Giấc mơ của cô bé 16 tuổi đã phải làm nô lệ tình dục
16 tuổi đời, nhưng Nguyễn Thị Diễm (SN 1995, ngụ huyện Tiểu Cần-Trà Vinh) lại có lối sống lang bạt đầy giang hồ sương gió, lấy khách sạn làm nhà và sớm rơi vào vòng lao lý. Tiếp xúc với tôi tại trường giáo dưỡng số 4 (Tổng cục VIII, Bộ Công an), em kể về cuộc đời mình trong ngập tràn nước mắt …
Những tháng ngày bi kịch tuổi thơ
Khi tiếp tôi, em không ngần ngại. Diễm bắt đầu kể cho tôi nghe về quãng đời bi kịch của em trong ánh mắt gợn bồn của một đứa trẻ tuổi 16 sớm lang bạt. Em kể, em sinh ra trong một gia đình bần nông của vùng đồng bằng Nam Bộ. Diệm và người chị ruột lớn lên trong sự nghèo đói và thường xuyên chứng kiến cảnh người cha nát rượu đánh chửi, hành hạ vợ con. Nhiều khi, sau buổi nhậu với bạn bè, cha em trở về với cơn say rồi những trận đòn vô cớ lại giáng xuống đầu ba mẹ con Diễm.
Chính vì cái cảnh ngục tù đó, không thể chịu nổi nên người mẹ của diễm – một người đàn bà nông dân rặt – đã phải thoát ly bằng cách cắp nách mang hai chị em Diễm sang nhờ bà ngoại trông nom dùm rồi dứt áo ra đi không hẹn ngày về. Những tháng ngày sống với bà ngoại mặc dù thoát được những trận đòn roi thể xác nhưng chị em Diễm vẫn lay lắt đói. Diễm kể với tôi rằng bước ngặoc của cuội đời em bắt đầu từ năm 2000. Đó là một ngày đẹp trời, sau nhiều năm biết tích, người mẹ của em đã quay về quê đón 2 con đưa lên TP.HCM để cho đi học.
Em kể, tưởng khi đó cuộc đời của hai chị em bước sang một trang mới, được học hành thành người tử tế nhưng khi đến TP.HCM thì cả hai chị em lại thất vọng. Đó là cảnh ba mẹ con sống chui rúc trong một căn phòng trọ khoảng chừng 20m2 và rồi cứ đêm đêm lại có người đàn ông lạ mặt đến ngủ lại với mẹ của chúng, rồi hai chị em lại gặp lại cảnh xưa với những trận… đánh đập, chửi bới thậm tệ không phải của cha, mà là từ người mẹ.
Rồi một hôm, mẹ đến đón hai chị em Diễm trong giờ tan trường. Và không biết nguyên nhân gì bà dùng roi da đánh hai chị em một trận tứa máu rồi bà lẳng lặng xách đồ đạc, tư trang ra đi, không một lời nhắn gửi. Khi ấy, hai đứa trẻ bơ vơ ở cái thành phố lạ lùng, chỉ còn biết ôm nhau mà khóc cho qua ngày.
Trong cuộc trò chuyện, Diễm tâm sự, ở cái tuổi 12, em không thể hiểu được hết mọi suy nghĩ của người lớn. Đến nay, em vẫn mang trong lòng câu hỏi lớn không lời đáp là vì sao mà mẹ của em lại ra đi để lại hai đứa trẻ bất hạnh vốn đã thiếu đi tình thương của người cha? Lại bơ vơ giữa đời. Diễm có hỏi tôi, nhưng tôi cũng không thể nào lý giải cho em về chuyện này.
Video đang HOT
Nguyễn Thị Diễm trong cuộc trò chuyện với người viết
Diễm kể tiếp, nhiều ngày sau đó, em và người chị gái phải sống nhờ vào sự thương xót của những người hàng xóm tốt bụng. Vài tuần sau, cả hai tìm đường trở về Trà Vinh, lại sống với bà ngoại như ngày xưa. Thế nhưng ở cái tuổi gần đoạn dốc cuộc đời, nuôi bản thân đã khó nên bạ ngoại lại phải gồng gánh thêm cuộc sống của hai đứa cháu nên cuộc sống bữa cơm, bữa cháo cũng thêm cày cực. Không có tiền đi học, chị gái phải đi làm thuê còn Diễm phụ chăm sóc đám rau sau vườn lấy tiền mua gạo.
Những tháng ngày lang bạt, đã làm con người Diễm chai sạm nên khi trò chuyện với tôi thì em như được trút bầu tâm sự. Em kể tiếp, đó là khoảng cuối năm 2009, bà ngoại kêu Diễm đến và bảo em phải quay lại đất TP.HCM để kiếm tiền vì bà thương xuyên đau bệnh, không còn khả năng nuôi cháu nữa. Dù không biết phải bắt đầu từ đâu nơi mảnh đất chật người đông và lạ lẫm này nhưng vì muốn nghe lời bà thoát ly đói nghèo, nên diễm đành gói gém vài bộ đồ cũ đón xe đi. Diễm tìm đến nhà một người bạn cũ ở quận Thủ Đức và được người cô của bạn ấy nhận vào phụ bán quán cà phê với mức lương 600 ngàn đồng/tháng – đó là một số tiền khồng lồ với Diễm lúc đó.
Cũng từ quán cà phê này, nhờ sự trẻ trung, xinh xắn, Diễm trở thành mục tiêu săn đuổi của không ít chàng thanh niên, trong số đó có P (27 tuổi) làm nghề giao hàng thuê. Niềm vui tìm được việc chưa kịp chia sẻ với ai thì Diễm bị cho nghỉ làm vì bà chủ quán đưa đứa cháu gái đang thất nghiệp ở quê lên làm thế chỗ của Diễm. Quá bất ngờ, nhưng Diễm cùng đành xách đồ ra đi khi trong túi chỉ có vài trăm ngàn tiền lãnh lương. Sống được vài ngày thì những đồng bạc cuối cùng cũng ra đi.
Đồng tiền biết tung ra đúng lúc, P lập tức thể hiện sự ga lăng với người đẹp. Nhiều tháng liền sau đó, căn phòng của một khách sạn đã trở thành nơi trú ngụ hàng ngày của đôi tình nhân, Diễm cũng say đắm trong tình yêu đầu đời của mình, mà không biết tương lai mịt mù đang đón chờ phía trước. Khi tiền trong túi đã cạn mà người yêu lại không còn khả năng chu cấp và dần lạnh nhạt với mình, buồn chán, Diễm trở nên sống phóng khoáng và trở thành thú vui chung cho nhiều gã đàn ông với chiêu thức rủ cô đi nhậu rồi chuốc say hay bỏ thuốc ngủ vào nước uống… mà sau này bị bắt vì tội trộm cắp tài sản cô mới khai ra. Diễm kể rằng trong số những kẻ bất lương ấy, có gã còn lớn tuổi hơn cả cha mình. Khi con ong đã tỏ đường đi lối về, họ vứt em nhưng vứt thứ thừa thải ven đường.
Túng quẫn, Diễm nghĩ đến việc kiếm tiền bằng phạm pháp. Em kể chi tiết lần kiếm tiền bất chính đầu đời. Đó là lần em tìm đến một hồ bơi rồi lấy trộm chiếc giỏ của một người phụ nữ sang trọng, lục lọi chiến lợi phẩm, thấy có một chùm chia khóa và thẻ xe bên trong, Diễm ngang nhiên ra bãi xe cưỡi chiếc Dylan đi như thể của mình. Chạy được vài trăm mét, em dừng lại nhờ người xe ôm bên đường mở cốp lấy nón bảo hiểm đội thì phát hiện gần 70 triệu đồng trong đó – một số tiền làm em hoa cả mắt, chân tay bủn rủn vì từ nhỏ đến lớn chưa từng được chạm tay đến. Diễm chạy thẳng xe đến một quán cà phê quen gửi chiếc Dylan lại đó, gom hết tiền trộm được để mua sắm. Em nhớ, khi đó em mua nhiều thứ lắm như: một máy tính xách tay, một máy chụp hình, ba bộ trang sức bằng vàng cho mình, cho bà ngoại và chị gái, tổng cộng hết khoảng 40 triệu đồng.
Ngay trong đêm, Diễm đón xe trở về quê, nói dối là mình vừa trúng số, em gửi những tặng nữ trang cho người thân cùng 10 triệu đồng cho ngoại trang trải nợ nần, thuốc thang. Số tiền còn lại, Diễm mang về TP.HCM trả tiền khách sạn và để tiêu xài lung tung. Mấy ngày sau em vô tư “cỡi” chiếc Dylan trở lại hồ bơi trước đó đã lấy trộm giỏ xách để nghe ngóng tình hình thì bị lực lượng công an phường mời về trụ sở làm việc. Tại đây, Diễm đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình và được di lý về Trà Vinh thu hồi tài sản.
“Bị công an mời lên làm việc em sợ quá nên khai sạch. Trên đường bị đưa về quê thu hồi những tài sản phạm tội mà có em lo lắng lắm chị à! Trước khi đi làm ngoại đã dặn dò rất nhiều giờ em trở về nhà cùng bản án trộm cắp tài sản thế này chắc ngoại đau lòng lắm nhưng không còn cách nào khác. Dọc đường em cầu xin các chú công an hãy lấy lại mọi thứ nhưng đừng thu hồi trang sức mà trước đây em tặng ngoại vì lúc em đưa món quà ngoại đã rất vui. Thỉnh cầu của em được bị hại chấp thuận…” – Diễm bày tỏ. Với em, tất cả tình thương yêu đều dành cho người bà già nua, cả đời sống trong nghèo khổ lam lũ bệnh tật, nay lại xấu hổ với hàng xóm láng giềng vì có đứa cháu gái phạm pháp.
Nơi rửa sạch vết chàm
Do phạm tội ở tuổi vị thành niên nên Diễm bị đưa vào học tập bắt buộc tại trường giáo dưỡng số 4 (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) thời hạn hai năm. Thời điểm trò chuyện với chúng tôi thì Diễm mới vào trường được hơn một tháng nhưng em đã nhanh chóng nắm bắt mọi nội quy của nhà trường và làm quen với môi trường sống mới.
Được biết trường giáo dưỡng là nơi học tập tập trung có thời hạn dành cho thanh, thiếu niên Việt Nam từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi, từng gây án mang tính chất nghiêm trọng (dưới 14 tuổi) và nhiều lần vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (từ đủ 14 tuổi đến dưới 18). Ở đây ngoài việc tiếp tục cho học bổ túc văn hóa theo chương trình đến hết lớp 9, nếu em nào chăm ngoan, tuân thủ mọi nội quy nhà trường đề ra thì được phép chọn ngành nghề để theo học bao gồm: sửa chữa điện dân dụng, làm tóc, sửa xe máy, xe đạp, nghề hàn… mà giáo viên đứng lớp là những chiến sỹ công an dày dặn kinh nghiệm. Mọi sinh hoạt của các em đều có nội quy hết sức nghiêm ngặt, gói gọn trong khuôn viên nhà trường dưới sự quản thúc của các cán bộ chiến sỹ. Những hành vi vi phạm đều có hình thức kỷ luật thích đáng, nhà trường đặc biệt nghiêm cấm sử dụng vũ lực giữa các em học sinh.
“Giáo dục một đứa trẻ bình thường thôi cũng đã khó lắm rồi, giáo dục hàng loạt thanh thiếu niên hư hỏng lại càng khóa khăn bội phần. Đa số các em ở đây đều từng sống lang thang, không có người quản thúc, đã quen với lối sống vô kỷ luật, thích gây gổ nên việc đưa vào cuộc sống kỷ cương, nề nếp không phải một sớm một chiều mà thành công. Giáo viên ở đây một mặt nhẹ nhàng khuyên nhủ nhưng cũng phải cương quyết cứng rắn giúp các em sớm nhận ra lỗi lầm mà sửa đổi. Phương pháp dạy học của chúng tôi là nắm bắt tâm lý, khơi dậy tình thương yêu đối với học trò của mình” – trung tá Lê Công Hiệp – Phó hiệu trưởng trường giáo dưỡng số 4 – chia sẻ với người viết.
Trại giáo dưỡng là nơi những đứa trẻ được học hành tử tế để quên đi những tháng ngày lầm lỗi, hướng đến một tương lai tươi sáng hôn
Khi tôi hỏi Diễm “Từ ngày bị bắt đến nay có ai lên đây thăm em chưa? Diễm chỉ lặng lẽ rơi nước mắt. Hồi lâu sau em lắc đầu lí nhí: “Em không dám điện thoại về nhà mà cũng không cần thiết phải liên lạc vì em biết ngoại sẽ chẳng có tiền lên đây thăm em đâu. Với lại ngoại bệnh tật liên tục, không rành đường xá thì sao đi lại được. Ở đây, cuộc sống cũng tốt, đầy đủ cơm ăn, nước uống, được vậy là tốt lắm rồi. Em chỉ mong sao được học xong bổ túc văn hóa đến hết lớp 9 rồi được nhà trường sắp xếp cho học nghề tóc để sau này về quê mở một tiệm nhỏ sống qua ngày, tránh xa nơi có những kẻ chỉ muốn làm hại đời mình”. Trải qua những đắng cay mưu sinh nơi đất khách Diễm chợt hãi hùng trước những cạm bẫy cuộc đời và cám ơn số phận đã cho mình cơ hội để làm lại cuộc đời trước khi sải chân vào những bước trượt quá dài của mặt trái cuộc đời.
Buổi trò chuyện kết thúc, Diễm chào tôi trở lại lớp học. Bước chân của em có vẻ nặng nề, ở cái tuổi 16. Tôi thầm mong rằng Diễm sẽ làm lại được cuộc đời như em mong muốn, vì đời em còn dài lắm.
Theo Phunutoday.vn