Giả thiết về nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt ở miền Trung
Nước thải từ bờ đã phân hủy mạnh, làm cạn kiệt ôxy trong các tầng nước sâu; chất độc xyanua được sử dụng trong đánh bắt… có thể là những nguyên nhân khiến cá biển dọc 4 tỉnh miền Trung chết hàng loạt.
TS Vũ Thành Ca, Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học công nghệ (Tổng cục Biển và hải đảo) cho biết, thống kê chưa đầy đủ từ đầu năm đến nay có hơn 30 vụ cá biển chết hàng loạt trên thế giới, chủ yếu liên quan đến môi trường biển. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, như: sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, rò rỉ chất ô nhiễm, bùng phát của tảo độc do phú dưỡng, cạn kiệt ôxy do phân hủy chất hữu cơ trong tầng nước sâu, dịch bệnh do vi trùng, virus hoặc ký sinh trùng…
Đối với khu vực biển không sâu, chất ô nhiễm hữu cơ được thải ra từ bờ sẽ không được pha loãng nhanh. Nếu nhiệt độ nước biển tăng mạnh, quá trình phân hủy chất hữu cơ sẽ diễn ra nhanh, lượng tiêu thụ ôxy sẽ lớn. Sự đốt nóng bề mặt sẽ tạo ra sự phân tầng mật độ nước biển rất mạnh, nếu gió không mạnh, sóng mặt không đủ để tạo ra sự xáo trộn nước, sẽ khiến nước ở các tầng dưới mặt bị cạn kiệt ôxy, làm chết cá.
Cá biển khu vực gần bờ Bắc Trung Bộ chết vào ngày từ 14 đến 18/4 là những ngày nắng nóng và biển khá lặng nên gió từ bờ thổi ra biển không đủ tạo ra sự xáo trộn mạnh mẽ của nước biển. “Vì vậy, lý do khiến cá biển chết hàng loạt có thể là do nước thải từ bờ đã phân hủy mạnh, gây nên cạn kiệt ôxy trong các tầng nước dưới mặt”, ông Ca nói.
Cùng quan điểm trên, nhưng tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, từng làm việc ở Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ rõ hơn nguồn chất thải khiến môi trường biển bị biến động đột ngột khả năng cao có nguồn gốc từ khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh). “Chất độc theo dòng nước tràn ra biển, sau đó theo dòng hải lưu lan sang vùng biển khác”, ông Dũng nói và cho biết đây lần đầu Việt Nam ghi nhận trường hợp cá lớn ở tầng sâu chết nhiều như vậy .
Cá chết nhiều khiến nhiều người miền Trung hoang mang. Ảnh: Đức Hùng.
Theo chuyên gia thủy sản Bùi Quang Tề, thông thường môi trường biển ô nhiễm khiến tảo “nở hoa”, lấy hết ôxy khiến cá chết. Nhưng ở vùng biển miền Trung tảo thậm chí không thể phát triển thì chứng tỏ mức độ ô nhiễm quá trầm trọng. Năm 2001-2002 ở vùng biển Ninh Thuận và Bình Thuận từng có hiện tượng thủy triều đỏ, còn gọi là tảo “nở hoa” do ô nhiễm trong phạm vi dài 25 km và rộng 5 km khiến cá, tôm nuôi lồng bè chết hàng loạt. Sau đó hàng loạt vùng biển khác cũng có hiện tượng này.
Trong khi đó, một chuyên gia về tài nguyên biển khuyến cáo đơn vị chức năng cần xem trong cá có xyanua không. Đây là chất chất độc được sử dụng làm phương tiện đánh bắt bằng cách tác động lên hệ thần kinh của cá và như liều thuốc an thần khiến việc đánh bắt dễ dàng hơn. Trước đây Philippines từng yêu cầu Trung Quốc không được đánh bắt cá bằng việc sử dụng chất này.
“Với kinh nghiệm của tôi, cá ở rặng đá, san hô rất khỏe và tôi nghĩ chất độc như xyanua đã khiến chúng chết”, ông nói.
Một vài nguyên nhân khác được các nhà khoa học đưa ra như chất thải từ giàn khoan mà trước đây Trung Quốc từng đặt ở cửa vịnh.
Dù đưa ra nhiều giả thiết về nguyên nhân cá chết, nhưng các chuyên gia thủy sản, môi trường biển vẫn cho rằng để vụ việc được làm rõ, giới chức cần lấy mẫu nước ở các tầng tại nhiều địa điểm và phân tích, xác định mức độ, thành phần chất gây ô nhiễm. Ngoài ra, lực lượng chức năng phải kiểm tra cơ sở sản xuất, trung tâm dân sinh trên bờ có khả năng xả thải, gây ô nhiễm nước biển.
Hiện tượng cá chết lần đầu tiên được ghi nhận ở các lồng bè nuôi trên biển, gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vào đầu tháng tư. Sau đó cá biển tự nhiên, cá nuôi lồng bè và cá hồ ven biển của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế đồng loạt chết. Mỗi ngày, ngư dân xã ven biển thu gom được hàng tấn cá chết, mỗi con trọng lượng từ vài lạng tới 50 kg.
Không ăn cá chết
Video đang HOT
Trong khi chờ kết quả xác định nguyên nhân làm hải sản chết bất thường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người dân miền Trung không được sử dụng cá chết làm thực phẩm dưới mọi hình thức. Bộ cũng yêu cầu địa phương khẩn trương thu gom cá chết và tiêu hủy theo quy định để hạn chế ô nhiễm môi trường; tổ chức tuyên truyền người dân không hoang mang, hướng dẫn phân biệt cá chết bất thường với cá khai thác trên biển và cá nuôi.
Bộ cũng yêu cầu các địa phương phối hợp các cơ quan chuyên môn lấy mẫu, xác định nguyên nhân cá chết, đề xuất giải pháp khắc phục.
Phạm Hương
Theo VNE
Ngư dân gác chèo, treo lưới vì họa 'cá chết'
Chuyến đi biển dự kiến kéo dài thêm 2 ngày, nhưng nghe người nhà gọi báo cá chết, giá rớt thê thảm, ông Lộc (Cửa Tùng, Quảng Trị) đành thu lưới, trở về.
Sáng 21/4, hàng chục thuyền cá và thúng chai neo đậu ở cảng cá Cửa Tùng (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Không khí vắng vẻ như đang trong mùa mưa bão. Phía cửa biển, hàng dài thuyền cá nối đuôi vào bờ.
Mớ cá gần 10 kg của ông Hưng không bán được, phải mang về nhà ăn dần. Ảnh:Hoàng Táo
Bỏ biển vì cá chết
Ngư dân Nguyễn Văn Lộc (trú thị trấn Cửa Tùng) vừa cập bờ với ít cá mú, hồng, chai, thiều... Vẻ mặt buồn bã, ông Lộc cho biết chuyến biển ra Cồn Cỏ dự kiến kéo dài 5 ngày, nhưng phải vào bờ sớm hơn 2 ngày.
"Hôm qua nghe gia đình gọi ra báo cá biển chết nên giá xuống, không ai mua, đành thu lưới vào bờ", ông Lộc nói. Với chiếc thuyền 12CV, ông Lộc cùng bạn thuyền chọn vùng biển Cồn Cỏ để đánh bắt. Mỗi chuyến đi 5-6 ngày ít nhiều mang về cho họ nguồn thu 5-20 triệu đồng.
Trước tình trạng cá chết, ông Lộc phải tạm nghỉ đánh bắt vài ngày, "chờ tạm lắng và thêm thông tin rồi mới trở ra biển". Vợ ông Lộc cho biết thêm, giá cá xuất khẩu rớt xuống còn một nửa, trong khi cá chợ không ai mua. "Giờ cá đặc sản mà bán rẻ mạt như cá thường", bà nói.
Xách mớ cá gần chục kg lên bờ, ngư dân Lê Văn Hưng cho hay thường vợ vẫn mang đi bán ở chợ, nhưng nay không ai mua nên mang về ăn. "Nhiều thế này cũng chưa biết làm gì cho hết, nhưng cứ mang về nhà đã", ông Hưng nói.
Thường ngày, ông Hưng đi biển bằng thúng chai lúc rạng sáng. Lưới cá được thả từ hôm trước, ông ra thu lưới rồi trở về lúc 9-10h. Giờ cá không ai mua, ông đành thu lưới, gác chèo tạm nghỉ.
Nhiều ngư dân kéo lưới lên bờ, tạm nghỉ chờ qua họa "cá chết". Ảnh: Hoàng Táo
Vùng cá chết nằm gần bờ chừng 2-3 km, mực nước biển sâu 20 mét. "Vùng này bình thường nước trong veo, nhưng mấy ngày gần đây thấy sậm màu, nước lạ", ông Lộc thông tin và nói thêm vùng đánh cá của ông nằm ngoài khơi xa, hoàn toàn không có hiện tượng cá chết nhưng cũng phải chịu chung cảnh ngộ.
Một số ngư dân cho hay nhiều loài cá như chai, thiều... ngày thường sống ở tầng đáy rất khó đánh bắt, nay thả lưới được rất nhiều do cá bơi lên các rặng đá.
Theo ông Nguyễn Văn Phú, Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng, thông tin cá chết chưa rõ nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến đời sống ngư dân. Nhiều tàu đánh bắt ở vùng biển không có cá chết cũng bán không được. Những ai đã ra biển những ngày qua đều kéo lưới trở về bờ.
Tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), nơi đầu tiên phát hiện cá chết vào đầu tháng tư, nhiều ngư dân cũng đang lao đao. Anh Đậu Thanh Tâm (trú thôn Ba Đồn, xã Kỳ Lợi) cho biết, gia đình không có ruộng, chỉ biết làm nghề đi biển để mưu sinh. 3 tuần qua các ngư dân đều hoang mang, bởi khi đánh bắt về không bán được.
"Tôi đánh bắt cách bờ biển khoảng 8 hải lý, trung bình mỗi chuyến cũng thu về 4-5 triệu đồng tiền bán hải sản. Tuy nhiên, mấy chuyến gần đây đi về bán không ai mua, người dân bảo thấy cá chết ở nhiều tỉnh nên sợ", anh Tâm nói.
Hộ nuôi thua lỗ, hàng quán ế ẩm
Hiện tượng cá chết không rõ nguyên nhân khiến các hộ nuôi ở thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) đứng ngồi không yên. Hướng mắt về những lồng cá trên biển, ông Trần Tấn (45 tuổi) cho hay, vài ngày trước khi cho cá ăn thì phát hiện nhiều loại như mú, vẩu, hồng và bớp chết trắng.
Theo ông Tân, tại thôn An Cư Đông và khu vực Lập An có khoảng 100 lồng của 60 hộ nuôi xuất hiện cá chết. "Hơn 20 năm nay, chúng tôi chưa ghi nhận tình trạng như vậy. Mang cá ra chợ bán không ai mua, đành đổ bỏ", ông Tân nói và cho hay thiệt hại của gia đình từ những lồng cá chết ước tính 50 triệu đồng.
Gần đó, hộ anh Bùi Văn Vũ (40 tuổi) đã đầu tư hàng chục triệu đồng để nuôi nhiều giống cá mang giá trị thương phẩm cao. "Tuy nhiên, chỉ trong một buổi sáng, toàn bộ 2.000 con cá bớp, mú, hồng... trong 4 lồng cá, gần đến mùa thu hoạch chết sạch", anh Vũ ngậm ngùi.
Cá đặc sản rớt giá còn một nửa khiến ngư dân buồn so khi bán cá. Ảnh: Hoàng Táo.
Tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh), ông Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch thị xã Kỳ Anh cho hay, ở các xã như Kỳ Lợi, Kỳ Hà, Kỳ Ninh mấy tuần qua lượng cá nuôi bằng lồng trên biển bị chết trắng, số lượng lên tới hơn 37.000 con, ước tính thiệt hại ban đầu 1,5 tỷ đồng.
Ngoài làm nghề đi biển, hơn 20 hộ dân ở thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi, Hà Tĩnh) sống ở khu tái định cư phường Kỳ Phương bỏ cả trăm triệu đồng mở quán kinh doanh thủy hải sản. Mấy ngày qua, cá chết hàng loạt dạt vào bờ biển, người dân quay lưng khiến hàng quán vắng tanh.
"Từ ngày xảy ra cá chết, lượng khách đến ít hẳn, thỉnh thoảng mới có một vài người ghé qua, nhưng ăn uống rất dè chừng", một chủ kinh doanh hải sản ở phường Kỳ Phương nói và cho hay quán mới mở nhưng vốn chưa thu hồi được bao nhiêu, nay lại đối mặt với thua lỗ.
Xung quanh khu vực chợ ở phường Kỳ Phương, người dân rất dè dặt khi mua cá, đa số chọn thực phẩm khác. Một số hộ nuôi muốn gỡ gạc thêm chút ít chi phí nên đã chở cá ra trung tâm thị xã, hoặc vùng khác bán với giá rẻ, nhưng đều phải mang về, bởi ai cũng cho rằng cá bị nhiễm độc ăn vào sợ nguy hiểm.
Hiện cơ quan chức năng chưa ghi nhận trường hợp ăn cá biển chết bị ngộ độc. "Nhưng có người ra biển nhặt cá về cho đàn vịt ăn thì một số con đã lăn ra chết", ngư dân Nguyễn Điểm ở xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) thông tin và cho hay nhiều người nhặt cá xong cũng mang đổ bỏ khi nhận được khuyến cáo của chính quyền không nên sử dụng cá chết dạt bờ.
Người dân khu tái định cư phường Kỳ Phương (thị xã Kỳ Anh) neo thuyền, đứng từ trong quán nhìn ra biển than thở sẽ đối mặt với nợ nần khi tình trạng cá chết cứ kéo dài. Ảnh: Đức Hùng
Trước hiện tượng này nhiều người dân đã kiến nghị rằng việc xả thải ra biển của nhà máy nhiệt điện ở công trường Fomorsa (Khu kinh tế Vũng Áng) là nguyên nhân khiến cá chết. Tuy nhiên, trả lời VnExpress, một lãnh đạo của Formosa lập luận cá chết không liên quan tới công ty, bởi hiện tại nhà máy nhiệt điện chưa đi vào vận hành.
"Chúng tôi đã lấy mẫu nước thải, mẫu cá, mẫu nước biển để về kiểm tra thẩm định. Ngoài ra, công an môi trường của tỉnh cũng đã vào cuộc kiểm tra tất cả hệ thống thoát nước trên địa bàn", ông Phan Duy Vĩnh, Phó chủ tịch thị xã Kỳ Anh nói và cho rằng cần sớm tìm hiểu nguyên nhân để đưa ra giải pháp chấm dứt tình trạng cá chết, tránh để hệ lụy, gây hoang mang cho người dân.
Hiện tượng cá chết ban đầu được ghi nhận ở các lồng bè nuôi trên biển, gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vào đầu tháng tư. Sau đó cá biển tự nhiên, cá nuôi lồng bè và cá hồ ven biển của Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đồng loạt chết. Mỗi ngày, ngư dân thu gom được hàng tấn cá chết, mỗi con trọng lượng từ vài lạng tới 50 kg.
Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc) qua kiểm tra môi trường nước, tác nhân gây bệnh, kết luận các yếu tố thông thường và khí độc do phân hủy hữu cơ không phải là nguyên nhân khiến cá chết.
Sở Nông nghiệp Quảng Bình có kết luận cá chết do có "yếu tố gây độc trong nước", nhưng chưa xác định được chất độc cụ thể.
Trong hôm nay và ngày mai, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc tại các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế để kiểm tra tình trạng cá chết hàng loạt.
Hoàng Táo - Đức Hùng - Đắc Đức
Theo VNE
Khốn khổ vì nhà máy sản xuất bao cao su 'nhả độc' Nhiều ngày qua, hàng trăm hộ dân ở KP.4, thị trấn Chơn Thành, H.Chơn Thành (Bình Phước) hết sức khốn khổ vì phải sống trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do nước thải từ nhà máy sản xuất bao cao su xả ra. Chất thải bẩn khiến dòng nước đặc quánh từng mảng, bốc mùi hôi thối - Ảnh: P.H Theo sự...