Giải khát ngày hè với món dừa tắc mát lạnh đúng chuẩn “Sài Gòn”
Nhắc đến những loại nước giải khát được yêu thích ở Sài Gòn thì không thể không đến món dừa tắc – một loại nước giải khát bình dân nhưng rất được mọi người ưa chuộng.
Vị ngọt dịu của nước dừa xiêm thêm chút vị chua và hương thơm nhẹ nhàng, thoang thoảng của những trái tắc ( quất) đem lại cảm giác vô cùng sảng khoái và chắc chắn sẽ khiến mọi người mê mẩn ngay lần đầu tiên thưởng thức đấy. Đặc biệt trong những ngày nắng nóng thế này, đi làm về mà có ngay cốc dừa tắc mát lạnh để giải khát thì đúng là “tỉnh hết cả người” ý Để làm món dừa tắc này thì cũng mất chút thời gian nhưng chúng mình có thể tranh thủ những ngày nghỉ để làm, rồi bảo quản trong tủ lạnh dùng dần nhé.
Chuẩn bị nguyên liệu:
Dừa tươi: 1 trái Tắc (quất): 5 – 6 quả Đường, muối, đá viên.
Cách làm:
Bước 1: Chúng mình sẽ “xử lý” những trái tắc đầu tiên nhé, vì sử dụng cả phần vỏ nên chúng mình cần sơ chế những trái tắc thật sạch và kỹ để đảm bảo loại bỏ hết thuốc bảo quản, thuốc trừ sâu (nếu có). Các bạn ngâm tắc trong nước có pha chút baking soda trong khoảng 15 phút rồi đem rửa từng quả lại thật sạch dưới vòi nước chảy mạnh, rồi để ra rổ cho ráo nước. Sau đó bổ đôi, vắt lấy nước cốt, gạn bỏ hạt. Còn phần vỏ tắc các bạn đem ra thái nhỏ (như hình).
Cho tất cả vỏ và nước cốt tắc vào 1 chiếc bát ướp cùng 4 thìa đường 1/3 thìa muối, ướp trong khoảng 1 tiếng để đường tan hết và vỏ tắc ngấm thật kỹ đường.
Bước 2: Trong thời gian đợi vỏ tắc ướp, chúng mình sẽ đi chuẩn bị nước dừa nhé. Muốn món dừa tắc ngon nhất thì chúng mình phải chọn được những quả dừa xiêm ngọt mát, không quá già vì dừa già thì phần cơm dừa rất cứng, ăn không ngon chút nào. Các bạn chặt ngang phần chóp đầu dừa, đổ ra lọc lấy nước dừa tươi, để riêng ra bát tô. Sau đó dùng thìa nạo hết phần cơm dừa non mềm để riêng. Tiếp đó chúng mình sẽ để cả phần nước và cơm dừa vào ngăn mát tủ lạnh để làm lạnh nhé.
Video đang HOT
Bước 3: Quay lại với hỗn hợp vỏ tắc và đường, các bạn trút tất cả hỗn hợp này vào nồi đế dày, đặt lên bếp rồi đun với lửa nhỏ (vì hỗn hợp có đường nên rât dễ cháy). Bước này chúng mình thực hiện giống như khi làm siro tắc nhé, vừa đun các bạn phải liên tục đảo để hỗn hợp không vị vón cục và khê cháy.
Đun đến khi hỗn hợp trở nên sền sệt, hơi keo dính, vỏ tắc chuyển màu vàng óng thì tắt bếp, đổ ra bát, sau đó để thật nguội rồi cho vào tủ lạnh.
Bước 4: Các bước chuẩn bị và chế biến đều đã xong, chúng mình sẽ bảo quản dừa và siro tắc trong tủ lạnh, khi nào muốn uống chúng mình chỉ cần cho nước dừa ra ly, thêm cơm dừa và 1 – 2 thìa siro tắc, khuấy đều, thêm vài viên đá nữa là có ngay 1 món nước giải khát ngon tuyệt.
Ngày hè nắng như thiêu như đốt thế này mà đi làm về đến nhà tự thưởng cho mình ngay một ly dừa tắc mát lạnh, ngon tuyệt thế này thì đúng là quá tuyệt vời. Chỉ cần bỏ ra chút thời gian rảnh rỗi và vài bước đơn giản bạn đã có ngay 1 ly dừa tắc mát lạnh với vị ngọt thanh của nước dừa tươi, thêm chút chua dịu của tắc, mặn mặn của muối và thoang thoảng hương thơm dịu nhẹ của tắc, làm đánh bay cảm giác mệt mỏi, giúp chúng mình “hồi sức” lại nhanh chóng đấy
Theo blognauanngon.com
Những món ăn vặt 'chất' dưới 15.000 đồng ở Sài Gòn
Trứng cút nướng phô mai, dừa tắc, cacao dừa... là những món ăn chơi hợp túi tiền nhiều người.
Trứng cút nướng phô mai vốn là đặc sản Phan Rang, du nhập vào Sài Gòn rồi chiếm trọn cảm tình của nhiều bạn trẻ. Đập 2 trứng cút vào chén nhỏ, nướng trên bếp than, sau đó thêm hành, phô mai nướng cho đến khi cháy cạnh thì rắc chút tép hành lên trên. Khi ăn, thực khách chan nước mắm chua ngọt là chuẩn. Giá một chén 5.000 đồng.
Địa chỉ gợi ý: Nhi Nhi Quán - 125/48 đường Lê Đức Thọ, phường 17, quận Gò Vấp.
Bánh hẹ do người Hoa sinh sống lâu năm ở Sài Gòn chế biến gồm 4 loại nhân: cải, khoai môn, hẹ và đặc biệt nhiều hẹ. Bánh chiên trên chảo phẳng, ít dầu và thành phần chủ yếu là hẹ thái nhỏ và thịt heo băm nhuyễn, bên dưới thường lót miếng lá chuối cho khỏi dính. Bột dẻo, giòn khi ăn nóng, chấm với tương ớt hoặc nước giấm chua là đúng điệu, giá 6.000 đồng/cái. Một người ăn 2 chiếc là vừa đủ.
Địa chỉ gợi ý: 142 đường Lê Quang Sung, quận 6.
Muốn ăn một ly cacao dừa ngon, bạn phải đến quận 5, nơi có hàng chục quán bán món này mà quán nào quán nấy đều khá đông khách vào ban đêm. Vị dừa béo ngậy mát lạnh đủ để xua tan cái nóng hơn 30 độ của mùa hè Sài Gòn, thêm lớp bột cacao thơm bên trên đủ làm bạn sảng khoái. Giá một ly dao động 13.000 - 15.000 đồng.
Địa chỉ gợi ý: Dì Lan - 329 đường Hùng Vương, phường 9, quận 5.
Giới trẻ Sài thành không còn lạ gì với món dừa tắc quen thuộc, thức uống giải khát được nhiều người ưa chuộng. Tên gọi này là viết tắt của nước dừa và tắc (quất) - hai thành phần chính của món nước. Nước dừa tươi ngọt mát, hòa với vị mặn, chua, ngọt của xí muội tắc, dậy lên mùi thơm nhẹ. Dừa nạo được thêm vào đầy ly nên một phần dừa tắt 12.000 đồng đủ khiến bạn no nê.
Địa chỉ gợi ý: 246A Pasteur, quận 3.
Bò bía là món ăn vặt không thể thiếu đối với phần lớn sinh viên - học sinh Sài Gòn. Những cuốn bò bía to bằng 2 ngón tay người lớn, trong nhân có rau xà lách, hẹ, lạp xưởng, tôm khô cuộn trong bánh tráng mỏng, chấm cùng tương đen pha đậu phộng và tép hành. Đây cũng là món chống đói của các bạn trẻ trước giờ lên lớp, hay món ăn xế của nhân viên văn phòng. Giá một cuốn khoảng 5.000 - 8.000 đồng tùy quán.
Địa chỉ gợi ý: Trước cổng trường Đại học Sài Gòn, đường An Dương Vương, quận 5.
Tương tự như bò bía, bột chiên cũng là món ăn chiều lý tưởng. Một đĩa bột chiên tầm 15.000 đồng là đủ để bạn tạm xoa dịu cơn đói trong khi chờ cơm tối. Đúng như cái tên của nó, bột chiên có nguyên liệu chính là bột gạo và bột năng, chiên trên chảo phẳng, thêm trứng gà, tóp mỡ và mỡ hành lên. Khi ăn, thực khách chấm hoặc chan nước tương pha loãng cùng tương ớt và đu đủ bào cho đỡ ngán.
Địa chỉ gợi ý: 186 - 198 Tuệ Tĩnh, quận 11 (trước trường Mầm Non phường 12).
Nhắc đến đồ ăn vặt Sài Gòn, không thể bỏ qua món bánh tráng trộn trứ danh. Trước kia bánh tráng trộn rất đơn giản, chỉ gồm sợi bánh tráng và muối tôm, rau răm trộn với tắc (quất) là xong, thường bán tại các gánh lề đường nên nhiều người lo ngại vấn đề vệ sinh. Ngày nay, món ăn này lên một "tầm cao" mới, được đặt trong hộp sạch sẽ, bán trên quầy hàng với cả chục loại topping như khô bò, khô gà, khô mực, gan, đậu phộng... chan nước bò rồi trộn đều trước khi ăn. Dù vậy, giá một bịch bánh tráng cũng chỉ tầm 15.000 đồng hoặc rẻ hơn.
Địa chỉ gợi ý: đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3.
Bánh bạch tuộc takoyaki thường có giá không rẻ nếu bạn ăn trong các tiệm chuyên món Nhật. Thế nhưng ở các xe lề đường, cũng đầy đủ bạch tuộc, phô mai, cá bào chiên thơm nóng hổi, rưới thêm 4 loại nước sốt: tương ớt, tương cà, sốt mayonnaise và sốt okonomiyaki của Nhật, giá 15.000 đồng/hộp 4 viên. Sài Gòn vào mùa mưa giông, thưởng thức viên bạch tuộc bốc khói thơm lừng quyện với vị chua, ngọt, béo của nước sốt chắc chắn sẽ khiến bạn hài lòng.
Địa chỉ gợi ý: 300A Nguyễn Tất Thành, quận 4.
Theo ngoisao.net
Điểm danh các món kem Hàn Quốc nổi tiếng được bán ở Việt Nam, bạn thử bao nhiêu trong số này rồi? Những vị kem Hàn Quốc rất phổ biến được bán trong khắp siêu thị và cửa hàng tiện lợi, cái số 1 hầu như ai cũng ăn rồi, cái số 4 lại hiếm người biết. Tại khắp các cửa hàng tiện lợi và siêu thị trên toàn quốc có rất nhiều các món kem Hàn Quốc với nhiều hương vị độc đáo và...