Gia tài lớn trong căn phòng 35m2
Lúc nào cũng bận rộn với công việc, có lẽ Đỗ Hồng Quân chỉ đích thực là chính mình khi ngồi bên cây đàn. Những ký ức cứ tràn về. Tôi im lặng nghe câu chuyện của anh từ những suối nguồn âm thanh lãng mạn và mênh mông cảm xúc.
“Gia tài” đồ sộ
Người ta hay nhắc đến chuyện nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đóng phim “Thằng Cuội” (1989) như một sự khích lệ đáng yêu. Có người còn nói, không những anh là một nhạc sĩ đầu tiên mà còn là Tiến sĩ đầu tiên đóng phim. Ấy còn chưa kể anh mới được Nhà nước phong hàm Phó Giáo sư (10-2015). Nhưng thật ra những tác phẩm âm nhạc viết cho phim và sân khấu của anh mới là câu chuyện đáng nể.
Đúng nghề, đúng tài. Một kỷ lục từ trước đến nay chưa ai có, mà anh đã đạt được đó là 6 giải thưởng cho âm nhạc trong Liên hoan phim vào các năm 1986-1990-1993-1995-2000-2004. Đó là những tác phẩm viết cho các phim như: “Mùi cỏ cháy”; “Bến không chồng”; “Cuốc xe đêm”; “Những người thợ xẻ”; “Người yêu đi lấy chồng”…
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tâm sự, viết nhạc cho phim, hay sân khấu rất gần gũi với sáng tác nhạc không lời cho một dàn nhạc với những chủ đề đã được xác định. Người viết cần có sự đam mê thật sự và cảm xúc dồi dào. Đỗ Hồng Quân còn là một người viết nhạc cho các vở kịch hát hay ballet rất thành công như “Hồng Hoang” (Ballet), “Câu chuyện tình” (Kịch hát) và “Nàng Silami” (kịch hát)…
Anh bảo năm nay tròn 60 tuổi, anh sẽ cho ra đời một vở Opera về con đường 20 như bộ sử thi bằng âm nhạc về sự hy sinh của những nữ chiến sĩ anh hùng, hiến dâng tuổi trẻ cho cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc.
Những giai điệu ấm áp của bản “Đối thoại” đưa tôi vào một trường âm thanh rạo rực nỗi niềm về tình yêu cuộc sống. Ngồi trong căn phòng tình yêu của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, được nghe anh đàn, tôi bị cuốn hút với âm hưởng mơ mộng về một vườn âm thanh đang tràn về đây. Một tổ ấm mộc mạc đơn sơ đến không tưởng này cũng tràn đầy kỷ niệm mà tôi khó có thể hình dung…
Vận may chưa đến
Mới đây khi đến nhà thăm anh, tôi có dịp được anh đàn cho nghe tác phẩm “Đối thoại”, sau chuyến đi biểu diễn ở Philippines cuối năm 2015. Tôi ngồi vừa nghe nhạc vừa ngắm căn phòng cùng cây dương cầm với những nghĩ suy bâng khuâng. Đây là căn phòng mà hai đời Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam đã gắn bó. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân kể gia đình anh ở đây từ năm 1956, khi anh mới chào đời. Nhiều tác phẩm âm nhạc của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận được viết từ căn phòng này.
Đến đời nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng vậy, không rời đi đâu. Lấy vợ, sinh con, chăm nom bố mẹ ốm đau cho đến khi mất vẫn tại căn phòng này, vỏn vẹn chừng 35 mét vuông. Thấy lạ, tôi hỏi sao đến 3 khóa làm chủ tịch mà anh không kiếm lấy một mảnh đất làm nhà. Đỗ Hồng Quân nở một nụ cười “chú Cuội” hết sức chân tình giải thích, tại cái số không may, mọi cơ hội không đến lượt mình.
Thế còn cô vợ Chiều Xuân có tiếng giỏi giang, xinh đẹp, một nữ giám đốc công ty làm phim mà cũng chịu à? Đỗ Hồng Quân lại cười. Anh nói, đã gần ba mươi năm chung sống, nghệ sĩ Chiều Xuân cũng không có đòi hỏi gì hơn. Tất cả tình cảm tâm trí đều dồn vào công việc và chăm sóc chồng con, Chiều Xuân chỉ mong một cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Hai vợ chồng vẫn hàng ngày dắt xe len lách vào lối đi nhỏ hẹp, bước lên những bậc cầu thang cũ kỹ để vào căn phòng tình yêu.
Thật bất ngờ khi câu chuyện của chúng tôi bàn đến công việc đào tạo của anh ở Học viện Âm nhạc Quốc gia đã vài chục năm qua. Đây cũng là cái nôi nuôi dưỡng anh những ngày đầu tiên vào con đường âm nhạc. Việc được nhận hàm Phó Giáo sư của anh là một thành quả lớn trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
Nhiều học trò của anh trưởng thành và có những sáng tạo đáng kể cho các dòng âm nhạc, như Vũ Thiết, Vũ Thảo, Lương Minh, Trần Nhật Dương… hay sau này có Phạm Minh Thành, Đỗ Bảo, Lưu Hà An… Nói về chuyện này, anh tâm sự chính việc giảng dạy và đào tạo thích hợp với mình nhất. Đó là niềm vui bên cạnh sự say mê sáng tạo. Khi ấy, triết lý âm nhạc của anh được lan tỏa làm bệ phóng cho những thế hệ tiếp nối bay cao.
Theo Vương Tâm
An Ninh Thủ Đô
NSƯT Chiều Xuân từng bị kỷ luật vì lấy chồng
Với NSƯT Chiều Xuân, thành công trong sự nghiệp phim ảnh và hạnh phúc hôn nhân đều đến sớm. Hãy cùng chị nhìn lại những dấu son cuộc đời!
Một ngày tạm gọi là rảnh rỗi của nghệ sĩ ưu tú Chiều Xuân khi không phải ra phim trường là xem xét kịch bản, tham gia talkshow, đưa con gái nhỏ đi tập múa hát, nấu bữa tối thật ngon để cả nhà quây quần. Chị vẫn tươi trẻ, năng động, tràn đầy sức sáng tạo ở tuổi 48, sau gần 30 năm cống hiến cho nghệ thuật.
Video đang HOT
Lật từng trang trong cuốn album ảnh dày, Chiều Xuân dừng lại lâu nhất ở những tấm ảnh cưới và tấm ảnh chụp khi đóng vai Thuận của Mẹ chồng tôi, hai bước ngoặt lớn trong đời sống và sự nghiệp của mình.
Niềm đam mê thấm vào tim
Chiều Xuân ra đời vào chiều mùng 5 Tết năm 1967. Đặt cho con gái cái tên Nguyễn Thị Chiều Xuân giản dị nhưng nhiều ý nghĩa gợi mở, cha mẹ chị mong ước con gái sẽ có cuộc sống nhẹ nhàng, vượt qua những ngày mưa ảm đạm của tiết đông lạnh giá. Sau này, Chiều Xuân nhận ra, những buổi chiều mùa xuân đến với chị đều đẹp, nên thơ.
Niềm đam mê diễn ngấm vào máu từ nhỏ nữ diễn viên.
Quá trình đến với nghệ thuật của Chiều Xuân có nhiều thuận lợi, vì cha là đạo diễn nổi tiếng Đức Đọc. Mới 5, 6 tuổi, Chiều Xuân đã theo cha đến rạp ngồi xem ông dựng các vở kịch nổi tiếng Âm mưu và tình yêu, Thép đã tôi thế đấy, Cố nhân...
Cha không bao giờ nói về nghề nghiệp hoặc định hướng công việc cho các con, nhưng với cá nhân Chiều Xuân, ông biết mỗi lời nói, cử chỉ, thái độ, cách hướng dẫn của ông với học trò Phương Thanh, Thanh Quý, Bùi Cường, Minh Châu... đã thấm sâu vào tim cô con gái nhỏ. Niềm đam mê trở thành diễn viên cứ lớn dần theo Chiều Xuân những năm cấp hai, cấp ba và lên đại học.
Tại trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, cha cũng chính là người thầy đầu tiên hướng dẫn Chiều Xuân trong sự nghiệp.
Năm thứ hai đại học, Chiều Xuân nhận được vai diễn đầu tiên trong phimDòng sông khát vọng. Chị còn nhớ cảnh phim nhân vật Mai của mình ương bướng bị mẹ tức giận giáng cho một cái tát. Cảnh này phải quay đi quay lại gần chục lần mới thành công, làm má Chiều Xuân không chỉ đỏ ửng lên mà còn ê đi không còn cảm giác gì.
Những vai diễn làm nên tên tuổi Chiều Xuân
Nói đến thành công của bộ phim truyền hình ra đời năm 1994 Mẹ chồng tôi, người ta không thể không nhắc đến nghệ sĩ ưu tú Thu An và Chiều Xuân.
Chiều Xuân thừa nhận, Thuận như một nấc thang trong sự nghiệp, giúp chị được khán giả cả nước biết đến. Cũng vì thế, Chiều Xuân nhớ như in những kỷ niệm với Thuận, từ khi bắt đầu được nhận vai diễn đến những vui buồn cùng các đồng nghiệp trong ê-kíp làm phim.
Đó là một ngày của năm 1994, khi Chiều Xuân cùng gia đình đang tất bật chuẩn bị làm giỗ cho bố chồng Đỗ Nhuận thì nhận được lời mời thử vai của đạo diễn Khải Hưng. Lúc ấy, Chiều Xuân đã sinh con gái lớn được 5 năm và vừa ra mắt khán giả trong vở kịch Ni cô Đàm Vân tại Nhà hát Kịch Việt Nam.
Chiều Xuân đã khắc họa hình ảnh người phụ nữ Việt chịu thương chịu khó, chân chất nhiều lần trên sân khấu nhưng với phim truyền hình thì đây là lần đầu.
Chiều Xuân kể: "Sau khi thử vai thì không thấy anh Khải Hưng nói gì cả, tôi thì chỉ có 50% hy vọng là được chọn. Đạo diễn Khải Hưng sau đó nói với tôi, lúc mới gặp tôi anh ấy hơi thất vọng vì thấy tôi có dáng vẻ là một cô gái thành thị. Thế nhưng sau khi thử phục trang thì anh ấy rất ngạc nhiên vì sự thay đổi hoàn toàn: trước mặt anh ấy là một cô thôn nữ phảng phất một nét buồn gì đó trong ánh mắt, rõ ràng đúng như những gì anh ấy hình dung cho Thuận".
Chiều Xuân trong Mẹ chồng tôi.
Còn Chiều Xuân, khi cầm kịch bản Mẹ chồng tôi trên tay đã lặng đi rất lâu, bởi đây là một kịch bản hay, cảm giác như câu chuyện xúc động ấy ngấm vào người mình.
"Tôi thầm nhủ đây chắc chắn sẽ là vai mình sống chết với nó. Không chỉ đơn giản là chuyện nghĩ trong đầu, mà mình đã cảm tình, rung động với vai diễn đó thì mọi tình cảm đều dành cho nó" - chị nói.
Cũng vì lý do này, chị đã không ngại vất vả thiếu thốn và thậm chí không nghĩ đến thù lao mà vẫn làm hết mình vì sự thành công của vai diễn và bộ phim.
Mặc dù quay ngay tại ngoại thành Hà Nội nhưng phương tiện đi về không có, nên những ngày cuối cùng, khi tiền bắt đầu cạn cả ê-kíp phải ăn khoai, ăn sắn thay cơm.
Các diễn viên, không quản ngại khó khăn gian khổ, mặc dù thù lao ít ỏi chẳng đáng là bao. Đến "cao giá" như Trần Lực mà gọi điện mời đi đóng phim cũng sẵn sàng đi ngay. Dù không cách nhà quá xa nhưng để tận dụng thời gian quay hết các bối cảnh, Chiều Xuân ở lại đoàn phim và ông xã Đỗ Hồng Quân phải đưa con gái đến thăm.
Thuận là vai diễn truyền hình lớn đầu tiên và giúp Chiều Xuân được khán giả nhớ nhất. Vậy có lẽ với những vai diễn sau này, khi đã có tiếng tăm và kinh nghiệm với phim ảnh hơn, chắc chị không còn quá vất vả? Chiều Xuân cười lắc đầu, bảo ngược lại, chị càng phải nỗ lực nhiều, càng sống chết với từng vai diễn dù lớn hay nhỏ để không bao giờ lặp lại chính mình. Cũng vì thế, chị không quá khó khăn để xóa đi hình ảnh của Thuận trong các vai diễn sau này. Vai Na trong Người yêu đi lấy chồng (năm 1996, đạo diễn Vũ Châu) là một dấu ấn khác của Chiều Xuân.
Sau thành công của Mẹ chồng tôi chị và Trần Lực tái hợp trong phim này, một lần nữa trở thành cặp đôi đẹp trên màn ảnh nhỏ.
Chị xúc động nhớ lại: "Cảnh Na chèo đò trên sông gặp Tú và anh níu thuyền của cô lại hỏi tại sao không đến với anh khi anh rất yêu cô, sao phải cự tuyệt tình cảm của chính mình. Na dứt khoát chèo thuyền bỏ đi, cố kìm nén tiếng nức nở bật ra mà nước mắt tuôn dài trên má. Cảnh diễn xuất thần ấy đến giờ mỗi khi nghĩ lại, vẫn làm tôi buồn, cảm giác như mình còn đang nức nở".
Tuy vậy, Thuận hay Na trong hai bộ phim truyền hình đình đám trên chưa phát huy hết được sở trường và nội lực của một người nghệ sĩ ưu tú như Chiều Xuân.
Chiều Xuân trong vở kịch Ả ca ve nhà hàng Maxim.
Cô gái bán hoa trong vở kịch Ả ca ve nhà hàng Maxim được đánh giá là vai diễn hoàn hảo nhất trên sân khấu của chị. Vai này đòi hỏi chị vừa diễn vừa phải nhảy múa, hát không cần dùng đến micro mà vẫn thu hút người xem từ đầu đến cuối.
Để làm tròn vai diễn này, Chiều Xuân đã dành cả tháng trời chỉ để học múa, hát và học giữ sức trên sân khấu.
"Nhiều khi mệt đứt hơi, tôi đứng trên sân khấu mà nghĩ: Thôi chết rồi, nốt câu này không nói được nữa. Vậy mà cuối cùng vẫn cứ hoàn thành mọi suất diễn, cứ như có ma lực vậy", chị chia sẻ với vẻ tự hào.
Cộng thêm vào thành công sự nghiệp của Chiều Xuân là hàng loạt các vai diễn ấn tượng khác. Trong đó có thể kể đến vai nhà báo Ngân Hà trong Hà Nội 12 ngày đêm (2002) của đạo diễn Bùi Đình Hạc. Năm 2003, chị tiếp tục ghi dấu ấn với vai Hương trong phim Hàng xóm của đạo diễn Phạm Lộc, Mai trong Tình biển của đạo diễn Đới Xuân Việt.
Vốn không thích bó buộc mình trong bất cứ khuôn mẫu nào nên những năm gần đây, Chiều Xuân lại chọn những vai diễn hoàn toàn khác. Đó là bà mẹ trong phim điện ảnh Scandal: Hào quang trở lại của đạo diễn Victor Vũ, Loan trong Heo may về qua phố, Ngọc Diệp trong Lời thú nhận của Eva...
Có lẽ việc liên tục hóa thân vào những vai diễn chưa làm Chiều Xuân hài lòng với chính mình nên chị sang Pháp theo học khóa đạo diễn. Trở về, chị quyết định dấn thân vào nhiều vai trò mới bằng việc điều hành hai công ty Nam Việt và Việt Nữ với vị trí giám đốc, đạo diễn và nhà sản xuất.
Điều đặc biệt là dù phải cùng lúc đảm nhận nhiều công việc nhưng ở Chiều Xuân, ngọn lửa đam mê diễn xuất chưa bao giờ nguội tắt.
Mỗi năm, chị đều tham gia một vài vai diễn truyền hình. Còn với "thánh đường sân khấu", chị vẫn nâng giữ những đam mê như thuở nào. Ngay sau khi trở về từ Pháp, chị chứng minh tay nghề bằng vở Nhật ký chàng ngác ngơ (kịch bản của Lê Hoàng), do chính mình đóng vai chính.
Là người mẹ, người vợ hạnh phúc
Trên Facebook, Chiều Xuân thường xuyên chia sẻ hình ảnh về chồng và hai cô con gái. Kết hôn khi mới 20 tuổi và đã trải qua gần 30 năm hôn nhân, Chiều Xuân và Đỗ Hồng Quân vẫn tình tứ trong mỗi bức ảnh và đồng hành trong mỗi sự kiện cuộc sống.
Năm 1987, khi mới 20 tuổi, đang ở năm thứ hai đại học thì Chiều Xuân đã trở thành cô dâu của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.
Chị lấy chồng năm 20 tuổi.
Nhớ lại những kỷ niệm ngày mới gặp chồng, Chiều Xuân mỉm cười duyên dáng, tưởng như vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc của cô gái lần đầu biết yêu: "Tôi gặp anh Đỗ Hồng Quân khi đang là sinh viên năm thứ hai lớp diễn viên điện ảnh. Anh Quân lúc đó vừa tốt nghiệp bằng đỏ cả hai chuyên ngành sáng tác và chỉ huy tại nhạc viện danh tiếng Tchaikovsky (Nga). Anh vừa đi học ở Nga về, là con trai nhạc sĩ Đỗ Nhuận và là người phổ nhạc bài hát Chiếc lá cuối cùng trong vở Sân khấu cuộc đời. Bài hát lay động trái tim tôi, một thiếu nữ 19 tuổi và vấn vương từ ấy...
Đám cưới chỉ sau 6 tháng yêu nhau, tôi bị nhà trường kỷ luật vì còn đang đi học nhưng cho đến giờ, tôi chưa thoảng ý nghĩ nào hối hận về điều này".
Trên trường quay bộ phim đầu tay Dòng sông khát vọng mà Chiều Xuân tham gia, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng có mặt và nhìn người vợ xinh đẹp, bé nhỏ của mình bị tát đến đỏ lựng má mà vẫn chưa đạt được yêu cầu của cảnh quay.
Xót thì xót đấy nhưng sau đó, anh chỉ nói với chị một câu: "Trông em lúc ấy ngố lắm". Điều đó chứng tỏ anh rất tôn trọng lựa chọn và tình yêu nghề nghiệp của vợ.
Hình ảnh hai vợ chồng hiện tại.
Để rồi sau này, trong gần 30 năm vợ chồng, dù giữ nhiều vai trò quan trọng trong Hội Âm nhạc Việt Nam thì anh luôn hết lòng hỗ trợ vợ chăm sóc con nhỏ để chị yên tâm phát triển sự nghiệp.
Thậm chí, theo lời kể của Chiều Xuân thì khi nhìn thấy vợ đóng cảnh tình cảm với người đàn ông khác, cùng lắm Đỗ Hồng Quân cũng chỉ hùa với con gái kêu lên "khiếp quá!".
Thời mới lấy nhau, dù có những khó khăn chung của thời bao cấp, bố mẹ ốm, con còn nhỏ, nhưng niềm lạc quan với cuộc sống đã giúp Chiều Xuân đi qua mọi chuyện nhẹ nhàng và đơn giản hơn. Bên cạnh đó, Chiều Xuân luôn biết ơn sự cảm thông, giúp đỡ của bố mẹ chồng mà nhờ đó, chị có thể sống hết mình với niềm đam mê nghệ thuật.
Nữ nghệ sĩ và con gái út.
Hiện tại, ở tuổi gần 50, Chiều Xuân viên mãn cả về sự nghiệp và đời sống. Cô con gái đầu Hồng Mi sau khi đi du học ở Pháp về, bắt đầu tạo lập cuộc sống với công việc kinh doanh. Hồng Khanh, cô bé có thiên hướng âm nhạc, từng "gây bão" ở Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên ngày càng thông minh, học giỏi.
Trước nhận xét cuộc đời mình được trải hoa hồng, Chiều Xuân chỉ cười tươi mà không nói. Dường như cách phản ứng của người nghệ sĩ này ngầm nói nên rằng cuộc đời có nhẹ nhàng, suôn sẻ hay không thì ngoài chút may mắn, đều do thái độ sống, làm việc và cống hiến của bản thân với công việc và những người xung quanh.
Theo Đinh Hương/Thế Giới Văn Hóa
Phim 'Nàng heo của tôi' đoạt giải thưởng lớn ở Osaka "My sister, the pig lady" của đạo diễn Jang Moon Il giành được giải thưởng lớn của LHP châu Á Osaka (OAFF) 2016. Sau 9 ngày chiếu phim, giao lưu giữa các nhà làm phim với khán giả tại Osaka cùng nhiều sự kiện điện ảnh khác, liên hoan phim châu Á Osaka 2016 vừa bế mạc và trao giải tối 13/3. Với...