Giá rét ở Nga và Đông Âu, 200 người chết
Trận rét khắc nghiệt tràn qua Nga và các nước Đông Âu, làm gần 200 người thiệt mạng trong những tuần qua, và được dự báo có thể kéo dài đến đêm Giáng sinh.
Hôm 17/12, đường phố ở thành phố Novosibirsk, vùng Siberia, Nga, cách Moscow 2.800 km về phía đông, ngập trong băng tuyết. Ảnh: AFP
RIA Novosti dẫn lời nguồn tin y tế hôm qua cho biết tổng cộng 56 người chết và 371 người nhập viện vì giá rét ở Nga trong một tuần qua. Nhiệt kế ở Moscow cho thấy nhiệt độ ở mức -20 độ C, và ở một số vùng tại Siberia là -50 độ C trong vòng một tuần. Trận giá rét “bất thường” này có thể kéo dài đến tận ngày 24/12 do vùng xoáy nghịch kéo dài, các nhà dự báo thời tiết Nga cho hay.
Những nước châu Âu khác bị ảnh hưởng nặng của thời tiết khắc nghiệt đang tính toán thiệt hại khi nhiệt độ dần trở về mức bình thường.
Các quan chức Ukraine cho biết trận mưa tuyết lớn kéo dài hàng tuần đã khiến 83 người thiệt mạng, 57 người trong số đó được phát hiện chết cóng trên đường. Những người vô gia cư thường là những người bị thiệt hại nặng nhất ở các khu vực giá rét. Hơn 500 người khác cũng phải nhập viện ở Ukraine vì rét.
Cảnh sát Ba Lan hôm qua cho hay 49 người chết vì rét trong tháng này, hầu hết là những người vô gia cư, khi nhiệt độ giảm xuống -10 độ C. Còn ở Lithuania, ít nhất 6 người chết vì rét. Tại Latvia, nhiệt độ sáng qua là -14 độ C. Ở thủ đô Riga, giới chức đã quyết định giảm giá vé phương tiện công cộng để khuyến khích người dân bỏ ôtô ở nhà, tránh tắc đường và tai nạn giao thông. Nhiệt độ đêm Giáng sinh ở Latvia dự kiến xuống còn -28 độ C, ở mức thấp kỷ lục. Cảnh sát Séc cũng cho biết nhiều người đã chết vì rét trong những tuần vừa qua nhưng chưa có số liệu cụ thể trên cả nước.
Một người dân thành phố Novosibirsk, vùng Siberia, Nga cho thế giới thấy nơi anh sống lạnh lẽo đến mức nào bằng cách đổ một nồi nước sôi từ tầng cao nhất của tòa nhà chung cư xuống đất. Nước lập tức biến thành một làn mây băng tuyết.
Video đang HOT
Theo VNE
Ngày càng nhiều thanh niên Mỹ thất nghiệp, vô gia cư
Taylor, 24 tuổi, không kiếm đủ tiền thuê căn hộ chung với người khác và phải qua đêm với tấm chiếu ở khu dành cho người vô gia cư. Ngày càng nhiều người Mỹ trong độ tuổi 18-24 mất việc làm.
Duane Taylor đang học ngành nhân văn tại một trường cao đẳng cộng đồng và hiện sống một mình. Anh đã mất việc 3 lần chỉ trong thời gian ngắn và đang làm tại một nhà hàng. Cậu sinh viên 24 tuổi không kiếm đủ tiền thuê một căn hộ hay thậm chí thuê phòng chung với người khác. Anh chỉ có thể ngủ trên tấm chiếu ở nơi tạm trú ngắn hạn dành cho người vô gia cư.
"Tôi lo có thể bị sa thải bất cứ lúc nào", Taylor nói. Giờ mục đích duy nhất của Taylor là làm sao có thể sống sót qua giai đoạn này.
Trên khắp nước Mỹ, hàng chục nghìn người trẻ tuổi thất nghiệp dù đã hoàn thành tín chỉ đại học hoặc có kinh nghiệm làm việc. Tất cả phải đang vật lộn để tìm nơi tá túc trong giai đoạn suy thoái kinh tế.
Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất rơi vào độ tuổi từ 18 đến 24. Có người chọn cách quay về sống cùng cha mẹ, một số khác không có lựa chọn khi mà chính cha mẹ của họ cũng chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi nền kinh tế hiện tại. Mẹ Taylor đang cóp nhặt từng đồng khi làm việc tại một tiệm giặt ủi.
Không có nơi ở ổn định, nhóm người trẻ sẽ dành phần lớn thời gian để ngủ trong ôtô hay trú tạm một nơi nào đó để tránh dèm pha về tình trạng vô gia cư quá lâu. Họ hy vọng đây chỉ là giai đoạn khó khăn tạm thời.
Nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng cũng không làm thuyên giảm nạn vô gia cư trong giới trẻ Mỹ. Ảnh: New York Times
Nhóm người 18-24 tuổi cũng được xem là thành viên mới gia nhập vào lực lượng vô gia cư ở Mỹ. Từ trước đến giờ, ở hầu hết các bang và thành phố tại Mỹ, người ta thường quan tâm nhiều hơn tới các hộ gia đình không có nhà ở, chứ chưa thật sự lưu tâm để nhận diện giới trẻ. Bởi những người trẻ tuổi có cảm giác xấu hổ khi tạm trú những khu vô gia cư dành cho người già hơn mình.
Tỷ lệ thất nghiệp và số lượng người trẻ tuổi không có khả năng học đại học cũng là một yếu tố khiến lượng người vô gia cư tăng lên đáng kể trong nhóm tuổi 18-24, Barbara Poppe, Giám đốc điều hành của Hiệp hội chuyên trách về tình trạng vô gia cư của Mỹ cho biết.
Chính quyền Obama đã bắt đầu đưa ra phương án giải quyết tình trạng vô gia cư trong giới trẻ, ban đầu áp dụng ở các thành phố lớn gồm New York, Houston, Los Angeles, Cleveland và Boston, bằng cách tìm kiếm những người ở lứa tuổi từ 18 đến 24, chưa có nơi tạm trú ổn định.
Andrae Bailey, Giám đốc điều hành của Trung tâm thực phẩm và dự phòng cộng đồng, một trong những tổ chức từ thiện lớn nhất Florida, Mỹ, cho hay: "Vài năm trước đây, bạn sẽ khó có thể nhìn thấy cảnh nhóm người ở độ tuổi 18-24 cùng ngồi và thảo luận về khủng hoảng thừa lao động, nhưng bây giờ đó là một điều bình thường bởi vì họ đang là những người vô gia cư".
Los Angeles lần đầu tiên thống kê về lượng người trẻ tuổi đang sống "vất vưởng" ngoài đường phố vào năm 2011. Kết quả khảo sát cho thấy có 3.600 người vô gia cư, nhưng thành phố chỉ có thể đáp ứng nơi ở cho khoảng 17% trong tổng số lượng người đó.
"Số người còn lại phải tự tìm chỗ ngủ ngay trên phương tiện hiện có của họ", ông Michael Arnold, Giám đốc điều hành Cơ quan về dịch vụ vô gia cư Los Angeles nói.
Trong khi đó, ở Boston cũng đã thực hiện cuộc khảo sát vào năm 2010 và 2011, kết quả là số người trẻ vô gia cư buộc phải tìm nơi tạm trú đã tăng từ 3% lên 12% trong tổng số 6.000 người vô gia cư được hỗ trợ trong giai đoạn đó.
"Thống kê lượng người vô gia cư chỉ là một điểm nhấn cần thiết, giống như chúng ta mới chỉ chạm ở phần đỉnh của tảng băng trôi", ông Jim Greene, Giám đốc phụ trách cư trú khẩn cấp của Ủy ban Y tế Cộng đồng Boston nói.
Sống tại Washington, Lance Fuller, 26 tuổi với tấm bằng về báo chí, hồi cuối tháng rồi đã phải dọn đồ đạc rời khỏi căn hộ sau khi bị sa thải. Fuller không thể giữ việc quá 8 tháng kể từ khi tốt nghiệp đại học Florida hồi năm 2010. "Rất may, hiện tôi ở cùng bạn gái cho đến khi tôi có thể tìm một công việc khác", Fuller chia sẻ.
Taylor, nhân viên của một cửa hàng thức ăn nhanh ở Seattle, vẫn cảm thấy may mắn khi có thể tìm được nơi tạm trú tại một tầng hầm của nhà thờ dành cho người trẻ tuổi.
"Tôi thấy những người trẻ hiện giờ ngày lại qua ngày trở nên mệt mỏi nhiều hơn, dễ nản chí hơn. Sự thật này khiến tôi đau lòng bởi vì khi bạn ở độ tuổi 18-24 thì đây là lứa tuổi mà bạn luôn muốn cả thế giới biết giá trị của bạn", Kristine Cunningham, Giám đốc điều hành của Roots, chia sẻ.
"Những người trẻ không chỉ cần những bộ quần áo tươm tất và một nơi ở ổn định, mà họ thật sự muốn có một lối ra cho chính họ", bà Poppe, chuyên gia về thu thập thông tin các loại chương trình và hỗ trợ việc làm cho biết. "Điều mà họ muốn là cơ hội để phát triển các kỹ năng để họ có thể tìm được công việc trong dài hạn", bà nói thêm.
Nhìn về phía bên kia thị trấn, Roman Tano, 20 tuổi, đang tá túc ở Trung tâm YouthCare, cũng là một nơi lưu trú dành cho người trẻ tuổi, tại đây có cung cấp các chương trình đào tạo. Vào tháng 10, số giường ở đây từ 15 tăng lên 20 chiếc.
Hai tháng trước, Tano đã rời khỏi căn hộ ở Dallas sau khi bị mất việc. Anh đã bán chiếc Toyota và đang tìm kiếm việc làm ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương. Tano thuê phòng và bắt đầu với công việc chuyên môn là kêu gọi các quỹ tài trợ. Nhưng sau đó, anh chỉ còn vỏn vẹn 2.000 USD trong túi. Đó là lần đầu tiên trong đời Tano nếm trải "mùi vị" ngủ ngoài đường.
Rồi sau đó, Tano đã tìm thấy nơi lưu trú YouthCare trên Internet, và đã ở đó trong vòng một tháng. Hiện tại, Tano làm việc cho một tổ chức môi trường. "Trong thời gian ở trung tâm, tôi đã gặp nhiều nhóm người với đa dạng ngành nghề. Và nhiều người trong số họ đang cố gắng tìm một công việc để thoát khỏi tình trạng này", Tano nói. "Sau khi tôi nhận được tiền lương, tôi sẽ sống theo cách riêng của mình", anh cho hay.
Theo VNE
Nga: 45 người chết vì giá rét -50 độ C Nước Nga đang phải đối chọi với đợt giá rét kỷ lục trong vòng hơn 70 năm qua khi nhiệt độ nhiều nơi xuống -50 độ C. Ít nhất 45 người đã thiệt mạng và hơn 260 người phải nhập viện vì thời tiết khắc nghiệt. Theo cơ quan khí tượng, đây là đợt giá rét kéo dài và lạnh nhất kể từ...