Giá xe hơi Việt Nam khó giảm sâu vào năm 2018
Năm 2018, khi thuế nhập khẩu nội khối ASEAN về 0%, mức giá sau thuế của một số dòng xe có thể giảm, tuy nhiên giá lăn bánh khó giảm vì thuế trước bạ có thể tăng kịch trần 18%.
Những tháng đầu 2017, thị trường ôtô Việt Nam chứng kiến cuộc cạnh tranh khốc liệt từ các “ông lớn”. Thaco nổ “phát súng” đầu tiên khi tuyên bố giảm giá mạnh các dòng xe Mazda. Mazda6 – một trong những mẫu xe bán chạy nhất của thương hiệu giảm tới 170 triệu đồng, xuống mức 840 triệu. Đây là điều mà những người lạc quan nhất về thị trường xe hơi Việt Nam cũng không ngờ tới.
Trước cuộc chiến do Trường Hải phát động, các ông lớn khác cũng buộc phải rục rịch giảm giá, điển hình như Honda CR-V giảm giá tới 150 triệu đồng, xuống mức thấp nhất từ trước tới nay, chỉ còn 1,078 tỷ với bản 2.4 AT – TG và 1,008 tỷ cho bản 2.4 AT.
Các hãng xe lớn tại Việt Nam đua nhau giảm giá đưa xe về giá trị thật. Ảnh: Enbac.
Trước đó, Mazda quyết định “ra chiêu cuối” khi hạ giá mẫu crossover ăn khách CX-5 xuống còn 840 triệu đồng. Nissan cũng không thể ngồi yên trước động thái của hai đối thủ nên mạnh dạn giảm giá X-Trail 125 triệu đồng, xuống còn 1,073 tỷ đồng cho bản cao cấp nhất X-Trail 2.5 SV 4WD. Toyota vốn là hãng “rất cứng” về chính sách giá cũng buộc phải giảm giá Camry tới 90 triệu đồng.
Bất chấp nỗ lực cạnh tranh bằng cách giảm giá của các hãng, doanh số toàn thị trường xe hơi ở Việt Nam vẫn đang giảm nhẹ. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam ( VAMA), tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 5/2017 giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia trong ngành, đã xuất hiện tâm lý chờ đợi trong đại bộ phận người tiêu dùng Việt Nam, bởi vào tháng 1/2018, thuế nhập khẩu các dòng xe nội khối ASEAN sẽ giảm về 0% so với mức 30% đang áp dụng.
Có nên mua xe vào lúc này?
Đại diện VAMA cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để mua xe bởi những mẫu xe phổ biến trên thị trường đã giảm giá đáng kể, ngang ngửa với mức trung bình trong khu vực. Lý giải về nhận định này, VAMA cho rằng đến năm 2018, không phải tất cả dòng xe đều đạt được tỷ lệ nội địa hoá 40% trong nội khối ASEAN để hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi từ 0-5%.
Ngoài ra, bên cạnh thuế nhập khẩu, giá bán xe hơi còn chịu ảnh hưởng của các loại thuế khác như TTĐB, phí trước bạ và các loại phí khác. Vì vậy việc giảm thuế nhập khẩu nhưng nếu tăng các loại phí khác thì giá xe cũng không thể giảm.
Ngược lại, nếu mua xe trong năm 2017, người dùng sẽ được nhận xe ngay, bởi lượng hàng tồn của các hãng còn khá nhiều, đáp ứng nhu cầu đi lại và kinh doanh, mang lại lợi ích để bù lại phần giá chênh lệch (nếu có).
Thuế có thể giảm nhưng giá lăn bánh xe hơi tại Việt Nam khó giảm do tăng thuế trước bạ. Ảnh: Enbac.
Để đẩy doanh số và đạt mục tiêu năm, nhiều hãng đang chấp nhận lời ít, thậm chí bán cắt lỗ, vì vậy các hãng đều đưa ra những chương trình ưu đãi, kích cầu. Nhu cầu thấp trong khi lượng cung hàng hoá nhiều, ngoài việc giảm giá, các hãng còn bổ sung những công nghệ mới để thu hút khách hàng.
Ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Mạnh Thắng, quản trị diễn đàn Otofun cho rằng: “Khi chính sách thuế giảm, đồng nghĩa với ngân sách bị thâm hụt. Chính phủ sẽ phải cân đối thu chi để đảm bảo cân bằng ngân sách. Vì vậy giá xe có thể giảm, nhưng tổng số tiền để sở hữu chiếc xe thì không thể giảm”.
“Mua xe thời điểm nào cũng được, miễn là chịu khó để ý tới các chương trình của hãng. Bởi vì năm 2018, khi chính sách thuế giảm theo lộ trình thì giá xe có thể giảm, nhưng người tiêu dùng không nên hy vọng bỏ ít tiền hơn để sở hữu xe hơi”, ông Thắng lưu ý thêm.
Anh Trần Văn Quân (Bình Thạnh, TP.HCM) mới sở hữu một chiếc Toyota Fortuner 2017 phiên bản máy dầu, tổng số tiền anh phải trả là 1.070 triệu đồng (giá xe 981 triệu và phụ kiện, phí trước bạ). Cũng như nhiều người mới mua xe, anh Quân không hề cảm thấy hối hận vì mua xe thời điểm này.
Video đang HOT
“Tôi mua xe phục vụ nhu cầu đi lại cho cả gia đình, cuối tuần thường về quê cách 150 km. Ngày thường không sử dụng tôi cho thuê lại, tính trung bình mỗi tháng được khoảng 15 triệu đồng. Nếu chần chừ chưa mua thì mình và cả gia đình vẫn phải chịu khổ thêm cả năm, mà số tiền cho thuê xe từ giờ tới lúc đó cũng đủ bù nếu xe giảm giá thật,” anh Quân nói.
Loại xe nào sẽ giảm giá vào năm 2018?
Khi được hỏi về việc giá xe năm 2018 sẽ thế nào khi xe thuế nhập khẩu CBU từ ASEAN còn 0%, đại diện VAMA khẳng định khó có biến động mạnh. Vị này nêu dẫn chứng, Nghị định 140/2016/NĐ-CP về phí trước bạ được Chính phủ ban hành áp dụng từ ngày 1/1/2017, từ năm 2018, quy định các địa phương có thể tăng phí trước bạ từ 10% như hiện nay lên mức 15%.
Đối với Hà Nội, phí trước bạ có thể tăng lên từ 17-18% thay vì mức 12% như hiện nay. Vì vậy, giá trước khi đăng ký có thể giảm nhưng mức giá lăn bánh thực tế của xe có thể không giảm, thậm chí tăng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý đầu năm 2017, các thành viên VAMA bán được 64.729 chiếc xe. Trong đó 14.460 chiếc nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia ASEAN (chiếm 22,3%).
Một số dòng xe dung tích nhỏ có thể giảm giá vào năm 2018. Ảnh: Hân Nguyễn.
Trong số xe nhập khẩu, lượng xe bán tải chiếm 25% (dòng này không thể giảm thuế thêm nữa). Như vậy tỷ trọng các mẫu xe nhập khẩu ASEAN có thể giảm vào năm 2018 là không nhiều, chưa tính tới các mẫu xe không đạt được tỷ lệ nội địa hoá trong khối ASEAN đạt 40%.
Cũng theo VAMA, nếu các chính sách thuế khác không biến động, những dòng xe nhập khẩu từ ASEAN có dung tích máy dưới 2.0 lít sẽ giảm giá. Mức giảm bao nhiêu phụ thuộc vào chính sách định giá và kinh doanh của từng hãng.
Nhìn chung, thị trường xe hơi Việt Nam vẫn rất tiềm năng. Phân khúc xe nhỏ A, B, C có mức giá tốt, phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dùng nên sẽ tăng trưởng nhanh. Các dòng CUV/SUV vẫn có chỗ đứng nhờ hợp thị hiếu và tiện dụng. Riêng phân khúc xe sang sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng bởi chính sách thuế nên sẽ tăng trưởng ổn định.
Thị trường xe hơi Việt Nam năm 2017 vẫn có thể tăng trưởng, tuy nhiên mức tăng phụ thuộc và chiến lược sản phẩm, giá bán của các hãng và tâm lý của người tiêu dùng
Thạch Lam
Theo Zing
Kịch bản nào cho thị trường ôtô Việt Nam 2018?
Thuế nhập khẩu về 0%, xe từ ASEAN sẽ tràn về nhưng khó có xe giá rẻ vào 2018. Trong khi đó, các nhà sản xuất ôtô nội lại đang nuôi tham vọng xuất ngược xe sang các nước Đông Nam Á.
Theo lộ trình của hiệp định thương mại tự do AFTA, 2018 là thời điểm thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Nam sẽ bằng 0%. Chính vì thế, 2017 được đánh giá là năm bản lề, chứng kiến nhiều biến động của thị trường ôtô trong nước.
Những chuyển động bước đầu cho thấy lượng ôtô nguyên chiếc nhập từ ASEAN đang tăng mạnh, với việc Thái Lan và Indonesia nổi lên là 2 thị trường cung cấp ôtô nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam trong 3 tháng đầu 2017.
Ngoài ra, thị trường ôtô Việt cũng đang chứng kiến những đợt giảm giá mạnh cho nhiều dòng xe, khiến người tiêu dùng nảy sinh tâm lý tiếp tục chờ đợi vì cho rằng giá ôtô sẽ còn rẻ hơn nữa trong năm 2018.
Làn sóng nhập khẩu ôtô ASEAN cũng ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước. Mặc dù vậy, những đơn vị có thị phần lớn và năng lực sản xuất mạnh như Trường Hải, Thành Công vẫn tiếp tục mở rộng nhà xưởng, dây chuyền, tăng công suất để đáp ứng nhu cầu cho không chỉ người dùng trong nước mà còn phục vụ tham vọng xuất khẩu ngược sang các nước ASEAN.
Ôtô nhập khẩu ASEAN: Tăng mạnh nhưng vẫn chiếm tỷ trọng thấp
Với việc thời điểm thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN về 0% đang đến gần, các liên doanh FDI lớn như Toyota hay Ford Việt Nam đều đang án binh bất động. Họ cho biết chưa thể hé lộ gì về những thay đổi trong chiến lược sản xuất, kinh doanh ở thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, hai doanh nghiệp nội là Trường Hải và Hyundai Thành Công không giấu giếm ý định tập trung vào sản xuất, lắp ráp ôtô bằng việc mở rộng quy mô, dây chuyền tại các nhà máy ở Chu Lai và Ninh Bình.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, hiện nay chi phí giá thành sản xuất ôtô ở Việt Nam cao hơn ở các nước, trong khi chất lượng không bằng. Khi thuế nhập khẩu giảm, các liên doanh có chức năng nhập khẩu sẽ không dại gì đi sản xuất. Thay vào đó, họ có thể tập trung cho kinh doanh bằng cách nhập khẩu xe về bán kiếm lời.
Nếu viễn cảnh xấu đó xảy ra, hàng nghìn công nhân đang làm việc tại các nhà máy lắp ráp ôtô đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Tệ hơn, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phụ trợ cũng sẽ đối mặt nguy cơ phá sản do bị thu hẹp thị trường.
Tuy nhiên, chuyên gia Ngô Trí Long nhận định công nghiệp ôtô Việt Nam không phải không có cơ hội phát triển nếu chính phủ đưa ra được chiến lược phát triển cụ thể, bài bản, kèm theo đó là các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ nền công nghiệp ôtô trong nước.
Lượng xe nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia trong tháng 2 tăng mạnh so với cùng kỳ 2016. Dữ liệu: Tổng cục Hải quan.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy lượng ôtô nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia ASEAN (Thái Lan và Indonesia) trong 3 tháng đầu năm 2017 là 14.460 chiếc, tăng 67,6% so với cùng kỳ năm 2016. Ngoài số ít xe thương mại, các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc chủ yếu là xe bán tải và xe du lịch.
Trong tổng số 64.729 xe bán ra trong 3 tháng đầu 2017 của các thành viên VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam), tỷ trọng của xe nhập khẩu từ ASEAN chiếm 22,3%. Nếu tính thêm doanh số của các hãng xe nằm ngoài VAMA, con số này ước tính thấp hơn nhiều.
Trong danh mục sản phẩm của Toyota Việt Nam hiện có 3 dòng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN gồm Fortuner, Yaris và Hilux. Doanh số 3 dòng xe này chiếm khoảng 25% tổng số xe Toyota bán ra tại Việt Nam trong quý I. Hai model bán chạy nhất của liên doanh này hiện đều được sản xuất trong nước, gồm Vios (4.152 xe) và Innova (3.193 xe).
Tỷ trọng các dòng xe nhập khẩu ASEAN bán ra tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm. Dữ liệu: VAMA.
Một liên doanh khác là Ford Việt Nam đang nhập hai dòng xe từ ASEAN là Ranger và Everest, trong đó Ranger hiện chiếm hơn 50% thị phần ở phân khúc bán tải. Các dòng xe ăn khách khác của Ford Việt Nam như Ecosport hay Transit đều được lắp ráp trong nước.
Doanh nghiệp nội nuôi tham vọng xuất khẩu xe
Trái ngược với các doanh nghiệp FDI, 2 nhà sản xuất ôtô nội có thị phần lớn nhất Việt Nam hiện nay là Trường Hải và Hyundai Thành Công gần như đang đứng ngoài cuộc chơi nhập khẩu xe từ ASEAN. Các sản phẩm của họ chủ yếu được lắp ráp trong nước hoặc nhập từ các thị trường khác như Hàn Quốc, Ấn Độ.
Nếu như các hãng khác rục rịch lên kế hoạch nhập khẩu thêm nhiều dòng xe từ ASEAN để hưởng ưu đãi thuế, thì Trường Hải và Thành Công lại đang nuôi tham vọng xuất khẩu ngược các sản phẩm lắp ráp ở Việt Nam sang các thị trường ASEAN.
Bước đi đầu tiên trong việc hiện thực hóa chiến lược này của Trường Hải là chi nửa tỷ USD để xây dựng nhà máy lắp ráp xe Mazda với công suất 100.000 xe/năm tại khu công nghiệp Chu Lai (Quảng Nam).
Cuối tháng 3 vừa qua, tập đoàn Hyundai cũng quyết định hợp tác với Thành Công để đầu tư xây dựng tổ hợp sản xuất lắp ráp ôtô Hyundai tại Việt Nam cũng như phục vụ thị trường ASEAN với quy mô công suất 160.000 xe.
Những nhà sản xuất lớn như Trường Hải, Hyundai Thành Công đầu tư mở rộng nhà máy, quy mô sản xuất để xuất ngược các mẫu xe sang thị trường ASEAN.
Theo đại diện của Trường Hải và Hyundai Thành Công, lý do khiến cả hai đầu tư vào sản xuất, lắp ráp ôtô là họ nhận thấy chính phủ vẫn quyết liệt và quyết tâm xây dựng nền công nghiệp ôtô Việt Nam.
Trong chuyến thăm và làm việc tại nhà máy của Hyundai Thành Công ở Ninh Bình đầu tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Một quốc gia có quy mô dân số 50 triệu dân trở lên đã xác định cần phải duy trì và phát triển công nghiệp sản xuất ôtô trong nước. Việt Nam chúng ta 93 triệu dân và đang tiến tới gần 100 triệu dân, tại sao chúng ta có thể bỏ công nghiệp ôtô?".
Người đứng đầu chính phủ cũng nhấn mạnh: "Công nghiệp ôtô phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của công nghiệp chế tạo, luyện kim, dịch vụ và đóng góp rất quan trọng vào các nguồn thu ngân sách quốc gia".
Trước làn sóng nhập khẩu với thuế suất 0% từ ASEAN, để khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển của nền công nghiệp ôtô trong nước, Trường Hải và Thành Công đã gửi tới chính phủ một loạt kiến nghị. Trong số này có đề xuất cắt giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0% trong giai đoạn đầu, các hàng rào thuế quan cần được ban hành để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và minh bạch trong kinh doanh, tránh những gian lận về nguồn gốc xuất xứ và thương mại.
Hai nhà sản xuất ôtô lớn nhất nước cũng kiến nghị chính phủ cần sớm ban hành các điều kiện trong kinh doanh ôtô nhằm tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh cho các nhà sản xuất ôtô trong nước.
Liệu có ôtô giá rẻ vào năm 2018?
Với thời điểm thuế nhập khẩu ôtô từ ASEAN về Việt Nam bằng 0% đang đến gần, nhiều người tiêu dùng đang kỳ vọng sẽ mua được những chiếc ôtô giá rẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên, liệu thực sự sẽ có ôtô giá rẻ ở Việt Nam hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Nhiều người dùng đang nuôi mộng mua ôtô giá rẻ trong năm 2018.
Đại diện Toyota Việt Nam cho biết việc xây dựng giá thành của mỗi chiếc xe dựa trên rất nhiều yếu tố mà các nhà sản xuất, phân phối luôn cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Toyota Việt Nam hiện không thể nói trước được việc giá xe 2018 có giảm hay không.
Đại diện Ford Việt Nam cũng khuyến cáo người dùng cần nhận thức rõ ràng rằng mức thuế nhập khẩu 0% chỉ được áp dụng với các xe nhập từ ASEAN và có hàm lượng nội địa hóa ở ASEAN lớn hơn hoặc bằng 40%. Các sản phẩm không đáp ứng điều kiện sẽ không được điều chỉnh thuế suất nhập khẩu. Do vậy, người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ nhu cầu sử dụng và khả năng đầu tư để có lựa chọn mua xe phù hợp.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong bối cảnh hiện nay, người Việt Nam không nên mơ có ôtô giá rẻ vì nhà nước không khuyến khích sử dụng ôtô cá nhân.
"Dù thuế nhập khẩu bằng 0%, giấc mơ xe giá rẻ sẽ khó thành hiện thực do cơ sở hạ tầng còn yếu kém. Bối cảnh nợ công lớn, bội chi ngân sách, các nguồn thu thâm hụt khiến các chính sách thuế, phí đối với ôtô cũng sẽ khó giảm ở tương lai gần", chuyên gia Ngô Trí Long nhận định.
Hân Nguyễn
Theo Zing
Ồ ạt giảm giá - cuộc chiến chưa từng có trên thị trường ôtô Việt Nam Mùa bán hàng gần Tết, các hãng xe liên tiếp giảm giá sâu để cạnh tranh với đối thủ, đi ngược triết lý truyền thống khi bước chân vào Việt Nam. Kết thúc 2015, doanh số xe con của Trường Hải là 42.231 xe, thua xa con số 49.778 xe của Toyota. Nhưng hết 2016, Trường Hải đạt 65.748 xe, trong khi Toyota...