Giá xăng dầu hôm nay 10/11: Lao dốc 3% khi dự trữ dầu tăng
Giá xăng dầu hôm nay 10/11, thị trường thế giới chìm trong sắc đỏ. Kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng hơn dự kiến đã đẩy 2 đầu giá dầu xuống ít nhất là 3 USD/thùng.
Giá xăng dầu thế giới
Theo Oilprice, giá dầu thế giới sáng ngày 10/11 (theo giờ Việt Nam) cụ thể là: Dầu thô WTI của Mỹ giảm 3.23 USD, xuống còn 87.98 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 3 USD, hiện ở mức 94.34 USD/thùng.
Các điểm chuẩn đã giảm khoảng 3% vào phiên hôm nay. Giá dầu giảm sau khi dữ liệu ngành cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng nhiều hơn dự kiến và do lo ngại rằng sự trở lại của đợt bùng phát COVID-19 ở nhà nhập khẩu hàng đầu Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu.
Diễn biến giá dầu WTI trên thị trường thế giới rạng sáng 10/11 (theo giờ Việt Nam)
Dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 5,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 4/11, theo các nguồn thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ, trong khi 7 nhà phân tích mà Reuters thăm dò ước tính trung bình rằng tồn kho dầu thô sẽ tăng khoảng 1,4 triệu thùng.
Trong một dấu hiệu giảm giá khác, dữ liệu của API cho thấy tồn kho xăng tăng khoảng 2,6 triệu thùng, so với dự báo của các nhà phân tích là giảm 1,1 triệu thùng. Trong khi đó, những lo ngại về nguồn cung vẫn còn.
Các chiến lược gia hàng hóa của ING cho biết: “Ngoài việc OPEC đang tiếp tục cắt giảm nguồn cung, nguồn cung dầu của Nga sẽ giảm khi lệnh cấm của EU đối với các sản phẩm thô và tinh chế của Nga có hiệu lực”.
Video đang HOT
EU sẽ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga vào ngày 5/12 và các sản phẩm dầu của Nga vào ngày 5/2, để trả đũa những hành động của Nga tại Ukraine.
Diễn biến giá dầu Brent trên thị trường thế giới sáng 10/11 (theo giờ Việt Nam)
E.ON, nhà điều hành mạng lưới năng lượng lớn nhất châu Âu, cho biết họ đã gần như cắt hoàn toàn giá trị cổ phần trong Nord Stream 1, phản ánh thiệt hại đối với đường ống khiến tài sản không thể hoạt động và nguyên nhân vẫn chưa được xác định.
Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đã bị hư hại hồi tháng 9, và cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt đã trở thành tâm điểm giữa phương Tây và Nga.
Cơ quan điều hành Liên minh châu Âu nói với 27 quốc gia thành viên tại một cuộc hội thảo ngày 7/11 rằng không thể tạo ra mức trần giá khí đốt sẽ không ảnh hưởng đến các hợp đồng dài hạn hoặc an ninh nguồn cung.
Bộ trưởng Tài chính Séc Zbynek Stanjura nói với các phóng viên: “Đức phản đối điều đó nhiều nhất… Nhiều thành viên ở châu Âu đang kiên nhẫn đàm phán với họ và cố gắng thay đổi quan điểm của họ”.
Máy bơm dầu tại mỏ Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc (nguồn: Reuters)
Stanjura nói rằng, cách tiếp cận chung của châu Âu sẽ rẻ hơn cho ngân sách quốc gia so với cách tiếp cận riêng lẻ, theo đó các nước giàu nhất sẽ ở vị trí tốt nhất để trợ cấp cho các ngành sử dụng nhiều năng lượng.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước sáng ngày 10/11 được áp dụng theo phiên điều chỉnh ngày 1/11 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương:
Cụ thể, giá xăng RON 95-III tăng lên mức giá 22.750 đồng. Xăng E5 RON 92 cũng lên 21.870 đồng. Đây là lần tăng giá liên tiếp thứ 3 của mặt hàng này từ giữa tháng 10 đến nay. Các mặt hàng dầu cũng tăng, dầu diesel 25.070 đồng/lít; dầu hoả 23.780 đồng/lít và mazut 14.080 đồng/lít.
Cùng với điều chỉnh giá, mức trích với xăng RON 95-III giảm từ 400 đồng về còn 300 đồng; dầu mazut giảm 208 đồng, về 500 đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng xăng trong nước đã qua 29 kỳ điều chỉnh, trong đó 16 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Ngày 8/11, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu, thời gian dự kiến áp dụng từ kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu ngày 11/11.
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhận định giá xăng dầu bán lẻ trong nước nhiều khả năng tiếp tục tăng mạnh trong kỳ điều hành tới do giá xăng dầu thế giới gần đây tăng mạnh cộng với việc chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu vừa tăng lên, dự kiến áp dụng từ 11/11.
Bộ Tài chính đề nghị tăng chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam tối đa thêm 660 đồng
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi Bộ Công Thương về việc điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu.
Bộ Tài chính đã thông báo về việc tăng chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam để tính giá cơ sở xăng dầu đối với nguồn xăng dầu nhập khẩu.
Cụ thể, xăng nền để phối trộn xăng E5RON92 là 640 đồng/lít; xăng RON95: 1.280 đồng/lít; dầu diesel 0,05S: 730 đồng/lít; dầu hỏa: 1.740 đồng/lít; dầu madut 180cst 3,5S: 1.290 đồng/kg.
Thời gian thực hiện được Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu áp dụng từ kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu ngày 11/11.
Đối với premium trong nước (các chi phí trong kinh doanh xăng dầu), chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng và chi phí kinh doanh định mức được sử dụng để tính giá cơ sở xăng dầu. Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu báo cáo chi phí thực tế phát sinh tại đơn vị.
Bộ Tài chính điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu từ 11/11. (Ảnh minh hoạ).
Theo tổng hợp thông tin và số liệu của các thương nhân đầu mối xăng dầu báo cáo về Bộ Tài chính, đối với premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng, các khoản chi phí này không phát sinh đột biến như khoản chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam.
Mặt khác, các khoản chi phí này mới được điều chỉnh tăng ngày 7/10/2022 và sẽ được tiếp tục rà soát, đánh giá theo định kỳ vào cuối năm 2022, thông báo áp dụng vào 10/01/2023. Vì vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi rà soát căn cứ trên báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và công bố điều chỉnh vào 10/1/2023 theo đúng quy định.
Đối với chi phí kinh doanh định mức, Bộ Tài chính cho biết, để đánh giá biến động tại thời điểm hiện nay, Bộ cũng đã đề nghị các thương nhân báo cáo tình hình thực hiện. Kết quả tổng hợp báo cáo của các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối cho thấy: Trong số 28 đơn vị gửi báo cáo thực hiện: Chỉ có 02 đơn vị báo cáo số liệu tăng chi phí kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 (Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, Công ty Dầu khí Nam Sông Hậu); 2 đơn vị báo cáo chi phí tăng nhưng do sản lượng tăng nên chi phí bình quân trên sản lượng giảm (Tổng công ty Dầu Việt Nam (giảm 6 đồng/lít), Công ty Anh Phát (giảm khoảng 136 đồng/lít); 3 đơn vị báo cáo không có biến động bất thường (Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ, Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam S.W.P); 21 đơn vị còn lại không có số liệu cụ thể về chi phí kinh doanh 9 tháng của năm 2022.
Bộ Tài chính cho rằng, trên thực tế, do tính chất của khoản chi phí này phụ thuộc vào khâu tổ chức vận hành của cả hệ thống từ công ty mẹ đến các đơn vị trực thuộc và một số tác động từ chính sách (lương, tiền thuê đất, tỷ giá...) nên phải sau khi năm tài chính kết thúc mới phản ánh được đầy đủ và mới có đủ cơ sở để rà soát đánh giá diễn biến.
" Thời gian tới, sau khi nhận được báo cáo kiểm toán chuyên đề về chi phí kinh doanh xăng dầu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi, nắm bắt cập nhật các số liệu, diễn biến để rà soát và công bố vào kỳ tiếp theo theo đúng quy định", văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.
Giá xăng dầu hôm nay 9/11: Giảm do lo ngại suy thoái toàn cầu, dầu WTI 91.21 USD/thùng Giá xăng dầu hôm nay 9/11, thị trường thế giới suy giảm do lo ngại suy thoái toàn cầu và COVID-19 tái bùng phát tại Trung Quốc. Giá xăng dầu thế giới Giá dầu thế giới được ghi nhận vào sáng ngày 9/11 (theo giờ Việt Nam) cụ thể như sau: Dầu thô WTI của Mỹ giảm 0.8 USD, xuống còn 91.21 USD/thùng,...