Giải cứu cây hoa đỗ quyên đại thụ bị đổ trên núi Ky Quan San
Mới đây, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (tỉnh Lào Cai) đã giải cứu kịp thời cây hoa đỗ quyên đại thụ trên núi Ky Quan San (xã Y Tý), bị gió núi quật đổ.
Cây hoa đỗ quyên cổ thụ bị gió núi Ky Quan San quật đổ được du khách phát hiện và báo cho Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát tổ chức trồng lại thành công (Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát).
Đại diện Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát cho biết, cây đỗ quyên bị đổ cách đỉnh núi Ky Quan San khoảng 800 mét, là điểm ngắm mây đẹp nhất vùng du lịch Y Tý, thuộc phân vùng rừng thôn Trung Hồ, xã Trung Lèng Hồ, nằm trong vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát (tỉnh Lào Cai).
Ngay sau khi nhận được thông tin cấp báo của du khách về việc cây bị đổ, lực lượng kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát đã phối hợp với nhân dân ở thôn Phìn Páo và thôn Trung Hồ, xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát gồm 20 người tới vị trí cây đổ. Tại hiện trường, cây hoa đỗ quyên đại thụ bị gió núi quật đổ bật cả gốc lên mặt đất.
Kiểm lâm cùng nhân dân đã dựng lại cây như cũ và chằng chéo dây chống đổ. Đồng thời dùng chất kích thích trộn với đất vun vào gốc giúp cây nhanh hồi phục, mau ra rễ mới.
Lực lượng kiểm lâm và người dân địa phương trồng lại cây đỗ quyên cổ thụ (Ảnh: Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát).
Cận cảnh hoa đỗ quyên rừng Ky Quan San (Ảnh: Phạm Ngọc Triển).
Danh thắng núi Ky Quan San còn gọi là núi Bạch Mộc Lương Tử, được mệnh danh là 1 trong 4 đỉnh núi cao nhất Việt Nam với độ cao 3.046 m so với mực nước biển. Nằm giáp ranh giữa tỉnh Lai Châu và Lào Cai nên để chinh phục đỉnh núi này có 2 lộ trình di chuyển. Chặng đường này ước tính dài khoảng 30 km, vượt qua các dạng địa hình rừng gỗ, rừng trúc, tre, nứa, đồi trọc, vách đá… rất cheo leo. Trên đường đi, du khách có cơ hội khám phá phong cảnh kỳ thú của dãy núi Ky Quan San.
Từ tháng 2 đến tháng 4 là mùa xuân, trên đỉnh núi sương mù dày, cây cối nảy lộc, xanh mát, không khí trong lành, ít mưa, rất thuận lợi để leo núi. Đây còn là thời điểm du khách ngắm thỏa thích hoa đỗ quyên đại thụ khoe sắc đẹp tới nao lòng…
Video đang HOT
"Kho báu chôn" trên đỉnh núi Sa Mù ở Quảng Trị là thứ cây gì mà càng ngắm càng mê
Thời tiết càng về cuối năm, những cây sâm Ngọc Linh, loại cây được ví như báu vật của đại ngàn trồng ở đỉnh Sa Mù (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) bắt đầu rụng lá, ngủ đông.
Giống sâm này có đặc điểm sống dưới lớp mùn trên mặt đất giữa rừng già.
Đến mùa xuân cây sẽ thức giấc lên chồi non. Cũng có năm do ngủ quên nên đến năm sau mới có mầm trở lại. Câu chuyện di thực sâm Ngọc Linh về trồng ở Sa Mù, huyện Hướng Hóa ly kỳ, hấp dẫn như giá trị của sâm vậy.
Đưa sâm Ngọc Linh về trồng ở Sa Mù
Hằng năm, rừng già ở Sa Mù thay lá đổ xuống từng lớp khô dày rồi hoai mục, biến thành mùn trên mặt đất. Chính lớp mùn này đã nuôi sống cây sâm Ngọc Linh.
Đó là cây trồng đặc biệt, nằm trong danh mục các loài thực vật nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IA theo Nghị định 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ.
Nơi nào trồng được sâm Ngọc Linh xem như nơi đó có "báu vật" của quốc gia. Sâm Ngọc Linh đã khẳng định thương hiệu và giá trị đặc biệt, là một trong những dược liệu quý hiếm của Việt Nam, một trong những loài sâm tốt nhất thế giới, có giá trị kinh tế cao.
Hiện giá bán ở thị trường mỗi ki - lô - gam sâm Ngọc Linh loại tốt gần 300 triệu đồng.
Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn (KBT) thiên nhiên Bắc Hướng Hóa Hà Văn Hoan nhớ lại, những lần vào công tác ở khu vực núi Ngọc Linh (thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam), nơi được xem là vương quốc của cây sâm Ngọc Linh, anh luôn suy nghĩ tại sao không mạnh dạn di thực giống cây đặc hữu này về trồng dưới tán rừng tự nhiên ở đèo Sa Mù, nơi có điều kiện tương tự như Ngọc Linh.
Đó là sự tương đồng về khí hậu và thổ nhưỡng. Nhiệt độ trung bình năm vào khoảng 18 độ C, độ ẩm trung bình 85%, lượng mưa trung bình/năm 3.000 mm, độ cao so với mực nước biển 1.500 m, độ tàn che 80%.
Thú vị hơn, lớp mùn dưới tán lá cây rừng ở Sa Mù có nhiều chỉ số tương đồng với mùn núi Ngọc Linh.
Ông Hà Văn Hoan theo dõi quá trình phát triển của vườn sâm Ngọc Linh ở đỉnh Sa Mù, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: L.Q.H.
Biết bao đêm ông Hoan trằn trọc không ngủ, quyết tâm phải trồng cho bằng được sâm Ngọc Linh ở khu vực trên.
Cây sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao, nếu phát triển được sẽ góp phần cải thiện đời sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn nữa, cây sâm phải được trồng dưới tán rừng tự nhiên nên muốn trồng được thì người dân phải bảo vệ rừng. Vì vậy sẽ đạt được nhiều mục tiêu từ việc trồng sâm Ngọc Linh ở Sa Mù.
Ông Hoan mang ý tưởng đưa cây sâm Ngọc Linh về trồng dưới tán rừng ở đỉnh Sa Mù xin ý kiến ông Võ Văn Hưng, lúc bấy giờ là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Sau khi khi được ông Hoan phân tích, thuyết phục, ông Võ Văn Hưng nhất trí và quyết định hỗ trợ từ ngân sách để mua cây giống, mùn núi về trồng thử nghiệm dưới tán rừng tại khu bảo tồn. Từ đây, mô hình trồng thử nghiệm sâm Ngọc Linh dưới tán rừng Sa Mù được ra đời.
Một ngày giữa mùa Thu của năm 2019, ông Hoan cùng các kỹ sư của khu bảo tồn đã vào Quảng Nam thực hiện nhiệm vụ đưa cây sâm Ngọc Linh về trồng ở Quảng Trị.
Địa bàn tỉnh Quảng Nam không có đơn vị cung ứng cây giống sâm Ngọc Linh. Bằng mọi quan hệ, đoàn đã thu mua trực tiếp từ người dân thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My với số lượng 1.210 cây giống sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi đưa về trồng ở Quảng Trị.
Chăm sóc báu vật-sâm Ngọc Linh
Nhớ hôm trồng lứa cây sâm đầu tiên, cán bộ khu bảo tồn vừa mừng, vừa lo. Trồng cây sâm này đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, cây sâm chỉ sống dưới lớp mùn tự nhiên trên mặt đất với chế độ chăm sóc nghiêm ngặt.
Vì vậy việc trực tiếp theo dõi, chăm sóc vườn sâm được 3 cán bộ của Phòng Khoa học kỹ thuật và hợp tác quốc tế phụ trách với tiêu chí hạn chế ảnh hưởng của các tác động tiêu cực như sâu bệnh hại thân mầm, côn trùng hại củ, úng nước ở lớp mùn khi mưa lớn, khô mầm khi không đảm bảo đủ độ ẩm.
Để ngăn chuột bọ, động vật cắn phá, xung quanh khu vực trồng sâm còn được quây kín bằng lưới cao gần 2 m.
Quá trình trồng và chăm sóc sâm Ngọc Linh này có sự tham gia của các hộ dân xã Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Sơn để khi được chuyển giao mô hình người dân khỏi bỡ ngỡ. Đến năm 2020, khu bảo tồn tiếp tục mua trồng bổ sung 330 cây sâm giống 2 năm tuổi; năm 2021 mua trồng bổ sung 175 cây 2 năm tuổi và 97 cây 3 năm tuổi.
Kết quả chăm sóc, nghiên cứu cho thấy tỉ lệ cây giống 1 năm tuổi sống và phát triển đạt 17,8%; cây giống 2 năm tuổi có tỉ lệ sống và phát triển 65,2%. Hiện tại vườn sâm Ngọc Linh ở Sa Mù được trồng ở độ cao 1.100 m, ngoài ra cán bộ khu bảo tồn còn bí mật trồng rải rác trong rừng tự nhiên phân bố ở các độ cao từ 1.200 m đến 1.400 m để thí nghiệm.
Cây sâm Ngọc Linh ở Sa Mù lên mầm non mạnh mẽ sau thời kỳ ngủ đông -Ảnh: L.Q.H
Cây sâm Ngọc Linh khi phát triển có dáng thẳng đứng, màu lục hoặc hơi tím, sau vài năm có đường kính thân từ 4-8 mm. Bộ phận quý nhất của cây sâm là củ sâm, ngoài ra cũng có thể dùng thân, lá và rễ con.
Mùa Đông, phần thân cây tàn lụi dần, lá rụng, để lại một vết sẹo ở đầu củ sâm và cây bắt đầu giai đoạn ngủ đông đến đầu mùa Xuân thì đâm chồi, có năm cây ngủ quên đến năm sau mới ra chồi.
Căn cứ vào vết sẹo trên đầu củ mỗi mùa Đông đến để có thể nhận biết cây sâm bao nhiêu tuổi, thông thường phải ít nhất 3 năm tuổi trên củ sâm mới có một vết sẹo, khi đó mới có thể khai thác. Càng trồng lâu năm cây sâm càng cho giá trị cao hơn.
Ông Hà Văn Hoan cho biết, quá trình trồng, chăm sóc và nghiên cứu cây sâm Ngọc Linh, khu bảo tồn đã làm thận trọng và có đánh giá cụ thể. Sâm Ngọc Linh là cây dược liệu quý hiếm, phân bố trong điều kiện sinh thái hẹp, khó thích nghi với điều kiện tự nhiên bất lợi.
Tuy nhiên các điều kiện tại khu bảo tồn phù hợp cho việc di thực loài sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam ra trồng.
Sau gần ba năm, có thể khẳng định việc lựa chọn vị trí triển khai thực hiện mô hình trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tự nhiên tại Sa Mù là phù hợp, cây sâm phát triển khá tốt. Trồng cây giống 2 năm tuổi trở lên cây có sức sống mạnh hơn, tỉ lệ sống cao.
Nguyên nhân cây giống sâm Ngọc Linh chết thời gian qua chủ yếu là do đợt mưa bão kéo dài từ tháng 10/2020 và do côn trùng gây hại. Vì vậy việc tiếp tục di thực cây Sâm Ngọc Linh từ huyện Nam Trà My, Quảng Nam ra trồng tại khu vực Sa Mù của tỉnh Quảng Trị, nơi có điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng tương đồng có tính khả thi cao.
Để phát triển cây sâm Ngọc Linh trên diện tích lớn cần có chính sách cụ thể của tỉnh đối với cây dược liệu đặc biệt này, sự đầu tư của các doanh nghiệp, hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam, nơi bảo tồn nguồn giống loài này để đem lại hiệu quả cao cho việc phát triển sâm Ngọc Linh tại Quảng Trị.
Hé lộ những loài muông thú quý hiếm trên đỉnh Sa Mù miền Tây Quảng Trị Nhắc đến Sa Mù (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến cảnh núi rừng hùng vĩ bốn mùa đắm mình trong sương mờ với vô vàn kỳ hoa dị thảo. Ít ai biết rằng Sa Mù còn là "ngôi nhà" của nhiều loài động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm không những có trong Sách đỏ Việt...