung tâm của những trận bão, sóng thần, động đất, núi lửa phun trào, gây thiệt hại nặng nề về người và của.
Siêu bão Haiyan từng tàn phá miền trung Philippines thành đống hoang tàn đổ nát. Ảnh: AP.
Mới đây, nhiều môn thi đấu tại SEA Games 30 bị gián đoạn bởi sự đổ bộ của siêu bão Kammuri. Trước đó, quốc đảo này từng nhiều lần phải oằn mình đối phó với sự nổi giận của mẹ thiên nhiên. Người dân Philippines không bao giờ quên sự tàn phá tàn khốc của thiên tai năm 1976.
Chỉ sau nửa đêm 17/8/1976, trận động đất 7,9 độ xảy ra gần các đảo Mindanao và Sulu của Philippines, gây sóng thần cao đến 5 m ở điểm cao nhất, cuốn trôi hàng nghìn người dân khi họ đang chìm trong giấc ngủ. Hãng thông tấn AFP cho biết khoảng 5.000-8.000 người đã thiệt mạng, trận phun trào này thành một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất lịch sử Philippines.
Năm 2013, quốc gia này thêm một lần nữa chao đảo khi phải hứng chịu hậu quả tàn khốc từ siêu bão Haiyan. Theo Hội đồng Quản lý và Giảm thiểu nguy cơ thảm họa quốc gia Philippines, có đến 4,28 triệu người, thuộc hơn 1.000 ngôi làng tại 36 tỉnh của quốc gia này bị ảnh hưởng bởi bão Haiyan.
Không chỉ là “rốn bão”, Philippines nằm trên “vành đai lửa” Thái Bình Dương. Vụ núi lửa phun trào thảm khốc nhất trong lịch sử hiện đại Philippines được ghi nhận là vào năm 1991. Núi lửa Pinatubo, nằm cách thủ đô Manila khoảng 100 km, đã “thức tỉnh” khiến hơn 800 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, thiên tai không ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển du lịch của Philippines. Quốc gia này tận dụng được tài nguyên thiên nhiên biển để biến thành điểm nhấn du lịch. Bằng chứng là nhiều năm gần đây đảo Boracay, El Nido hay Cebu trở thành những cái tên hot trong bản đồ du lịch nghỉ dưỡng Đông Nam Á.
Tài nguyên biển đảo phong phú
Đất nước Philippines trải dài trên hơn 7.000 hòn đảo, đó là lý do chính quốc gia này tập trung phát triển du lịch biển. Năm 2018, tạp chí du lịch nổi tiếng Condé Nast Traveler đã bình chọn Boracay, Cebu và Palawan vào danh sách những hòn đảo đẹp nhất thế giới. Không có các công trình ấn tượng hay các di tích lịch sử lâu đời, Philippines dựa vào tài nguyên biển sẵn có làm trọng tâm phát triển du lịch.
Các du khách nước ngoài yêu thích hoạt động lặn biển ngắm cá mập voi ở Oslob. Ảnh: Island Trek Tours.
Thời gian gần đây, Oslob (Cebu) là điểm du lịch được nhiều tín đồ du lịch săn đón khi đến Philippines. Địa phương này đã tận dụng điều kiện tự nhiên sẵn có, khai thác dịch vụ lặn biển cùng cá mập voi, khiến Oslob nhanh chóng trở thành điểm du lịch nổi tiếng thế giới.
Video đang HOT
Trước Cebu, đảo Boracay từng là cái tên quen thuộc khi nhắc đến du lịch Philippines. Hòn đảo này thường xuyên vào danh sách các điểm du lịch biển hấp dẫn nhất hành tinh. Dựa theo tỷ lệ bình chọn của du khách trên trang Tripadvisor, Boracay từng liên tục đứng đầu trong top 10 bãi biển đẹp nhất châu Á và và top 25 bãi biển đẹp nhất thế giới.
Du khách Tú Anh (Hà Nội) chia sẻ với Zing.vn về những trải nghiệm du lịch tại Philippines: “Mình đến Oslob năm ngoái. Địa điểm này phù hợp để nghỉ dưỡng cũng như tạo không gian cho du khách khám phá thiên nhiên. Nếu bạn thích các môn thể thao mạo hiểm trên biển, Cebu, El Nido, Siargao và nhiều bãi biển khác ở Philippines là lựa chọn hợp lý”.
Thiên đường Boracay là điểm đến hút khách tại Philippines. Ảnh: Hồng Anh.
Bên cạnh Cebu và Boracay, thiên đường nhiệt đới El Nido cũng là điểm đến được các tín đồ du lịch săn đón. Năm 2017, trang CNN đã xếp El Nido đứng vị trí 14 trong bảng xếp hạng 100 bãi biển đẹp nhất hành tinh.
Tuy sở hữu tài nguyên biển vượt trội, lượt khách quốc tế đến Philippines còn kém nhiều quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, nhưng những chiến lược phát triển hiệu quả đã đem lại nhiều thay đổi tích cực cho diện mạo ngành du lịch quốc gia này.
Sự vươn mình của ngành du lịch ít nổi trội ở Đông Nam Á
Theo Bloomberg, du lịch Philippines hướng đến đối tượng khách quốc tế. Nhằm thúc đẩy lượng du khách tiềm năng này, chính phủ Philippines đã có những “tuyệt chiêu” trong việc quảng bá du lịch.
Tháng 10/2017, du lịch Philippines tạo hiệu ứng tốt với du khách nước ngoài nhờ chương trình “Bring Home a Friend”. Chiến dịch này khuyến khích công dân mời bạn bè quốc tế đến Philippines. Với những lời mời du lịch thành công, người dân có cơ hội nhận được phần thưởng như phiếu quà tặng 3.900 USD, ôtô hay một căn hộ trị giá hơn 135.500 USD tại thủ đô Manila.
Ảnh: Daniel Carpentier, Donald Tapan, Manuel Librodo Jr.
Chiến dịch “It’s more fun in the Philippines” đánh dấu sự thay đổi diện mạo của ngành du lịch nước này.
Trước khi có chương trình “Bring Home a Friend”, ngành du lịch Philippines từng tạo diện mạo mới nhờ chiến dịch quảng bá “It’s more fun in the Philippines” năm 2012. Câu slogan này ra đời cạnh tranh với các khẩu hiệu du lịch nổi tiếng khắp Đông Nam Á như “Amazing Thailand”, “Malaysia Truly Asia” hay “Incredible India”.
Chiến dịch quảng bá này hướng đến giá trị cốt lõi là tạo sự vui vẻ tuyệt đối cho du khách khi đến Philippines. Thái Lan từng tạo thương hiệu du lịch với nụ cười xứ chùa Vàng, Philippines lại “lôi kéo” du khách bằng tinh thần “vui chơi tới bến” của người dân bản địa.
Trang CNN nhận định “It’s more fun in the Philippines” thành công tận dụng kênh quảng cáo là khoảng 30 triệu người dùng mạng xã hội ở Philippines. Nhờ đó, hastag “It’s more fun in the Philippines” nhanh chóng được lan tỏa. Bằng cách này, mỗi người dân Philippines chính là một đại sứ du lịch của đất nước họ.
Mỗi người dân Philippines chính là một đại sứ du lịch của đất nước họ.
Từ năm 2016-2018, lượng khách du lịch đến Philippines liên tục tăng đều. Cựu Bộ trưởng Du lịch Philippines Wanda Tulfo Teo từng chia sẻ trên chuyên trang kinh tế Bloomberg: “Nhờ đổi mới chính sách quảng bá du lịch, đã có 7,4 triệu lượt khách quốc tế đến Philippines trong năm 2018, sau khi đạt mức kỷ lục 6,6 triệu lượt khách năm 2017.
Năm 2016, chỉ có khoảng 6 triệu lượt khách tới Philippines”. Quốc gia này cũng đặt mục tiêu đạt 12 triệu lượt khách quốc tế đến thăm vào năm 2022. Con số dự kiến này chỉ tương đương lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng năm 2019.
Đóng cửa Boracay và bài học phát triển du lịch bền vững
Không chỉ thu hút du khách quốc tế bằng những chiến dịch quảng bá độc đáo, Philippines còn tập trung phát triển du lịch bền vững qua những chính sách bảo vệ môi trường hiệu quả.
Tháng 4/2018, chính phủ Philippines đã yêu cầu đóng cửa 6 tháng với khu du lịch Boracay nhằm phục hồi hệ sinh thái biển bị phá hủy nghiêm trọng. Theo Straits Times, có khoảng 2 triệu du khách đến Boracay năm 2017, thu lợi khổng lồ cho ngành du lịch nước này. Việc đóng Boracay có thể khiến ngành du lịch của hòn đảo thiệt hại khoảng 1 tỷ USD.
Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từng phá hủy hệ sinh thái biển ở Boracay. Ảnh: Getty.
Theo tờ Straits Times, tình trạng ô nhiễm môi trường của Boracay được cho là do sự thất bại của chính quyền địa phương trong việc thi hành các quy định về bảo tồn biển. Ít nhất 300 khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà nghỉ bỏ qua quy định xây khu xử lý nước, rác thải riêng. Thay vào đó, nước thải bị xả thẳng vào các con kênh được dùng để chứa nước mưa.
Đến tháng 10/2018, Boracay mở cửa đón khách du lịch trở lại với nhiều quy định nghiêm ngặt nhằm bảo vệ hệ sinh thái biển. Theo đó, số du khách tối đa được phép có mặt trên đảo là 19.200 người ở mọi thời điểm. Cấm các hoạt động kinh doanh như massage, bán rong, chụp ảnh lưu niệm tại khu vực bãi biển.
Toàn bộ khách sạn, nhà hàng bị buộc di dời cách bờ biển 30 m. Các sòng bài bị đóng cửa, việc sử dụng chất kích thích, hút thuốc, tổ chức tiệc trên bãi biển bị cấm hoàn toàn.
Giới chức Philippines đưa ra những quy định nghiêm ngặt bảo vệ Boracay sau khi mở cửa lại khu du lịch này. Ảnh: CNN.
Sau khi chính thức đón khách trở lại, Bộ trưởng Du lịch Bernadette Romulo-Puyat bày tỏ hy vọng diện mạo mới của Boracay sẽ là bước đi đầu tiên trong việc xây dựng văn hóa du lịch bền vững tại Philippines. “Trong tương lai, nhiều điểm du lịch khác sẽ học theo kinh nghiệm từ trường hợp của Boracay”, bà Bernadette chia sẻ với CNN.
Vượt qua những khó khăn về vị trí địa lý nằm ở vùng trung tâm thường xuyên xảy ra thiên tai, Philippines cố gắng tận dụng những tài nguyên thiên nhiên sẵn có để phát triển ngành công nghiệp không khói. Dù chưa tạo nhiều dấu ấn nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, cách xây dựng nền du lịch phát triển bền vững của Philippines là bài học cho nhiều quốc gia khác trong đó có Việt Nam.
Theo news.zing.vn
Cần Thơ: Kinh hoàng cháu nhậu say cắn mũi bác rồi nuốt luôn vào bụng
Trong lúc nhậu, hai bác cháu trong gia đình xảy ra mâu thuẫn xô xát. Người cháu bất ngờ lao đến cắn vùng mũi phải của nạn nhân đứt lìa rồi nuốt luôn vào bụng.
Sự việc kinh hoàng xảy ra với ông N.B.M. (53 tuổi, ở Cần Thơ). Ông bị cháu ruột cắn biến dạng mũi khi hai người đã nhậu say.
Cụ thể theo thông tin ban đầu, vào giữa tháng 11/2019 nhà ông M. tổ chức tiệc nên có mời bà con dòng họ đến chung vui ăn uống.
Trong buổi tiệc, ông M. cùng vài người đàn ông trong gia đình uống rượu bia rất nhiều, dẫn đến say xỉn.
Mũi ông M. bị cháu cắt biến dạng nặng nề.
Quá trình nhậu, ông cùng một người cháu có xảy ra mâu thuẫn cãi vã, dẫn đến xô xát.
Vì cả hai đều say bí tỉ nên không làm chủ được hành động. Người cháu bất ngờ lao đến đè ông xuống, cắn mạnh vào vùng mũi khiến cánh mũi phải đứt lìa, nằm trong miệng rồi nuốt luôn vào bụng.
Phát hiện sự việc, gia đình đưa nạn nhân đến bệnh viện tại địa phương thăm khám. Tại đây, bệnh nhân được rửa vết thương, cầm máu rồi chuyển ngay lên tuyến trên vì tình trạng vết thương quá nặng.
Bệnh nhân được bác sĩ tạo hình lại cánh mũi.
Phó Giáo sư Đỗ Quang Hùng, Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng toàn bộ phần sụn, niêm mạc và cánh mũi bị cắn đứt hoàn toàn, vết thương nhiễm trùng nặng, mũi biến dạng ảnh hưởng xấu đến vấn đề thẩm mỹ của khuôn mặt.
Các bác sĩ đã dùng vách ngăn mũi còn lại để làm phần niêm mạc bên trong, lấy một phần sụn sườn làm trụ mũi, sụn vành tai để tái tạo cánh mũi, dùng vạt da trán đắp vào vùng mũi bên phải của ông M.
Vết thương dù lành nhưng sẽ để lại sẹo.
Sau can thiệp, tình trạng bệnh nhân dần ổn định, vết thương hết nhiễm trùng. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ bị để lại sẹo xấu trên mặt.
Sự việc trên một lần nữa cảnh báo tác hại của việc nhậu nhẹt quá chén không làm chủ bản thân gây nên những hậu quả nặng nề.
Theo Helino
Philippines đẹp mê mẩn, nhưng cũng đầy cảnh trộm cướp trên taxi Do có nhiều vụ tài xế đồng lõa với kẻ cướp để trấn lột, du khách được cảnh báo kiểm tra các ghế trong xe trước khi lên. Một du khách Hàn Quốc bị cướp khi đang đi taxi ở quận Malate, Manila vào tối muộn ngày 24/11. Người này ngồi ghế trước, vị trí song song với tài xế và đang trên...