Giá xăng thế giới giảm 40%, trong nước 23%
Riêng với giá xăng nhập khẩu tính đến hết tháng 9/2015 giảm khoảng hơn 40% so với cùng kỳ. Trong cùng thời điểm này, giá bán lẻ xăng trong nước đối với mặt hàng xăng RON 92 và RON 95 chỉ giảm tương ứng hơn 23%.
(Ảnh minh hoạ).
Giảm chậm hơn giá nhập
Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm do Trung tâm Thương mại và Công nghiệp (VITIC) mới công bố cho thấy, giá nhập khẩu mặt hàng xăng dầu trong tháng 9/2015 giảm thêm 8,02% so với tháng trước và giảm tới 43,18% so với tháng 9/2014. Tính chung 9 tháng đầu năm 2015, giá xăng dầu nhập khẩu giảm tới 38,30% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xăng dầu nhập khẩu ước đạt 3,95 tỷ USD, giảm 36,17% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng với kim ngạch 2,24 tỷ USD). Trong đó, do khối lượng nhập khẩu tăng làm kim ngạch tăng 3,45% tương ứng với kim ngạch 0,13 tỷ USD nhưng do giá giảm 38,30% làm kim ngạch giảm 2,37 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch xăng dầu nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2015 giảm so với cùng kỳ năm 2014 do giá giảm trong khi lượng tăng.
Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý, giá xăng dầu trong nước vẫn có mức giảm chưa tương xứng với giá thế giới.
Riêng với giá xăng nhập khẩu, tính đến tháng 9/2015 đã giảm 40,29% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 38,78% so với 9 tháng năm 2014. Trong đó, giá xăng RON 92 nhập khẩu từ Singapore ở mức 495 USD/tấn, giảm 86 USD/tấn so với tháng trước và giảm tới 396 USD/tấn so với tháng 9/2014. RON 95 ở mức 598 USD/tấn, giảm tới 460 USD/tấn so với tháng 9/2014.
Trong khi đó, cùng thời điểm này, giá bán lẻ xăng trong nước đối với mặt hàng xăng RON 92 và RON 95 chỉ giảm tương ứng hơn 23%.
Video đang HOT
Các mặt hàng dầu có mức giảm tương đối đồng nhất so với giá thế giới. Cụ thể, giá dầu diesel 0,05% nhập khẩu từ Singapore tính đến hết tháng 9 có giá 408 USD/tấn, giảm tới 374 USD/tấn so với tháng 9/2014 (giảm 48%). Dầu diesel 0,25% có giá 499 USD/tấn, giảm tới 373 USD/tấn so với tháng 9/2014 (giảm khoảng 43%). Trong cùng thời điểm này, giá các mặt hàng dầu giảm chậm hơn, ở mức khoảng 35%.
Tương tự, giá dầu Mazut nhập khẩu từ Singapore ở mức 324 USD/tấn giảm 264 USD/tấn so với tháng 9/2014 (giảm khoảng 45%). Trong cùng thời điểm, giá bán lẻ mặt hàng này trong nước cũng giảm gần tương ứng.
Giảm chậm vì gánh thuế phí
Đánh giá về giá xăng dầu, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, giá xăng khó có thể giảm sâu do phải gánh nhiều thuế phí và chi phí, vốn chiếm quá nửa so với giá gốc nhập về.
Cụ thể, hiện tính trung bình 1lít xăng RON 92 đang phải chịu khoảng 1.700 đồng tiền thuế nhập khẩu (thuế suất 20%); 1.000 đồng thuế tiêu thụ đặng biệt (thuế suất 10%); chi phí định mức hơn 1.050 đồng; lợi nhuận định mức 300 đồng; trích quỹ bình ổn 300 đồng; thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng; thuế giá trị gia tăng 1.600 đồng…
Từ tháng 5/2015, thuế nhập khẩu xăng dầu được điều chỉnh từ 35% xuống 20% theo cam kết quốc tế nhưng thuế bảo vệ môi trường lại tăng gấp 3 lần, từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít. Mặc dù cơ quan điều hành khẳng định điều này không ảnh hưởng tới giá xăng dầu trong nước nhưng với cơ cấu chiếm tới gần 17%, khoản thuế này cũng là điểm đáng lưu tâm.
Trao đổi về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh nói ngắn gọn: “ Giá xăng thế giới giảm không ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường Việt Nam mà phải qua các biện pháp hành chính. Đó là điều chúng ta cần xem xét”.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, dù khá khớp với xu hướng chung rồi nhưng giá mức lên xuống của giá xăng dầu vẫn không tương xứng với thế giới. “Nước mình giá xăng dầu không hoàn toàn theo giá thế giới bởi ngân sách phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ xăng dầu nên khi giá thế giới xuống mà các khoản thu tăng thì giá vẫn tăng thôi”, ông Phong nói.
Cơ chế quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện cũng được chuyên gia đánh giá là vận hành chưa ổn và gây nhiễu giá, dễ bị ăn gian, lạm dụng. Giới chuyên gia vẫn cho rẳng nên bỏ quỹ bình ổn bởi về bản chất quỹ này hoàn toàn không cần thiết và không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Dù gánh nhiều loại thuế phí nhưng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện giá xăng dầu của Việt Nam đã phù hợp với giá thế giới. Nếu so sánh với các nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng, thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam không phải ở mức cao.
Trả lời câu hỏi về việc có thể giảm bớt các chi phí để giảm giá xăng dầu hay không, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói: “Trong cơ cấu giá xăng hiệu có nhiều loại thuế phí, do đó, muốn tăng hay giảm đều được nhưng phải phù hợp theo tình hình thực tế. Chúng ta phải nhập về, giá thế giới bán cao thì mình bán giá cao, giá thế giới giảm thì bán thấp. Nếu thấp quá sẽ xảy ra tình trạng buôn lậu sang các nước khác như Lào, Campuchia”.
Phương Dung
Theo Dantri
Gánh quá nhiều thuế, phí: Giá xăng vẫn phù hợp?
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện giá xăng dầu của Việt Nam đã phù hợp với giá thế giới. Nếu so sánh với các nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng, thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam không phải ở mức cao.
Mặc dù giảm liên tiếp 5 lần gần đây, một số chuyên gia vẫn cho rằng, giá xăng có thể giảm sâu nếu không phải gánh quá nhiều thuế phí và chi phí, vốn đang chiếm quá nửa so với giá gốc nhập về.
Theo Bộ Công Thương, giá bình quân xăng dầu thế giới trong 15 ngày kể từ ngày 4/8 - 18/8 là 58,299 USD/thùng (1 thùng = khoảng 158 lít). Tính theo tỷ giá hiện tại, giá 1 lít xăng chỉ khoảng 8.300 đồng/lít.
Hiện, tính trung bình 1lít xăng RON 92 đang phải chịu khoảng 1.600 đồng tiền thuế nhập khẩu (thuế suất 20%); 1.000 đồng thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế suất 10%); chi phí định mức hơn 1.050 đồng; lợi nhuận định mức 300 đồng; trích quỹ bình ổn 300 đồng; thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng; thuế giá trị gia tăng 1.600 đồng...
Trả lời câu hỏi về việc có thể giảm bớt các chi phí để giảm giá xăng dầu hay không, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra chiều nay 4/9, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói: "Trong cơ cấu giá xăng hiệu có nhiều loại thuế phí, do đó, muốn tăng hay giảm đều được nhưng phải phù hợp theo tình hình thực tế".
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện giá xăng dầu của Việt Nam đã phù hợp với giá thế giới. Nếu so sánh với các nước trên thế giới, nhất là các nước láng giềng, thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam không phải ở mức cao. Thống kê từ 174 quốc gia và vùng lãnh thổ, trước lần điều chỉnh hôm 3/9, giá xăng của Việt Nam thấp thứ 47, thấp hơn so với Lào, Campuchia và Trung Quốc.
"Giá xăng dầu đang được điều hành bám sát với Nghị định 83 và diễn biến thị trường. Chúng ta phải nhập về, giá thế giới bán cao thì mình bán giá cao, giá thế giới giảm thì bán thấp. Nếu thấp quá sẽ xảy ra tình trạng buôn lậu sang các nước khác như Lào, Campuchia. Ngoài ra, cũng cần đảm báo vấn đề an ninh năng lượng trong bối cảnh giá liên tục giảm khiến doanh nghiệp không muốn nhập về nữa cứ nhập về bán lại lỗ", Thứ trưởng nói.
Mới đây, trao đổi với báo chí, đại diện Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục quản lý giá Nguyễn Anh Tuấn cũng khẳng định, thời gian qua hai Bộ Tài chính - Công Thương đã phối hợp rất nhịp nhàng trong việc điều hành giá xăng dầu. Giá xăng dầu được điều hành sát với biến động của giá thế giới, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng góp phần kiềm chế lạm phát, phát triển ổn định nền kinh tế vĩ mô...
Ông Tuấn cho rằng, các quy định hiện tại về chi phí kinh doanh xăng dầu định mức (1.050 đồng/lít với xăng; 950 đồng/lít với dầu diezel, dầu hỏa; 600 đồng/kg với dầu mazut) và quy định lợi nhuận định mức 300 đồng/lít,kg không phải là "ưu ái" cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu.
"Nếu so sánh với các ngành kinh doanh khác thì việc quy định về lợi nhuận định mức như vậy không phải là lớn. Ngược lại nó sẽ tạo ra sức ép đối với các doanh nghiệp tổ chức mạng lưới kinh doanh chưa hợp lý... có chi phí kinh doanh cao hơn chi phí kinh doanh định mức thì có thể có lợi nhuận ít, thậm chí không có lợi nhuận phải tích cực tổ chức lại hoạt động kinh doanh để mang lại hiệu quả", ông Tuấn nói.
Phương Dung
Theo Dantri
Thứ trưởng Tài chính: Quỹ bình ổn xăng dầu là cần thiết Đại diện Bộ Tài chính khẳng định, trong nhiều thời điểm nếu không có Quỹ bình ổn này, giá xăng dầu sẽ phải điều chỉnh tăng mạnh, gây áp lực lên mặt bằng giá cả. Trước luận trái chiều về sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại diện Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục quản lý giá Nguyễn Anh...