Giấc mơ phi công bị Covid-19 đánh cắp
Joshua Weinstein bắt đầu được đào tạo để trở thành phi công hồi tháng một, nhưng Covid-19 bùng phát có thể khiến anh phải từ bỏ ước mơ.
Phi công luôn là nghề nghiệp “trong mơ” của Weinstein. Tuy nhiên, vào thời điểm Weinstein thi đại học năm 2002, ngành công nghiệp hàng không rơi vào khủng hoảng, khiến anh quyết định trở thành một giáo viên trung học tại Mỹ.
Sau hơn một thập kỷ làm giáo viên, Weinstein ngày càng nghe nhiều về tình trạng thiếu hụt phi công thương mại. Cuối cùng, anh từ bỏ nghề giáo hồi năm 2018 để theo đuổi ước mơ được bay. Mọi thứ diễn ra tốt đẹp, khi Weinstein hồi tháng 1 bắt đầu được đào tạo để làm việc cho ExpressJet, hãng hàng không Mỹ khai thác các chuyến bay nội địa cho United Airlines.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 khiến con đường hiện thực hóa ước mơ của Weinstein một lần nữa gặp trở ngại, bởi tình trạng đình trệ của ngành hàng không toàn cầu khiến sự nghiệp của những người mới vào nghề như anh bị trì hoãn, thậm chí có thể đẩy hàng nghìn phi công vào cảnh thất nghiệp. “Điều tồi tệ nhất hiện nay là không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra”, Weinstein nói.
Joshua Weinstein, người đang được đào tạo làm phi công của hãng ExpressJet, Mỹ. Ảnh: NY Times.
Một số người có kinh nghiệm trong ngành hàng không đã dự đoán trước viễn cảnh này. “Đây là một ngành nghề đầy thăng trầm”, Lisa Archibald, phi công 41 tuổi của hãng Delta Airlines, cho biết. “Bạn làm việc trong lĩnh vực này chỉ bởi tình yêu nghề”.
Tương tự Weinstein, chặng đường sự nghiệp của Archibald cũng gian nan. Sau khi tốt nghiệp Trường Công nghệ Vận tải và Hàng không thuộc Đại học Purdue, cô được tuyển vào hãng American Eagle, thuộc sở hữu của American Airlines. Tuy nhiên, khi Archibald mới chỉ bắt đầu đi làm được vài tuần, vụ khủng bố 11/9 xảy ra, khiến cô phải nghỉ việc.
Video đang HOT
Khoảng một năm sau, Archibald tìm được việc làm phi công tư nhân và duy trì công việc này suốt 15 năm. Cô gia nhập hãng Delta Airlines hồi tháng 5/2017.
Theo bình luận viên Niraj Chokshi của NY Times, tâm huyết với nghề là động lực thúc đẩy các phi công chấp nhận dành nhiều năm tham gia chương trình đào tạo khắc nghiệt, cố gắng đạt số giờ bay tối thiểu và đủ tiêu chuẩn cần thiết để trở thành phi công cho một hãng hàng không thương mại.
Weinstein ước tính anh mất khoảng 50.000-70.000 USD chi phí học bay, trong khi tại ExpressJet, phi công mới thường chỉ kiếm được khoảng 36.000 USD trong năm đầu tiên.
Nhiều phi công vay hàng chục nghìn USD để trang trải chi phí huấn luyện và có thể mất nhiều năm để trả hết nợ. Các phi công kỳ cựu tại những hãng hàng không lớn có thể kiếm được tới 300.000 USD/năm, nhưng mức lương khởi điểm tại các hãng nội địa có thể chỉ ở mức 30.000 USD, theo nhóm cố vấn Future & Active Pilot Advisors.
Do hàng loạt thử thách trước khi phi công bước vào nghề, các hãng hàng không những năm gần đây vô cùng lo lắng về vấn đề tuyển đủ phi công, đến mức phải thực hiện các bước nhằm đảm bảo nguồn nhân lực ổn định. Hồi tháng hai, hãng United Airlines cho biết họ sắp mua một trường đào tạo bay ở Phoenix, bởi ước tính sẽ cần tuyển hơn 10.000 phi công vào năm 2029.
Giám đốc điều hành Boeing năm ngoái cũng nhận định thiếu hụt phi công là “một trong những thách thức lớn nhất” mà ngành hàng không đang đối mặt. Nhu cầu di chuyển bằng máy bay trên toàn thế giới đang tăng lên vô cùng nhanh chóng, khiến các hãng hàng không cần tuyển khoảng 645.000 phi công trong hai thập kỷ tới để bắt kịp tốc độ này, riêng tại Bắc Mỹ là 131.000, Boeing dự báo.
“Trong lịch sử, phần lớn phi công dân dụng là cựu phi công quân sự. Tuy nhiên, lực lượng vũ trang gần đây đã tăng thời hạn phục vụ tối thiểu, khiến phần lớn phi công dân dụng trong 10 năm qua là người dân sự”, Mike Wiggins, trưởng khoa Khoa học Hàng không thuộc Đại học Hàng không Embry-Riddle của Mỹ, cho biết.
Tình trạng thiếu phi công đã diễn ra từ lâu, nhưng thường bị đẩy lùi bởi những sự kiện như vụ khủng bố 11/9, cuộc đại suy thoái năm 2008 và quyết định nâng tuổi nghỉ hưu của phi công từ 60 lên 65 của Cơ quan Quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Covid-19 có khả năng càng làm vấn đề trầm trọng hơn.
Mặc dù các tuyến hàng không đã được khôi phục phần nào sau khi Covid-19 lắng dịu ở nhiều khu vực, hoạt động của ngành này vẫn chỉ tương đương khoảng 1/4 năm ngoái, theo dữ liệu an ninh sân bay. Hầu hết chuyên gia đánh giá quá trình hồi phục của ngành hàng không sẽ chậm và không đồng đều, bởi quy định giữa các nước khác nhau và không thể đoán trước tình hình đại dịch.
Để chuẩn bị cho tương lai bất định, các hãng hàng không lớn của Mỹ đang dự trữ hàng tỷ USD tiền mặt. Nếu doanh số bán vé không sớm phục hồi, American Airlines, Delta Air Lines, Southwest Airlines và United Airlines cho biết họ có thể cắt giảm nhân sự ngay vào ngày 1/10.
“Rất nhiều yếu tố vẫn đang diễn ra. Rõ ràng số lượng phi công không thể tăng vào thời điểm này, trong khi những đợt nghỉ hưu vẫn tới, thời gian vẫn trôi”, Wiggins nói.
Weinstein hiểu rõ những khó khăn. Anh mơ ước trở thành phi công từ khi 6 tuổi, nhưng các lựa chọn sự nghiệp dường như đều sai thời điểm. Weinstein vào đại học ngay sau vụ khủng bố 11/9 và tốt nghiệp giữa lúc đại suy thoái bùng phát.
Ngay cả khi Weinstein chuẩn bị chạm tới ước mơ ngồi trong buồng lái, ExpressJet hồi tháng 5 thông báo đợt đào tạo của anh và hàng chục phi công khác đã bị hoãn. Weinstein phải trở lại trường đào tạo phi công để ôn lại kiến thức và bay cùng các học viên khác mỗi khi có dịp.
Weinstein và Archibald vẫn duy trì liên lạc với những đồng nghiệp cũ, chờ đợi tình hình trong vài tháng tới và cách nhà tuyển dụng sẽ hành động, cũng như còn bao nhiêu công việc được duy trì sau khi các gói cứu trợ liên bang hết hiệu lực.
Mặc dù vậy, Weinstein khẳng định mọi nỗ lực đều xứng đáng, bất chấp kết quả ra sao.
“Tôi đã được tuyển vào một hãng hàng không, nhận được công việc và hoàn thành ước mơ. Một phần trong tôi tự nhủ rằng không bao giờ được hối tiếc về giai đoạn đó, bởi tôi đã dồn sức vào điều gì đó và thành công”, Weinstein nói.
Mức lương phi công trên thế giới 30 Mỹ nguy cơ tiếp tục ‘vỡ trận’ trước Covid-19 118
Các hãng hàng không Mỹ xử lý nghiêm hành khách không đeo khẩu trang
Hành khách buộc phải đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay, trừ khi ăn hoặc uống và những người không tuân thủ quy định này khi lên máy bay sẽ bị hãng đưa vào danh sách cấm bay.
Máy bay của hãng hàng không American Airlines tại sân bay quốc tế Miami, Florida, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hành khách có thể bị cấm bay nếu không đeo khẩu trang phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên các chuyến bay của các hãng hàng không của Mỹ.
Quy định này được nhiều hãng hàng không lớn của Mỹ áp dụng, trong đó có các hãng có độ bao phủ rộng như Alaska Airlines, American Airlines, Delta Air Lines, Hawaiian Airlines, JetBlue Airways, Southwest Airlines và United Airlines.
Theo Hiệp hội Hàng không Mỹ, mỗi hãng hàng không sẽ có quy định riêng về biện pháp phòng dịch, cũng như chế tài đối với hành khách không tuân thủ, kể cả lệnh cấm bay. Quy định sẽ được thông báo tới hành khách trước cũng như trên chuyến bay.
Hành khách buộc phải đeo khẩu trang trong suốt chuyến bay, trừ khi ăn hoặc uống, và sẽ được cung cấp khẩu trang nếu không có. Biện pháp an toàn này sẽ được duy trì trong suốt thời gian dịch COVID-19.
Tuần trước, hãng United Airlines đã yêu cầu hành khách phải cam kết đeo khẩu trang trước chuyến bay. Kể từ ngày 18/6, những người không tuân thủ quy định này khi lên máy bay sẽ bị hãng đưa vào danh sách cấm bay, nhưng thời gian cấm bay cụ thể vẫn chưa được xác định.
Về phần mình, hãng Delta Air Lines khẳng định đeo khẩu trang là một trong những biện pháp quan trọng để đảm bảo an toàn khi bay và hãng đang nỗ lực để đảm bảo hành khách tuân thủ quy định này.
Đến nay, Chính phủ Mỹ chưa đưa ra quy định nào về an toàn bay kể từ khi dịch bùng phát tháng Ba vừa qua. Chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên hàng không (CWA) Sara Nelson cho rằng chính quyền liên bang đã bỏ bẵng trách nhiệm đảm bảo an toàn cho nhân viên ngành hàng không trong đại dịch, trong khi ngành hàng không không thể tự giải quyết vấn đề này.
Mỹ tố Trung Quốc cản trở hàng không Washington cáo buộc Bắc Kinh khiến các hãng hàng không Mỹ không thể nối lại đường bay tới Trung Quốc. Theo một chỉ thị mà Reuters tiếp cận được cuối ngày 22/5, Bộ Giao thông Vận tải Mỹ gọi tình huống là "nghiêm trọng" bởi cả Delta Air Lines và United Airlines, hai hãng hàng không lớn của Mỹ, đều muốn nối lại...