Giá tôm giảm, ngành thủy sản Sóc Trăng kêu gọi nông dân liên kết
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho rằng giá tôm bấp bênh là do nông dân nuôi nhỏ lẻ, ít chịu liên kết theo chuỗi sản xuất, gắn kết với nhà máy để tiêu thụ sản phẩm.
Ngày 7/8, Công ty TNHH Khánh Sủng ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tổ chức thu hoạch tôm thẻ nuôi theo mô hình ao bạt khép kín tại huyện Trần Đề. Một ao tôm kéo lưới được trên 10 tấn sau 110 ngày thả giống, kích cỡ đạt 25 con/kg.
Nói với Zing , ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng, cho biết hệ thống nuôi tôm công nghiệp của đơn vị áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, nên công nhân chỉ được về thăm gia đình khi kết thúc vụ nuôi. Nhờ lực lượng “3 tại chỗ” này, doanh nghiệp chủ động thu hoạch tôm để kịp cung ứng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất tôm đông lạnh xuất khẩu.
Theo ông Trần Văn Tuấn, trước khi xảy ra dịch Covid-19, tôm thẻ loại 25 con/kg giá thị trường trên 160.000 đồng/kg. Hiện, tôm loại này chỉ còn trên 150.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg.
Giá tôm giảm 10.000 đồng/kg
Một ngày trước, nông dân Trịnh Văn Hiếu (ngụ xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng), thu hoạch ao tôm thẻ kích cỡ 70 con/kg. Một thương nhân địa phương mua tôm của ông Hiếu với giá 85.000 đồng/kg.
Ông Hiếu cho biết ao tôm công nghiệp này nếu nuôi thêm 30 ngày nữa sẽ đạt kích cỡ khoảng 30 con/kg. Lý do nông dân này thu hoạch sớm đàn tôm thẻ gần 150.000 con trong dịch Covid-19 là nước bị “sụp tảo”, tôm lột vỏ chìm xuống đáy ao chết dần.
Nông dân 43 tuổi này nói rằng nghề nuôi tôm đang gặp khó khăn. Ông gặp khó không chỉ trong việc mua thức ăn và các loại thuốc thú y thủy sản do ảnh hưởng dịch Covid-19 mà còn khó bán sản phẩm.
Nông dân thu hoạch tôm ở Sóc Trăng trước thời điểm dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Minh Chí .
Do nhiều tỉnh phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, lực lượng thu mua tôm không thể đưa công nhân từ xã này sang xã khác để giúp nông dân. Đây là nguyên nhân nông dân bị người mua tôm ép giá, hoặc giá thấp vì chi phí vận chuyển tăng cao.
Video đang HOT
“Tôm loại 70 con/kg cùng kỳ năm trước tôi bán với giá trên 100.000 đồng/kg, nhưng hôm nay chỉ được 85.000 đồng. Nếu đòi giá cao hơn thì thương nhân không mua, mình còn thiệt hại nhiều hơn vì tôm đang rớt đáy”, ông Hiếu kể.
“Hôm qua tôi hỏi giá ở xã khác, thương nhân báo giá loại 70 con là 94.000 đồng, nhưng họ không qua xã của tôi mua tôm vì giãn cách xã hội, chốt không cho qua”, người đàn ông da sạm đen vì một nắng hai sương chia sẻ.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex VN), cho biết giá tôm giảm trên 10.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá tôm giảm là doanh nghiệp gặp khó khăn trong vận chuyển, chế biến, công nhân chỉ còn 30-40% so với bình thường.
“Chi phí cho công nhân làm việc ‘3 tại chỗ’ cao. Người lao động cũng khó chịu đựng hoàn cảnh ‘3 tại chỗ’ kéo dài, nên hết 4 tuần ‘3 tại chỗ’, số lao động này sẽ nghỉ bù”, ông Lực giải thích.
Tiêm vaccine cho đội thu mua tôm
Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng cho biết việc sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 khá tốt. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 đến nay doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do số lượng công nhân giảm nhiều, đến hơn một nửa vì họ không thực hiện được “3 tại chỗ”.
“Lúc đầu tính giãn cách 14 ngày nên công nhân về quê, bây giờ quay lên nhưng chốt kểm soát Covid-19 không cho qua. Công nhân muốn đi làm thì phải xét nghiệm, mà chốt không cho đi thì làm sao xét nghiệm. Nhiều người ở nhà lâu quá người ta không có tiền, còn doanh nghiệp thì đơn hàng bị ảnh hưởng”, ông Tuấn nói.
Từ những khó khăn phát sinh trong dịch bệnh, lãnh đạo doanh nghiệp thủy sản đề xuất chính quyền địa phương cấp giấy tờ cho nhóm thu hoạch tôm được đi liên xã. Nhóm này nên được xem xét tiêm ngừa vaccine Covid-19 sớm để đi thu mua tôm vì mặt hàng này cần phải thu hoạch nhanh nếu tôm có triệu chứng bất thường dưới ao.
Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho rằng nông dân nuôi tôm cần gắn kết với nhà máy để tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Xuân Trường .
“Sóc Trăng mạnh nhất là thủy sản, nên công nhân cần được tạo điều kiện đi lại để họ có thu nhập. Tôm thu mua không được thì tội nghiệp nông dân nhưng doanh nghiệp phải giảm mua 50% vì ít công nhân, đâu dám mua nhiều”, ông chủ của doanh nghiệp có trên 1.000 công nhân chia sẻ.
Bà Quách Thị Thanh Bình, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, cho biết dịch Covid-19 đã cho thấy những khó khăn của nông dân. Đó là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên gặp trường hợp vùng phong tỏa do dịch bệnh sẽ khó thu hoạch.
“Bà con không chuẩn bị được đội thu hoạch. Tình trạng này cho thấy vì sao ngành nông nghiệp liên tục vận động nông dân liên kết lại, thành lập tổ sản xuất”, bà Bình nhận định.
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, tỉnh thả nuôi 37.893 ha tôm, đạt 74% kế hoạch. Nông dân và các doanh nghiệp đã thu hoạch 12.777 ha, sản lượng 70.150 tấn. Diện tích tôm đang phát triển trên đồng khoảng 23.454 ha.
Toàn tỉnh Sóc Trăng có 22 nhà máy chế biến thủy sản, đủ năng lực tiêu thụ tôm sản xuất ra. Tuy nhiên, do nông dân nuôi tôm nhỏ lẻ và manh mún, nhiều nơi bán sản phẩm phải qua trung gian cò khiến giá không ổn định.
Vì vậy, 5 năm qua ngành thủy sản địa phương vận động nông dân liên kết chuỗi, gắn kết với nhau để có kế hoạch sản xuất, cùng thả giống, cùng áp dụng một quy trình, vừa sản xuất vừa bảo vệ môi trường, tôm chất lượng, an toàn thực phẩm. Khi đó, sản phẩm đầu ra của chuỗi sản xuất nhiều, ngành chức năng kết nối với các nhà máy chế biến để tiêu thụ tôm cho nông dân.
“Các tổ thu mua thì bên tôi đề nghị các địa phương thành lập từ các đội tự phát trước đây và đăng ký với UBND xã. Từ đó, xã biết hoạt động, lịch trình di chuyển của đội để tạo điều kiện tốt cho thu hoạch. Chúng tôi đang trình UBND tỉnh kế hoạch tiêm vaccine cho đội thu mua thủy sản”, bà Bình nói.
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Gỡ khó trong lắp thiết bị giám sát tàu cá
Với đường bờ biển dài 102 km, Thanh Hóa hiện có hàng nghìn phương tiện khai thác thủy sản; trong đó, có hơn 1.280 tàu cá có chiều dài trên 15 m.
Xác định việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên các tàu cá là giải pháp căn cơ nhằm quản lý, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, tỉnh Thanh Hóa đang đẩy nhanh tiến độ, gỡ khó trong lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.
Tàu thuyền tại cảng Cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN
Hiệu quả của thiết bị giám sát hành trình
Vừa trở về đất liền sau nhiều ngày đánh bắt trên biển, anh Phạm Gia Lâm, chủ tàu cá TH 91189 TS ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn được cán bộ Chi cục Thủy sản Thanh Hóa, Bộ đội biên phòng Sầm Sơn đến tận tàu để tuyên truyền, vận động lắp đặt thiết bị VMS. Đồng thời, phổ biến những quy định của nhà nước Việt Nam và thông tin về những quy định, hình thức xử phạt của các nước trong khu vực khi tàu cá đánh bắt vi phạm vùng biển.
Anh Phạm Gia Lâm cho biết: "Lâu nay tôi chưa hiểu hết những lợi ích mà thiết bị VMS mang lại nên cứ nấn ná chưa lắp. Nay được sự tuyên truyền vận động của lực lượng chức năng và sự hỗ trợ của tỉnh, tôi sẵn sàng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình để yên tâm hơn trong mỗi chuyến ra khơi".
Anh Dương Văn Thành, chủ 2 tàu cá TH 92168 TS và TH 92169 TS ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn vừa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Anh cho biết: "Chuyến ra khơi vừa rồi, tôi không trực tiếp đi theo tàu mà giao tàu cho thuyền trưởng và ngư dân. Nhờ có thiết bị VMS, dù ở nhà nhưng qua điện thoại, máy tính tôi có thể biết được tàu mình đang đánh bắt ở vị trí nào, có hoạt động hay không nên rất yên tâm khi phương tiện ra khơi. Bên cạnh đó, thiết bị này hay ở chỗ khi tàu ra đánh bắt gần vùng biển giáp ranh với nước ngoài lỡ có vi phạm sẽ có tín hiệu báo ngay cho anh em biết để quay tàu lại. Điều này rất thuận lợi cho ngư dân như chúng tôi".
Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản Thanh Hóa phối hợp với các Đồn Biên phòng tuyến biển, UBND các huyện, thị , thành phố ven biển làm việc trực tiếp với UBND cấp xã, phường tiến hành rà soát, xác minh tàu cá, đặc biệt là nhóm tàu có chiều dài từ 15 m trở lên thuộc diện phải lắp đặt thiết bị VMS.
Ban Chỉ đạo IUU tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu khẩn trương lắp đặt thiết bị (VMS) theo quy định. Đồng thời, đề nghị Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thuỷ sản, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề tăng cường quản lý, kiểm tra chặt chẽ các tàu này, kiên quyết không cho xuất bến đi khai thác, không cấp đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản khi chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Các Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc), Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn) và Lạch Hới (thành phố Sầm Sơn) đang trung nhân lực, thực hiện tháng cao điểm từ 1 - 30/8/2021 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), tổ chức kiểm tra, giám sát 100% tàu cá tại cảng và lập biên bản kiểm tra theo quy định. Kiên quyết không cấp giấy xác nhận kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác khi không đủ điều kiện đi hoạt động với những tàu cá không lắp thiết bị giám sát hành trình, không có giấy phép khai thác, không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, không đăng kiểm...
Hỗ trợ mua thiết bị giám sát tàu cá
Tính đến đầu tháng 8/2021, các tàu cá của Thanh Hóa có chiều dài 15 m trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS mới đạt gần 50%. Điều này đang gây khó khăn rất lớn đối với việc quản lý, giám hoạt động khai thác trên biển cũng như việc xác nhận nguồn gốc thủy sản. Bên cạnh đó, nhiều chủ tàu đã đăng ký nhưng chưa lắp đặt thiết bị VMS vì cho rằng giá thành lắp đặt sau khi trừ hỗ trợ của tỉnh vẫn còn cao, phải trả cho nhà cung cấp khoảng 10-15 triệu đồng/tàu. Một số chủ tàu cá đã lắp thiết bị VMS nhưng chưa trả hết số tiền mua thiết bị giám sát hành trình, ngoài 10 triệu đồng hỗ trợ của tỉnh nên chưa được kích hoạt thiết bị trên hệ thống giám sát hành trình của Trung ương.
Theo các chủ tàu cá, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là chi phí lắp đặt lớn, trong khi hiệu quả khai thác hải sản những năm gần đây khá bấp bênh. Ngoài ra, một số chủ tàu cá chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, tác dụng của thiết bị VMS đối với hoạt động khai thác trên biển cũng như trong hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển nên chưa tự giác lắp đặt.
Để hỗ trợ các chủ tàu cá, mới đây, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình cho chủ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên trên địa bàn tỉnh. Đối tượng được hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình và phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình tàu cá là tổ chức bao gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; hộ gia đình, cá nhân là chủ sở hữu hợp pháp tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên đăng ký tại tỉnh Thanh Hóa; trong đó, có cả các tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Tỉnh Thanh Hóa sẽ trích ngân sách tỉnh để hỗ trợ mua thiết bị giám sát hành trình là 10 triệu đồng/tàu cá và hỗ trợ phí thuê bao dịch vụ thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo hóa đơn thực tế nhưng không quá 300.000 đồng/tháng/tàu cá. Thời gian hỗ trợ sẽ kéo dài trong 3 năm kể từ ngày 1/1/2022 đến ngày 31/12/2024. Tỉnh Thanh Hóa cũng đang thực hiện xóa đăng ký các tàu cá chìm đắm, giải bản, hư hỏng hoàn toàn đồng thời tiến hành phân loại tàu cá không đảm bảo hoạt động đưa ra khỏi danh sách quản lý, yêu cầu chủ tàu cá ký cam kết không đưa tàu cá đi khai thác khi chưa lắp thiết bị giám sát hành trình.
Về phía Chi chục Thủy sản Thanh Hóa, Phó Chi cục trưởng Lê Văn Sáng cho biết: "Hiện Chi cục đang phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để ngư dân nhận thức rõ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá là cần thiết và bắt buộc trong giai đoạn hiện nay nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác thủy sản, người và tài sản của ngư dân. Để sớm hoàn thành việc lắp đặt theo đúng quy định, Chi chục Thủy sản Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với các địa phương ven biển và các ngành liên quan rà soát lại từng trường hợp cụ thể để có phương án giải quyết kịp thời đồng thời khẩn trương, kiên quyết việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với số tàu cá còn lại".
Dịch COVID-19: Kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản vào vụ Trong thời gian tỉnh Phú Yên thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19, nhiều loại nông sản đến kỳ thu hoạch khó xuất bán ra thị trường ngoài tỉnh. Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, huyện Tuy An đã đẩy mạnh hoạt động kết nối, hỗ trợ...