Giấc mơ dang dở của chàng sinh viên bỗng dưng bị bệnh
Một trận sốt “ thập tử nhất sinh” đã biến chàng trai Nguyễn Xuân Tài (22 tuổi) khi đang là sinh viên năm 2, Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn (Bình Định) trở thành một người bị bệnh tâm thần, đành phải gác lại giấc mơ giảng đường.
Cậu sinh viên Nguyễn Xuân Tài hiện trú ở tổ 2, KV 1, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Không khó để chúng tôi tìm ra nhà em Tài, ngôi nhà số 49A nằm ngay mặt đường Bà Triệu (TP Quy Nhơn). Ngôi nhà tối om, cửa đóng kín bưng, chỉ lâu lâu lại nghe những tiếng ồn ào bởi hai người con bị bệnh tâm thần.
Nguyễn Xuân Tài, sinh ra và lớn lên trong một gia đình 5 anh chị em, Tài là con út cũng là niềm hi vọng cuối cùng của cả gia đình có người được đặt chân vào giảng đường đại học. Bởi các anh chị của Tài đều đã lớn tuổi nhưng chẳng một ai được học hành đến nơi đến chốn, không có công việc ổn định. Hoàn cảnh khó khăn, người anh đầu phải nghỉ học sớm làm thuê đụng cái gì làm cái đó, miễn có tiền phụ giúp gia đình. Khi lớn, đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự, anh đi bộ đội, sau 3 năm đi lính trở về nhà, người anh bỗng mắc bệnh tâm thần. Hiện nay anh được trợ cấp của nhà nước 270.000 đồng/tháng.
Hai người chị và một anh trai nữa của Tài thì mỗi người tha phương mỗi nơi, người làm tận Sài Gòn, người ở Lâm Đồng, còn người đi phụ quán cơm ngay tại thành phố Quy Nhơn. Mặc dù các anh chị em đều đã đến tuổi dựng vợ gả chồng nhưng khổ nỗi gia đình nghèo, lại có nhiều người bệnh nên chẳng ai dám để ý.
Bố em Tài, ông Nguyễn Xuân Long (62 tuổi), vốn làm nghề đạp xích lô nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, ông bị bệnh mắt cườm nước đã mổ nhưng hai mắt chỉ thấy mờ mờ. Thời gian gần đây, ông lại thêm dấu hiệu bệnh thần kinh nên không thể mưu sinh.
Em Nguyễn Xuân Tài sau khi bị phát bệnh thần kinh, cứ thấy người lạ là sợ trốn vào góc nhà.
Còn mẹ em, bà Nguyễn Thị Xâm (62 tuổi), trước buôn bán trái cây, rau cỏ ở chợ cũng kiếm thêm thu nhập cùng chồng nuôi các con khôn lớn. Nhưng từ ngày chồng và các con bệnh nặng, bà phải làm bỏ công việc ở nhà lo chăm sóc gia đình cuộc sống thiếu trước hụt sau.
Video đang HOT
Đang chuẩn bị bữa cơm trưa đạm bạc, bà Xâm nghẹn ngào tâm sự: “Nếu như chồng con chẳng bị bệnh đau năm một chỗ thì hoàn cảnh gia đình tôi cũng không đến nỗi khó khăn. Chỉ tội thằng Tài, vì gia đình nghèo nên các anh chị nó chẳng đứa nào học hành cho ra môn ra khoai. Riêng Tài là con út được gia đình tạo điều kiện cho ăn học. Nào ngờ, bây giờ bỗng bị bệnh chẳng nhớ gì cả, đến bố mẹ cũng không biết, thấy người lạ thì sợ trốn vào xó nhà. Bây giờ bệnh tình không tiền chữa trị, em nó thành người mất trí nhớ nên phải bỏ học giữa chừng. Nó là niềm hy vọng để cha mẹ mở mặt, mở mày với bà con lối xóm nhưng bây giờ thì hết cả rồi…”.
Cậu con út Nguyễn Xuân Tài là niềm hy vọng của ông Long và bà Xâm. Biết gia đình nghèo khổ nhưng được cha mẹ, các anh chị cố gắng tạo điều kiện cho đi học nên Tài đã cố gắng theo học. Hàng ngày, ngoài thời gian học ở trường, Tài được một cô chủ quán cà phê gần nhà tạo điều kiện cho em giữ xe để kiếm thêm thu nhập, có tiền mua sách vở.
Ông Long – bố em Tài bên chiếc xe xích lô phương tiện kiếm ăn chính của cả gia đình trước khi ông chưa bị bệnh mắt mờ không thấy đường đi
Tuy nhiên, số phận không mỉm cười với chàng sinh viên hiền lành, có khuôn mặt khôi ngô khi tai họa ập xuống. Khoảng đầu tháng 4/2012, Tài bị một trận sốt “thập tử nhất sinh” nhưng không được chữa trị kịp thời. Đến khi Tài sốt cao, thần kinh hỗn loạn nên sinh ra đập phá, la hét. Gia đình nghĩ Tài bị thần kinh nên đem con đi bệnh viện tâm thần chữa trị. Điều trị một thời gian dài, sức khỏe Tài bình thường nhưng lại mất trí nhớ chẳng biết gì nữa, thấy người lạ vào thì trốn vào xó nhà rồi từ đó Tài phải gác lại giấc mơ giảng đường.
Ông Ngô Đình Diễn (75 tuổi), một người hàng xóm, chia sẻ: “Trước đây, khi ông Long và các con chưa bị bệnh, hàng ngày ông đạp xích lô, bà vợ buôn bán nhỏ ở chợ nên gia đình cũng tạm ổn. Nhưng bây giờ một nhà có tới 3 người bệnh thì làm sao không khổ cho được. Thương nhất là cháu Tài, rất chịu khó vừa học vừa làm để giúp đỡ cha mẹ nhưng bỗng nhiên bệnh tật như thế…”.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phan Phúc Hưng – khu vực trưởng KV1, phường Lê Hồng Phong cho biết: “Gia đình ông Long khó khăn, khi biết cháu Tài bị bệnh địa phương, bà con khu phố quyên góp giúp 1 triệu đồng để cháu chữa bệnh. Đó là tình cảm của bà con, về lâu dài cần có sự chung tay của nhiều người khác nữa. Hiện phường đang tiến hành xét hộ nghèo nhằm tạo điều kiện cho gia đình cháu Tài được những quyền lợi nhất định. Tuy nhiên, theo quy định mới, việc xét hộ nghèo còn nhiều tiêu chí khác nữa nên cũng rất khó vì gia đình có tới 4 lao động chính”.
Doãn Công
Theo dân trí
Khi bạn là một tân sinh viên đang làm quen cuộc sống mới
Sự chia sẻ rất chân thành từ cậu tân sinh viên Nguyễn Ngọc Đức, sinh viên lớp 12CHD trường Đại học sư phạm - Đại học Đà Nẵng.
Mùa tựu trường năm nay, trường Đại học sư phạm - Đại học Đà Nẵng đã mở cửa đón hơn 1800 sinh viên từ các vùng miền đến nhập học, trong đó hơn 1200 sinh viên thuộc khối cử nhân khoa học và hơn 670 sinh viên thuộc khối Đại học sư phạm.
Vừa mới rời xa tuổi học trò, bước những bước chân đầu tiên tới giảng đường Đại học, chắc hẳn các bạn tân sinh viên ít nhiều đều mang trong mình những cảm xúc mới mẻ. Những bỡ ngỡ của của cuộc sống xa nhà với biết bao lo toan, rồi những cảm nhận khác nhau về trường mới, lớp mới với những bạn bè mới... Những cảm xúc của ngày nộp hồ sơ nhập học, những ấn tượng về buổi lễ chào đón tân sinh viên của các anh chị khóa trên.
Tân sinh viên nô nức đến trường nhập học
Nhưng niềm vui đó lại nhanh chóng nhạt dần trên gương mặt của các bạn vì những khó khăn phía trước. Đối với nhiều bạn tân sinh viên, thử thách đầu đời khi bước vào cổng trường đại học không đơn thuần chỉ là sách vở, trường lớp, thầy cô mà đó còn là sự va chạm từ cuộc sống.
"Sự bất đồng ngôn ngữ, kì thị giữa các vùng miền khiến cho mình ít tiếp xúc với mọi người hơn, sống khép kín hơn" - đó là lời chia sẽ của bạn Hoàng Thị Mỹ Trang (Lớp 12SDL, đến từ Quảng Trị).
Không còn hứng khởi như lúc đầu mới nhận giấy báo nhập học, bước vào môi trường mới với những bỡ ngỡ đầu đời, cuộc sống tự lập với vô vàn những điều cần suy nghĩ, đến với kí túc xá trường Đại Học Sư phạm Đà Nẵng, chúng tôi đã nhận được sự chia sẻ rất chân thành từ cậu tân sinh viên Nguyễn Ngọc Đức, sinh viên lớp 12CHD.
Từ Quảng Bình vào Đà Nẵng học, cảm giác nhớ nhà chưa dứt thì Đức đã phải đối diện với khá nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là vấn đề ăn uống, sinh hoạt chật chội, bất tiện, an ninh không được đảm bảo, kể cả việc bất đồng ngôn ngữ và ý thức chưa tốt mọi người trong kí túc xá nữa.
Kí túc xá - nơi ở của Đức tại trường Đại Học Sư Phạm Đà Nẵng
"Ở kí túc xá chật hẹp, mặc dù có không gian yên tĩnh để học, nhưng mình thấy ý thức của một số người chưa được tốt, họ vứt rác bừa bãi, vẫn còn kì thị giữa các vùng miền khác nhau, sinh hoạt không được thoải mái cho lắm. Giá cả đồ dùng sinh hoạt, đồ ăn ở căn tin quá đắt so với túi tiền sinh viên nhưng đi ăn ngoài thì sợ đồ ăn không hợp vệ sinh, mình cũng bị mất một số vật dụng cá nhân nữa" - Đức buồn bã cho hay.
Tuy nhiên ngoài những vấn đề bất cập đó, Đức cũng tươi cười tâm sự thêm: "Mình ở gần trường nên việc sinh hoạt trong các câu lạc bộ, tham gia các hoạt động của lớp cũng dễ dàng hơn, một số anh chị khóa trước cũng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ nên đôi lúc cũng thấy vui lắm."(cười)
Ở một góc nhỏ khác, tìm đến với phòng trọ của bạn Nguyễn Thị Hà Quyên - Lớp 12SNV tại tổ 22, kiệt 2, đường Phạm Như Xương, phường Hòa Khánh nam, quận Liên Chiểu nằm sau lưng trường Đại Học Sư Phạm Đà Nẵng, Quyên tủi thân kể lại: "Mới nhập học không lâu mà có đủ thứ chuyện, lần đầu tiên xa nhà mình vẫn chưa quen với cuộc sống tự lập, việc tự sinh hoạt, tự học, cách giảng dạy mới, gặp gỡ bạn bè từ tất cả các vùng miền với nhiều ngôn ngữ khác nhau... đã làm mình cảm thấy không tự tin cho lắm. Đã thế vấn đề an ninh xóm trọ cũng không được đảm bảo, tuần đầu tiên đi học, lúc mới về nhà mình bàng hoàng khi cánh cửa mở toang, chạy vào thì thấy đồ đạc trong phòng bị lật tung hết, tuy chỉ mất ít tiền nhưng cũng làm mình hỗn độn."
Hà Quyên bên góc học tập của mình
Không những thế còn vấn đề chủ phòng trọ thu tiền điện, nước giá cao bất ngờ, phòng thấp hơn so với mặt đường nên hễ trời mưa là phải lội nước đi học, không gian nhỏ trong phòng không đủ để phơi quần áo, mà có phơi được thì lại lâu khô, phơi ở ngoài thì bị trộm, giao thông ở đây cũng có nhiều bất cập, nhiều lúc các bạn không giám qua đường vì sợ,... tất cả những điều trên đã làm cho không ít các bạn tân sinh viên rụt rè hơn, sống khép kín hơn.
Một góc ở dãy trọ sinh viên
Trong hoàn cảnh như thế này điều mà các bạn cần nhất chính là sự giúp đỡ, động viên từ bạn bè, những lời khuyên đúng đắn từ các anh chị khóa trên - Những người cũng từng trải qua khó khăn ngay từ những ngày đầu nhập học.
Trò chuyện cùng anh Đoàn Xuân Sơn ( Lớp 11CBC - Đại học sư phạm Đà Nẵng), anh chân thành chia sẻ: "Năm ngoái lúc mới nhập học anh cũng rơi vào tình trạng khốn đốn như bọn em, bị mất cắp và lừa đảo, rồi thêm những bỡ ngỡ trước phương pháp học mới, môi trường sống mới đôi lúc làm anh nản lòng. Nhưng nhờ sự quan tâm từ gia đình, bạn bè cùng với sự nỗ lực của bản thân nên mọi chuyện cũng dần ổn định và chóng qua."
Chị Phạm Thị Linh - Sinh viên năm cuối trường cao đẳng Thương Mại lại cho rằng: "Chẳng có con đường nào thật sự trải đầy hoa hồng cho chúng ta đi nên việc vấp phải những khó khăn hay thất bại là chuyện bình thường. Cái quan trọng là ta phải biết cách nhìn nhận đúng vấn đề và tìm cách để vượt qua nó, để từ đó rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm đúng đắn hơn trong cuộc sống."
Thật vậy, con đường đi đến những ước mơ không bao giờ bằng phẳng, muốn thành công ắt phải có sự hi sinh. Đôi khi những vấp ngã trong hiện tại chính là chìa khóa thành công cho tương lai. Thế nên chúng ta hãy cùng chúc cho những bạn tân sinh viên có đủ nghị lực để vượt qua tất cả những chông gai trước mắt và gặt gái được nhiều công nhé!
Theo TTVN
Bi hài chuyện vợ chồng là sinh viên "Mày ký đi, đơn ly hôn đây, bố mày cũng không thiết tha gì mày nữa đâu....." Đó là hoàn cảnh của con bạn thân của tôi khi còn ngồi trên giảng đường Đại học. Chuyện vợ chồng sinh viên (Ảnh mang tính minh họa) Thùy Linh và Tuấn yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên , cuộc sống sinh viên xa...