Giác hơi không phải trò đùa
Do không nắm chắc chỉ định, kỹ thuật và những điều cấm kỵ của phương pháp giác hơi nên đã từng xảy ra không ít trường hợp bị tai biến giác hơi, khiến người được giác hơi lâm vào tình cảnh “ tiền mất tật mang”.
Trong những năm gần đây, cùng với các biện pháp trị liệu giàu tính dân gian khác của y học cổ truyền, liệu pháp giác có xu hướng ngày càng phát triển. Người ta dễ dàng thực hiện giác hơi ở mọi nơi, mọi chỗ, kể cả bến xe, nhà ga, vỉa hè, bãi biển… với phương tiện đơn giản chỉ là một manh chiếu và mươi ống giác.
Từ công dụng chính trị liệu, giác hơi cũng dần được sử dụng như một phương pháp thư giãn, thậm chí có người còn coi đây như một trò đùa, nghe bạn bè rủ rê thì cũng tham gia cho vui. Điều này hết sức nguy hiểm!
Phải đúng vị trí, tư thế
Nhìn chung, liệu pháp giác chỉ nên thực hiện ở những vị trí có cơ bắp đầy đặn và lớp mỡ dưới da phong phú. Không giác ở nơi có mạch máu đi nông, chỗ tim đập, vùng da quá non và có sẹo, mắt, mũi, môi, đầu vú, vùng da nhão có nhiều nếp nhăn. Chỗ giác lần trước nếu vẫn còn dấu vết thì không giác đúng chỗ đó. Không nên giác hơi ngoài trời và ở những nơi quá nóng hoặc quá lạnh để phòng ngừa cảm nhiễm phong hàn, phong nhiệt. Tuyệt đối không giác hơi ngoài bãi biển, trong phòng chạy điều hoà đặt nhiệt độ quá thấp. Tốt nhất nên tiến hành ở trong phòng có nhiệt độ vừa phải và không có gió lùa.
Những người không nên giác hơi Không dùng, hay nói đúng hơn là cấm dùng liệu pháp giác trong các trường hợp: mắc bệnh tim, thận, phổi vừa hoặc nặng, bệnh ưa chảy máu, dễ xuất huyết dưới da, suy giảm tiểu cầu, bệnh máu trắng, phù toàn thân, bệnh tâm thần giai đoạn tiến triển, suy nhược thần kinh và suy nhược cơ thể quá mức, mắc bệnh da toàn thân, giãn tĩnh mạch nơi giác, co giật hoặc bị chuột rút, động kinh, phụ nữ đang hành kinh, vùng thắt lưng cùng, vùng bụng dưới và vùng vú thai phụ, da mất tính đàn hồi, người đang trong tình trạng say rượu, quá mệt mỏi, quá no hoặc quá đói.
Video đang HOT
Ngoài ra cũng cần chọn tư thế người bệnh phù hợp, sao cho vị trí giác được bộc lộ rõ, thuận lợi để giác và bệnh nhân cảm thấy thoải mái. Với những người lần đầu giác hơi, người thuộc thể loại thần kinh yếu, dễ căng thẳng, người già và suy nhược… nên chọn tư thế nằm. Khi giác cần dùng ống giác nhỏ, thủ thuật tiến hành phải nhẹ nhàng, chú ý giải thích và động viên để người bệnh yên tâm.
Cảnh giác các tai biến
Trong khi giác, kỹ thuật viên cần chú ý hỏi cảm giác của người bệnh và chú ý quan sát phản ứng tại chỗ và toàn thân của họ. Về phần mình, người bệnh có thể cảm thấy chỗ giác nóng, căng, buồn, ấm áp dễ chịu và buồn ngủ, đó là hiện tượng bình thường, đông y gọi là đắc khí.
Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như choáng váng, hoa mắt, đau đầu, buồn nôn, ớn lạnh, vã mồ hôi nhiều… thì cần báo cho kỹ thuật viên ngay để xử trí kịp thời. Sau khi giác, người bệnh cần nghỉ ngơi trong một thời gian nhất định, tuỳ bệnh lý. Tránh hoạt động mạnh. Không nên tắm rửa ngay bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh. Không uống rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích khác.
Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường thì cần kịp thời báo cho nhân viên y tế để có biện pháp xử lý thích hợp.
THS.BS HOÀNG KHÁNH TOÀN
TRƯỞNG KHOA ĐÔNG Y, BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG QUÂN ĐỘI 108
Theo SGTT
Nhân trần và cam thảo: Dùng phối hợp lợi hay hại?
Rất nhiều gia đình hiện có thói quen uống nước nhân trần pha lẫn cam thảo để thay trà với mục đích vừa giải khát, vừa làm mát gan, giải độc, chống suy nhược, mệt mỏi... Mặc dù, theo y học cổ truyền cả hai vị thuốc nhân trần và cam thảo đều rất tốt chữa các chứng bệnh liên quan đến gan, giúp giải độc, tăng cường sức khỏe...Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nếu không có bệnh và lạm dụng uống nhiều nước nhân trần pha với cam thảo thì hại nhiều hơn lợi.
Có nên pha chung nhân trần với cam thảo?
Cây nhân trần.
Theo Y học cổ truyền, nhân trần có vị đắng, cay, tính hàn, lợi mật, nhuận gan, dùng chữa viêm gan (vàng da), viêm túi mật, giải cảm nhiệt, đau đầu, tiểu tiện bí,... Cam thảo có vị ngọt, tính bình (chưa sao), vị ngọt, tính ôn (sau khi đã sao hoặc nướng chín) có tác dụng bổ khí, thanh nhiệt, giải độc, chủ trị các chứng tỳ vị hư nhược, ho suyễn, chống suy nhược...
Mặc dù, cả hai vị thuốc trên đều có những công dụng tốt, tuy nhiên nếu kết hợp lại với nhau thì lại không tốt. Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch hội Đông Y Việt Nam, về nguyên tắc điều trị, khi mật không tiết ra (mật viêm, tắc mật...) thì mới cần lợi mật và khi gan có vấn đề thì mới phải nhuận gan. Nếu không có bệnh mà lại uống hàng ngày, nghĩa là bắt gan và mật không có nhu cầu tiết cũng phải tiết, dẫn tới phải làm việc nhiều hơn nên dễ tổn thương, mất cân bằng và sinh bệnh. Hơn nữa, việc có thói quen dùng nhân trần cùng cam thảo mà không biết cam thảo có tính chất giữ nước, trong khi nhân trần lại giúp đào thải, hai vị thuốc trái ngược nhau được sử dụng chung sẽ không có lợi cho cơ thể mà còn tiềm ẩn nguy hại bởi tương tác thuốc. Điều nguy hại nữa, việc lạm dụng phối hợp nhân trần với cam thảo không phải ai cũng dùng được nhất là với trường hợp bị tăng huyết áp hoặc huyết áp không ổn định. Nguyên do là vì cam thảo có tác dụng giữ nước trong cơ thể, từ đó làm tăng khối lượng tuần hoàn, làm tăng huyết áp và tăng gánh nặng cho tim.
Vị thuốc từ nhân trần.
Không lạm dụng nhân trần và cam thảo
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, việc lạm dụng hai vị thuốc trên đều không có lợi cho cơ thể bởi chúng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Do cam thảo có tác dụng giữ nước trong cơ thể nếu dùng dài ngày có thể gây phù mà lầm tưởng là tăng cân, béo ra. Một số công trình nghiên cứu cho thấy cam thảo còn làm giảm nội tiết tố sinh dục ở nam giới nếu dùng trong thời gian dài dẫn đến những rối loạn sinh dục, làm giảm sức khỏe giới tính của phái nam. Những người hay bị táo bón nếu dùng cam thảo dài ngày nguy cơ làm tăng khả năng táo bón nặng hơn và dẫn đến bị táo bón mạn tính bởi cam thảo có tính ôn (nóng) khi dùng cam thảo đã sao hoặc nướng chín. Các trường hợp viêm thận, viêm gan, phụ nữ bị rối loạn nội tiết hoặc các trường hợp sau khi sử dụng các chế phẩm dạng corticoid để trị các bệnh viêm nhiễm, dị ứng (hen suyễn), đau khớp... nếu dùng thường xuyên và kéo dài bệnh sẽ nặng hơn. Vì cam thảo làm tăng khả năng giữ nước trong cơ thể dẫn đến phù nề.
Vị thuốc từ cam thảo.
Với công dụng là lợi tiểu, mát gan... nhưng nếu dùng nhân trần dài ngày cũng không có lợi cho sức khỏe. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Xuân Hướng, với phụ nữ mang thai nếu không có bệnh lý về gan, không được bác sĩ chỉ định thì tuyệt đối không dùng nhân trần, cam thảo bởi uống nhiều sẽ làm xuất tiết các tuyến trong cơ thể, dẫn đến người mẹ bị mất sữa hoàn toàn hoặc chỉ có rất ít. Ngoài ra, nhân trần giúp lợi tiểu, nghĩa là thải nhiều, nếu lượng nước và các chất dinh dưỡng bị đào thải quá nhiều, sẽ không còn các chất dinh dưỡng để nuôi thai, khiến cho thai bị suy dinh dưỡng... Hơn nữa, trên thị trường hiện thuốc từ nhân trần chủ yếu là nhân trần khô, đây là loại rất dễ bị ẩm mốc nên các chủ kinh doanh thường phải dùng thuốc chống ẩm mốc. Hoặc cũng vì lợi nhuận nhiều người đã phun thuốc diệt cỏ vào cây tươi để cây nhanh héo và khô, dễ dàng chặt ra đem bán, điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.
Cũng theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, để đảm bảo cho sức khỏe người sử dụng, không nên dùng phối hợp nhân trần với cam thảo và không thường xuyên sử dụng làm nước giải khát dùng dài ngày. Đặc biệt, không dùng theo sự mách bảo mà tự chuốc họa vào thân. Khi sử dụng phải theo chỉ định của thầy thuốc hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Theo SKĐS
Nhiễm độc từ thiết bị văn phòng Hiện tại, các văn phòng sử dụng nhiều loại thiết bị điện tử như máy tính, máy in, wifi... Ít nhiều, những thiết bị này đang "gặm nhấm" dần sức khỏe của những người đang làm việc cùng với chúng. Mấy tháng trở lại đây, chị Nguyễn Hoàng Yến, nhân viên kiểm toán của một công ty của Úc có văn phòng tại...