Gia tài trong chiếc hộp già nua
Không ai biết đó là một gia tài. Không ai nghĩ đó là một gia tài. Một gia tài tích cóp bằng một đời người. Chiếc hộp già nua, xộc xệch ấy, ba tôi để trên ngăn cao nhất của chiếc tủ gỗ gõ lên nước bóng loáng trong nhà.
Ai cũng biết ngăn ấy mẹ tôi để dành nữ trang ngày cưới cách đây hơn 50 năm, số tiền ít ỏi dùng để dưỡng già, giấy tờ quan trọng nhất của gia đình… Chiếc hộp già nua nằm lẫn trong ấy, đôi khi, ba tôi lại mang ra phủi bụi, săm soi, tẩy mốc rồi lại nâng niu để vào.
Con cái tò mò, cứ nghĩ điều gì bí mật của ba, dăm lần hỏi mẹ, biết tính chồng sau 50 năm chung sống, bà chỉ cười hiền, không nói. Chiếc hộp phủ bụi trong trí nhớ chúng tôi.
Bạn ba về, một chuyến đi hơn 30 năm. Chuyến đi thăm thẳm như ánh mắt đã cướp mất người vợ thân yêu của bạn ba tôi. Hơn 30 năm, cuộc sống thành đạt nhưng vết thương mất mát vẫn còn trở về xoáy vào người đàn ông ấy. Vết thương hé miệng trong lời kể của ông với ba tôi.
Ba im lặng nghe chuyện, rồi nhẹ nhàng lấy chiếc hộp xuống trong ánh nhìn ngạc nhiên của người bạn. Ba lục tìm và mang ra một tấm bìa cứng, lẳng lặng đưa cho bạn.
Lạ thay, cầm tấm bìa cứng ấy, người đàn ông mạnh mẽ đã òa khóc như trẻ con, những giọt nước mắt làm giãn những nếp nhăn năm tháng trên khuôn mặt. Ông ôm chầm lấy ba mà khóc, ba vỗ lưng bạn thật nhẹ như nói: “Khóc đi, đã đến lúc để nước mắt rửa vết thương và để chúng lành lặn”.
Trong cái nhìn ngạc nhiên của anh em tôi, người đàn ông lật tấm bìa cứng ra “Đây là thiệp cưới của chúng tôi, từ năm 1965. Tôi không thể tin có ngày còn nhìn thấy được nó, không thể tin có còn ai trong vài mươi người được mời ngày xưa còn giữ tấm thiệp”.
Tuồng chữ cứng cáp nhưng thanh thoát trên thiệp hiện lên một đám cưới ngập tràn ấm cúng ngày xa xưa. Tấm thiệp chứng nhân, tấm thiệp nhắc nhớ ấy đã theo người đàn ông về lại xứ xa. Ông tin rằng, với tấm thiệp ấy, tình yêu mãi tồn tại, và nơi nẻo xa khuất nào đó, người vợ của ông sẽ hạnh phúc vì tình yêu của ông dành cho bà còn nguyên vẹn và vì ông đã biết cách đi qua nỗi đau…
Vài “viên ngọc” trong kho báu của ba tôi! Ảnh: Nam Thụ
Video đang HOT
Anh chị tôi bất hòa trong hôn nhân vì những điều nhỏ nhặt, dù con cái đã vào đại học. Ba lại lục trong gia tài, một trái tim lớn lồng tên anh chị và chữ ký những người dự tiệc được đem ra, chữ ký ba rất rõ. Màu giấy của những ngày cưới khó khăn cách đây hơn 20 năm không đẹp như giờ, nhưng sắc hồng còn rất thắm.
Cả tờ giấy đen xỉn ba ghi vội giờ sinh, ngày sinh, tên đặt, cung trạch… lúc cháu tôi vừa ra đời tại bệnh viện. Sắc hồng còn đó, chữ ký mọi người còn đây, tiếng khóc của cháu tôi còn in trên giấy… lẽ nào! Anh chị ngồi cúi đầu, ba lại bê gia tài cất sau nụ cười “Sống cho phải đạo với ký ức”. Gia tài của ba đỡ đần biết bao lần sóng gió, che chắn những mưa bão đời sống một cách nhẹ nhàng và thản nhiên như thế.
Lâu lắm tôi lại về quê, ba mang cả gia tài ra cho tôi xem. Những mảnh giấy ố màu kỳ diệu. Nhìn qua những thiệp mừng, giấy tờ cũ ấy người xem có thể hình dung ra cả một chặng đường đất nước. Những tấm thiệp nhỏ cỡ bàn tay của thập niên 1950, 1960, in bằng thứ mực xanh học trò, nhẹ nhàng và dễ thương.
Những địa chỉ, tên đường đã mất hút hay đổi thay trong bể dâu lịch sử vẫn còn hơi thở trên những chữ in mờ. Thiệp của thời bao cấp khó khăn được viết tay bằng mực tím, bút tre trên nền giấy kẻ ô, người gửi thiệp vui tay còn điểm thêm một cành hoa vàng bằng bút chì sáp. Hàng trăm phận người, hàng ngàn câu chuyện, biến cố đã đi qua trên những mảnh giấy nhỏ này.
Ba cầm một tấm thiệp cưới của tôi bỏ vào hộp gia tài: “Sẽ có lúc con cần…”. Người canh giữ gia tài ấy tóc nay trắng xóa, nhưng có lẽ gia tài ký ức này đã được chuyển giao, và nhân lên nhiều lần, không chỉ cho riêng tôi!
'Biết buông bỏ': 3 chữ giản đơn nhưng khó làm, chính là chìa khóa để sống một đời hạnh phúc
Mọi thứ xuất hiện đều chứa đựng một bài học sâu sắc, góp phần ảnh hưởng tới hành trình phát triển của mỗi người. Mọi thứ ra đi cũng vậy.
Câu chuyện về sự buông bỏ
Một tốp người đang phiêu du giữa sa mạc. Ai nấy đều mệt mỏi rã rời, vừa bước vừa thở hổn hển, tưởng như sắp kiệt sức đến nơi. Ấy vậy mà lại có 1 người trong đoàn vừa đi vừa hát ca vui vẻ, rất thoải mái.
Một người bèn hỏi anh chàng: "Đi cả chặng đường dài như thế, chả nhẽ anh không thấy mệt sao?".
Anh chàng kia cười đáp lại: "Bởi vì hành lý của tôi ít ỏi, nhẹ tênh ấy mà!".
Hóa ra chỉ cần những người kia bỏ bớt đồ đạc lỉnh kỉnh của mình đi, hành trình của họ sẽ bớt khó khăn hơn rất nhiều. Nhìn rộng ra, sống ở đời, chỉ cần bạn không níu giữ quá nhiều điều trong lòng, mỗi ngày trôi qua sẽ thêm phần nhẹ nhõm, thảnh thơi.
Đời vốn vô thường, buông bỏ là điều tất yếu
Cuộc đời vốn vô thường, và đổi thay là không thể tránh khỏi. Xin mượn lời nhà thơ Xuân Quỳnh để nói về sự "đến rồi lại đi": "Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi" . Có thể lúc này ta đang bước trên con đường A, biết đâu ngày mai số phận đã rẽ sang một hướng B khác hẳn.
Trong Phân tâm học có một khái niệm là "đoạn tang", nói về cách xử lý những mất mát trong đời. "Đoạn" là chấm dứt, đoạn tuyệt; còn "tang" không phải chỉ nói đến cái chết, mà là bất kỳ sự mất mát nào mà chúng ta phải đối mặt trên hành trình sống. Đó có thể là chia tay một mối tình, chia ly một người thân, thú cưng qua đời, rời khỏi quê hương để sinh sống tại một thành phố mới,...
Nếu không thể "đoạn tang" với những điều đã cũ, bạn sẽ vĩnh viễn mắc kẹt ở quá khứ. Rinpoche từng nói: " Đây là những bi kịch và trớ trêu khi chúng ta cố nắm giữ mọi thứ, bởi vì không những điều đó chúng ta không thể làm được mà còn làm cho chúng ta rất đau khổ khi chúng ta tìm cách để trốn tránh nó ".
Sợ "buông" vì ngại thay đổi
Nhiều khi người ta mãi không chịu buông tay còn bởi 1 lý do: ngại thay đổi. Họ nghĩ: "Nếu ở trong tình trạng này thì ít nhất là nó vẫn còn quen thuộc, và mình chịu đựng được". Họ khổ sở, mệt mỏi ngày qua ngày nhưng nhất quyết không buông bỏ. Vì nếu buông tay, họ sợ rủi ro khi không biết phía trước có gì.
Thực ra nếu "buông", đúng là bạn có thể phải đối mặt với rủi ro và những điều đáng sợ bạn chưa biết. Còn nếu giữ mãi những điều nặng nề, bạn chắc chắn đang tự hại chính mình rơi vào vòng nguy hiểm với cảm xúc của mình. Có những điều đáng sợ lại không hề nguy hiểm, và ngược lại.
Giống với những người phiêu du trên sa mạc trong câu chuyện ban đầu, mỗi người cần học cách buông bỏ bớt những "hành lý" không còn hữu dụng ra khỏi đời mình. Có vậy, ta mới sải bước được nhanh và xa hơn với một tâm hồn tự do, khoáng đạt. Và cuộc đời, vẫn còn rất nhiều điều tốt đẹp đang chờ đợi.
Đừng ép mình phải ổn ngay lập tức sau khi buông bỏ
Đầu tiên, đừng cố gượng ép bản thân phải về trạng thái bình thường ngay lập tức. Sau mỗi mất mát và chia ly, đau khổ là cảm xúc hoàn toàn bình thường của con người. Vui vẻ ngay đó mới là bất thường. Bạn không cần phải tìm cách vượt qua tâm trạng u buồn này ngay. Hãy cho phép mình được đau khổ, hãy dành thời gian "đoạn tang" với nỗi đau này và chữa lành bản thân từ bên trong. Đừng e sợ mình không vượt qua nổi, mọi mất mát hay tổn thương bạn gặp phải hoàn toàn nằm trong khả năng tự chữa lành của chính bạn!
Nhìn lại tất cả mất mát, bạn thấy mình đã học được điều gì?
Mọi thứ xuất hiện đều ẩn chứa một ý nghĩa sâu sắc, góp phần ảnh hưởng tới hành trình phát triển bản thân của bạn. Mọi thứ ra đi cũng vậy. Giờ đây, hãy nhìn lại chặng đường đã qua tự hỏi xem: "Mình đã học được điều gì? Điều này có gì tốt?".
Dù phải trải qua khó khăn vất vả nhưng chắc chắn, bạn sẽ tìm được ít nhất một điều tốt đẹp trong hoàn cảnh và trưởng thành hơn từ đó.
*Bài viết có sự tham khảo kiến thức từ Phật giáo và Thiền đương đại.
Trong cuộc đời, có 5 người cần coi trọng và 3 thứ nên xem nhẹ Làm được điều này, bạn sẽ thấy cuộc sống thật nhẹ nhàng, tích phước lành cho bản thân. 5 người cần coi trọng: 1. Cha mẹ Công lao to lớn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ như núi cao, như biển sâu. Thế nên dù có bận, có mệt nhưng đừng quên chăm sóc, báo hiếu cha mẹ. Người ta vẫn...