Giả thuyết sốc về vụ MH17: Chiến đấu cơ Ukraine bắn rơi?
Bộ phim tài liệu của BBC (Anh) nêu một số lý do giải thích vì sao chiếc MH17 phát nổ khi đang trong hành trình từ Hà Lan tới Malaysia.
Bộ phim tài liệu của Đài truyền hình BBC, dự kiến phát sóng trong tháng 5 tới đây đã hé lộ một cáo buộc gây sốc. Theo đó, đã xuất hiện các chứng cứ mới cho thấy vụ rơi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 của hãng Malaysian Airlines tại Ukraine có thể do máy bay chiến đấu Ukraine gây ra, thay vì một quả tên lửa bắn từ dưới đất lên.
Giả thuyết của BBC trái với kết luận điều tra chính thức, nói rằng MH17 bị tên lửa bắn hạ. Ảnh: Daily Mail
Chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 đã nổ tung và rơi xuống khu vực phía Đông Ukraine trong ngày 17/7/2014, làm 298 người thiệt mạng. Dù báo cáo chính thức nói rằng MH17 trúng tên lửa Buk do Nga sản xuất, bắn đi từ đất Ukraine, chương trình vẫn cho biết có nhân chứng nhìn thấy chiếc máy bay chở khách bị máy bay chiến đấu bắn hạ.
Cụ thể, nhân chứng Natasha Beronina nói trong bộ phim: “Đó là mùa hè, mùa thu hoạch mùa màng. Bất ngờ chúng tôi nghe thấy tiếng nổ lớn. Trước đó chúng tôi nhìn thấy khói đen và 2 chiếc máy bay, với chiếc nhỏ hơn giống như một món đồ chơi màu bạc. Một chiếc tiếp tục bay thẳng và chiếc còn lại thì đang bay đường vòng. Khi tiếng nổ xuất hiện, chiếc máy bay đó (chiếc đang lượn vòng) đã quay trở lại phía nó bay tới”.
Một nhân chứng khác thậm chí tuyên bố đã thấy chiếc máy bay nhỏ phóng tên lửa, trước khi tiếng nổ lớn xuất hiện.
Tờ Sunday Express cho hay phóng viên điều tra người Đức là ông Billy Six đã phỏng vấn hơn 100 nhân chứng để phục vụ bộ phim tài liệu. 7 trong số đó khẳng định họ đã thấy sự hiện diện của một máy bay chiến đấu.
Một số thậm chí cho rằng có 2 chiếc máy bay chiến đấu đã xuất hiện, với một chiếc bắn tên lửa không đối không và chiếc kia thì bắn pháo từ phía sau vào khoang lái MH17.
Video đang HOT
Tuy nhiên hướng giả thuyết này đã bị Vladislav Voloshin bác bỏ thẳng thừng. Ông là phi công lái máy bay chiến đấu Ukraine, bị xem như nhân vật đã bắn hạ MH17.
Trong cuộc phỏng vấn với Six, Voloshin nói rằng vào ngày MH17 bị bắn rơi, không quân Ukraine không thực hiện chuyến bay nào cả. Ngoài ra nếu có xuất kích, các máy bay Ukraine không mang tên lửa không đối không mà chỉ dùng tên lửa không đối đất, nhằm diệt các mục tiêu ở dưới mặt đất.
Một hướng giả thuyết nữa trong bộ phim có nói tới việc chiếc máy bay bị kích nổ theo một “chiến dịch khủng bố” do Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) ủng hộ. Theo đó, 2 quả bom đã được cài lên chiếc máy bay.
Cáo buộc này do nhà điều tra tư nhân Sergey Sokolov đưa ra. Theo ông, CIA đã được sự giúp đỡ từ lực lượng tình báo Ukraine và Hà Lan, để gài bom lên chiếc máy bay từ Hà Lan.
Vụ khủng bố nhằm tạo tiền đề cho hoạt động tăng cường cấm vận nhằm vào Nga và giúp tăng cường sự hiện diện của Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu, đặc biệt là tại Ukraine.
Gần 2 năm sau thảm họa MH17, thủ phạm cũng như động cơ của vụ bắn rơi máy bay này vẫn là một bí ẩn khi các bên tiếp tục cáo buộc lẫn nhau. Hồi tháng 10/2015, Ủy ban An toàn Hà Lan (DSB) từng công bố bản báo cáo điều tra thảm họa chiếc máy bay mang số hiệu MH17.
Tại buổi lễ công bố được tiến hành tại tại căn cứ không quân Gilze-Rijen thuộc miền nam Hà Lan, kết luận chính thức của Hội đồng An ninh Hà Lan về nguyên nhân vụ máy bay Boeing 777 rơi ở Donbass cho biết rằng, chiếc máy bay của Malaysia đã bị tên lửa 9M38 bắn hạ.
Phân tích chi tiết cho thấy, loại tên lửa này có trang bị phần đầu đạn 9N314M, bên trong chứa ngòi nổ và hai lớp mảnh sắt.
Kết quả điều tra của DSB trùng với kết luận của các chuyên gia thuộc Tập đoàn sản xuất tên lửa Nga PVO Almaz-Antey về việc chiếc Boeing 777 đã bị loại tên lửa 9M38, được sử dụng trong hệ thống phòng không Buk-M1- sản phẩm do chính họ làm ra bắn hạ.
Tuy nhiên, dù báo cáo điều tra Ủy ban An toàn Hà Lan khẳng định rằng, chiếc máy bay bị tên lửa Buk bắn rơi, nhưng họ không xác định hung thủ nào gây ra vụ thảm họa.
An Nhiên (Tổng hợp)
Theo_Báo Đất Việt
Uẩn khúc khó giải quanh cái chết của Alexander đại đế
Alexander đại đế qua đời ngày 11 tháng 6 năm 323 TCN. Cho đến nay, cái chết của nhà cầm quân lỗi lạc này vẫn là một bí ẩn.
Alexander Đại đế được đánh giá là một trong những danh tướng kiệt xuất của nhân loại khi chinh phạt được nhiều vùng đất trên thế giới. Tên tuổi của Quốc vương thứ 14 của nhà Argead ở vương quốc Macedonia (thời kỳ 336 TCN - 323 TCN) được xếp chung vào danh sách với những nhà cầm quân tài ba khác trong lịch sử như Napoleon Bonaparte, Julius Caesar và Thành Cát Tư Hãn.
Alexander đại đế qua đời năm 323 TCN tại cung điện của Nebechadnezzar II ở Babylon sau khi ông lên cơn sốt và rất nhanh sau đó, không thể nói năng và đi lại. Vị hoàng đế vĩ đại của thế giới cổ đại này lâm bệnh trong 12 ngày trước khi qua đời ở tuổi 32. Nguyên nhân cái chết của Alexander Đại đế đã trở thành câu hỏi lớn đánh đố giới chuyên gia trong hơn 2.000 năm qua. Nhiều giả thuyết về cái chết của Alexander Đại đế được đưa ra nhưng đều chưa được chứng minh.
Tiến sĩ Leo Schep - nhà độc học công tác tại Trung tâm Chất độc quốc gia ở New Zealand nhận định Alexander Đại đế không có khả năng bị đầu độc bằng thạch tín như một số giả thuyết. Bởi lẽ, nếu Alexander Đại đế bị đầu độc bằng thạch tín thì sẽ qua đời rất nhanh.
Alexander Đại đế qua đời năm 32 tuổi để lại một bí ẩn khó giải.
Thay vào đó, trong nghiên cứu mới của mình, tiến sĩ Schep lập luận rằng, veratrum album - một loại cây có độc họ lily, còn được biết đến dưới cái tên cây lê lư trắng hay cây lê lư giả có thể được sử dụng làm độc dược đầu độc Alexander Đại đế.
Đây là loại cây thường được người Hy Lạp để cho lên men sau đó sử dụng như là một phương pháp điều trị bằng thảo dược để người bệnh nôn ra các chất độc. Điều quan trọng hơn đó là veratrum album cũng có thể là nguyên nhân khiến Alexander Đại đế lâm bệnh trong 12 ngày trước khi qua đời.
Giả thuyết này khá trùng khớp với một ghi chép về cái chết của Alexander Đại đế của nhà sử học cổ đại Hy Lạp có tên Diodorus. Theo bản ghi chép đó, Alexander Đại đế nói rằng ông cảm nhận thấy cơn đau sau khi uống một bát rượu hỗn hợp để vinh danh Hercules.
"Dấu hiệu của việc bị đầu độc bằng vetratrum là sự bắt đầu đột ngột của cơn đau ở phần bụng trên và xương ức, có thể kèm theo cảm giác buồn nôn và nôn mửa. Kế đến là nhịp tim chậm, huyết áp giảm và yếu cơ. Alexander Đại đế đã có các triệu chứng tương tự khi lâm bệnh", trích nội dung trong bản nghiên cứu được đăng trên tạp chí y học Clinical Toxicology.
Tiến sĩ Schep đã nghiên cứu bí ẩn về cái chết của Alexander Đại đế trong hơn 10 năm sau khi ông được một nhóm tiếp cận, đề nghị phối hợp thực hiện một bộ phim tài liệu của BBC năm 2003. Tuy nhiên, tiến sĩ Schep lưu ý rằng mặc dù ông đã đưa ra một giả thuyết nhưng nguyên nhân thật sự dẫn đến cái chết của Alexander Đại đế vẫn chưa được chứng minh.
Một giả thuyết khác được đưa ra đó là Alexander Đại đế chết vì bệnh tật. Theo đó, nhà cầm quân lỗi lạc này qua đời có thể là vì mắc bệnh sốt rét hoặc thương hàn. Tuy nhiên cũng có người cho rằng Alexander Đại đế bị ám sát khi có nhiều kẻ thù muốn lấy mạng ông. Nhiều người được cho là có động cơ giết hại Alexander Đại đế như âm mưu giết cha giành vương quyền của con cái nhà cầm quân này hay tướng quân của Alexander Đại Đế không thực hiện bất cứ mệnh lệnh nào của nhà vua và từng tham gia nổi dậy.
Cho đến nay, rất nhiều giả thuyết về cái chết của Alexander Đại Đế được đưa ra và trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi. Tuy nhiên, tất cả chỉ đều là giả thuyết và không có ai có thể chứng minh được giả thuyết của mình là đúng hoàn toàn.
Tâm Anh (theo Independent, Topsecretwriters)
Theo_Kiến Thức
Nga ngừng hỗ trợ không quân, Syria sẽ hết sạch máy bay Sau khi tăng cường độ không kích do không quân Nga giảm lực lượng, liên tiếp 3 chiến đấu cơ Syria đã bị phiến quân bắn rơi trong vòng tháng rưỡi. Máy bay chiến đấu MiG-23 của không quân Syria 3 máy bay bị bắn rơi trong chưa đầy 2 tháng Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) vừa tuyên bố,...