Giá xe ô tô nhập khẩu tăng sốc, có loại tăng gần 2 tỷ đồng
Vừa sang đầu năm 2016, đúng như dự đoán trước đó của một số công ty kinh doanh ô tô, giá xe nhập khẩu đã tăng mạnh…
Từ 1/1-2016, Nghị định 108/2015 của Chính phủ hướng dẫn cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt chính thức có hiệu lực. Trong đó, riêng với ô tô nhập khẩu dưới 24 chỗ ngồi, giá làm căn cứ tính thuế là giá bán ra của nhà nhập khẩu (giá bán buôn) nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu.
Như vậy, giá thuế tiêu thụ đặc biệt mới phải cộng thêm một phần lợi nhuận, chi phí quản lý, marketing, cước vận chuyển… từ nhà nhập khẩu tới tay đại lý phân phối cho người tiêu dùng.
Trong khi đó, cùng thời điểm này, thuế nhập khẩu từ các nước trong khu vực cũng giảm 10% so với năm ngoái, còn 40%. Thế nhưng, mức giá giảm này không giúp giá xe giảm mà ngược lại, nhiều loại xe nhập khẩu đã bắt đầu tăng giá.
Chính vì lý do trên, vừa sang đầu năm 2016, đúng như dự đoán trước đó của một số công ty kinh doanh ô tô, giá xe nhập khẩu đã tăng mạnh. Mercedes-Benz là hãng mở đầu với hàng loạt mẫu xe tăng giá.
Giá bán các dòng xe Mercedes-Benz được một số nhà phân phối cập nhật trong ngày đầu năm 2016 với những mức tăng khác nhau, thấp nhất là 20-30 triệu đồng; trung bình là 150-250 triệu đồng. Và giá tăng chủ yếu ở các dòng xe nhập khẩu.
Cụ thể, theo bảng báo giá của một số nhà phân phối dòng xe Mercedes-Benz thì giá mới trong năm 2016 của mẫu xe A200 tăng 30 triệu đồng; CLA tăng 20 triệu đồng; A250 và CLA250 4Matic đều tăng 50 triệu đồng…
Đối với dòng xe hạng sang E-Class, mẫu xe E200 tăng 60 triệu đồng từ 1,939 tỉ đồng lên thành 1,999 tỉ đồng; E200 Edition E cũng tăng 60 triệu đồng (1,989 tỉ đồng lên 2,049 tỉ đồng); mẫu xe E400 tăng giá 80 triệu đồng, từ giá cũ 2,799 tỉ đồng lên 2,879 tỉ đồng.
Mức tăng cao nhất rơi vào các mẫu xe nhập khẩu như AMG GL63 4Matic tăng giá đến 1,28 tỉ đồng (giá mới 8,389 tỉ đồng; giá cũ 7,109 tỉ đồng); hoặc mẫu xe AMG G65 tăng giá từ 14,689 tỉ đồng lên 16,499 tỉ đồng (tăng hơn 1,8 tỉ đồng). Dòng xe SUV của Mercedes-Benz có mức tăng giá khá cao như GLE 400 4Matic, tăng 200 triệu đồng hoặc GL400 4Matic tăng 150 triệu đồng; còn GL500 4Matic lại tăng đến 370 triệu đồng.
Một mẫu xe gia đình hạng sang vừa được ra mắt vào trong năm 2015 là Mercedes-Benz V220 CDI Avantgarde cũng tăng giá từ 2,499 tỉ đồng lên 2,569 tỉ đồng.
Thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, ông Trương Kim Phong, Giám đốc kinh doanh và tiếp thị của Ford Việt Nam, cho biết các dòng xe bán tải của hãng đều tăng giá bán từ đầu năm 2016 trên 20 triệu đồng. Cùng với đó dòng xe du lịch 16 chỗ Ford Transit cũng tăng giá bán 35 triệu/xe. Các dòng xe lắp ráp trong nước cũng sẽ tăng giá trong thời gian tới.
“Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới, cộng với tỉ giá USD lên cao ảnh hưởng đến chi phí nhập khẩu xe cũng như nhập khẩu linh kiện không sản xuất được đối với xe lắp ráp trong nước buộc các hãng xe tăng giá bán” – ông Phong lý giải.
Vừa sang đầu năm 2016, đúng như dự đoán trước đó của một số công ty kinh doanh ô tô, giá xe nhập khẩu đã tăng mạnh. (Ảnh minh họa).
Nhiều hãng xe sang nhập khẩu khác cũng tăng giá bán vì lý do tương tự. Như hãng xe BMW vừa chính thức công bố bảng giá mới nhất từ đầu năm 2016 với mức tăng từ 49 triệu đồng đến 650 triệu đồng. Riêng Porsche Macan cũng như Macan S có mức tăng tương ứng là 290 triệu đồng và 250 triệu đồng.
Dù hiện nay các dòng xe phổ thông giá rẻ chưa tăng giá bán nhưng theo tính toán của các doanh nghiệp, nếu áp theo cách tính thuế mới thì khả năng giá xe sẽ nâng lên từ 2% đến 5% so với giá hiện tại.
Thông tin trên báo Doan nhân Sài Gòn, theo tính toán của một doanh nghiệp kinh doanh ô tô, ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ các nước ASEAN mà cụ thể là Thái Lan và Indonesia chủ yếu do các thành viên của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) thực hiện với các mẫu xe bán tải như Toyota Hilux, Ford Ranger, Niaan Navara, Chevrolet Colorado, Isuzu-CD-Max… những năm qua chỉ chịu thuế nhập khẩu 5% so với mức 50% của các dòng xe khác, vì thế, khi thuế nhập khẩu giảm 10% không làm giá xe bán tải giảm mà ngược lại, do cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới đã khiến giá các dòng xe này bị đẩy lên cao.
Trên thị trường xe du lịch, rất ít các dòng xe nhập từ ASEAN bởi các liên doanh ô tô – những nhà lắp ráp xe trong nước cũng là nhà độc quyền nhập khẩu các thương hiệu tương ứng. Để ưu tiên cho xe nội địa, các doanh nghiệp này chỉ nhập các mẫu xe có thị phần thấp và ít cạnh tranh.
Video đang HOT
Với các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu xe sang thì chủ yếu nhập xe từ những quốc gia không ảnh hưởng của thuế nhập khẩu.
Đơn cử, các dòng xe có giá trị lớn như Mercedes-Benz, BMW, Lexus, Audi, Land Rover, Porsche… hoặc là được nhập khẩu từ Nhật Bản hoặc là từ các nước Pháp, Đức, Anh, Mỹ… không được hưởng thuế nhập khẩu 40% từ khu vực ASEAN.
Như vậy, hầu hết ô tô phổ thông và cả những dòng xe sang nhập khẩu từ thị trường ngoài ASEAN không được hưởng lợi từ thuế nhập khẩu mà Việt Nam áp dụng trong năm nay.
Đó cũng là lý do dù thuế nhập khẩu giảm nhưng các doanh nghiệp kinh doanh xe vẫn tăng giá bán trong thời điểm này. Và như vậy, cơ hội mua xe giảm giá của người tiêu dùng trong nước cũng chưa thể thành hiện thực.
Người tiêu dùng thiệt
Báo Pháp luật TPHCM thông tin thêm, đại diện Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) cho rằng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới đảm bảo sự công bằng giữa các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với các công ty nhập khẩu. Tuy nhiên, việc thuế tăng kéo theo giá bán xe tăng khiến người tiêu dùng chịu thiệt.
Mặt khác, điều này có thể sẽ không giữ chân được các hãng xe nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, bởi họ cần có chính sách ổn định lâu dài. “Đó là chưa tính đến thuế tiêu thụ đặc biệt có thể tăng thêm 10%-15% từ 1-7-2016. Như vậy năm nay, giá ô tô dự báo tăng chứ không thể giảm” – đại diện Thaco nói.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô là hợp lý, thậm chí cần phải tăng thêm nữa.
Ông Du phân tích: “Thị trường ô tô phát triển phải phù hợp với sự phát triển của hạ tầng giao thông. Nếu không có chính sách kiểm soát thị trường ô tô thì sẽ dẫn đến những hệ lụy mà nền kinh tế phải gánh chịu. Để không biến Việt Nam thành “bãi để xe khổng lồ” như một số nước trong khu vực thì việc hạn chế xe bằng cách tăng chi phí sở hữu, chi phí sử dụng… là cần thiết. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là một trong các giải pháp hữu hiệu nhất” – ông Du nhìn nhận.
Trả lời câu hỏi xung quanh việc tăng giá ô tô quá mạnh khiến người tiêu dùng phải gánh chịu, ông Du cho rằng khi kinh tế phát triển, thu nhập người dân tăng họ sẽ mua ô tô dù giá có cao.
“Thực tiễn đã chứng minh ở Mỹ hay châu Âu nếu không hạn chế xe cá nhân và tăng mạng lưới phương tiện công cộng thì dù có mở rộng đường đến đâu cũng tắc nghẽn” – TS Du phân tích.
Theo Tổng cục Thống kê, nhập khẩu ô tô và linh kiện ô tô trong năm 2015 ước đạt gần 6 tỉ USD. Trong đó giá trị nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đạt 3 tỉ USD.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Từ 2016 xe ô tô sang tăng giá đến 50%: Ai dám đi Camry, Lexus, BMW?
Từ năm 2016 các loại xe như Camry, Lexus hay BMW... từ 3.0 trở lên sẽ đắt đỏ. Mấy ai còn đủ sức mua?
Bộ Tài chính cho biết, ngày 16/10/2015, Chính phủ đã trình Quốc hội, sửa đổi một số điều của các luật về thuế.
Theo đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào ô tô dung tích xi lanh từ 2.0L trở xuống sẽ giảm sâu vào năm 2019, chứ không phải 2018 như dự thảo trước đó.
Cụ thể, với dòng xe có dung tích xi lanh từ 1.0L trở xuống, Chính phủ đề xuất từ 1/7/2016 sẽ áp thuế tiêu thụ đặc biệt là 40%, giảm 5% so với hiện hành.
Từ năm 2018 mức thuế này giảm về 30% và năm 2019, giảm về 20%.
Với dòng xe có dung tích xi lanh từ 1.0-1.5L cũng sẽ áp mức 40%, giảm 5% so với hiện nay, đến 2018 giảm về 35% và tới 2019 giảm về 25%.
Với dòng xe có dung tích xi lanh từ 1.5L đến dưới 2.0L giữ nguyên mức 45% cho đến 2018 giảm về 40% và 2019 giảm về 30%.
Như vậy dự thảo trình Quốc hội lần này đã được điều chỉnh lại có khác so với các phương án cũ.
Nếu Quốc hội phê duyệt phương án này thì từ năm 2016, ô tô nhập khẩu có giảm giá nhưng sẽ không giảm mạnh.
Cụ thể, theo cam kết gia nhập AFTA, từ 1/1/2016 thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam sẽ giảm xuống còn 40% và đến 1/7 sang năm, thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có dung tích xi lanh từ 2.0L trở xuống giảm 5%.
Theo tính toán của các doanh nghiệp, ô tô có dung tích xi lanh dưới 2.0L nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN về sẽ giảm khoảng 7% vào thời điểm sau 1/7/2016.
Trong khi đó, nếu áp dụng phương án trước kia, mức giá xe loại này có thể giảm từ 15% tới 30%, tùy từng dung tích.
Với ô tô nhập khẩu ngoài khu vực ASEAN, theo cam kết của các hiệp định thương mại khác, do thuế suất thuế nhập khẩu giảm không đáng kể, chỉ ở mức khoảng 6-7% trong năm 2016, nên giá xe nhập về Việt Nam, tính cả thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm không đáng kể.
Như vậy muốn mua xe rẻ thì phải chờ đến 2019, khi đó thuế tiêu thụ đặc biệt giảm sâu và thuế nhập khẩu với khu vực ASEAN đã về mức 0%, các khu vực khác xuống mức 50%, giá xe dung tích nhỏ có dòng giảm tới 42%, như Bộ Tài chính tính toán.
Nhiều người giàu có, đang tìm đến các đại lý tìm hiểu, đặt mua xe "né" thuế. (Ảnh minh họa).
Trao đổi về vấn đề này, một chuyên gia trong ngành ô tô cho biết, các phương án trước kia đưa ra, tính toán còn thiếu căn cứ.
Nếu giảm mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt với xe nhỏ ngay từ giữa năm 2016, sẽ khiến các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước không thích nghi kịp, gặp khó khăn khi phải cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Bên cạnh đó, giảm mạnh thuế sẽ làm ngân sách giảm thu và hệ thống giao thông chưa đáp ứng kịp, chính vì vậy nên kéo lùi thời gian giảm thuế tới 2019.
Trong khi đó, thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có dung tích xi lanh từ 3.0L trở lên sẽ đẩy lên cao ngay 1/7/2016.
Cụ thể, với xe có dung tích từ 3.0-4.0L sẽ tăng từ mức 60% hiện nay lên 90%, xe từ 4.0-5.0L tăng lên 110%, xe từ 5.0- 6.0L tăng lên 130% và xe trên 6.0L tăng 150%.
Điều này khiến thị trường xe sang, siêu sang và siêu xe lên "cơn sốt". Nhiều người giàu có, đang tìm đến các đại lý tìm hiểu, đặt mua xe.
Một cửa hàng bán xe nhập khẩu trên đường Khuất Duy Tiến (Hà Nội) cho biết, hiện nhiều hàng đến tìm đến cửa hàng đặt mua xe Lexus các loại.
Nếu bây giờ khách ký hợp đồng đặt cọc thì tới tháng 3/2016 sẽ được nhận xe, còn chậm hơn nữa họ không dám hứa.
Mới đây, chiếc Phantom phiên bản đặc biệt có tên Lửa Thiêng được giới thiệu tại Việt Nam, có giá khoảng 60 tỷ đồng và khách đã đặt mua.
Theo tính toán, đến thời điểm sau 1/7/2016, giá bán về Việt Nam có thể tăng thêm 50% do thuế tiêu thụ đặc biệt tăng.
Chớp thời cơ này, nhà phân phối chính thãng thương hiệu Bentley và Lamboghini tại Việt Nam vừa quyết định giảm giá các mẫu xe Bentley và Lamboghini từ 1,5-2 tỷ đồng, tùy xe.
Một khách hàng tại TP.HCM đã trả 13,5 tỷ đồng cho chiếc Lamboghini Huracan Lp 610-4. Đây có lẽ là chiếc xe chính hãng đầu tiên được bán tại Việt Nam.
Theo nhà phân phối này, nếu đợi sau 1/7/2016, khi thuế thụ đặc biệt tăng thì giá chiếc xe này sẽ vào khoảng 20 tỷ đồng.
Họ đang hy vọng chiếc Lamboghini Aventador LP 700-4 và 2 chiếc Bentley Flying Spur W12, Continental GT W12 mui gấp sẽ gặp khách trong thời điểm từ nay tới khi thuế tăng.
Xe Ấn, Thái sẽ tràn ngập thị trường
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại với mức thuế TTĐB giảm mạnh, dòng xe có dung tích động cơ nhỏ, giá rẻ nhập khẩu sẽ tràn vào Việt Nam cạnh tranh với sản phẩm của các công ty sản xuất lắp ráp trong nước.
Trao đổi trên báo Pháp luật TPHCM, ông Minh, đại diện một diễn đàn mua bán ô tô, tính toán với mức thuế giảm như trên, ô tô loại dung tích nhỏ nguyên chiếc nhập khẩu từ khu vực ASEAN về Việt Nam giảm khoảng 2.500-4.000 USD/xe, còn xe nhập từ Ấn Độ giảm khoảng 1.500-2.500 USD/xe.
Chẳng hạn, giá bán của mẫu xe nhỏ bốn chỗ nhập từ Ấn Độ 9.000 USD, nếu thuế TTĐB giảm còn 25% (thay vì 45% như hiện nay) thì giá xe giảm tương ứng khoảng 2.000 USD/xe. Như vậy loại xe này khi bán ra thị trường dưới 20.000 USD. Đây là mức giá rất cạnh tranh đối với dòng xe sản xuất lắp ráp trong nước. Và khi đó hàng loạt mẫu xe nhỏ sản xuất tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ... sẽ tràn về Việt Nam.
Bày tỏ lo ngại trước tình trạng trên nhưng ông Trương Kim Phong, Giám đốc marketing Ford Việt Nam, nói: "Các công ty đã chuẩn bị trước khi mức thuế TTĐB điều chỉnh giảm, đồng thời tính trước các phương án sản xuất kinh doanh để có thể cạnh tranh với dòng xe giá rẻ. Bản thân công ty đang đẩy mạnh lắp ráp các dòng xe có động cơ nhỏ dưới 2.0 lít".
Một số hãng xe khác thì cho hay có thể thay đổi động cơ dung tích nhỏ để hưởng mức thuế thấp hơn nhưng công suất động cơ vẫn mạnh phù hợp với nhu cầu của người dùng. Thậm chí một số hãng đã lên kế hoạch xây dựng nhà máy sản suất lắp ráp các mẫu ôtô cỡ nhỏ động cơ dưới 2.0 lít như Hyundai Thành Công, Toyota Việt Nam, Mazda...
Theo ý kiến của một chuyên gia trong lĩnh vực này, giảm thuế TTĐB sẽ kích thích thị trường tiêu thụ. Nhưng cái quan trọng hơn là cần tạo ra cơ chế và chính sách hợp lý để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ ô tô.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Theo_Đời Sống Pháp Luật
Các dòng xe ô tô được giảm thuế nhập khẩu từ 1/1/2016 Theo biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi này, từ ngày 1/1 2016, Việt Nam sẽ cắt giảm 12 dòng thuế, trong đó có tới 11 dòng hàng ô tô... Theo Biểu thuế xuất khẩu - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế từ 1/1/2016 được quy định tại Thông tư số 182/2015/TT-BTC được Bộ Tài...