Gia tăng người nhập viện vì bệnh sởi tại TPHCM
Trong tuần đầu tiên của năm 2019, TPHCM ghi nhận 60 ca mắc sởi. Đây là những người không tiêm chủng hoặc tiêm sởi không đủ mũi, cả trẻ em và người lớn.
Liên tục những ngày qua tại TPHCM, người dân phải nhập viện hàng loạt vì bệnh sởi đang gia tăng. Đáng nói là các ca nhập viện đều là những người không tiêm chủng hoặc tiêm sởi không đủ mũi, cả trẻ em và người lớn.
Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM cho biết, trong tuần đầu tiên của năm 2019, thành phố ghi nhận 60 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2018 không ghi nhận ca nào. Hiện, 24/24 quận, huyện đều phát hiện ca bệnh sởi, các quận có nhiều ca bệnh là: Thủ Đức, 8, 12 và Bình Tân.
Trong tuần đầu tiên của năm 2019, TPHCM ghi nhận 60 ca mắc sởi (Ảnh minh hoạ: KT)
Video đang HOT
Tại các bệnh viện, số ca nhập viện vì mắc sởi đang ngày càng gia tăng, điển hình như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, tính từ đầu năm đến nay đã có 62 ca nhập viện, chưa tính số bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú. Đáng lo ngại là có nhiều thai phụ bị mắc bệnh sởi đã sinh non trong khi đang điều trị. Tại bệnh viện này trong tháng 12 vừa qua đã có đến 3 thai phụ mắc bệnh sởi biến chứng viêm phổi, chuyển dạ, có dấu sinh phải chuyển qua các bệnh viện phụ sản và sinh non.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ tháng 11 đến tháng 12/2018 vừa qua, TPHCM đã triển khai nhiều chiến dịch truyền thông, tăng cường tiêm phòng sởi, rubella cho khoảng 300.000 trẻ từ 1 đến 5 tuổi đang sinh sống trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hiện nay là thời điểm người dân tăng cường đi lại nhiều, những người chưa tiêm chủng mắc bệnh sởi sẽ dễ lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, việc tiêm bổ sung vắc xin là điều cần phải làm.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, bệnh sởi lây qua đường hô hấp. Bệnh có nhiều biến chứng nặng nếu chưa được chích ngừa. Những trẻ không được tiêm phòng ngừa bệnh sởi hoặc lịch sử tiêm chủng không rõ ràng rất dễ mắc. Việc tiêm chủng rất quan trọng, vì khả năng lây lan trong không khí cao, dễ lây cho trẻ nhỏ dưới 9 tháng – lứa tuổi chưa được tiêm chủng bệnh sởi, nguy cơ gây nhiều biến chứng nguy hiểm:
“Có những biến chứng có thể làm cho trẻ nhập viện, như viêm phổi, viêm tai, tiêm ra máu, tiêu ra máu, hoặc những đứa sốt cao quá co giật. Phụ huynh phải nhớ là nó sẽ làm cho em bé suy dinh dưỡng, mà có nhiều người nhà lại kiêng cho bé ăn nữa thì càng suy dinh dưỡng”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói./.
Theo vov
TPHCM: Bệnh sởi gia tăng cấp độ nguy hiểm, đe dọa bùng phát dịch
Bất chấp nỗ lực phòng chống của ngành y tế, bệnh sởi trên địa bàn thành phố tiếp tục gia tăng trên diện rộng. Với 521 trẻ mắc sởi phải nhập viện điều trị, số ca tăng cao mỗi tuần, đây là dấu hiệu nguy hiểm, nguy cơ bùng phát dịch.
Thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố ngày 28/11 cho hay, tuần qua trên địa bàn ghi nhận thêm 66 trường hợp mắc sởi phải nhập viện điều trị, bệnh tăng 7% so với tuần trước. Tính tổng từ đầu năm đến nay, toàn thành đã có 521 trẻ mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2017 không có ca sởi nào được ghi nhận.
Sởi là bệnh nguy hiểm đang có nguy cơ bùng phát dịch cộng đồng cần chủ động phòng ngừa
Theo BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM: Sởi là một trong những bệnh nguy hiểm, có tính lây truyền có thể gây dịch lớn. Thời điểm giao mùa, sức đề kháng của trẻ bị suy giảm tạo điều kiện cho virus gây bệnh phát triển. Sởi là bệnh rất nghiêm trọng ở trẻ nhỏ và trẻ suy dinh dưỡng, các bé mắc bệnh nguy cơ đối mặt với biến chứng viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy và viêm não có thể gây tử vong. Trẻ mắc bệnh sởi nguy cơ thiếu vitamin A, nếu thiếu vitamin A trầm trọng có thể dẫn đến mù.
Bệnh thường xuất hiện mang tính chu kỳ khoảng 4 đến 5 năm một lần khi tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng không đạt bao phủ. Giai đoạn năm 2013 đến 2014 dịch sởi xảy ra trên diện rộng chủ yếu ở nhóm đối tượng dưới 10 tuổi chưa được tiêm vắc xin sởi tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi thấp trong những năm trước và những vùng có biến động dân cư cao. Nếu theo tính chu kỳ thì 2018 được cảnh báo sẽ là năm sởi bước vào giai đoạn gia tăng trở lại, nguy cơ bùng phát dịch.
Để hạn chế nguy hiểm do bệnh sởi gây ra, ngành y tế khuyến cáo cộng đồng đặc biệt là người giữ trẻ và trẻ cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước sạch; che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi bằng giấy sau đỏ bỏ khăn vào thùng rác và rửa tay bằng xà phòng; khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, ho, mắt đỏ, phát ban cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám.
Ngoài việc đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh theo lịch tiêm chủng quốc gia, hiện thành phố đang tiêm bổ sung vắc xin sởi tại các trạm y tế phường xã. Các gia đình có con dưới 5 tuổi chưa tiêm, không nhớ rõ đã tiêm hay chưa hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi, phụ huynh cần đưa trẻ đến trạm y tế nơi cư ngụ để được tư vấn cụ thể.
Vân Sơn
Theo Dân trí
3 loại dịch bệnh tiếp tục gia tăng ở TP.HCM Từ đầu năm đến nay, toàn TP.HCM đã có 326 ca bệnh sởi (cùng kỳ năm 2017 không có ca nào); số ca bệnh tay chân miệng nhập viện từ đầu năm đến nay là 5.350, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017 (4.642 ca). Bệnh tay chân miệng - NGUYÊN MI Ngày 3.11, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho...