Giấc ngủ và những ám ảnh
Ngủ là quãng thời gian giúp chúng ta thư giãn và tìm lại sự cân bằng. Tuy nhiên, giấc ngủ đôi khi lại có những liên hệ mật thiết với những điều diễn ra trong cuộc sống của mỗi người và chịu tác động không nhỏ từ trạng thái sức khoẻ và nhiều yếu tố khác. Chính những yếu tố này đôi khi đã tạo nên những trạng thái khủng hoảng cho giấc ngủ. Chúng được ví như những ám ảnh đối với nhiều người.
Ác mộng
Trong cuộc đời, ai cũng từng trải qua ít nhất một vài lần gặp ác mộng trong khi ngủ. Có những người rất ít khi gặp ác mộng, song có không ít trường hợp thường xuyên gặp phải ác mộng. Tình trạng ác mộng thường xuyên đó được xem là một dạng khủng hoảng đáng sợ đối với giấc ngủ. Nguyên nhân dẫn tới ác mộng được khoa học lý giải là do tác động của nhiều yếu tố, chẳng hạn như do stress, do ảnh hưởng kéo dài của tình trạng thiếu ngủ, do lo lắng thường xuyên… hoặc do những chuyện không vui đã diễn ra trong thực tế cuộc sống. Để hạn chế tình trạng ác mộng này, các bác sĩ khuyên rằng bệnh nhân nên có các cách giải toả lo lắng, mệt mỏi và có chế độ nghỉ ngơi đúng giờ hợp lý.
Nghiên cứu cho thấy tình trạng mộng du diễn ra khá phổ biến. Có khoảng 15% người trưởng thành mắc chứng mộng du với các biểu hiện đi lại trong lúc đang ngủ. Ở trẻ nhỏ, tỷ lệ này còn cao hơn và chủ yếu là do tình trạng stress gây ra. Những nghiên cứu mới đây về mộng du còn chỉ ra rằng: yếu tố gen di truyền cũng đóng một vai trò tác động không nhỏ gây nên chứng mộng du. Những người mà trong gia đình từng có người mắc chứng mộng du thường có nguy cơ mắc chứng này cao gấp 10 lần so với bình thường. Mộng du được xem là tình trạng khủng hoảng tương đối nghiêm trọng, với các nguy cơ người mộng du dễ bị thương trong lúc đi lại hoặc gây ra tổn thương cho những người xung quanh, đặc biệt khi tình trạng khủng hoảng lên đến cực điểm.
Sự khiếp sợ trong đêm
Video đang HOT
Xuất hiện với các biểu hiện như la hét, chân tay quờ quạng… Không giống như ác mộng, hiện tượng khủng hoảng này xuất hiện trong khi người bệnh ngủ ở trạng thái mắt không chuyển động (REM) (non – rapid eyes movement) và thường xuất hiện ở đầu giấc ngủ. Trẻ nhỏ là những đối tượng dễ bị mắc chứng khủng hoảng này nhất bởi những đùa nghịch hàng ngày dễ gây cho chúng sự giật mình hoảng sợ. Khi bị rơi vào tình trạng khủng hoảng nêu trên, trẻ thường bật người dậy, la hét, khóc lóc. Sau 10 – 15 phút, tình trạng này chấm dứt, đứa trẻ trở về trạng thái bình thường và rơi vào giấc ngủ. Hầu hết khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau, chúng không nhớ được gì về điều đã xảy ra.
Ảo giác
Chúng ta thường nhìn thấy những điều kỳ lạ trong giấc mơ của mình, song chuyện gì xảy ra khi những điều kỳ lạ này diễn ra lúc chúng ta chưa đi vào giấc ngủ sâu? Hiện tượng này được gọi là chứng ảo giác. Ảo giác xảy ra trong khoảng thời gian từ lúc mơ màng nửa ngủ, nửa thức cho tới khi đi vào giấc ngủ sâu. Hiện tượng này có thể đi kèm với các đặc điểm như: cảm giác vẫn nghe thấy giọng nói, cảm nhận được các hình ảnh hoặc nhìn thấy người, vật lạ xuất hiện ngay trước mắt trong khi thực tế không hề tồn tại. Chứng ảo giác thường xảy ra khá phổ biến ở những người ngủ do mệt lả.
Bóng đè
Ảo giác xảy ra giữa giấc ngủ, song đi kèm với tình trạng ngủ có sự chuyển động của mắt (REM – rapid eyes movement). Người ngủ dường như đã thức dậy và có khả năng nhận thức được những gì xảy ra xung quanh, nghe được các âm thanh… nhưng toàn bộ các cơ trong cơ thể như rơi vào tình trạng không thể hoạt động. Người bị bóng đè muốn vùng dậy, vận động và thoát khỏi tình trạng này nhưng họ không thể cử động nổi bất kỳ bộ phận cơ thể nào. Giới khoa học gọi đây là tình trạng liệt thân khi ngủ (sleep paralysis) – là một tình trạng khủng hoảng trong khi ngủ xảy ra khá phổ biến ở nhiều lứa tuổi.
Hoạt động trong khi ngủ
Nếu như tình trạng bóng đè khiến cho cả cơ thể không thể cử động được thì ở dạng khủng hoảng này ngược lại, não bộ không thể điều khiển được cơ thể hay giữ yên cơ thể trong lúc diễn ra trạng thái ngủ có sự chuyển động của mắt – REM. Khi rơi vào dạng khủng hoảng này, cơ thể hoạt động mà não bộ không thể kiểm soát. Nhiều trường hợp bệnh nhân có hành động bạo lực ngay trong khi vẫn ngủ, thậm chí nhảy ra khỏi giường ngủ, đi lại hoặc chạy quanh trong lúc vẫn đang ngủ. Dạng khủng hoảng này thường để lại hậu quả là những vết thương trên người mà bản thân người đó khi tỉnh dậy không thể nhớ được vì sao. Cách chữa trị chủ yếu hiện nay là tạo thư giãn cho người bệnh trước khi đi ngủ.
Chứng mất ngủ
Là dạng khủng hoảng phổ biến và ảnh hưởng nhiều nhất tới sức khoẻ. Theo thống kê tại Anh, chứng mất ngủ là nguyên nhân dẫn tới tử vong cho khoảng 1.550 trường hợp và là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện giao thông bị rơi vào tình trạng thiếu tỉnh táo. Ngoài ra, tình trạng mất ngủ thường xuyên còn khiến gia tăng tỷ lệ mắc các chứng suy nhược, béo phì, tiểu đường…
(Theo Sức khỏe & Đời sống)
Hệ lụy từ những giấc ngủ "cưỡng ép"
Việc lạm dụng hay dùng kéo dài nhóm thuốc an thần thường gây nhiều hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
Việc mất ngủ kéo dài sẽ gây suy sụp nhanh chóng về thể chất, tinh thần cho nên việc nhanh chóng khôi phục lại giấc ngủ là cần thiết. Việc dùng các thuốc an thần gây ngủ (ATGN) thường cho hiệu quả rõ rệt, giúp nhanh chóng có được giấc ngủ sâu.
Tuy nhiên, việc lạm dụng hay dùng kéo dài nhóm thuốc này thường gây nhiều hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
Nguy hiểm đối với người có bệnh lý
Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng thuốc ngủ có thể vô cùng nguy hiểm đối với những người mắc các chứng bệnh tâm thần, hô hấp hay tim mạch. Ngay cả với những người khỏe mạnh, thuốc cũng có thể trở nên nguy hiểm.
Trước hết, thuốc ATGN tuy tạo được giấc ngủ sâu nhưng đây là giấc ngủ "cưỡng ép" nên thường ngủ mê mệt, sau ngủ dậy đầu óc nặng nề và kèm các triệu chứng khác như đau đầu, mỏi rã rời toàn cơ thể (VD sau dùng thuốc nhóm benzodiazepine).
Thuốc ATGN có thể ức chế trung tâm hô hấp gây chậm nhịp thở. Điều này rất nguy hiểm ở những người có bệnh phổi mạn tính hoặc người béo phì (đã có tình trạng giảm thông khí do béo phì). Một số người bị trạng thái mộng du sau dùng thuốc ATGN.
Ở trạng thái này rất dễ bị tai nạn khi lao động hoặc tham gia giao thông. Các thuốc ATGN đều được chuyển hóa và đào thải qua gan, thận nên nếu dùng kéo dài có thể ảnh hưởng đến chức năng hai cơ quan này nhất là khi đã có bệnh gan thận trước đó.
Ở người già và người chức năng gan thận bị suy yếu thì việc chuyển hóa và đào thải thuốc chậm dẫn đến việc tăng tác dụng của thuốc. Các thuốc ATGN cũng có thể gây nhược cơ nhẹ nên ảnh hưởng đến việc vận động và lao động chân tay.
Gây nghiện và trầm cảm
Đối với người khỏe mạnh khi dùng lâu, một số thuốc ATGN có thể gây quen, nhờn thuốc làm cho BN phải tăng liều liên tục (nhóm barbiturate, benzodiazepine).
Các thuốc này cũng có thể gây nghiện khiến BN phụ thuộc vào thuốc, khi thiếu thuốc thì không ngủ lại được (nhóm benzodiazepine). Theo một nghiên cứu mới đây, người ta có thể trở nên "nghiện" thuốc ngủ chỉ sau 2 tuần sử dụng hoặc cơ thể sẽ nhanh chóng "quen" với thuốc.
Khi sử dụng thuốc ATGN với rượu làm tăng độc tính của thuốc. Các thuốc này cũng làm tăng tác dụng của một số thuốc khác như thuốc chữa động kinh, thuốc điều trị hưng cảm. Khi dùng thuốc ATGN 2 - 3 tháng thường gây tình trạng BN tuy ngủ được giấc ngắn nhưng sau đó lại thức trắng đêm.
Các thuốc ATGN thường tích trong mô mỡ nên phóng thích lại vào máu dẫn đến tình trạng BN suốt ngày ngủ gà, buồn ngủ, mất tập trung khi lao động sản xuất (nhóm barbiturate). Dùng thuốc ATGN quá lâu có thể gây hội chứng trầm cảm, hoang tưởng tự sát.
Những người hay uống thuốc ngủ có nguy cơ tự tử cao hơn. Sở dĩ như vậy là vì họ bị căng thẳng quá mức và stress có thể dẫn đến mất ngủ. Lý do thứ hai là tình trạng lạm dụng thuốc. Thuốc ATGN (cả nhóm barbiturat, benzodiazepine) gây hại thai , một số gây dị dạng, quái thai không nên dùng cho người có thai trừ trường hợp đặc biệt.
Các thuốc ATGN cũng có thể gây sốc phản vệ hoặc các triệu chứng dị ứng khác. Một số thuốc ATGN tuy có nguồn gốc thảo dược nhưng hoạt chất có thể gây các rối loạn nhịp tim như Rotunda (hoạt chất tetrahydropalmatine) và dùng liều cao vẫn rất nguy hiểm chứ không hề "vô hại" như mọi người vẫn nghĩ!
Làm thế nào để hạn chế tác dụng phụ của thuốc?
Như vậy, để tránh các tác dụng phụ của thuốc ATGN, nhất là khi dùng kéo dài, chúng ta cần tuân thủ một số điểm sau đây: Thứ nhất, phải tìm và loại bỏ nguyên nhân gây mất ngủ (do điều kiện xã hội, công việc... hay mất ngủ do bệnh lý).
Tránh các yếu tố gây mất ngủ như chè, cà phê, thuốc lá. Trước khi dùng thuốc ATGN, nên bắt đầu bằng các biện pháp ATGN khác có tính chất sinh lý hơn như tập Yoga, dưỡng sinh, tăng cường hoạt động thể chất.
Nên tìm loại thuốc ngủ ít gây tác dụng phụ nhất và thích hợp nhất cho mỗi người. Việc dung nạp thuốc thì không ai giống ai.
Trước khi dùng thuốc, nên đi khám chuyên khoa để các thầy thuốc có hướng chỉ định đúng loại thuốc cần dùng.
Tuyệt đối tránh việc dùng thuốc theo kiểu rỉ tai, truyền khẩu "một đơn thuốc cả nhà, cả xóm cùng dùng". Và cuối cùng, khi thấy thuốc không có hoặc giảm tác dụng hay xuất hiện các biểu hiện lạ phải thông báo ngay cho thầy thuốc. Không nên tự ý tăng liều hoặc bỏ thuốc.
Theo SKĐS
'Yêu' trong khi ngủ - một kiểu mộng du Trên cơ thể người vợ đầy những vết sẹo, dấu vết của những lần ông xã đột nhiên tỉnh giấc và "yêu" vợ. Có điều, anh không hề nhớ gì về việc này. Ảnh minh hoạ Qua các cuộc điện thoại tư vấn, bác sĩ Lê Thúy Tươi được nghe nhiều về tình trạng "dâm miên", tức là tình dục trong khi ngủ....