Giá trị của nụ cười đối với sức khỏe
Theo Nguyễn Văn Vĩnh thì “người An Nam ta chuyện gì cũng cười”. Ấy thế mà không chừng ít bệnh. Bằng chứng là ngày xưa thiếu thốn hơn bây giờ, từ kỹ thuật chẩn đoán cho đến phương tiện điều trị nhưng đâu có bệnh viện nào quá tải?
Thầy thuốc ở Ấn Độ chắc cũng đồng ý như thế nên đã tán dương hết lời cho chuyện tập cười để bệnh chưa đến khó đến, bệnh đã vào nhà mau khoác áo ra đi. Chuyên gia ngành ung bướu ở Mỹ cũng đã chứng minh là hiệu quả của hóa trị nhanh hơn, mạnh hơn, dễ chịu hơn nếu bệnh nhi tối nào cũng cười hả hê nhờ xem phim chuột Jerry vờn mèo Tom tả tơi hoa lá.
Có vốn nào dễ hao mòn hơn sức khỏe, nhất là khi stress ở xứ mình còn lâu mới hết mốt? Thôi thì bước vào năm con Ngựa, để người người gần xa “trường đồ tri mã lực”, xin chúc độc giả của Người Lao Động:
Bắt đầu ngày mới với nụ cười lạc quan nhằm giữ cho dòng máu có độ loãng lý tưởng để đột quỵ, nhồi máu cơ tim không thể rình rập mình thông qua tác dụng trung hòa hoạt tính của các loại nội tiết tố được phóng thích một cách thặng dư từ tuyến giáp trạng, tuyến thượng thận trong tình huống stress.
Cười dòn trong bữa điểm tâm để tăng lượng kháng thể chống cảm cúm, nhất là những ngày trời buồn trời đổ lệ khiến người dễ cảm lạnh do phải lội nước về nhà.
Cười vui trong mỗi bữa ăn vì theo kết quả nghiên cứu ở Đại học Loma Linda, Mỹ, thực bào, tế bào có nhiệm vụ săn lùng và nuốt sống tế bào ung thư, được sản xuất nhanh hơn, nhiều hơn trong lúc cười khà.
Nụ cười luôn thúc đẩy tính sáng tạo (ảnh minh họa).
Cười cho thường trong lúc làm việc để ổn định huyết áp ngay lúc căng đầu. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Graz, nước Áo, đã chứng minh rằng người tập cười mỗi ngày vài lần, 4 tuần liên tục, có huyết áp ổn định hơn xa nhóm đối chứng không chịu nhe răng quên đời.
Video đang HOT
Bớt mỏng túi vì thuốc giảm đau nhờ nội tiết tố endorphin được phóng thích trong lúc cười cùng bè bạn, gia đình lúc cuối ngày, là chất tương tranh với các chất sinh đau trong thấp khớp, viêm thần kinh …
Luôn luôn sáng tạo trong công việc nhờ nội tiết tố dopamine, thành phần được tổng hợp trong lúc cười vui. Nhờ sự hiện diện của chất này, càng nhiều đợt trong ngày càng tốt, mà “tiếu nhân” gặp cảnh éo le nào cũng dư sức qua cầu.
Cung ứng dưỡng khí tối đa cho tế bào nhờ chuyển động hài hòa của nhiều bắp thịt, từ trên xuống dưới, từ cơ mặt xuống đến cơ thắt lưng; từ ngoài vào trong, từ cơ thành bụng cho đến hoành cách mạc để mạch máu, mô liên kết, da niêm… thêm phần dẻo dai. Gia chủ nhờ đó làm tới nơi chơi tới bến.
Cười càng lớn, cười càng lâu để hoành cách mạc, cơ quan còn có tên là trái tim thứ hai trong bụng, rung chuyển theo nhịp co thắt của khí quản. Lượng máu đến nội tạng nhờ đó gia tăng. Quy trình tiêu hóa và chức năng sinh lý được hưng phấn thấy rõ sau trận cười bể bụng.
Phòng bệnh bao giờ cũng an toàn, tiết kiệm và dễ dàng hơn chữa bệnh, nhất là khi thuốc tốt có sẵn không mất tiền mua. Có đáng lắm không khi chỉ bỏ công… cười!
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng
Theo VNE
Lợi ích của đậu nành đối với sức khỏe (phần 2)
Ai cũng biết rằng, từ những hạt đậu nành, người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn rất ngon. Và đặc biệt ai cũng biết đến giá trị dinh dưỡng của đậu nành, nhưng không phải trong chúng ta, ai cũng hiểu hết giá trị phòng chống bệnh tật của nó.
Ai cũng biết rằng, từ những hạt đậu nành, người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn rất ngon: Những miếng đậu hũ dùng để chiên, nấu; những chén tàu hũ nấu với gừng và đường thơm ngon, những ly sữa đậu nành mát lạnh... Ai cũng biết đến giá trị dinh dưỡng của đậu nành, nhưng không phải trong chúng ta, ai cũng hiểu hết giá trị phòng chống bệnh tật của nó. Dưới đây là các giá trị từ đậu nành (tiếp theo phần 1)
Đậu nành có tác dụng chống ung thư?
Nhiều cuộc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật cho thấy Genistein trong đậu nành có thể có tác dụng như một chất chống oxy hóa, làm giảm nguy cơ ung thư bằng cách giảm sự tổn thương tế bào và chất ức chế Protease Bowman-Birk trong Protein đậu nành cũng có thể ức chế sự khởi phát ung thư. Chất Daidzein trong Protein đậu nành, nếu được sử dụng với liều cao sẽ có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch, để phá hủy những chất có hại cho cơ thể, do đó có tác động lên việc giảm nguy cơ bị ung thư.
Tác động lên việc đáp ứng với Stress
Mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta đều có một tuổi thọ nhất định. Khi cơ thể bị Stress, những tế bào liên quan có khả năng tạo ra những chất đặc hiệu, có tác dụng bảo vệ chúng thoát khỏi sự kiểm soát của sự lão hóa, và sự chết đi của tế bào. Chất Genistein trong đậu nành đã giúp tạo ra các đáp ứng với Stress kiểu này trong tế bào.
Tác động chống phát triển mạch máu
Các bướu cần có sự cung cấp máu tốt để phát triển và có thể di căn khắp cơ thể. Nếu thiếu sự tân sinh mạch máu thì các bướu sẽ teo lại. Chất Genistein trong đậu nành có thể ức chế cả sự tân sinh mạch máu và những tế bào nội mô mạch máu.
Để kết luận, ung thư là một bệnh lý phức tạp, gồm nhiều giai đoạn xảy ra trước khi một khối bướu có thể phát triển và lan rộng. Ngày càng có nhiều nghiên cứu tìm xem bằng cách nào mà đậu nành và những Isoflavones, hoặc những thành phần nào khác của đậu nành có thể can thiệp vào các giai đoạn này, làm ngăn ngừa và giới hạn sự phát triển của ung thư. Qua nghiên cứu, người ta thấy Genistein có thể có tác động lên cả tế bào ung thư vú phụ thuộc nội tiết cũng như các tế bào ung thư không phụ thuộc nội tiết.
Tác động lên hệ xương
Tình trạng loãng xương ở phụ nữ gấp 4 lần đàn ông, do liên quan đến nồng độ Estrogen trong máu giảm xuống sau khi hết kinh nguyệt, do kiêng ăn uống để giữ dáng cho đẹp, nên dễ đưa đến gãy xương và tàn phế. Một trong những phương pháp được chấp nhận để giảm nguy cơ loãng xương ở phụ nữ mãn kinh là dùng Estrogen thay thế, nhưng phương pháp dùng nội tiết thay thế này đòi hỏi phải được khám xét sức khỏe kỹ lưỡng, bởi vì không phải ai, không phải với tình trạng sức khỏe nào cũng sử dụng nội tiết được. Do đó sự quan tâm lớn là tìm ra một phương pháp khác để duy trì sức khỏe của xương cho đại đa số phụ nữ mãn kinh.
Xương muốn chắc khỏe phải nhờ Calcium, nhưng điều quan trọng không phải là lượng Calcium đưa vào cơ thể, mà là cơ thể có giữ được Calcium lại đủ để làm cho xương chắc khỏe không? Qua nghiên cứu, người ta thấy rằng những phụ nữ dùng nhiều đạm động vật sẽ gây mất Calcium qua nước tiểu, do đó sẽ có nguy cơ gãy xương nhiều hơn là những phụ nữ dùng Protein thực vật. Nghiên cứu cho thấy rằng dùng Protein đậu nành, đặc biệt là Isoflavones có thể có tác động tốt lên đậm độ khoáng trong xương ở những phụ nữ mãn kinh mà không dùng Ostrogen thay thế. Khi tuổi thọ phụ nữ ngày càng cao thì 1/3 thời gian sống là nằm trong tuổi mãn kinh, nên vấn đề bảo vệ đậm độ khoáng cho xương là rất quan trọng, tránh được tình trạng loãng xương, đưa đến giảm tỷ lệ gãy xương.
Đận nành và những triệu chứng mãn kinh
Trong thời kỳ mãn kinh, phụ nữ thường hay than phiền về những triệu chứng khó chịu như: đau nhức, cứng khớp, mệt mỏi, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, nóng bừng mặt, đổ mồ hôi ban đêm, lạnh, bứt rứt khó chịu, rối loạn tiêu hóa...
Qua so sánh triệu chứng thời kỳ mãn kinh ở phụ nữ 3 nước Nhật, Mỹ và Canada, người ta thấy rằng phụ nữ Nhật có tỉ lệ các triệu chứng khó chịu thấp nhất. Phải chăng do ở Nhật, đậu nành là thức ăn được dùng phổ biến?
Nghiên cứu cho thấy rằng dùng Protein đậu nành có Isoflavones 2 lần/ngày sẽ cải thiện các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh. Dùng đậu nành có Isoflavones hoặc Casein sẽ làm giảm tỉ lệ triệu chứng đỏ bừng mặt ở phụ nữ mãn kinh.
Tóm lại: Hiệu quả của đậu nành trên các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh bước đầu cho thấy kết quả tốt. Tuổi thọ phụ nữ ngày càng tăng (65 tuổi vào năm 1940, tăng lên 79,1 tuổi vào năm 1996) thì làm sao để sống khỏe mạnh, giảm bớt được nguy cơ bệnh tim mạch, ung thư và các triệu chứng thời kỳ mãn kinh là vấn đề quan trọng. Việc sử dụng đậu nành trong khẩu phần ăn của phụ nữ Á Đông từ hàng ngàn năm nay rõ ràng đã không thấy có một tác hại nào, nếu chưa muốn nói là cơ hội có lợi: Vì vậy khuyến khích dùng đậu nành trong khẩu phần ăn hàng ngày là hoàn toàn nên làm.
Theo 24h