Giá xăng dầu hôm nay 15/12: Tăng mạnh nhờ kỳ vọng phục hồi nhu cầu tiêu thụ
Giá xăng dầu hôm nay 15/12, thị trường thế giới tiếp tục tăng khi thị trường chắc chắn về phục hồi nhu cầu dầu trong năm tới.
Dầu Brent lên mức 81,28 USD/thùng.
Giá xăng dầu thế giới
Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 15/12 (theo giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ tăng 1,75 USD, lên mức 75,73 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent tăng 2,5 USD, lên mức 81,28 USD/thùng.
Giá dầu tăng sau khi OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều dự báo nhu cầu phục hồi trong năm tới và do các đợt tăng lãi suất của Mỹ dự kiến sẽ giảm bớt cùng với lạm phát chậm lại.
Nhìn vào năm 2023, OPEC cho biết, họ dự kiến nhu cầu dầu sẽ tăng 2,25 triệu thùng mỗi ngày (bpd) trong năm tới lên 101,8 triệu thùng/ngày, với tiềm năng tăng từ Trung Quốc, nhà nhập khẩu hàng đầu thế giới.
Giá dầu WTI trên thị trường thế giới vào sáng 15/12 (giờ Việt Nam)
Còn IEA, nhận thấy nhu cầu dầu của Trung Quốc phục hồi vào năm tới sau khi giảm 400.000 thùng/ngày vào năm 2022, đã nâng ước tính tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2023 lên 1,7 triệu thùng/ngày với tổng số 101,6 triệu thùng/ngày.
Dữ liệu cũng cho thấy, giao thông đường bộ và đường hàng không ở Trung Quốc đã phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhưng nhà phân tích Stephen Brennock của PVM cảnh báo rằng mặc dù “Bắc Kinh nới lỏng các chính sách nghiêm ngặt về COVID-19 là một bước tích cực nhưng chỉ có thể kỳ vọng gia tăng nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc từ quý 2 năm 2023 trở đi”.
Chỉ số giá tiêu dùng của Hoa Kỳ tăng 0,1% trong tháng 11 sau khi tăng 0,4% trong tháng trước, đã tác động về việc tăng lãi suất chậm lại, từ đó có thể hỗ trợ giá dầu.
Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ dự đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản, chậm lại so với tốc độ 75 điểm cơ bản mà họ đã đạt được kể từ tháng 6.
Video đang HOT
Diễn biến giá dầu Brent trên thị trường thế giới vào sáng 15/12 (giờ Việt Nam)
Giá dầu cũng đang được hỗ trợ bởi sự cố rò rỉ và ngừng hoạt động của Đường ống Keystone của TC Energy Corp, vận chuyển 620.000 thùng dầu thô mỗi ngày của Canada đến Hoa Kỳ. Các quan chức cho biết việc dọn dẹp sẽ mất ít nhất vài tuần.
Gửi tín hiệu giảm giá, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 7,8 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 9/12, theo nguồn tin trích dẫn dữ liệu từ Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ, trong khi các nhà phân tích được Reuters thăm dò dự kiến sẽ giảm 3,6 triệu thùng.
IEA cho biết, tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ chậm lại trong năm tới nhưng vẫn ở mức cao 1,7% khi Trung Quốc phục hồi sau tình trạng kinh tế ảm đạm do COVID-19.
IEA dự đoán sản lượng dầu của Nga sẽ giảm 1,4 triệu thùng mỗi ngày vào năm tới, tiếp tục thắt chặt cân bằng khi mức trần giá do G7, Liên minh châu Âu và Úc áp đặt vào ngày 5 tháng 12 có hiệu lực nhằm hạn chế doanh thu của Moscow.
Các bể chứa tại Nhà máy lọc dầu Los Angeles của Marathon Oil, Mỹ (ảnh: Reuters)
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng ngày 15/12 được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 12/12 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương:
Cụ thể, xăng E5RON92 giảm 1.333 đồng/lít so với giá hiện hành, hiện chỉ còn 20.346đ/lít, thấp hơn xăng RON95-III 854 đồng/lít; Xăng RON95-III giảm 1.504 đồng/lít, về mức 21.200 đồng/lít.
Dầu Diesel 0.05S giảm 1.543 đồng/lít, còn 21.670 đồng/lít; Dầu hỏa còn 21.901 đồng/lít, giảm 1.661 đồng/lít. Riêng dầu mazut 180CST 3.5S giảm ít nhất, 937 đồng/kg, sau điều chỉnh là 13.016 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, Cơ quan điều hành giá thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 300 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít, dầu Diesel ở mức 800 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 500 đồng/lít, dầu mazut ở mức 500 đồng/kg.
Giá xăng mất cơ hội xuống 20.000 đồng/lít: Có nên duy trì quỹ bình ổn?
Nhiều chuyên gia kinh tế tiếp tục cho rằng nên đánh giá lại vai trò và sự cần thiết của quỹ Bình ổn giá (BOG) xăng dầu.
Với việc trích lập quỹ bình ổn cao trong ba kỳ điều hành gần đây khiến đà giảm giá xăng xuống 20.000 đồng/lít bị chặn lại. Điều này tiếp tục dấy lên những tranh luận xung quanh câu chuyện giữ hay bỏ Quỹ Bình ổn giá (BOG) giá xăng dầu, nhất là trong bối cảnh mặt hàng này bị cuốn vào cơn "bão giá" và Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đề xuất bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ.
Ai được hưởng lợi?
Trả lời VTC News ngày 14/12, chuyên gia kinh tế TS Bùi Trinh cho rằng quỹ bình ổn giá xăng dầu đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Diễn biến thị trường gần đây cho thấy quỹ BOG không còn phù hợp, nên cân nhắc việc tiếp tục duy trì hay để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
"Tôi không hiểu ai được lợi từ quỹ này. Người tiêu dùng thiệt, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng kêu. Khi doanh nghiệp và người dân nếu không được lợi gì từ việc trích lập và chi sử dụng quỹ BOG thì không nên duy trì quỹ", ông Trinh nói và cho rằng cần thiết phải có nghiên cứu đánh giá lợi ích từ việc trích lập và thực hiện quỹ BOG trong suốt thời gian qua với nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp.
Trong 3 kỳ điều hành giá gần nhất, quỹ bình ổn đã "ngăn" đà giảm giá xăng xuống ngưỡng 20.000 đồng/lít.
Theo TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), quỹ BOG đã tồn tại được hơn mười năm, có những đóng góp nhất định đối với việc giảm bớt sự biến động của thị trường xăng dầu.
Nhưng thực tế cho thấy, vai trò của quỹ BOG chỉ được thể hiện khi giá xăng dầu biến động ở phạm vi hẹp, trong thời gian ngắn. Nếu giá xăng dầu biến động mạnh, tăng giảm trong thời gian dài thì quỹ BOG gần như "hết phép".
"Tôi cho rằng có thể mạnh dạn bỏ quỹ BOG với xăng dầu vì đến thời điểm này, duy trì quỹ không còn phù hợp, tác dụng can thiệp đến thị trường là rất nhỏ, không đáng kể", chuyên gia nói.
Tương tự, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng quỹ BOG xăng dâu chỉ có tác dụng khi biên độ biến động giá xăng dầu thế giới thấp, ở phạm vi hẹp. Còn khi giá thế giới tăng giá mạnh, quỹ bình ổn bị âm thì sẽ gây khó khăn cho công tác bình ổn giá. Ngoài ra, quỹ này là trích tiền của dân, vây mà khi quỹ bình ổn âm, giá xăng dầu thế giới giảm thì người tiêu dùng cứ mỗi lít xăng lại phải gánh thêm vài trăm đồng nữa là hết sức vô lý.
Do đó, chuyên gia cho rằng quỹ này cần loại bỏ và thay thế bằng công cụ khác hữu dụng hơn, vừa phát huy được tối đa vai trò bình ổn giá xăng dầu vừa ngăn chặn được lạm phát.
"Bỏ cái "phao" chưa chuân đi để thay bằng cái "phao" khác. Tôi thấy rằng, ở các nước khác người ta xây dựng cái "phao" đó bằng hiện vật, tức là bằng dự trữ xăng dầu và việc này đã phát huy hiệu quả tốt", ông Phú nói.
Tuy nhiên theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), việc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu trong bối cảnh hiện nay là rất khó khi thị trường xăng dầu trong nước chưa thật sự theo kịp thị trường thế giới.
"Nhiều chuyên gia kinh tế và bản thân tôi cũng muốn bỏ quỹ này. Nhưng hiện nay chưa phải lúc, bởi nếu muốn bỏ quỹ BOG mặt xăng dầu, cơ quan quản lý phải có một cơ chế khác để điều chỉnh. Muốn giá xăng dầu vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường thực sự là một vấn đề lớn", chuyên gia cho biết.
Thay quỹ bình ổn bằng cơ chế dữ trữ quốc gia
Theo TS Vũ Đình Ánh, nhà nước có thể điều tiết giá xăng dầu thông qua chính sách thuế, phí nhưng về dài hạn thì phải có cơ chế dự trữ quốc gia. Muốn thị trường xăng dầu phát triển bền vững, góp phần ngăn chặn đứt gãy nguồn cung xăng dầu thì không thể không có dự trữ quốc gia.
Ông Ánh cho biết thêm, hiện nay chúng ta gần như không có dự trữ chiến lược về xăng dầu mà chỉ là dự trữ lưu thông để đảm bảo nguồn cung không bị gián đoạn trong vài ngày hoặc vài chục ngày. Nhiệm vụ này do đầu mối cấp 1, tức các nhà nhập khẩu xăng dầu đảm nhiệm. Bên cạnh đó, có một phần dự trữ tại các nhà máy lọc dầu, nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn hạn, chủ yếu liên quan việc kinh doanh.
Muốn thị trường xăng dầu phát triển bền vững, góp phần ngăn chặn đứt gãy nguồn cung xăng dầu thì không thể không có dự trữ quốc gia.
TS Vũ Đình Ánh
"Dự trữ quốc gia về xăng dầu là sự thay đổi chiến lược của ngành năng lượng quan trọng, để làm được cần nguồn lực tài chính rất lớn, phải có hệ thống kho lưu trữ, kỹ thuật bảo quản, xây dựng được cơ chế vận hành, quản lý hệ thống và liên quan đến an ninh quốc phòng... Vì thế cần xây dựng một chiến lược bài bản", TS Vũ Đình Ánh nói.
Tương tự, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng việc dự trữ xăng dầu là tất yếu và cần thiết cho cả Nhà nước cùng doanh nghiệp.
"Doanh nghiệp mà không có dự trữ thì sẽ không thể ứng phó với những biến động khôn lường về giá cả trong hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, hiện nay nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia quá mỏng", ông Long nói.
Ông Long cho biết thêm ở các nước, nguồn dự trữ xăng dầu của họ ít nhất từ 1-3 tháng, còn ở nước ta dự trữ được 5 - 7 ngày là quá mỏng. Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, vừa rồi chúng ta đã có chủ trương xây dựng nhà máy lọc dầu và kho dự trữ ở Vũng Tàu, với kinh phí khoảng gần 2 tỷ USD và làm trong vòng 2 năm. Nhưng theo ông Long, cần phải cân nhắc, tính toán xây dựng kho dự trữ ở mức độ nào là hợp lý, tránh lãng phí không cần thiết.
Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, ở một số nước, dự trữ xăng dầu lên tới hàng chục triệu lít xăng dầu. Khi giá xăng dầu thấp, họ mua vào để dự trữ, khi giá cao, họ lấy nguồn dự trữ ra để bình ổn giá. Nguồn dự trữ xăng dầu của họ có thể đáp ứng nhu cầu thị trường từ 3-6 tháng. Trong khi đó nguồn xăng dầu dự trữ ở nước ta hiện chỉ đáp ứng được khoảng 5 ngày là quá thấp.
"Việc xây dựng các kho lưu trữ xăng dầu phải được đầu tư và làm nhanh nhất có thể. Theo tôi, Nhà nước phải bỏ tiền ra xây các kho lưu trữ để có thể phục vụ nhu cầu thị trường trong vòng 3 - 6 tháng. Nguồn dự trữ này sẽ tăng khả năng đối phó với những diễn biến khó lường của giá thế giới", ông nói.
Giá xăng dầu hôm nay 12/12: Giảm mạnh cả thế giới và trong nước Giá xăng dầu hôm nay 12/12, thị trường thế giới tiếp xu hướng giảm, xuống mức dưới 80 USD/thùng. Còn thị trường trong nước dự báo giảm mạnh lần thứ 3 liên tiếp. Giá xăng dầu thế giới Theo Oilprice, giá dầu thế giới sáng ngày 12/12 (theo giờ Việt Nam) cụ thể là: Dầu thô WTI của Mỹ ở mức 71,28 USD/thùng,...