Giá trị địa chất, cảnh quan mũi Dù, núi Cấm: Cần được nghiên cứu, bảo tồn
Khu vực mũi Dù – núi Cấm, phường Ninh Hải, thị xã Ninh Hòa có nhiều giá trị về địa chất, cảnh quan nhưng chưa được nghiên cứu kỹ để đưa vào bảo tồn, khai thác hợp lý.
Ý nghĩa địa chất, cảnh quan
Theo ông Mai Văn Thắng (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Khánh Hòa), khu vực mũi Dù – núi Cấm còn khá hoang sơ, cảnh quan tự nhiên, các vách đá được cấu tạo bởi các lớp đá trầm tích bị uốn nếp rất đặc trưng nhô ra sát biển, xen kẽ với các mũi, bãi đá và 2 bãi cát kéo dài vài trăm mét. Về giá trị địa chất, trong các điểm lộ đá có các hóa thạch gỗ hóa đá và cúc thạch (ammonite), sinh vật chỉ thị của kỷ Jura cách đây khoảng 100 triệu năm.
Tuy nhiên, cho đến nay, có rất ít nghiên cứu về địa chất khu vực này. Do chưa được quản lý, các hóa thạch gỗ hóa đá (và cúc thạch kích thước lớn) đã bị khai thác bừa bãi từ nhiều năm trước. Mặt khác, hầu như chưa có công trình nào nghiên cứu đầy đủ về lịch sử địa chất khu vực này. Về giá trị cảnh quan, các mũi, bãi đá khá rộng với các hình dạng, cấu trúc kỳ lạ, đa dạng như các lớp đá dày mỏng, màu sắc, độ cứng, cấu tạo khác nhau…
Đặc biệt, các lớp đá uốn lượn đứng, nghiêng hoặc nằm khác nhau, liên tục thay đổi, tạo sức hút lớn đối với người lần đầu nhìn thấy. Hai bên mũi, bãi đá khá rộng là hai bãi cát dài 300m và 500m. Phía sau là núi Cấm sừng sững, cao hơn trăm mét với thảm thực vật là cây trồng của người dân và cây bụi. Nơi đây có cả cây phong ba mọc tự nhiên được phát hiện trên bãi cát. Toàn bộ khu vực là một mũi đất liền nhô ra giữa vịnh Vân Phong, phân chia bắc và nam vịnh có tầm nhìn cảnh quan tuyệt đẹp.
Núi Cấm tiềm ẩn nhiều giá trị cổ sinh vật học.
Ông Phạm Văn Thơm – Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Khánh Hòa cho biết, các nghiên cứu hóa thạch trong khu vực được phát hiện từ năm 1976 bởi Viện Hải dương học Nha Trang nhưng sau đó tạm dừng. Một thời gian sau, Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung có nghiên cứu về vấn đề này. Hiện tại, khu vực mũi Dù được giao cho một doanh nghiệp khai thác du lịch, núi Cấm được Bộ Quốc phòng quản lý.
Cần có hướng khai thác, bảo tồn
Liên quan tới những giá trị cổ sinh vật tại khu vực mũi Dù – núi Cấm, mới đây, Viện Hải dương học Nha Trang đề xuất tỉnh xây dựng đề tài nghiên cứu. Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Kỳ Hạnh – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đề tài có tầm vóc quốc gia nên Viện Hải dương học cần đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét.
Video đang HOT
Có thể nói, khu vực mũi Dù – núi Cấm đang sở hữu một tài sản vô giá. Trong đó, có 2 giá trị về hóa thạch và cảnh quan cần được nghiên cứu, bảo tồn. Nên chăng, tỉnh cần lấy ý kiến các nhà khoa học hay đề xuất với Trung ương nghiên cứu, có giải pháp hợp lý để bảo vệ, bảo tồn, khai thác hợp lý khu vực này nhằm phục vụ thế mạnh du lịch của tỉnh, cũng như ngăn chặn sự xâm hại từ bên ngoài đối với các giá trị cổ sinh vật hàng trăm triệu năm.
'Tai biến' di sản - nỗi lo ngành du lịch
Hiện nay, nhiều vùng di sản thiên nhiên tại nước ta đang có nguy cơ bị mất đi tính toàn vẹn của cảnh quan bởi những 'tai biến' địa chất ngày càng thể hiện rõ nét.
Mặt khác, việc bảo tồn hệ thống di sản địa chất và hạn chế tác động của tự nhiên đến di sản còn nhiều vấn đề khó khăn chưa thể giải quyết được.
Hòn Thiên Nga hiện nay đã bị trượt lở, gây ảnh hưởng đến toàn vẹn cảnh quan di sản.
Nhiều di sản đã và đang "tổn thương"
Một trong những vấn đề quan trọng trong công tác bảo tồn di sản thiên nhiên đó chính là duy trì và bảo tồn được tính toàn vẹn của các yếu tố cảnh quan và những thành phần cấu thành các cụm di sản. Tuy nhiên, tính toàn vẹn của nhiều di sản đang có nguy cơ không giữ được do ảnh hưởng một phần bởi các hoạt động địa chất, địa mạo.
Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) là di sản thiên nhiên có ý nghĩa rất quan trọng về giá trị thẩm mỹ và giá trị về địa chất. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nhiều khu vực đảo trên khu vực vùng vịnh đang chịu tác động do các hoạt động địa chất, gây nên tình trạng trượt lở.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, trượt lở đã làm mất một phần, thậm chí toàn bộ một số đảo trên vịnh, điển hình như các hòn 649 năm 2013, hòn Thiên Nga năm 2016... Ngay ở trong vùng vịnh, khi đi trên du thuyền, khách du lịch cũng nhận thấy rõ được nhiều đảo bị trượt lở, mất một mảng vách lớn dài và rộng cả trăm m2.
Ngoài ra, các đảo trên vịnh Hạ Long còn vấp phải tình trạng chênh vênh giữa biển do hoạt động xâm lấn, mài mòn của sóng biển ở chân đảo kéo dài qua hàng trăm năm, dẫn đến nguy cơ sụp đổ rất cao. Nhiều người dân sống tại khu vực này gọi những khu vực đảo bị "tai biến" địa chất ở đây là "những hòn đá đã mỏi".
Trả lời báo chí, ông Ngô Văn Hùng - Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết: "Không phải bây giờ chúng tôi mới nhìn thấy sự chênh vênh của những đảo đá ở đây. Nhất là những hòn đã gần như trở thành biểu tượng của Hạ Long như hòn Gà Chọi, hòn Đỉnh Hương, hòn Bút, hòn Con Cóc...".
Đã gần 14 năm trôi qua kể từ thời điểm hòn Phụ Tử (xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) gãy đổ, người dân nơi đây vẫn còn nuối tiếc, hoài niệm về "thời huy hoàng" của một danh thắng cấp quốc gia đã từng là điểm nhấn cho du lịch miền biển Tây Nam.
Đối với người dân sống ở khu vực này, hòn Phụ Tử được xem như một biểu tượng của biển cả, tình cha con, nghĩa làng, nghĩa xóm với nhiều câu chuyện cảm động được ghi lại trong dân gian. Biểu tượng từng gắn với cuộc sống người dân đột nhiên biến mất đã khiến cho nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng, sửng sốt.
Việc mất đi phần lớn cảnh quan của danh thắng cũng khiến hoạt động du lịch trong nhiều năm qua sa sút. Rất nhiều đề xuất về các phương án phục hồi hòn Phụ Tử đã được các chuyên gia đưa ra nhưng đều không thể thực hiện được bởi điều kiện tự nhiên, đặc điểm địa chất của khu vực này.
Cụm danh thắng từng được ví như "tiểu Hạ Long" ngày nay không còn được đầu tư phát triển như trước, trở nên đìu hiu. Người dân Kiên Lương vẫn mong chờ từ các chuyên gia, các cấp chính quyền đề ra một phương pháp nào đó có thể "hồi sinh" khu du lịch này.
Tình trạng trượt lở, xói mòn này cũng gặp ở nhiều địa điểm du lịch khác ở nước ta. Trước đó, trên bán đảo Sơn Trà, các hoạt động trượt lở, xói mòn diễn ra mạnh mẽ, chia cắt nhiều tuyến đường trên đảo và ảnh hưởng lớn đến các tour du lịch, đe dọa nguy hiểm đến các phương tiện tham quan trên đảo...
Nhiều hoạt động du lịch, đưa đón khách cũng phải tạm ngưng để đảm bảo an toàn và hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Công viên địa chất ở Hà Giang hay Đắk Nông cũng đang phải đối mặt với nguy cơ mài mòn, phong hóa từ các yếu tố tự nhiên, ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của cảnh quan.
Qua những ví dụ trên, có thể thấy, "tai biến" địa chất đã ảnh hưởng lớn đến tính toàn vẹn cảnh quan nói chung, mất đi một phần cả giá trị về địa chất và văn hóa mà di sản vốn có. Điều này ảnh hưởng lớn đến hoạt động phát triển du lịch và bảo tồn giá trị của vùng di sản; nguy cơ mất di sản là điều không thể không nghĩ tới.
Khó khăn hoạt động bảo tồn
Nếu những cảnh quan này chịu tác động tiêu cực từ phía con người như lạm dụng hoạt động du lịch, các hoạt động này có thể được điều chỉnh sao cho phù hợp nhằm bảo tồn tính toàn vẹn và cảnh sắc khu vực. Tuy nhiên, với những cảnh quan đang bị biến dạng do các hoạt động địa chất, công tác bảo tồn trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Các bảo tàng thực tế ảo là điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tương lai phát triển của ngành du lịch nói chung và là sự mất mát to lớn đối với cảnh quan trên thế giới. Điển hình như với trường hợp của hòn Phụ Tử, kể từ khi bị gãy đổ đến nay, khu vực này có lượng khách du lịch sụt giảm hơn hẳn, nhiều người đã không còn nhớ đến địa danh đẹp của vùng biển Tây Nam vốn mang màu sắc tương đồng với Tràng An hay Hạ Long.
Công tác bảo tồn đối với những di sản, cảnh quan du lịch chịu "tai biến" do hoạt động địa chất trước tiên cần bắt đầu với những nghiên cứu, khảo sát tình hình địa chất khu vực và tiến hành phân loại mức độ tác động địa chất đến địa mạo, cảnh quan hiện tại.
Trong quá trình này, các nhà khoa học cũng cần theo dõi thường xuyên các hoạt động địa chất, những đới đứt gãy vẫn duy trì đến nay để nắm rõ được mức độ và xu hướng vận động hay những thay đổi trong quá trình chúng hoạt động, từ đó đưa ra dự báo sớm.
Tuy nhiên, bởi đây là những hoạt động địa chất nên quá trình tiến hành nghiên cứu thường mất rất nhiều thời gian và công sức, có khi lên tới hàng chục năm. Trong khi đó, có những vận động kiến tạo xảy ra rất nhanh, có khi chỉ diễn ra trong vòng một vài năm.
Điển hình như tại khu vực Hạ Long, đã có rất nhiều nghiên cứu, khảo sát về đặc điểm địa chất, địa tàng khu vực này. Những nghiên cứu này được thực hiện trong hơn 100 năm qua bởi nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên hiện nay, dường như tốc độ nghiên cứu, khảo sát vẫn còn quá chậm so với tiến trình đứt gãy của các vận động kiến tạo ở khu vực này.
Có thể nói, đối với thiệt hại do địa chất gây ra, dường như vẫn chưa có biện pháp nào có thể khắc phục và đưa di sản về nguyên trạng ban đầu. Hơn nữa, công tác dự báo cũng rất khó khăn, tốn kém bởi các dị thường địa chất ngày một phức tạp, để đưa ra hướng giải quyết hiệu quả là điều bất khả thi. Bên cạnh đó, do tác động rõ rệt của biến đổi khí hậu toàn cầu, hoạt động thất thường của các yếu tố khí hậu và thủy văn cũng đe dọa đến sự tồn vong của địa chất di sản mà con người khó có thể can thiệp hoặc chỉ can thiệp được rất ít.
Hiện việc bảo tồn di sản ứng phó trước hoạt động địa chất vẫn chưa tìm được phương án lâu dài. Đề xuất được nhiều chuyên gia đồng tình là tăng cường kết nối mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế; chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực về bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực ứng phó với thiên tai và quản lý rủi ro thảm họa; đồng thời áp dụng công nghệ số hóa trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này sẽ giúp việc bảo tồn di sản tìm ra được hướng đi mới, hiệu quả hơn nhằm tránh ảnh hưởng của "tai biến" địa chất.
Tái quy hoạch để phục hồi di sản địa chất
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới chủ trương phục hồi hệ thống di sản địa chất bằng hình thức tái quy hoạch những mỏ khai thác, tạo nên những vùng mỏ địa chất phục vụ cho cả hoạt động nghiên cứu và du lịch.
Trên thế giới hiện có hơn 120 công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận. Sau khi gia nhập mạng lưới, hoạt động du lịch của các nước này đều phát triển vượt bậc. Điển hình như mỏ muối Wieliczka (Wieliczka Salt Mine) nằm ở TP Wieliczka trong Khu đô thị Krakow phía Nam Ba Lan khai thác từ thế kỷ 13 và hoạt động liên tục cho đến năm 2007.
Đây là một trong những mỏ muối hoạt động liên tục lâu đời nhất thế giới. Ngày nay nó được tái quy hoạch thành điểm đến du lịch và thu hút 1,2 triệu du khách hàng năm.
Áp dụng tại nước ta, cách làm này có thể sẽ giúp địa phương bảo vệ và khai thác hợp lý, bền vững các mỏ khoáng sản và khoanh vùng các di sản địa chất có giá trị khoa học cao phục vụ nghiên cứu và bảo tồn cho thế hệ sau.
Hà Trang
Khánh Hòa: Sớm tôn tạo di tích địa điểm lưu niệm tàu C235 Di tích địa điểm lưu niệm tàu C235 (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa - Khánh Hòa) được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2014. Nơi đây đã trở thành điểm tham quan, học tập và về nguồn của đông đảo người dân, du khách gần xa. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở hạ tầng, không gian cảnh quan...