Giá xăng dầu mới nhất: Giá xăng sẽ giảm về mức 23.000 đồng/lít
Trường hợp cơ quan điều hành ngưng trích lập Quỹ Bình ổn, giá xăng dầu có thể được điều chỉnh giảm tiếp từ 800 – 1.200 đồng/lít.
Theo chu kỳ điều hành 10 ngày, từ ngày 11/8, liên Bộ Công Thương – Tài chính sẽ tiếp tục điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu trong nước.
Hiện nay, do lo ngại suy thoái kinh tế có thể làm giảm nhu cầu năng lượng, giá dầu thô Brent ngày 9/8 đã bị “đẩy” xuống còn hơn 93 USD/thùng, dầu thô WTI cũng đang lùi xa khỏi mốc 90 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tháng 10 đang ở mức 96,65 USD/thùng; Giá dầu thô WTI tháng 10 chỉ ở mức 90,76 USD/thùng.
Dữ liệu của Bộ Công Thương tính đến ngày 8/8 cũng cho thấy, giá xăng thành phẩm tại Singapore sau những ngày tăng trên 110 USD/thùng nay đã quay đầu giảm giá. Cụ thể, giá xăng RON92 chỉ còn 102,48 USD/thùng; xăng RON95 đang là 106,1 USD/thùng. Trong khi trước ngày 1/8 (kỳ điều chỉnh giá gần nhất), giá xăng RON92 tại Singapore là 110,631 USD/thùng; xăng RON95 là 114,456 USD/thùng. Với mức giá xăng thành phẩm tại thị trường Singapore như hiện nay đang thấp hơn giá bán lẻ hiện tại trong nước.
Giá xăng dầu trong nước có cơ hội giảm lần thứ 5 liên tiếp. Ảnh minh họa: KT
Nhận định từ một số DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, nếu giá dầu thô tiếp tục xu hướng giảm và căn cứ vào giá thành phẩm tại thị trường nhập khẩu, giá xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục giảm trong kỳ điều hành ngày 11/8. Mức giảm sẽ tùy thuộc vào việc cơ quan điều hành trích lập và chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Trường hợp cơ quan điều hành ngừng trích lập Quỹ Bình ổn giá, giá các mặt hàng xăng có thể giảm tiếp từ 900 – 1.200 đồng/lít; giá các mặt hàng dầu có thể giảm thêm từ 800 – 1.100 đồng/lít. Nếu cơ quan điều hành tiếp tục duy trì mức trích lập 800 – 950 đồng/lít như các kỳ trước, giá xăng dầu sẽ giảm ít hơn.
Với những nhận định trên, giá xăng dầu trong nước sẽ có kỳ giảm giá lần thứ 5 liên tiếp tính từ đầu tháng 7/2022. Từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã có 20 kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước với 13 kỳ tăng giá và 7 kỳ giảm giá. Đặc biệt, với 4 kỳ điều chỉnh giảm liên tiếp gần đây, giá mỗi lít xăng E5RON92 đã giảm 6.680 đồng/lít RON95-III giảm 7.279 đồng/lít; dầu diesel giảm 6.110 đồng/lít so với đỉnh điểm hồi tháng 6 vừa qua.
Video đang HOT
Trong kỳ điều hành gần nhất vào ngày 1/8, cơ quan điều hành đã giảm giá xăng E5RON92 444 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 462 đồng/lít; dầu diesel 0.05S giảm 950 đồng/lít; dầu hỏa giảm 713 đồng/lít; riêng mặt hàng dầu mazut giữ nguyên mức giá so với điều chỉnh ngày 21/7.
Thời điểm hiện tại, giá xăng E5RON92 đang là 24.629 đồng/lít; xăng RON95-III là 25.608 đồng/lít. Giá dầu diesel 0.05S tại các cửa hàng là 23.908 đồng/lít; dầu hỏa có giá bán 24.533 đồng/lít và dầu mazut 180CST 3.5S chỉ ở mức 16.548 đồng/lít/kg.
Nhờ việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường và giá dầu thế giới hạ nhiệt, trong hơn 1 tháng qua, giá xăng dầu trong nước đã có sự giảm sâu, kịp thời đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân sau dịch Covid-19.
Xăng dầu trong nước tới đây còn tiếp tục có thêm đa dạng nguồn cung khi từ ngày 8/8, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi.
Theo đó, Chính phủ điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%. Nghị định có hiệu lực từ ngày 8/8/2022.
Theo Bộ Tài chính, so với nhiều nước, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu ở nhiều nước hiện nay chủ yếu trong khoảng 40% – 55% đối với xăng và 35% – 50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn).
Trong khi đó ở Việt Nam, với mức thuế bảo vệ môi trường đang được giảm về mức sàn theo nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu vào khoảng 19,39% đối với xăng E5RON92, 21,95% đối với xăng RON95 và khoảng 11,05% đối với dầu diesel./.
Xăng giảm, hàng hóa không giảm: "Không nên làm ăn chộp giật!"
Một tháng qua, dù giá xăng dầu đã giảm từ mức cao kỷ lục gần 33.000 đồng/lít xuống mốc 25.000 đồng/lít nhưng các mặt hàng hóa đều không có chiều hướng giảm, thậm chí một số còn có xu hướng tiếp tục tăng.
Giá xăng liên tiếp giảm trong vòng 1 tháng qua . (Ảnh minh họa)
Kinh doanh phải có đạo đức
Mới đây, tại phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM lý giải, tình trạng giá xăng giảm sâu nhưng giá các loại hàng hóa, sản phẩm vẫn không chịu giảm theo giảm.
Giám đốc Sở Công thương cho rằng, trong cơ cấu giá cả hàng hóa, xăng dầu chỉ chiếm tỷ trọng không lớn. Việc giảm giá xăng dầu chỉ là điều kiện để điều chỉnh giá cả hàng hóa. Trong khi đó, nhiều hàng hóa đầu vào khác (như thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu...) đều tăng mạnh trong hai năm qua đã ảnh hưởng đến việc tăng giá chung. Do đó, để giữ ổn định thị trường thì các doanh nghiệp đang phải điều chỉnh nhằm tiết giảm chi phí giá thành.
Bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trước hết, do một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu, khi điều chỉnh giá giảm có thời gian, độ trễ để các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu tác động trực tiếp bởi giá xăng dầu, phải rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu giảm thời gian vừa qua.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, đồng tình với quan điểm độ trễ, nhưng ông cho rằng cũng có một số nguyên nhân khác khiên tình trạng giá xăng giảm mà giá hàng hóa không giảm. Bởi, giả sử doanh nghiệp giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan thì lại sợ rằng, sau này tăng lên lại cực kỳ khó, người dân có khi lại phản đối, không đồng tình.
"Tôi cho rằng đó là sự thận trọng nhưng không đủ thuyết phục, bởi rõ ràng là "nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống". Tôi đồng ý có độ trễ nhưng không thể là hàng tháng hay là đến mấy tháng được, mà rõ ràng chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay", chuyên gia Cấn Văn Lực nói.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, đến nay giảm giá xăng dầu khá mạnh, nhưng tình hình trên thị trường, giá cả đứng yên hoặc chỉ giảm đôi chút, thậm chí có mặt hàng còn lên. Vấn đề giá hết sức quan trọng, động chạm đến doanh nghiệp và người tiêu dùng.
"Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh dịch vụ cần xây dựng thương hiệu của mình, trong đó có thương hiệu về đạo đức, giao dịch, chia sẻ lợi nhuận hợp lý, không giành phần thắng cho mình. Các doanh nghiệp không nên làm ăn chộp giật", ông Phú nhấn mạnh
Tổng kiểm tra chuyên đề có khiến giá tiêu dùng "mềm" theo giá xăng?
Về vấn đề này, mới đây Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã có Công điện gửi Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Công điện nêu thực trạng những ngày qua, mặc dù giá xăng dầu trong nước đã bước đầu giảm nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của nhân dân.
Bộ Trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, triển khai đợt tổng kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về giá từ nay cho đến hết năm 2022.
Xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các hành vi vi phạm bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội trên địa bàn được giao quản lý.
Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trong cả nước tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Triển khai đợt cao điểm kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý, từ nay cho đến hết năn 2022.
Kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của giá cả thị trường hàng hoá nói chung và hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân nói riêng, đặc biệt là những mặt hàng lương thực, thực phẩm, thịt lợn, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phòng chống dịch, qua đó có những kiến nghị, đề xuất cụ thể về kiểm soát và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu.
Bộ Công Thương đề nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp cùng phối hợp chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi để lực lượng quản lý thị trường triển khai kịp thời có hiệu quả đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá. Tổng cục Quản lý thị trường và các đơn vị thuộc, trực thuộc khẩn trương, nghiêm túc thực hiện và báo cáo kịp thời.
Giá dầu trở lại ngưỡng 100 USD/thùng Giá dầu thô thế giới trở lại mốc 100 USD/thùng sau khi tổng thống Mỹ không đạt được cam kết dầu khí trong chuyến thăm Trung Đông. Theo dữ liệu của Trading Economics hôm 17/7, giá dầu Brent tiêu chuẩn thế giới hiện ở mức 101 USD/thùng, tăng hơn 2 USD/thùng, tương đương 2,08% so với 24 giờ trước đó. Vài ngày trước...