Gia tăng trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng độ nặng ở Đắk Lắk, một trường hợp tử vong
Sáng 6-4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, chỉ trong ba tháng đầu năm 2021, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận 250 trường hợp trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng; trong đó nhiều trường hợp trẻ mắc tay-chân-miệng độ nặng và đã có một trường hợp tử vong.
Trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.
Hiện nay, bệnh tay-chân-miệng đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, các trường học cần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh tay-chân-miệng và các bậc phụ huynh khi phát hiện con em mình mắc bệnh cần đưa ngay tới cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, các bệnh nhân mắc bệnh tay-chân-miệng tập trung nhiều ở TP Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện Buôn Đôn, huyện Cư M’gar, Krông Pắk….
Video đang HOT
Riêng tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận và điều trị cho 130 bệnh nhi mắc bệnh tay-chân-miệng. Những ngày qua, bệnh viện liên tục tiếp nhận thêm các trường hợp trẻ mắc bệnh tay-chân-miệng nhập viện điều trị. Hầu hết các trường hợp khi nhập viện đều có diễn biến nặng.
Theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên, khi mắc bệnh tay- chân-miệng, trẻ sẽ có các triệu chứng như loét, đau họng, phát ban, nổi bọng nước trên tay, bàn chân hoặc mông. Với các trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh diễn biến nặng, không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến não và để lại một số biến chứng cho trẻ như viêm màng não do virus, viêm não.
Tiến sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Bệnh tay-chân-miệng chuyển độ rất nhanh và thời gian chuyển độ thường là 48 giờ đầu kể từ khi mắc bệnh. Khi chuyển độ chỉ có vài giờ để xử lý. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần quan tâm hơn đến con em mình và khi phát hiện con em mình mắc bệnh thì đưa ngay tới cơ sở y tế để được thăm khám, xử lý kịp thời, không để chuyển sang độ nặng sẽ gây một số biến chứng cho trẻ.
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk Lê Phúc cho biết: Trước tình hình gia tăng các trường hợp mắc bệnh tay-chân-miệng, đặc biệt đã có một trường hợp tử vong, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã tham mưu cho Sở Y tế phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch tay-chân-miệng trong trường học.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tay-chân-miệng trong các trường học cũng như các địa phương và phối hợp các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Trước tình hình dịch tay-chân-miệng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, đặc biệt đã có một trường hợp tại TP Buôn Ma Thuột tử vong, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo, bệnh tay-chân-miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa.
Do đó, để phòng tránh bệnh, người dân cần lưu ý ăn chín, uống sôi, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng đúng cách… Khi trẻ có dấu hiệu mắc tay-chân-miệng, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Cứu sống bệnh nhân bị đâm thủng tim
Chiều 2-4, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cứu sống một bệnh nhân bị đâm vào tim trong tình trạng nguy kịch.
Bệnh nhân Đ.V.C. đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe đã ổn định.
Trước đó, vào khoảng 15 giờ 30 phút ngày 28-3, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận bệnh nhân Đ.V.C., trú tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk cấp cứu trong tình trạng bị đâm vào vùng ngực trái, mất nhiều máu, huyết áp tụt, kẹt, mạch nhanh nhỏ khó bắt. Sau khi được cấp cứu truyền dịch nâng huyết áp, thở ô-xy, xét nghiệm máu, bệnh nhân được chuyển mổ cấp cứu gấp.
Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có vết thương xuyên thấu ngực thùy trên phổi trái, thủng tâm nhĩ trái khoảng 1cm... Sau một giờ đồng hồ vừa phẫu thuật, truyền ba đơn vị máu, hồi sức tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Theo lãnh đạo Bệnh viện, vết thương thủng tim - phổi là thương tổn rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hô hấp, tim mạch, cần phải cấp cứu khẩn cấp. Nếu không cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng choáng không hồi phục, có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng nặng cho bệnh nhân. Do đó, ca phẫu thuật vết thương tim phổi rất phức tạp, đòi hỏi phải có ê-kíp phẫu thuật - gây mê hồi sức có trình độ chuyên môn cao và có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ.
Theo BS CKII Đào Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết: Bệnh nhân Đ.V.C. khi nhập viện cấp cứu đã mất 2 lít máu, nếu không kịp thời cung cấp đủ lượng máu cũng khiến bệnh nhân có nguy cơ trụy tim mạch, suy đa tạng, tử vong cao. Nhờ kích hoạt quy trình báo động đỏ trong đó có sự phối hợp nhịp nhàng, khẩn trương của ê-kíp phẫu thuật - gây mê hồi sức và các khoa khác đã giúp cuộc phẫu thuật thành công, cứu sống bệnh nhân.
Đến thời điểm hiện nay, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe tốt, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, các dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Thêm 1 trường hợp tử vong vì bệnh dại tại Đắk Lắk Trường hợp tử vong là bệnh nhân 40 tuổi, trú tại huyện Cư M'gar, bị chó nhà cắn vào tay nhưng không tiêm vaccine phòng dại. Hình minh họa. Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, bệnh nhân tử vong là Y.S.Ê., 40 tuổi, dân tộc Êđê, trú tại thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk...