Gia tăng xâm phạm sở hữu trí tuệ: Không thể lập lờ đánh lận con đen
“Mượn danh”, núp bóng, lợi dụng…thương hiệu nổi tiếng để “ăn theo” là tình trạng đang diễn ra ngày càng nhiều trong lĩnh vực đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
Gia tăng xâm phạm sở hữu trí tuệ: Không thể lập lờ đánh lận con đen
Thời gian qua Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phải từ chối nhiều đơn đề nghị bảo hộ cho nhãn hiệu bởi nó bị trùng lặp, dễ gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã được doanh nghiệp bỏ bao công sức gây dựng. “Lập lờ đánh lận con đen” về nhãn hiệu sẽ dẫn đến thiệt thòi cho người tiêu dùng khi không phân biệt được chất lượng hàng hóa.
Núp bóng thương hiệu lớn
Nhãn hiệu “Sắc Ngọc Khang” của Công ty CP dược phẩm Hoa Thiên Phú đã được cấp chứng nhận bảo hộ từ năm 2011. Hoa Thiên Phú đã đổ ra nhiều công sức để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Thế nhưng, chỉ một năm sau đó, hàng loạt doanh nghiệp khác cũng làm đơn gửi Cục SHTT xin cấp chứng nhận nhãn hiệu “Sắc Ngọc Khang”, “Sắc Ngọc Khang trắng hoàn hảo”, “Sắc Ngọc Khang Whitening Crem, hình”, “Mủ trôm Sắc Ngọc Khang”, “Sắc Ngọc Khang today”…
Theo cung cấp của Cục SHTT, từ ngày 19-12-2012 đến tháng 5-2012 có tới 17 doanh nghiệp gửi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu mang tên “Sắc Ngọc Khang”. Vì lý do các nhãn hiệu trên tương tự, dễ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Sắc Ngọc Khang” của Công ty Hoa Thiên Phú đã được bảo hộ, Cục SHTT đã từ chối nhiều cấp giấy chứng nhận.
Nhiều doanh nghiệp vẫn đăng ký nhãn hiệu “Sắc Ngọc Khang”đã được bảo hộ.
Gần đây nhất, ngày 22-4-2016 Cục trưởng Cục SHTT Trần Việt Thanh ký Quyết định từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Sắc Ngọc Khang” do Công ty TNHH TMDVSX mỹ phẩm Thái Ngọc Nguyên.
Tương tự như vậy, nhãn hiệu “Bảo Xuân” của Công ty TNHH dược phẩm Ích Nhân đã được bảo hộ nhãn hiệu từ tháng 1-2010. Thế nhưng sau đó Cơ sở Ngân Anh ở Hậu Giang lại tiếp tục làm đơn xin cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Bảo Xuân”. Trường hợp này cũng không phải ngoại lệ, thế nên Cục SHTT tiếp tục có quyết định từ chối cấp chứng nhận nhãn hiệu “Bảo Xuân” cho Cơ sở Ngân Anh.
Video đang HOT
Nhãn hiệu Bảo Xuân của Cơ sở Ngân Anh (ảnh dưới) dễ gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của Công ty Ích Nhân (ảnh trên).
Không chấp nhận, Cơ sở Ngân Anh làm đơn khởi kiện Cục SHTT vì cho rằng sản phẩm mình đăng ký nhãn hiệu thuộc nhóm 3 (nhóm danh mục hàng hóa là mỹ phẩm), còn sản phẩm của Ích Nhân thuộc nhóm 5 (nhóm thực phẩm chức năng…). Và cũng dựa trên cơ sở này và cho rằng Cục phó Cục SHTT ký quyết định từ chối cấp chứng nhận nhãn hiệu là sai thẩm quyền, Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang tuyên hủy quyết định của Cục SHTT trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 22-9-2015.
Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Hậu Giang tuyên hủy quyết định của Cục SHTT không được dư luận đồng tình. Ngay sau đó Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang kháng nghị Bản án, Công ty Ích Nhân có đơn kháng cáo. Ông Trần Việt Thanh, Cục trưởng Cục SHTT, Công ty Ích Nhân cũng có đơn kháng cáo.
Không thể tạo tiền lệ xấu
Trong buổi làm việc với phóng viên Báo CAND ngày 25-8, ông Hoàng Thanh Bình, Phó trưởng Phòng nhãn hiệu số 1, Cục SHTT cho biết, hiện đang có tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng các nhãn hiệu đã có uy tín trên thị trường để đăng ký nhãn hiệu cho cơ sở của mình. Họ chọn cách đăng ký nhóm sản phẩm khác với sản phẩm đã có tiếng trên thị trường.
Liên hệ với vụ khiếu kiện về nhãn hiệu “Bảo Xuân”, Ông Bình cũng nêu ý kiến, việc Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang dựa trên sự khác nhau về danh mục sản phẩm là phiến diện bởi việc phân loại hàng hóa, dịch vụ chỉ là để phục vụ cho mục đích đăng ký nhãn hiệu, tra cứu và quản lý chứ không làm ảnh hưởng đến việc đánh giá khả năng phân biệt, khả năng đăng ký của nhãn hiệu. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã từng khuyến cáo các cơ quan quốc gia không được dựa vào hình thức của việc phân nhóm mà phải dựa vào việc đánh giá bản chất của sản phẩm, dịch vụ gắn nhãn hiệu.
Ông Hoàng Thanh Bình.
Đại diện Cục SHTT cũng cho biết, vụ việc Cơ sở Ngân Anh khởi kiện quyết định từ chối cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu “Bảo Xuân” là vụ đầu tiên liên quan đến sở hữu trí tuệ mà cơ quan tòa án ở tỉnh Hậu Giang đưa ra xét xử. Luật SHTT thì đã có từ lâu nhưng chưa có tòa án riêng để giải quyết những vụ việc liên quan đến lĩnh vực này. Trong khi đó, để xử lý vụ việc về sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ thì cần phải có kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành. Thế nên, việc TAND tỉnh Hậu Giang đi sâu vào xem xét các vấn đề về thủ tục hành chính, thẩm quyền ban hành văn bản và các căn cứ nhỏ lẻ, chưa chuẩn xác để tuyên án là điều dễ hiểu nên cần phải xem xét lại. Trong khi đó, quy trình để cấp một nhãn hiệu là rất chặt chẽ.
Trong vòng 1 tháng nhận đơn, Phòng nhãn hiệu phải tiến hành thẩm định về hình thức, nếu đáp ứng về hình thức thì sẽ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Tiếp theo, trong vòng 2 tháng Cục SHTT sẽ công bố ra công chúng trước khi có quyết định chính thức. Trường hợp hợp có bên thứ 3 phản đối thì cơ quan chuyên môn tiếp tục xử lý. Trong vòng 9 tháng kể từ ngày công bố thì Cục phải thông báo về việc cấp hay không cấp nhãn hiệu…
Thực tế trong thời gian qua đã phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là các nhãn hàng liên quan đến làm đẹp, thực phẩm chức năng… Nhiều nhãn hiệu lớn, có uy tín trên thị trường đã bị lợi dụng để “ăn theo”. Việc “lách” nhóm sản phẩm diễn ra nhiều nhất. Theo đại diện của Cục SHTT, lần xét xử phúc thẩm ngày 29-8 tới đây của TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cần có phán quyết chuẩn xác để tránh tạo tiền lệ xấu cho các vụ việc tiếp theo. Những nhãn hàng, sản phẩm mà doanh nghiệp đã bao năm gây dựng cần được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.
Đăng ký “bao vây” để phòng ngừa tranh chấp
Trong môi trường kinh tế xã hội hiện nay, doanh nghiệp cần tăng cường kiến thức về sở hữu trí tuệ. Mặc dù pháp luật không bắt buộc phải đăng ký bảo hộ, nhưng các doanh nghiệp lớn đều đã có ý thức đăng ký bảo vệ nhãn hiệu, tuy nhiên cần tăng cường hơn nữa. Doanh nghiệp cũng có thể làm đăng ký “bao vây” (cho các sản phẩm trong tương lai với phạm vi khá rộng). Chi phí bảo hộ trong 10 năm cho một nhóm không quá 6 sản phẩm chỉ là 660.000 đồng (đơn cho nhóm đầu tiên). Từ nhóm thứ 2 trở đi thì chi phí chỉ 540.000 đồng. Nếu đăng ký “bao vây” thì chi phí cũng chỉ 660.000 đồng. Đây là biện pháp phòng ngừa sự cố tranh chấp nhãn hiệu trong tương lai.
(Ông Hoàng Thanh Bình, Phó Phòng nhãn hiệu số 1, Cục Sở hữu trí tuệ).
Theo Công An Nhân Dân
Nông dân Việt sáng chế bơm vô ống phục vụ thủy lợi
Sau một thời gian nghiên cứu và thử nghiệm, nông dân hai lúa Đỗ Văn Trường (Ninh Bình) đã sáng chế thành công một chiếc máy bơm với đặc điểm không sử dụng ống, đó là sáng chế bơm vô ống.
Hiện nay, hệ thống trạm bơm, máy bơm nước thủy lợi phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn có nhiều hạn chế, chất lượng cấp thoát nước chưa chủ động và chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, việc xây dựng không đồng bộ từ đầu mối đến kênh mương nội đồng cũng gây ra nhiều khó khăn cho việc cấp thoát nước ở các địa phương.
Ông Đỗ Văn Trường - Chủ nhân của sáng chế bơm không dùng ống
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông ở thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình , ông Trường nhận thấy rằng, ống bơm càng ngắn thì càng tiết kiệm năng lượng và lực nâng nước là do hệ thống cánh quạt quyết định chứ không phải do ống, từ đấy anh đã nảy ra ý tưởng sáng chế ra một chiếc máy bơm không dùng ống.
Điểm mới làm nên sáng chế này đó chính là tác giả đã lắp đặt phần thân bơm ngay trên ống cống có sẵn của hệ thống thủy nông, tạo nên một hệ thống bơm mà không cần ống.
Theo thiết kế, cánh bơm và guồng nước quay nhờ hệ thống truyền lực từ động cơ sang trục bơm bằng dây cua roa, khi bơm nước xong sẽ có bộ phận đậy nắp kín và lúc này thân bơm có tác dụng như tấm ngăn nước.
Một ưu điểm nữa của Bơm vô ống đó là có thể bơm được hai chiều bằng cách đảo pha điện để thay đổi chiều quay của động cơ. Kết cấu này sẽ giúp cung cấp nước tưới tiêu vào mùa khô và xả nước chống ngập úng vào mùa mưa mà không phải xây thêm cửa hút, cửa xả, bể điều tiết nước, góp phần giảm thiểu chi phí lắp đặt.
Qua thực tế sử dụng, bơm vô ống đã chứng minh được tính nằng cũng như hiệu quả vượt trội so với những hệ thống bơm trước đây, với cùng một lượng nước được bơm, lượng điện tiêu hao của bơm vô ống chỉ bằng 1/3 đến lần so với bơm trục đứng, trong khi đó chi phí lắp đặt chỉ bằng so với với việc xây lắp một trạm bơm, thoát nước như trước đây. Ngoài ra, Bơm vô ống còn có thể dễ dàng lắp đặt trong hợp tác xã nông nghiệp ở các máng cống lấy nước sẵn có và có thể sửa chữa, thay thế linh kiện đơn giản hơn rất nhiều khi xảy ra sự cố hay hỏng hóc.
Hệ thống truyền lực làm bơm hoạt động với công suất lớn 4000m3/h
Với tính năng vượt trội và giá thành hợp lý, Bơm vô ống của Anh Đỗ Văn Trường đã được một số hợp tác xã của tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình... lựa chọn ứng dụng trong nhiều năm qua, góp phần giải quyết hiệu quả việc chống úng và chống hạn cho các địa phương.
Bằng độc quyền sáng chế số 5607 do cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 17/4/2006, giải nhất cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật tỉnh Ninh Bình năm 2005 và được giới thiệu trên chương trình Sáng tạo Việt là những gì mà sáng chế Bơm vô ống cùng tác giả Đỗ Văn Trường đã được đạt trong thời gian qua bằng niềm đam mê khoa học và nỗ lực không mêt mỏi.
Trao đổi với Dân trí, ông Đỗ Văn Trường cho biết: "Từ ngày được cấp bằng sáng chế đến nay thì đã có hơn 200 trạm bơm đặt hàng. Công suất bơm được đặt hàng chủ yếu là 4.000m3/h. Tôi hy vọng trong thời gian tới, sáng chế bơm vô ống sẽ ngày càng được ứng dụng rộng rãi trên khắp cả nước, phục vụ đắc lực trong việc cấp thoát nước cho các vùng nông nghiệp nước ta"
Nói về những khó khăn trong việc phát triển sản phẩm sáng chế của mình, nông dân Trường tâm sự: "Khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn vốn. Trong thời gian sản xuất và cung ứng bơm cho thị trường, 50% hợp tác xã được huyện, tỉnh hỗ trợ vốn để mua bơm. Số bơm này được thanh toán ngay trong năm. 50% số bơm còn lại hợp tác xã phải tìm nguồn vốn khác như dân góp, hoặc trích khoản nọ khoản kia. Do đó, tiền thanh toán chậm, thường 3-4 năm mới thanh toán hết. Xưởng của tôi nhiều khi thiếu vốn để tái sản xuất, phải dừng lại không nhận thêm đơn hàng"
Hoàng Công
Theo Dantri
Doanh nghiệp "gồng mình" đối phó nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn. Để đối phó, các doanh nghiệp đã tìm nhiều giải pháp: một mặt nhờ các cơ quan chức năng xử lý, mặt khác họ tự mình tìm cách cứu thương hiệu của mình thoát khỏi ma trận của hàng...