Giải mã bí ẩn cận tử – khoa học nói gì? – Kỳ cuối: Khi nhà khoa học trải nghiệm cận tử
Có vô vàn chuyện lạ đến mức ly kỳ về trải nghiệm cận tử. Đó là chuyện người bị bệnh nan y sẵn sàng với sự kết thúc cuộc đời, là những người phải bất đắc kỳ tử như gặp tai nạn…
Từ một người không hiểu biết về âm nhạc, bác sĩ Anthony Cicoria đã thật sự trở thành một nghệ sĩ piano đầy đam mê và tài năng khác thường sau lần bị sét đánh.
Tuy nhiên, khi các nhà khoa học, đặc biệt là bác sĩ, kể lại trải nghiệm cận tử của chính mình đều được đặc biệt chú ý bởi họ là những người có kiến thức chuyên môn sâu rộng, uy tín, không dễ “cảm tính, cả tin”…
Tôi có giả thuyết trải nghiệm cận tử có thể xảy ra khi não vẫn còn nguyên vẹn về mặt chức năng và cấu trúc.
Tiến sĩ Daniel Kondziella (nhà thần kinh học ở Đại học Copenhagen)
Những trải nghiệm “địa ngục, thiên đàng”
Cách đây 15 năm, tiến sĩ – bác sĩ Rajiv Parti, trưởng khoa gây mê hồi sức của Bệnh viện Tim Bakersfield ở California (Mỹ), bị sa sút sức khỏe nghiêm trọng. Các xét nghiệm y khoa kết luận ông mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Ông đã trải qua phẫu thuật loại bỏ khối u, nhưng căn bệnh hiểm nghèo này vẫn chưa chịu dừng hành hạ ông. Năm 2010, ông bị sốc nhiễm khuẩn và lại tiếp tục trải qua phẫu thuật. Chính lần này, ông đã có cuộc trải nghiệm cận tử sâu sắc mà không thể quên.
Kể lại trong cuốn sách Dying To Wake Up (Chết để thức tỉnh), tiến sĩ Rajiv Parti tự sự có thể nhớ lại chi tiết hành trình trải nghiệm cận tử của chính bản thân. Đầu tiên, ông thấy mình ở trên cao và chứng kiến ca mổ trên thân xác chính mình. Ông còn nhớ lời các bác sĩ phẫu thuật trao đổi và “tán dóc” với nhau. Sau đó, ông lại thấy mình tiếp tục đến một thế giới khác, nhớ lại một số kiếp sống của mình và gặp lại người cha đã mất từ lâu.
Con người thông minh, sáng suốt hơn sau khi ‘chết hụt’?
Viết sách, vị bác sĩ gốc Ấn Độ này kể trong lúc thân xác nằm trên bàn phẫu thuật thì nơi ông đến là “biên giới địa ngục”. Ông đã nhìn thấy các khung cảnh u ám, đáng sợ, nhưng người cha đã ôm ông và đưa ông đến một đường hầm ánh sáng, rồi tiếp tục là hai thiên sứ xuất hiện dẫn ông đến một nơi trong sáng, an lành. Hai thiên sứ này nói cần chữa bệnh cho thân tâm của ông và khuyên ông nên thay đổi, sống nhân ái hơn với mọi người, với bệnh nhân của mình mà trước đó ông khi là bác sĩ điều trị hay cáu giận họ…
Một trải nghiệm cận tử khác cũng được rất nhiều người quan tâm là của tiến sĩ Eben Alexande, một chuyên gia phẫu thuật não uy tín ở Mỹ. Kể lại câu chuyện cận kề cái chết của mình, ông đã viết cuốn sách Proof of Heaven (Minh chứng thiên đàng) bán rất chạy ở cả Mỹ và nhiều nước khác gồm Việt Nam.
Nên nhớ rằng Eben Alexander có hồ sơ khoa học rất uy tín. Ông học Đại học Bắc Caroline, chuyên ngành hóa năm 1976, sau tiếp tục học lên tiến sĩ ở Đại học y khoa Duke năm 1980. Vị tiến sĩ – bác sĩ này học tiếp nội trú của Đại học y khoa Duke, Bệnh viện đa khoa Massachusetts và Đại học y khoa Harvard danh tiếng. Sau đó, Eben Alexande là nghiên cứu sinh giải phẫu não tại Anh, rồi trở thành phó giáo sư ngoại khoa của Đại học y khoa Harvard.
Tiến sĩ Eben Alexande
Năm 2008, ông Eben Alexande bị viêm màng não nghiêm trọng do E.coli gây hôn mê trong suốt một tuần. Các bác sĩ điều trị cho ông đã tư vấn gia đình nên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Nhưng đây cũng là khoảng thời gian cho nhà khoa học này những trải nghiệm cận tử vô cùng đặc biệt mà ông đã viết rằng cuộc sống và thế giới quan của mình đã thay đổi hoàn toàn sau đó. Tuy nhiên, trải nghiệm của ông lại có điều khác biệt với trải nghiệm cận tử của nhiều người khác hay kể rằng gặp người thân đã mất, ý thức rõ được cái tôi của mình, xem lại được quá khứ.
Còn riêng với Eben Alexande không nhớ cái tôi của mình là ai, không được hội ngộ với người thân yêu đã khuất như những người khác. Thế giới kỳ lạ ông trải nghiệm là một thứ cảm giác “phi thời gian, phi biên giới” và vô tận đến nỗi ông thấy mình chỉ là “một điểm ý thức đơn độc giữa một đại dương bên ngoài giới hạn thời gian”.
Ông kể lại trong sách rằng cảm thấy bản thân mình “đi xuyên qua ánh sáng tuyệt đẹp, tới một thung lũng ngập tràn sự tươi tốt”… Ông thấy mình cũng như mỗi người khác đều có sự liên kết với mọi người, với vũ trụ bao la trong sự rộng mở của thấu hiểu và tình yêu thương. Một trải nghiệm đã làm thay đổi hoàn toàn nhà khoa học này sau khi ông tỉnh lại.
Video đang HOT
Là nhà nghiên cứu khoa học, tôi tin có thể giải thích phù hợp cơ chế sinh học. Các nhà thần kinh học đều đồng ý có chỗ cho khoa học và niềm tin trong cùng một cuộc nghiên cứu trải nghiệm cận tử.
Tiến sĩ Donn Dexter (thành viên Học viện Thần kinh Mỹ)
Say mê “âm nhạc thiên đàng” sau khi chết hụt
Tuy không nổi tiếng như Eben Alexande nhưng bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật chỉnh hình Anthony Cicoria, của Bệnh viện Chenango Memorial, New York, Mỹ, cũng được các nhà nghiên cứu cận tử chú ý.
Ông sinh năm 1952, đến năm 1994 thì bị sét đánh trong chuyến đi dã ngoại cùng gia đình. Lúc đó, ông đang đứng gọi điện thoại cho mẹ ở bồn điện thoại công cộng trong khu Albany (New York) thì bị sét đánh trúng khiến tim ông ngừng đập. Người thân nghĩ ông đã không qua khỏi.
Kể lại trải nghiệm cận tử của riêng mình, bác sĩ Anthony Cicoria nói rằng khoảnh khắc bị điện giật ngã gục xuống, ông đã thấy mình tách ra khỏi thân xác vật chất để có thể thấy rõ cơ thể đang nằm đấy. Rồi ông có thể đi xuyên các vật cản như bức tường, cây cối để tới nơi phát ra ánh sáng xanh êm dịu trong sự háo hức về với Chúa… Sau đó, ông được cấp cứu tỉnh lại với cơ thể có nhiều vết bỏng.
Điều đặc biệt là sau lần đối diện với cái chết, ông tự dưng thay đổi tính cách với niềm đam mê sâu sắc âm nhạc piano cổ điển mà ông gọi là âm nhạc của thiên đường. Những giai điệu liên tục tuôn chảy vào tâm hồn để ông mua cây đàn piano đầu tiên và tập luyện, sáng tác âm nhạc để rồi được mời biểu diễn trong các dàn nhạc lớn, kể cả độc tấu piano những bản nhạc cổ điển nổi tiếng.
Từ một người không hiểu biết về âm nhạc, bác sĩ Anthony Cicoria đã thật sự trở thành một nghệ sĩ piano đầy đam mê và tài năng khác thường sau lần bị sét đánh…
Câu trả lời vẫn còn ở phía trước
“Con người sẽ về đâu sau khi chết?” là câu hỏi vẫn đang được khoa học nghiên cứu – Ảnh: tư liệu
Còn rất nhiều chuyện cụ thể về trải nghiệm cận tử từ những người dân lao động bình thường đến các nghệ sĩ, bác sĩ, nhà khoa học uy tín trên khắp thế giới. Và cũng đã có nhiều nghiên cứu khoa học về vấn đề này với những kết quả thu được ở mức độ nhất định.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay, câu hỏi lớn của loài người là liệu có cuộc sống khác, thế giới khác sau cái chết hay không thì vẫn tiếp tục là… câu hỏi mà khoa học chưa thể giải đáp xác đáng và vẫn đang trên hành trình đi tìm câu trả lời.
Lý do là dù có không ít cá nhân kể chuyện trải nghiệm cận tử của mình rằng đã gặp lại cha mẹ đã mất, đã thấy ánh sáng thiên đàng, xuống địa ngục…, nhưng thực tế cũng có rất nhiều người được cấp cứu tỉnh lại khẳng định hoàn toàn không biết, không nhớ gì hết khi cận kề cái chết.
Lý do thứ hai là đến nay các kỹ thuật khoa học vẫn chưa có cách nào chứng minh chính xác được những chuyện kể trải nghiệm cận tử đầy ly kỳ và nhân văn là đúng hay không ngoài niềm tin về họ là chủ yếu. Các kỹ thuật và giải pháp y tế tới nay cũng không thể thực hiện thí nghiệm đưa người ta đến ngưỡng cận tử để tìm hiểu chính xác xem họ đã thấy gì…
Thực tế, nhân loại vẫn đang “chia phe” trong câu hỏi lớn ngàn đời của loài người sẽ về đâu sau khi chết. Cơ bản là có phe hoàn toàn tin rằng con người không hoàn toàn chết đi mà sẽ tiếp tục sống ở một hình thái khác, một thế giới khác nào đó; phe hoàn toàn không tin; và phe giữa, tức những người mà chủ yếu là các nhà khoa học, vẫn đang trên hành trình đi tìm câu trả lời.
Từ phương Đông đến phương Tây đều đã, đang và sẽ tiếp tục có nhiều nghiên cứu vấn đề này. Hy vọng loài người sẽ câu trả lời khoa học khả tín ở một thời điểm nào đó: chúng ta sẽ về đâu sau khi chết.
Mẹ côi nuôi con 'người gỗ'
"Người gỗ" tưởng chừng chỉ trong chuyện cổ tích Pinocchio nước Ý, thế nhưng ngay tại Long An cũng có một "người gỗ" đang cố gắng sống từng ngày với căn bệnh nan y.
Mẹ anh Tú phải dùng khăn thấm nước lau người cho con trong những ngày nắng nóng
Trưa đầu tháng 5, tôi đến ngôi nhà nhỏ ở ấp 4 (xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, Long An). Trời gần 40 OC, nhà xập xệ, hầm hập nóng. Nơi anh Nguyễn Văn Tú, 39 tuổi, chàng trai được dân địa phương gọi "người gỗ" đang sống mòn.
Nhiều lúc tui thấy con cháu người ta chạy nhảy, quấn quýt bên cha mẹ, còn con mình nằm như khúc gỗ mà tui chảy nước mắt. Tui chỉ lo nếu tui chết trước thì không biết ai lo cho nó bây giờ.Bà Nguyễn Thị Rạch
Vì con, không thể gục ngã
Gặp người lạ, anh Tú chỉ ú ớ không thành tiếng, bà Nguyễn Thị Rạch, mẹ anh, vội nói thay: "Mẹ con sống cùng nhau mấy chục năm nay, ngoài tui ra nó không nói chuyện với ai. Tối ngày nó chỉ nằm đơ như khúc gỗ, không đi lại được nên thấy người lạ nó sợ, không dám nói đâu".
Căn phòng ọp ẹp, không khí nóng khiến mồ hôi tôi chảy ướt cả áo, nhưng có lẽ anh Tú không cảm nhận được điều đó, vì những cơn đau đang hành hạ trên thân xác mới là thứ khiến anh khổ sở nhất lúc này.
Mấy chục năm qua, việc sinh hoạt hằng ngày của "người gỗ" này đều do một tay bà mẹ nay đã 63 tuổi hỗ trợ. Nhìn bà đỡ anh Tú dậy, tiếng khớp xương va vào giường cộc cộc chẳng khác nào đang đỡ khúc gỗ.
Toàn bộ cơ thể anh Tú không thể xoay chuyển linh hoạt, những nơi có khớp xương như tay, chân, cổ... đều cứng đơ và mong manh vô cùng như chỉ cần bị một tác động hơi mạnh sẽ gãy ngay lập tức.
Vài năm trước, trong một lần đi làm cỏ mướn, bà Rạch để anh ở nhà một mình. Khi đó, "người gỗ" vẫn có thể nhúc nhích đi để tìm mẹ, nhưng những bước chân yếu ớt khiến anh vấp vào ụ đất ngã xuống ruộng trước nhà. Rất may, anh được người hàng xóm phát hiện, đưa vào nhà, nhưng sau cú ngã đó cánh tay vốn rất yếu ớt của anh Tú đã bị gãy.
"Nó giấu đau, không chịu nói với người ta. Khi tui đi làm về, nó mới kêu đưa đi bệnh viện, tới nơi thì bác sĩ bảo là nó đã gãy tay", mẹ anh nhớ lại.
Sau thời gian bó bột không lành, bác sĩ bắt vít vào cánh tay gãy của anh để cố định. Cho tới nay, cánh tay của người đàn ông bị hành hạ vì bệnh tật vẫn đang mang một nẹp vít bằng kim loại.
Trước mặt tôi, thân hình "người gỗ" chỉ có da bọc xương. Bàn chân teo tóp vì bệnh tật, thẳng tắp như một cây sào khiến anh chỉ tiếp đất bằng các đầu ngón chân, vì thế cũng không tự đứng được.
Cái gật đầu cùng nụ cười có phần gượng gạo là điều mà tôi nhận được khi hỏi anh có muốn ra ngoài chơi không. Không nhiều, chừng đó là đủ để chứng minh sức sống và hy vọng hết bệnh của "người gỗ" 39 tuổi vẫn còn tiềm ẩn đâu đó trong anh.
Việc chăm sóc người con bệnh tật có lẽ cũng khiến trái tim bà mẹ quên đi hạnh phúc của riêng mình dù đã chia tay chồng từ năm mới 24 tuổi. Một tay đỡ đần, gánh vác mọi thứ khi đang còn ở độ tuổi đôi mươi cho tới già, nhưng chưa bao giờ bà than vãn vì sợ con buồn. Mỗi ngày bà chăm sóc và theo sát anh trong từng bữa ăn, giấc ngủ và cả việc vệ sinh cá nhân.
Mỗi lần bệnh, bà đều cố gắng gượng dậy để còn nấu cơm và chăm sóc người con. Có lần rối loạn tiền đình phải nhập viện, bà chỉ dám xin bác sĩ ở lại đúng một ngày để kịp về lo cho con. Tình thương của người mẹ khiến bà hiểu mình không thể gục ngã, vì con không thể thiếu bà.
Mọi sinh hoạt của anh Tú đều cần bàn tay yêu thương của người mẹ già 63 tuổi - Ảnh: AN VI
Hành trình chữa bệnh gian nan
Căn bệnh quái ác đang đeo bám anh Tú đã nhen nhóm "tấn công" từ khi anh mới lên 7, bắt đầu là những cơn sốt nhẹ, dần dần trầm trọng hơn.
Ngày ấy, anh đang học lớp 2, sau nhiều lần sốt nặng và lên những cơn co giật trong lớp, thầy cô đã phải khuyên bà Rạch nên cho con nghỉ học vì không an toàn. "Có lẽ người ta sợ nó chết trong lớp, tui cũng không biết làm gì hơn ngoài việc đưa con về". Câu con ngây thơ hỏi: "Sao mẹ bắt con nghỉ học?", đến tận hôm nay vẫn ám ảnh người mẹ già khắc khổ.
Thương con như đứt ruột, người mẹ đơn thân bắt đầu hành trình đưa con đi chạy chữa. Tại Bệnh viện Đa khoa Long An, bác sĩ chẩn đoán anh Tú mắc bệnh bướu xương và phải tiến hành phẫu thuật. Nhưng vì kinh phí tốn kém, bà lại nghèo quá, không đủ khả năng nên quyết định đưa anh về nhà.
Từ thời điểm đó, bà vẫn đều đặn đi bốc thuốc nam cho con uống với hy vọng bệnh tình sẽ thuyên giảm. "Ai chỉ gì là tui đi tìm cho nó uống, mình không có tiền, mình chỉ còn biết mong cứu được con bằng cách này", bà thở dài tâm sự.
Ngoài bướu xương, anh Tú còn bị nhiều bệnh khác hành hạ với những cơn đau từ xương tủy. Bởi vậy, ngay trên đầu giường con, thuốc giảm đau được bà chuẩn bị rất nhiều.
Bao lần, bà mong muốn đưa con trai đến các bệnh viện lớn tại TP.HCM để tìm thêm hy vọng. Nhưng một phần vì không có tiền, phần nữa là càng ngày việc di chuyển của anh Tú càng trở nên khó khăn nên bà vẫn chưa thể thực hiện được.
Anh Nguyễn Bá Tùng, hàng xóm của bà Rạch, cũng bày tỏ mong muốn đưa Tú đi chữa bệnh nhưng bản thân anh cũng đành bất lực. "Tìm xe chở Tú đi rất khó, tại cả người nó cứng đơ như người gỗ, để lên xe hơi thì người ta không đóng cửa được nên không ai dám nhận.
Nhiều người cũng sợ bệnh của Tú lây nên thường xa lánh. Tui cũng muốn giúp lắm mà giờ chẳng biết giúp như thế nào, nhất là về vấn đề chi phí chữa bệnh, hai mẹ con không thể đủ trang trải nếu lên TP.HCM điều trị", anh Tùng bộc bạch.
Bà Rạch trải lòng nhiều lúc con than thở đã mệt mỏi với căn bệnh quái ác. Các cơn đau hành hạ anh hơn 30 năm qua. Và những lúc đó, người mẹ chỉ biết nắm chặt lấy tay con mà ước gì san sẻ được nỗi đau cho mình...
"Người gỗ" bệnh gì?
TS Đặng Huy Quốc Thịnh - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết bướu xương có tên y học là bệnh u xương hay còn gọi là ung thư xương nguyên phát. Bướu xương là kết quả của quá trình tăng sinh tế bào không kiểm soát tại xương.
Nhiều trường hợp, bệnh nhân còn mắc phải bướu xương do di căn từ ung thư khác. Đến nay, nguyên nhân nguyên phát của bướu xương vẫn chưa được xác định chính xác. Nhưng giả thuyết được đưa ra là do bị nhiễm độc từ môi trường hoặc đột biến gene sẵn có.
Những khối u bướu hành hạ anh Tú suốt nhiều năm
Bướu xương không phải là bệnh hiếm gặp, nhưng cũng không quá phổ biến. Bệnh cũng không nằm trong 10 loại ung thư phổ biến trên thế giới. Trung bình, mỗi năm Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tiếp nhận khoảng 100 trường hợp mắc bướu xương và lứa tuổi có xác suất mắc bệnh cao nhất là ở thanh thiếu niên.
Những trường hợp mắc phải bướu xương khiến việc di chuyển khó khăn như anh Tú cũng thường bắt gặp. Đối với các bệnh nhân bị bướu, hay bị ung thư xương do di căn ở vị trí xương cột sống và xương đùi sẽ khiến cơ thể rất khó khăn trong di chuyển.
Tuy nhiên, để xác định chính xác nguyên nhân cứng toàn thân của anh Tú thì cần phải có quá trình kiểm tra lâm sàng và chẩn đoán bằng hình ảnh, cuối cùng là tiến hành xét nghiệm sinh thiết để thử xem đó có phải tế bào ung thư xuất phát từ xương hay không.
"Trong trường hợp anh Tú bị bướu xương nhưng đã phát bệnh từ lúc còn nhỏ thì rất có thể đây là bướu lành tính. Vì thông thường, những người mắc bướu xương hay ung thư xương ác tính nếu không điều trị sớm sẽ mất chức năng chi, trong vòng vài năm sẽ di căn gây nguy hiểm tính mạng.
Tuy nhiên, bướu xương lành tính vẫn tiến triển ở mức độ chậm, vì vậy anh Tú cần phải tiếp tục đi khám để điều trị kịp thời", bác sĩ Thịnh cho biết thêm.
Số tín đồ giáo phái chết vì nhịn đói ở Kenya vượt 200 Giới chức điều tra Kenya đã tìm được thêm 22 thi thể của những tín đồ giáo phái "nhịn đói đến chết" theo lệnh thủ lĩnh Paul Mackenzie để lên thiên đường, nâng tổng số người chết tính đến ngày 13.5 lên 201, theo Hãng tin Reuters. Kenya tiếp tục tìm thấy các thi thể tín đồ giáo phái "nhịn đói đến chết"....