Giá xăng dầu hôm nay 12/10: Thị trường thế giới lao dốc hơn 3 USD/thùng
Giá xăng dầu hôm nay 12/10, thị trường thế giới tiếp tục giảm mạnh hơn 3 USD/thùng, dầu thô WTI ở mức 89,13 USD/thùng, giá dầu Brent là 94,62 USD/thùng.
Giá xăng dầu thế giới
Theo Oilprice, giá dầu thế giới sáng ngày 12/10 (theo giờ Việt Nam) cụ thể là: Dầu thô WTI của Mỹ giảm 3,33 USD, ở mức 89,13 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 3,36 USD, mức 94,62 USD/thùng.
Giá dầu giảm hơn 1%, kéo dài mức lỗ gần 2% trong phiên trước đó, do lo ngại suy thoái và bùng phát các vụ COVID-19 ở Trung Quốc làm gia tăng lo ngại về nhu cầu toàn cầu.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass và Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva đã cảnh báo về nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng tăng và nói rằng lạm phát vẫn sẽ tiếp tục.
Diễn biến giá dầu WTI trên thị trường thế giới rạng sáng 12/10 (theo giờ Việt Nam)
Bên cạnh đó, những lo lắng về nhu cầu tại thị trường Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Giá dầu cũng chịu áp lực từ đồng đô la mạnh, đạt mức cao nhất trong nhiều năm do lo ngại về việc tăng lãi suất và những diễn biến căng thẳng ở Ukraine.
Đồng đô la mạnh làm cho giá dầu đắt hơn so với các giao dịch bằng loại tiền tệ khác và có xu hướng cân nhắc về tỷ lệ rủi ro. Tuy nhiên, mức lỗ đã được hạn chế do thị trường thắt chặt và nhờ có quyết định vào tuần trước của OPEC , giảm mục tiêu sản lượng 2 triệu thùng/ngày.
Nga đã dần dần giảm bớt các dòng khí đốt qua Nord Stream và cũng qua các tuyến đường khác sau các lệnh trừng phạt của phương Tây. Khí đốt qua đường ống Nord Stream đã ngừng hoàn toàn vào tháng 9 năm nay.
Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là một trong những nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất, chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ sự gián đoạn nguồn cung và đặc biệt tích cực trong việc phát triển các kế hoạch bảo vệ các ngành công nghiệp và người tiêu dùng của mình.
Video đang HOT
Diễn biến giá dầu Brent trên thị trường thế giới rạng sáng 12/10 (theo giờ Việt Nam)
Bất kỳ hy vọng nào về thông qua mạng lưới Nord Stream nối lại các chuyến hàng đến Đức đã bị tiêu tan vào tháng trước do bị nghi ngờ phá hoại. Các quốc gia châu Âu cho biết họ đang nỗ lực tăng cường an ninh cho các cơ sở hạ tầng quan trọng sau khi các vụ nổ làm hư hỏng Nord Stream 1 và Nord Stream 2 dù Nord Stream 2 chưa bao giờ hoạt động nhưng đã đầy khí đốt và trong tình trạng sẵn sàng.
Dữ liệu từ CME Group cho thấy quyết định cắt giảm sản lượng khai thác dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác (OPEC ) vào tuần trước đã thúc đẩy một loạt hoạt động trên thị trường với phần lớn đứng về phía Hoa Kỳ chọn lập trường giảm giá.
Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch đối với hợp đồng dầu thô kỳ hạn của Mỹ đã tăng hơn 40% tính đến ngày 5/9, ngày diễn ra cuộc họp OPEC .
Chênh lệch giữa giá dầu Brent chuẩn quốc tế hết hạn vào tháng 12/2022 so với tháng 12/2023 đã tăng hơn 12% lên hơn 13 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 6, dữ liệu của Refinitiv Eikon cho thấy.
Nhà máy lọc dầu của Shell Energy and Chemicals Park Rheinland ở Đức (nguồn: Reuters)
Giá bán các mặt hàng xăng dầu tại thị trường trong nước ngày 12/10 được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 11/10 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương:
Theo đó, Liên bộ thực hiện trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON95 400 đồng/lít, dầu diesel 0 đồng/lít, dầu hỏa 0 đồng/lít và dầu mazut 708 đồng/kg.
Đồng thời, thực hiện chi Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng dầu diesel ở mức 200 đồng/lít và không chi Quỹ Bình ổn giá đối với các loại xăng dầu khác.
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92 không cao hơn 21.292 đồng/lít, xăng RON95-III không cao hơn 22.007 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 24.187 đồng/lít, nếu không chi Quỹ Bình ổn giá 200 đồng/lít, giá bán sẽ là 24.387 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 22.820 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.094 đồng/kg.
Hôm nay, giá xăng dầu dự báo tăng mạnh
Giá xăng dầu sau kỳ điều chỉnh hôm nay 11/10 dự kiến tăng, trong đó xăng tăng khoảng 300 đồng/lít, dầu diesel có thể tăng mạnh hơn 2.000 đồng/lít.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 6/10 tăng so với kỳ trước ở mức xăng RON92 là 91,84 USD/thùng, RON95 là 94,67 USD/thùng. Riêng dầu diesel tăng mạnh ở mức 134,38 USD/thùng. Trong khi đó, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới kỳ điều hành trước là 89,17 USD/thùng xăng RON92; 92,64 USD/thùng xăng RON95 và 119,68 USD/thùng dầu diesel.
Trên Oilprice, lúc 6h ngày 11/10, giá dầu WTI giao dịch mức 90,8 USD/thùng, dầu Brent ở mức 96,1 USD/thùng. Trong tuần trước, giá dầu Brent đã tăng 10%, còn giá dầu WTI tăng tới gần 15%. Đây là tuần tăng mạnh nhất của hai loại dầu trên kể từ tháng 3/2022. Nguyên nhân giá dầu thô toàn cầu tăng mạnh xuất phát từ việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết sẽ cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày. UBS Global Wealth Management nhận định với yếu tố này, giá dầu được dự báo sẽ lại vượt qua mốc 100 USD/thùng trong vài quý tới.
Thông tin đến VTC News, lãnh đạo các đại diện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu dự báo, kỳ điều hành giá hôm nay 11/10, giá xăng có khả năng tăng trở lại sau 4 lần giảm liên tiếp. Tuy nhiên, xăng chỉ tăng nhẹ còn dầu diesel sẽ tăng mạnh.
"Trong kỳ điều hành ngày 11/10, giá xăng dầu trong nước có thể tăng sau nhiều kỳ giảm do giá dầu thế giới xu hướng tăng trở lại. Mức tăng phụ thuộc vào diễn biến giá thế giới hai ngày tới đây và việc điều hành quỹ bình ổn giá (BOG)", lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói.
Người dân xếp hàng dài, ken đặc để chờ mua xăng tại Hà Nội tối 10/10.
Một số thương nhân kinh doanh xăng dầu cũng dự báo với diễn biến hiện tại, giá dầu diesel có thể tăng 1.900 - 2.200 đồng/lít, trong khi xăng tăng khoảng 300 đồng/lít. Nếu liên Bộ Công Thương - Tài chính chi quỹ bình ổn, giá mặt hàng xăng có thể giữ nguyên và dầu có thể tăng ít hơn.
Tại kỳ điều hành trước đó, giá xăng E5 RON92 giảm 1.049 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, bán ra không cao hơn 20.732 đồng/lít; giá xăng RON95 giảm 1.141 đồng/lít, bán ra không cao hơn 21.443 đồng/lít.
Trong khi, giá dầu diesel giảm 328 đồng/lít, bán ra không cao hơn 22.208 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 753 đồng/lít, bán ra không cao hơn 21.688 đồng/lít. Dầu mazut giảm 562 đồng/lít, bán ra không cao hơn 14.094 đồng/kg.
Nhà điều hành thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng E5 RON92 ở mức 451 đồng/lít, xăng RON95 ở mức 600 đồng/lít, dầu diesel ở mức 300 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít và dầu mazut ở mức 741 đồng/kg. Đồng thời, không thực hiện chi quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng dầu.
Hơn 100 trong tổng số 17.000 cửa hàng đóng cửa
Tối 10/10, Bộ Công Thương phát đi thông cáo cho biết trong những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố như TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk...
Tuy nhiên, hiện tượng này được đánh giá không phải phổ biến, do chỉ có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động.
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân chính của hiện tượng trên là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.
Nhiều doanh nghiệp đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ.
Ngoài ra, tình hình bão lũ vừa qua cũng ảnh hưởng một phần đến việc giao hàng của các doanh nghiệp, dẫn đến gián đoạn hoặc thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số địa phương.
Nhằm ổn định thị trường xăng dầu, Bộ Công Thương cho hay đã kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến xăng dầu, cũng như sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước (chi phí để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước trong công thức giá cơ sở) ở mức phù hợp với thực tế, giúp doanh nghiệp tạo nguồn.
Bộ khẳng định đã phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu trong nước, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp.
"Công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương. Do đó, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp", Bộ trưởng Tài chính khẳng định.
Ngày mai, xăng có thể tăng nhẹ, nhưng dầu diesel sẽ tăng 'sốc' Trong kỳ điều chỉnh ngày mai (11/10), giá xăng có thể tăng nhẹ, nhưng giá dầu, nhất là dầu diesel có thể tăng 'sốc'. Theo dữ liệu mới nhất được cập nhật bởi Bộ Công Thương, giá xăng dầu tại thị trường Singapore đã có đà tăng trở lại sau mấy phiên giao dịch gần đây. Đặc biệt, giá các loại dầu có...