Gia tăng nhanh nhóm lớp mầm non tư thục: Bấp bênh độ tin cậy
Một phường có thể có tới 30 nhóm lớp mầm non tư thục, trong khi cán bộ phòng giáo dục phụ trách mầm non ít, không kham nổi việc kiểm tra. Chủ nhóm lớp chỉ phải qua 30 ngày bồi dưỡng nghiệp vụ, giáo viên tỉnh ngoài làm việc bấp bênh… Đây là nỗi lo của các nhà quản lý trước nhiều nguy cơ tiềm ẩn về an toàn của trẻ mầm non.
Hà Nội có tới 15% số trẻ đang học tại các cơ sở mầm non tư thục
Quy định về chủ nhóm lớp quá dễ
Trước nhu cầu thực tế lớn, các nhóm lớp mầm non tư thực được thống kê cho thấy sự gia tăng khá nhanh của mô hình này. Là địa bàn tập trung tới 65% trẻ mầm non học tại các cơ sở mầm non ngoài công lập, Phó trưởng Phòng GD-ĐT Cầu Giấy, bà Nguyễn Thị Minh Xuyến cho biết, toàn quận có tới 112 nhóm lớp mầm non tư thục trên 8 phường, phường ít nhất 8 nhóm, nhiều nhất 30 nhóm. “So với năm trước, quận đã tăng 17 nhóm lớp” – bà Xuyến cho biết.
Cùng với sự gia tăng nhanh chóng của loại hình trông trẻ này, đại diện Phòng GD-ĐT quận Hà Đông đã phải thốt lên: “Hà Đông dành hơn 50% thời gian cho quản lý mầm non ngoài công lập song vẫn thấy mối lo tiềm ẩn”. Không lo sao được khi theo quy định của Bộ GD-ĐT, chủ nhóm lớp này chỉ cần tốt nghiệp THCS và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ không quá 30 ngày. Vậy mà yêu cầu về nghiệp vụ đối với bậc học mầm non là quan trọng nhất khi liên quan trực tiếp tới độ an toàn của trẻ. “Giáo viên ngoài công lập thường là từ tỉnh ngoài về, không toàn tâm toàn ý cho công việc, vị trí lại khá bấp bênh, nên khả năng xử lý tình huống không đáng tin cậy” – đại diện phòng GD-ĐT quận Hà Đông phân tích.
Chia sẻ về khó khăn trong việc quản lý các cơ sở mầm non tư thục, bà Trần Thị Lan Anh, chuyên viên phòng GD-ĐT quận Tây Hồ kể lại, từng có trường hợp chủ trường một cơ sở mầm non quốc tế trên địa bàn quận 2 năm nay không có mặt tại Việt Nam. Để kiểm tra những cơ sở này không hề dễ dàng: “Nhiều khi đến kiểm tra nhưng nếu không có công an đi cùng thì không vào được trường”.
Chuyện về những nhóm lớp mọc ra tự phát từ những chủ cơ sở làm đủ ngành nghề cũng được phản ánh. “Vì quy định về chủ nhóm lớp quá dễ nên có những cơ sở mầm non tư thục chủ lớp bán thịt lợn, chủ lô đề cũng có thể lấy chứng chỉ về mở nhóm lớp” – bà Trần Thị Lan Anh cho biết. Cũng theo vị chuyên viên này, chủ nhóm lớp nếu trực tiếp quản lý nuôi dạy trẻ phải có chuyên môn về sư phạm mầm non ít nhất 3 năm kinh nghiệm.
Chia sẻ gánh nặng quản lý
Trước thực trạng không thể quản lý hết các nhóm lớp mầm non tư thục khi đã phân cấp về các quận, huyện, nhiều địa phương đã phải đưa ra mô hình phối hợp để khắc phục. Bà Nguyễn Thị Minh Xuyến cho biết, Phòng GD-ĐT Cầu Giấy đã phân công các trường mầm non công lập trên địa bàn tham gia quản lý các nhóm lớp mầm non tư thục, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ.
Hiệu trưởng trường mầm non công lập Trung Hòa, bà Nguyễn Thúy Thuận được phân công quản lý 13 trên tổng số 27 nhóm lớp mầm non tư thục đang hoạt động trên địa bàn phường. Cũng chính từ các cuộc kiểm tra, rà soát nhóm lớp tư thục, ban giám hiệu nhà trường đã kiến nghị nhiều cơ sở khắc phục hạn chế về cơ sở vật chất cũng như chuyên môn nghiệp vụ. “Có nhiều cơ sở do thuê nhà dân nên cầu thang rất dốc, lan can thưa, nguy hiểm cho trẻ. Hay các khu vệ sinh đều không phù hợp với lứa tuổi, bếp ăn nhỏ hẹp, không thông thoáng… Những vấn đề này đều được chúng tôi nhắc nhở để các chủ nhóm lớp khắc phục, đảm bảo an toàn cho trẻ” – bà Nguyễn Thúy Thuận cho biết.
Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, tạo môi trường giao lưu học hỏi đối với các cơ sở mầm non tư thục, bà Trần Hải Yến, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa cho rằng cần có sự tham gia của địa phương bởi đây chính là cách để đảm bảo quyền lợi của người dân khi các cơ sở này hàng ngày chăm sóc, trông giữ con em mình, cũng như nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ngoài công lập khi nhu cầu gửi trẻ vào các cơ sở này ngày càng cao.
Video đang HOT
Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định năm học này Hà Nội sẽ tập trung vào việc kiểm tra nhóm lớp mầm non tư thục với mục tiêu thành lập ban kiểm tra liên ngành, kiểm tra 100% trường, nhóm lớp trên địa bàn. Các cơ sở cần thực hiện cam kết công khai 3 nội dung: chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; công khai về thu chi tài chính.
Vinh Hương
Theo ANTD
Bài thơ tiếng dân tộc thiểu số của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trong thời kỳ hoạt động ở Cao Bằng năm 1941, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sáng tác nhiều thơ ca phục vụ cách mạng bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi nhưng hình ảnh và những cống hiến của ông với nhân dân, với đất nước Việt Nam vẫn còn mãi trong sâu thẳm những con dân đất Việt, trong ký ức của các đồng chí, chiến sĩ cách mạng và cả trong cộng đồng bạn bè quốc tế.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào dân tộc.
Được cả thế giới biết đến là một tướng thiên tài về mặt quân sự, Đại tướng còn là một giáo viên dạy Lịch Sử nổi tiếng với những bài giảng rất hay, cuốn hút, đặc biệt là những bài giảng về vấn đề lịch sử quân sự. Là một nhà giáo mẫu mực, tâm huyết với nghề, yêu trò như con, Đại tướng đã đem hết tâm huyết truyền tải cho những thế hệ sau một nguồn kiến thức về lịch sử bao la vô tận, một khí thế hào hùng của dân tộc chống giặc ngoại xâm, cách mạng của Pháp, mưu trí của Napoléon... mặc dù họ không trực tiếp sống trong thời kì đó nhưng cũng cảm thấy rạo rực và khí thế sôi trào. Những bài giảng ấy bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc... Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển giáo dục nước nhà khi ông giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo công tác khoa học và giáo dục. Sẽ là một khiếm khuyết lớn nếu không nói đến những cống hiến có giá trị to lớn của ông trên mặt trận giáo dục.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết rất nhiều bài báo, có thể nói là hàng trăm bài, để lại rất nhiều luận văn, gần 100 bản có giá trị trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ông đã viết rất nhiều sách về văn học. Đại tướng là tác giả hàng loạt cuốn sách như: Từ nhân dân mà ra (1964), Những năm tháng không thể nào quên (1970), Chiến đấu trong vòng vây (1995), Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử (1964), Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng (1970), Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng (2000)... Nhiều cuốn sách của ông được dịch sang nhiều thứ tiếng, được các học giả dùng làm tài liệu nghiên cứu một chặng đường lịch sử Việt Nam, như cuốn How We Won the War, đến nay đã tái bản tám lần và được dùng như giáo trình của khoảng 30 trường cao đẳng, đại học ở Mỹ.
Những tập giáo trình lịch sử do Đại tướng viết nên được truyền tay nhau qua bao thế hệ học trò. Những bài học được cấu trúc rất dễ thuộc, dễ nhớ... Ông có cách giảng dạy dễ hiểu, vừa nói tiếng Kinh vừa nói tiếng Tày, soạn cả bài giảng thành thơ bằng tiếng Tày, tiếng Thái, những bài giảng đã nung nấu trong lòng nhiều thế hệ thanh niên về lý tưởng sống sao cho xứng đáng với quê hương anh hùng dân tộc.
Cuối năm 1941, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về hoạt động ở Cao Bằng, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Với tài năng và mưu lược xuất sắc trên mặt trận quân sự và mặt trận văn hóa, Đại tướng đã sáng tác nhiều thơ ca phục vụ cách mạng bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số như bài "Việt Minh ngũ tự kinh".
"... Nước ta bị Tây cướp
Đã bảy tám mươi năm
Chúng đè nén giam cầm
Bắt ta làm nô lệ
Muốn đuổi cho sạch hết
Bọn đế quốc hùng cường
Thì ta phải theo gương
Các anh hùng dân tộc.
....
Dân khắc bầu chính phủ
Dân có quyền tự do
Được hội họp tha hồ
Được nói bàn phải trái
Được bán buôn đi lại
Trên đất nước nhà mình
Thổ, Mường, Mán, Nùng, Kinh...
Thương yêu nhau thân ái".
Đây là trích đoạn trong bài "Việt Minh ngũ tự kinh" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết bằng tiếng Dao Tiền do nhà thơ Bàn Tài Đoàn cung cấp trong tuyển tập "Văn học yêu nước và cách mạng ở Cao Bằng trước năm 1945", do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành đầu năm 2009, do 2 nhà văn Triều Ân và Đoàn Lư đã dày công nghiên cứu sưu tầm. Trong đó nhà văn Triều Ân đã miệt mài sưu tầm từ thập kỷ 60 của thế kỷ XX. Tác phẩm khẳng định vị trí, vai trò của văn thơ yêu nước và cách mạng do các chí sĩ yêu nước và các nhà cách mạng sáng tác ở Cao Bằng.
Tại trang đầu cuốn sách, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Những năm đầu thập kỷ 40, thế kỷ trước, ở Cao Bằng rộ lên phong trào sáng tác thơ ca để tuyên truyền, tổ chức, cổ vũ đấu tranh cách mạng. Bác Hồ làm thơ. Cán bộ Trung ương, cán bộ tỉnh, huyện làm thơ. Thời gian hoạt động ở Cao Bằng, tôi đã cố gắng học tiếng dân tộc để làm thơ vận động cách mạng... Nhiều nơi, thơ ca yêu nước và cách mạng lúc bấy giờ như một luồng gió mới góp phần thổi bùng lên ngọn lửa cách mạng để đến mùa thu năm 1945 toàn dân tộc vùng lên làm Cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa".
Đại tướng trò chuyện cùng đồng bào dân tộc.
Những bài thơ, bài văn bằng tiếng dân tộc tuy không vần, không nhịp, không đối câu, đối vần và cũng không theo một thi luật nào cả thế nhưng những bài thơ, bài văn đó lại rất dễ nhớ, dễ thuộc và được từng học trò của Đại tướng nằm lòng vì đó là ngôn ngữ của chính những người dân tộc được họ sử dụng hàng ngày (chủ yếu là người dân tộc Tày, dân tộc Thái ở Thái Nguyên và Cao Bằng), từ ngữ dân tộc mộc mạc miêu tả một cách chân thực về cách mạng, về lịch sử, về cuộc sống, về con người, về xã hội... mà khi đọc ta thấy nó không còn là một bài thơ với niêm luật chặt chẽ hay một giáo trình sâu xa khó hiểu mà những bài học đó như những câu chuyện thường được kể đến, được nói đến trong đời sống sinh hoạt và trong sản xuất.
Đại tướng nhận định: Giáo dục và đào tạo không chỉ có sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài... mà còn có sứ mệnh tạo ra những định hướng về giá trị văn hóa đạo đức, thẩm mĩ và tinh thần có ý nghĩa thúc đẩy sự tiến bộ của giáo dục bởi vì giáo dục và đào tạo là mục đích sống vì con người và vì cuộc sống. Giáo dục và đào tạo là nhân tố quyết định để phát huy tiềm năng trí tuệ và năng lực sáng tạo của con người Việt Nam và cộng đồng dân tộc Việt Nam, là động lực quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta tiến lên nhanh và vững, hội nhập quốc tế thắng lợi, sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới.
Trong các tác phẩm bàn về giáo dục của mình như "Mấy vấn đề về khoa học và giáo dục" và bài viết tâm huyết "Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà", Đại tướng đã viết: "Một trong những nhiệm vụ lớn lao có tầm quan trọng chiến lược trong suốt thời kỳ quá độ tiến lên CNXH là đào tạo con người phát triển toàn diện, có tinh thần làm chủ, có năng lực làm chủ và có tinh thần yêu nước XHCN, có trình độ văn hóa, khoa học ngày càng cao, nắm vững kỹ thuật, công nghệ sản xuất, kể cả công nghệ cổ truyền, kỹ nghệ, và công nghệ hiện đại, có cả những công nghệ hiện đại nhất. Đây chính là lực lượng sản xuất vĩ đại nhất. Trong sự nghiệp ấy thì công tác giáo dục từ mẫu giáo đến ĐH và trên ĐH có nhiệm vụ cực kỳ to lớn. Vì vậy, đầu tư cho giáo dục thực chất phải được coi là một bộ phận quan trọng trong chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội và là một trong những đầu tư có tầm chiến lược và đem lại hiệu quả lớn lao".
Thanh Bình
Khoa Ngữ Văn, Trường ĐHSP Hà Nội
Theo Dantri
Nghỉ học oan vì "tin tặc" Trước 2 tin nhắn nhận được qua sổ liên lạc điện tử ngay trong ngày khai giảng năm học mới, hàng trăm phụ huynh học sinh trường tiểu học Hạ Đình, quận Thanh Xuân khá ngỡ ngàng với thông báo nghỉ đột xuất cùng khoản tiền được nhà trường yêu cầu đóng góp không rõ mục đích. Cảnh báo tăng cường bảo mật...