Giá tăng, sinh viên rủ nhau… “chơi sang”
Thay vì thở dài mỗi khi đổ bình gas mini, nhiều phòng sinh viên sắm hẳn bếp ga lớn; thay vì đi chợ mua lẻ đắt đỏ, sinh viên rủ nhau đi siêu thị như mua sỉ… để có mức giá tiêu dùng rẻ hơn.
Sinh viên nghèo… sống sang
Nguyễn Thị Hồng, sinh viên (SV) Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho hay một trong những khoản chi tiêu “đứt ruột” nhất đối với những SV tự túc nấu ăn để tiết kiệm là tiền gas.
“Giá gas tăng liên tục, giá bình gas mini năm 2010 là 3.000 đồng/bình giờ lên 6.000 – 7.000 đồng mà “ruột” càng ngày càng nhẹ. Phòng em ở 3 người, nấu ăn bữa chỉ hai nồi mà ngày đun hết 2 bình gas, tháng hết khoảng 400.000 đồng. SV ăn uống tiết kiệm, đôi khi tiền gas mắc hơn tiền đồ ăn”, Hồng nói.
Thời gian dài “gánh” chi phí này, gần đây một chị trong phòng đề xuất sắm bếp gas loại lớn thay cho dùng bếp mini. Lúc đầu mọi người e ngại vì phải góp khoản tiền lớn cùng với tâm lý SV ở trọ ít ổn định. Nhưng sau khi bàn đi tính lại, họ quyết định liều… một phen, góp mỗi người 300.000 đồng để mua bếp và bình gas gia đình loại 12kg.
Giá cả đắt đỏ, nhiều SV chọn cách “sống sang” đi mua sắm ở siêu thị để tiết kiệm.
Các nữ sinh phấn khởi khi bình gas đầu tiên giá 412.000 đồng đổ từ đầu tháng 11/2012 đến nay vẫn còn. Những phòng SV bên cạnh thấy vậy cũng góp tiền “rinh” bình gas lớn về, cả xóm nhìn… sang hẳn lên.
“Mới đầu tốn kém một chút nhưng tính ra rẻ khoảng 3 lần và an toàn hơn dùng bình nhỏ. Cũng không còn phải khổ sở mỗi lần nấu ăn lại hết gas. Tài sản chung nên bọn mình cũng thống nhất nếu ai chuyển thì sẽ được bù từ người mới chuyển vào”, Ngân – SV Trường CĐ Vạn Xuân cho hay.
Không những vậy, nhiều SV cũng tổ chức theo kiểu mua sắm chung để mua được giá rẻ. Nếu trước đây SV thường mua sắm theo kiểu “nhỏ giọt” tại các chợ, hàng tạp hóa gần chỗ ở thì giờ nhiều người góp lại cùng mua.
Thảo, ĐH Ngoại thương cơ sở 2 cho hay, phòng mình 4 người trước giờ đồ ai người nấy mua kiểu lẻ nhỏ rất đắt. Sau thấy cách mua chung rẻ hơn nên rủ luôn các em phòng bên cạnh lâu lâu lại đi siêu thị khuân đồ về chia ra. Như gạo mua 10kg thì được tặng thêm 1kg, các thực phẩm dầu ăn, mỳ tôm, trứng… hay đồ tiêu dùng khác như bột giặt, giấy lau… mua loại lớn nên giá rẻ hơn mua lẻ rất nhiều.
Cô nữ sinh khoe: “Như cuộn giấy lau mua lẻ là 4.000 đồng, mua cả bịch chỉ 28.000 đồng/lố 10 cuộn, dầu ăn mua can 5 lít rẻ hơn nhiều mỗi lần ra mua lẻ chai nhỏ xíu. Với cách này bọn mình tiết kiệm được nhiều mà đồ dùng cũng xông xênh hơn nên thấy rất thoải mái”.
Bớt “cháy túi” nhờ sinh hoạt tập thể
Không chỉ là làm thêm, tiết kiệm… để “đối phó” với giá, hiện nay SV xa nhà còn nghĩ ra rất nhiều cách để “sống chung với giá”. Đặc biệt, mô hình “sinh hoạt chung” để giúp túi tiền hạn hẹp của mình có thể “lướt sóng” được với giá cả không ngừng leo thang được nhiều bạn áp dụng.
Giá thực phẩm tăng luôn làm “nồi cơm” giảm chất giảm lượng.
Lê Đức Hải – SV Trường ĐH Thủy lợi cho hay, từ giữa năm ngoái khi đối mặt với giá cả tăng, nhiều phòng trọ chỗ cậu nấu ăn chung thay cho nấu từng phòng. Họ sắp lịch luân phiên, tuần này phòng này nấu, tuần tới phòng kế tiếp.
4 phòng 12 người, mỗi bữa mỗi người góp khoảng 7.000 – 8.000 đồng là có thịt cá, rau củ ngon rất đầy đủ. Mỗi ngày nấu nhiều nên các bạn còn đi chợ đầu mối mua thức ăn giá rẻ; thay vì dùng gas, nhóm còn sắm luôn chiếc bếp than nên càng tiết kiệm hơn nữa.
“Cùng mức đó tiền nhưng nấu lẻ từng phòng thì chỉ ăn đậu, trứng… Nấu tập thể ngon rẻ mà còn rất đông vui nữa. Hôm nào cơm sống, đồ ăn dở chút vẫn đua nhau chiến. Từ ngày nấu ăn chung, mình ít hơi vào cảnh “cháy túi” hơn”, Hải cười.
Ngoài những khoản cố định như nhà trọ, điện nước, đi lại… thì một trong những lý do SV phải gánh giá tiêu dùng đắt đỏ do họ thường chi tiêu theo kiểu nhỏ lẻ. Nhận ra điều này, nhiều SV khắc phục bằng cách tổ chức những sinh hoạt tập thể phù hợp.
Video đang HOT
Nấu ăn tập thể cũng là một cách giúp SV “ít tiền mà vẫn no đủ”.
Trần Ngọc Hiền – SV Trường ĐH KHXH&NV TPHCM cho hay, giá cả đắt đỏ mà tiền chi tiêu có hạn nên SV có xu hướng mua sắm, sinh hoạt theo mô hình đông người là cách làm hay để có thể sống tốt trong “bão giá”. Cách này thật ra đã được thực hiện từ lâu như SV ở ghép, nhiều phòng dùng chung đường truyền internet… giờ chỉ là tổ chức thêm nhiều hình thức khác để tiết kiệm.
Hiền phân tích, khi sinh hoạt tập thể cũng thường phát sinh nhiều chuyện như đông SV dễ tổ chức ăn nhậu, tại nhiều khu trọ thực hiện được thời gian rồi tan rã vì cãi vã, mâu thuẫn làm mất luôn tình bạn.
“Theo mình, các bạn cần tổ chức làm sao lối sinh hoạt chung này trước hết phải lành mạnh. Đồng thời mỗi người cũng cần thể hiện được sự đồng thuận, kỹ năng giải quyết các mâu thuẫn tập thể thì mới hiệu quả được. SV cố gắng tìm cho mình chỗ trọ ổn định để đầu tư mua sắm ban đầu ban đầu như bếp gas, tủ lạnh… dùng lâu dài thì chi tiêu rẻ hơn mà còn rất sang nữa”, cô SV này chia sẻ.
Hoài Nam
Theo dân trí
10 quy định quan trọng có hiệu lực từ 2013
Hàng nghìn cửa hàng vàng bị xóa sổ cùng một loạt quy định có lợi cho người lao động như tăng lương tối thiểu, nâng mức khởi điểm chịu thuế và sản phụ được nghỉ 6 tháng là những quy định quan trọng có hiệu lực trong năm 2013.
1. Tăng lương tối thiểu 250.000- 350.000 đồng
Hôm nay là ngày đầu tiên áp dụng mức lương tối thiểu vùng mới, từ 1.650.000 đến 2.350.000 đồng một tháng, tăng 250.000-350.000 so với trước.
Vùng
Mức lương tối thiểu vùng từ 1/1/2013 (đồng/tháng)
Mức lương tối thiểu vùng hiện hành
I
2.350.000
2.000.000
II
2.100.000
1.780.000
III
1.800.000
1550.000
IV
1.650.000
1.400.000
Đối tượng áp dụng bao gồm doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động. Các cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động cũng phải tuân thủ nghị định này. Mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
2. Thu phí bảo trì đường bộ
Chủ phương tiện phải đóng phí từ 1/1/2013. Ảnh: Hoàng Hà.
Chủ phương tiện xe máy, ôtô đều phải nộp phí đường bộ, trừ xe cứu thương, cứu hỏa, xe chuyên dùng, xe phục vụ an ninh... Từ 1/1/2013, ôtô phải nộp mức phí thấp nhất là 130.000 đồng một tháng, áp dụng cho xe dưới 9 chỗ. Mức phí cao nhất 1,04 triệu đồng dành cho xe tải, xe chuyên dùng trọng tải trên 27 tấn. Đối với xe máy, loại dưới 100cc phải nộp 50.000 đồng một năm xe có dung tích trên 100cc được áp khung phí từ 100.000 đến 150.000 đồng.
Bộ Tài chính cho phép các cơ quan thu phí đường bộ của ôtô được trích lại 1% số tiền và cơ quan thu phí của xe máy được để lại không quá 10%. Theo tính toán của Bộ Giao thông Vận tải, mỗi năm số tiền thu từ đầu ôtô trong cả nước đạt hơn 6.800 tỷ đồng tiền thu được từ 50% số môtô, xe máy đã đăng ký sẽ đạt 2.400 tỷ đồng. Đây sẽ nguồn quỹ đáng kể phục vụ cho công tác bảo trì đường bộ.
3. Nghỉ thai sản 6 tháng
Năm tới, phụ nữ sẽ được nghỉ sinh 6 tháng. Ảnh: Thiên Chương
Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực từ 1/5/2013, cho phép kéo dài thời gian nghỉ sinh từ 4 tháng lên 6 tháng. Theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, chị em sinh con sau 1/1/2013, cũng bắt đầu được hưởng chế độ theo luật mới.
Trường hợp sinh đôi trở lên, cứ thêm một trẻ người mẹ lại được nghỉ thêm một tháng. Trong thời gian nghỉ sinh, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất 4 tháng. Ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định.
4. Siết tin nhắn quảng cáo
Theo Nghị định 77 vừa được Chính phủ ban hành, các đơn vị hoặc cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo sẽ phải chấm dứt việc gửi nội dung quảng cáo đến người nhận ngay khi nhận được yêu cầu từ chối thay vì sau 24 tiếng như quy định trước.
Nghị định mới không cho phép tổ chức, cá nhân quảng cáo gửi quá một thư điện tử, tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một địa chỉ thư điện tử hay số điện thoại trong vòng 24h, trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận. Thời gian gửi tin nhắn quảng cáo phải trong khoảng từ 7h đến 22h mỗi ngày. Hành vi giả mạo tên hoặc địa chỉ thư điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn sẽ chịu mức phạt hành chính từ 60 triệu đến 80 triệu đồng.
5. Thu phí hòa mạng thuê bao trả trước
Áp dụng phí hòa mạng đối với thuê bao trả trước, đồng thời chấm dứt nạp sẵn tài khoản vào sim có thể khiến người dùng "ngại" sử dụng sim rác hơn. Ảnh: Anh Quân
Theo Thông tư 14, từ 1/1/2013, khách hàng khi hòa mạng thuê bao trả trước phải trả tiền đăng ký như thuê bao trả sau. Mức phí áp dụng đối với thuê bao trả trước là 25.000 đồng, còn mức trả sau vẫn giữ 35.000 đồng như hiện nay. Giá trên chưa bao gồm tiền sim (25.000 đồng), và người dùng chỉ phải thanh toán một lần duy nhất khi ký hợp đồng thuê bao với nhà mạng. Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cũng không được nạp sẵn tiền vào tài khoản của các sim chưa đăng ký hòa mạng hoặc đang lưu thông trên thị trường.
Đây được coi là động thái mạnh tay trong việc hạn chế tình trạng sim rác hiện nay. Bởi thực tế, sim di động trả trước có tuổi đời chỉ từ 6 tháng đến một năm, khiến kho số cạn dần trong khi thuê bao ảo tăng chóng mặt.
6. Khung giá đất mới có hiệu lực
Giá đất ở Hà Nội được điều chỉnh ở một số khu vực. Ảnh: Hoàng Lan
Bảng giá đất áp dụng từ 1/1/2013 tại Hà Nội vẫn giữ nguyên mức giá giá tối đa là 81 triệu đồng mỗi m2 ở các phố Hàng Ngang, Hàng Đào và Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm). Giá đất ở tại các quận có giá tối thiểu là 3,456 triệu đồng mỗi m2. Trong khi một số khu vực giữ nguyên, giá đất của đường Yên Hòa (đoạn thuộc xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm) và các xã giáp ranh của huyện Hoài Đức được điều chỉnh giảm còn giá tối thiểu là 2,035 triệu đồng và tối đa là 32,4 triệu đồng mỗi m2.
Tại TP HCM, đất mặt tiền ở đô thị cao nhất 81 triệu đồng mỗi m2 vẫn là 3 tuyến đường Lê Lợi, Đồng Khởi và Nguyễn Huệ (quận 1). Thấp nhất là đất tại khu dân cư Thiềng Liềng, huyện Cần Giờ với giá 110.000 đồng mỗi m2.
7. Hàng nghìn cửa hàng vàng không phép bị xóa sổ
Trong số 8.000 địa điểm giao dịch vàng miếng hiện tại, sẽ chỉ có 30% tiếp tục được hoạt động sau ngày 10/1. Ảnh: AQ
Từ ngày 10/1/2013, chỉ những địa điểm được cấp phép mới có quyền kinh doanh vàng miếng. Như vậy, trong số 8.000 địa điểm giao dịch vàng miếng hiện tại, sẽ chỉ có 30% tiếp tục được hoạt động sau ngày 10/1. Đại diện Ngân hàng Nhà nước thừa nhận việc xóa sổ 70% điểm giao dịch vàng có thể gây ra nhiều xáo trộn trong những ngày đầu tiên do vậy, cơ quan này sẽ phải gửi văn bản thông báo đến UBND các tỉnh thành phố, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các địa phương để cùng phối hợp đề phòng các sự cố phát sinh.
Cùng với chủ trương xóa sổ các cửa hàng không đạt tiêu chuẩn, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên ấn định trạng thái vàng miếng với các ngân hàng. Theo đó, số dư mua bán vàng cuối ngày không được vượt 2% vốn điều lệ, một quy định hạn chế việc găm giữ, mua bán khống của các ngân hàng. Đây được xem là những biện pháp cứng rắn nhất của cơ quan quản lý nhà nước nhằm can thiệp thị trường vàng bị thả nổi nhiều năm.
8. Ngừng giao dịch chứng khoán bằng tiền mặt
Theo Thông tư 210 của Bộ Tài chính, kể từ ngày 15/1/2013 công ty chứng khoán sẽ không được trực tiếp nhận và chi trả tiền mặt để giao dịch chứng khoán của khách hàng mà phải thực hiện qua ngân hàng thương mại. Khi lệnh mua được khớp, công ty chứng khoán sẽ yêu cầu ngân hàng thương mại chuyển tiền từ tài khoản nhà đầu tư sang tài khoản của công ty chứng khoán đặt tại ngân hàng. Sau đó công ty chứng khoán sẽ đại diện cho khách hàng thực hiện giao dịch với các bên liên quan và không được nhận ủy quyền của khách hàng thực hiện chuyển tiền nội bộ giữa các tài khoản của các khách hàng.
Trước 16h giờ thứ hai hằng tuần hoặc ngày làm việc đầu tiên của tuần, công ty chứng khoán phải báo cáo Ủy ban chứng khoán số lượng khách hàng, số dư tiền của khách hàng tại tài khoản chuyên dụng mở tại ngân hàng thương mại. Công ty chứng khoán cũng phải quản lý tách biệt chứng khoán thuộc sở hữu của khách hàng với chứng khoán thuộc sở hữu của mình
9. Bắt đầu thu phí ATM nội mạng
Theo Thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/3/2013 đến hết năm 2013, phí rút tiền nội mạng được khống chế không quá 1.000 đồng mỗi giao dịch. Sang năm 2014, mức phí này sẽ tăng gấp đôi và gấp ba vào năm 2015. Các giao dịch rút tiền ngoại mạng sẽ mất tối đa 3.000 đồng mỗi giao dịch.
Phí vấn tin tài khoản (không in chứng từ) đối với thẻ ngoại mạng sẽ mất nhiều nhất 500 đồng cho một giao dịch. Nếu chủ tài khoản muốn in sao kê hoặc in chứng từ vấn tin tài khoản sẽ bị thu phí từ 100 đồng đến 500 đồng cho mỗi giao dịch với ATM nội mạng 300 - 800 đồng nếu giao dịch ATM ngoại mạng. Phí phát hành thẻ cao nhất là 100.000 đồng còn phí thường niên để duy trì tài khoản nhiều nhất là 60.000 đồng một năm.
10. Thu nhập trên 9 triệu đồng mới phải nộp thuế
Sẽ có 2,87 triệu người được đưa khỏi diện chịu thuế thu nhập khi áp dụng luật mới. Ảnh: Hoàng Hà
Theo Luật sửa đổi thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc được nâng từ 4 1,6 triệu đồng hiện tại lên 9 và 3,6 triệu đồng. Cách tính mức giảm trừ gia cảnh theo số tuyệt đối và Chính phủ được điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng biến động trên 20%. Biểu thuế lũy tiến cũng được giữ nguyên 7 bậc với mức thuế cao nhất là 35% cho người có thu nhập từ 80 triệu đồng một tháng trở lên.
Quốc hội thống nhất từ 1/7/2013 trở đi, thay vì việc áp dụng từ 1/1 như một số ý kiến đề xuất. Bởi theo tính toán, nếu áp dụng từ đầu năm, ngân sách 2013 vốn đã khó khăn, sẽ bị hụt thêm khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng. Sau khi áp dụng luật thuế mới, theo dự kiến của Chính phủ, số người nộp thuế sẽ giảm từ 3,87 triệu xuống còn một triệu.
Theo VNE
1 đơn vị được cấp phép mua bán vàng miếng Ngày 28.12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã cấp phép cho 17 tổ chức tín dụng (TCTD) và 14 doanh nghiệp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng với mạng lưới 2.456 điểm giao dịch mua, bán vàng miếng ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trước đó, NHNN cũng có quy định kể từ ngày 10.1.2013, các...