Giá phải trả cho trò PR “bẩn”
Sự cố khủng hoảng truyền thông trước khi ra rạp khiến doanh thu phim “ Chú ơi, đừng lấy mẹ con” bị ảnh hưởng, khán giả quay lưng
Vụ công khai “phim giả tình thật” giữa Kiều Minh Tuấn và An Nguy – hai diễn viên chính của phim “Chú ơi, đừng lấy mẹ con”, trở thành tâm điểm dư luận trước khi phim ra rạp. Dù vô tình hay cố ý, là chiêu trò quảng bá hay sai lầm cá nhân nhưng khán giả đã phản ứng tiêu cực bằng cách kêu gọi tẩy chay phim vì cho rằng đó là trò PR (quảng bá, tiếp thị) “bẩn”. Thực tế, khán giả tẩy chay thật, doanh thu khi phim này ra rạp (từ ngày 21-9) thấp đến mức không tưởng.
Bà Phan Thị Kim Dung – nhà sản xuất phim “Chú ơi, đừng lấy mẹ con” – than phim này khả năng thua lỗ 18 – 20 tỉ đồng (kinh phí sản xuất khoảng 25 tỉ đồng). Vài ngày gần đây, số lượng người xem có tăng nhưng không còn kịp cứu lỗ. “Vì bức xúc chuyện lùm xùm “phim giả tình thật” của hai diễn viên chính Kiều Minh Tuấn và An Nguy trên công luận, công chúng nghi ngờ nhà sản xuất tung chiêu trò quảng bá “bẩn” – bà Kim Dung khẳng định và cho biết sẽ khởi kiện hai diễn viên này.
Kiều Minh Tuấn và An Nguy trong phim “Chú ơi, đừng lấy mẹ con”. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Mọi lùm xùm bắt đầu từ đoạn ngắn video clip phỏng vấn An Nguy và Kiều Minh Tuấn về vai diễn lan tỏa trên mạng. Trong đó, cả hai thừa nhận nảy sinh tình cảm với nhau trong thời gian đóng phim. Lời chia sẻ này bị một bộ phận công chúng chỉ trích gay gắt vì cho rằng An Nguy là kẻ thứ ba xen vào mối tình Kiều Minh Tuấn và Cát Phượng, còn Kiều Minh Tuấn không chung thủy. Một bộ phận khác nhận định video clip là sản phẩm cắt ghép, cố tình dựng chuyện để quảng bá phim sắp ra mắt nên kêu gọi tẩy chay chiêu trò “bẩn”, tẩy chay phim.
Trước phản ứng dữ dội của khán giả, Kiều Minh Tuấn và An Nguy từ chối bình luận, nhà sản xuất tiếp tục để phim ra mắt rồi ra rạp theo lịch trình. Điều này càng khiến dư luận phẫn nộ, khẳng định đây là chiêu trò và nghi ngờ ê-kíp sản xuất đứng sau.
Theo bà Kim Dung, việc cả hai diễn viên không giữ hình ảnh sạch dẫn đến phản ứng tiêu cực từ công chúng, ảnh hưởng xấu đến doanh thu phim là vi phạm hợp đồng. Bởi hợp đồng có quy định rõ diễn viên trong quá trình quảng bá phim phải giữ hình ảnh, không phạm pháp, không phát ngôn gây tranh cãi. Hiện tại mức độ khởi kiện thế nào, bà Dung nói còn chờ phía luật sư tư vấn hỗ trợ. “Tôi là nhà sản xuất dùng vốn đầu tư làm nghệ thuật vì đam mê chứ không phải dùng nghệ thuật kiếm tiền. Việc tôi kiện hai diễn viên gây ra sự cố truyền thông nói trên cũng vì muốn kêu oan, khẳng định không phải nhà sản xuất “bẩn”, tiền có thể mất nhưng tôi không muốn mất luôn cả niềm tin, danh dự của mình” – bà Kim Dung khẳng định.
Video đang HOT
Nhà sản xuất này thông tin thêm nếu xử lý khéo, bà có thể lên tiếng kêu oan sớm, dời lịch phát hành để sự việc lắng xuống thì hậu quả thất thu giảm bớt. Nhưng do phim vẫn được chiếu ra mắt sau đó vẫn ra rạp bình thường càng khiến khán giả hiểu lầm.
Nhiều người không tin nhà sản xuất vô can. Câu hỏi đặt ra là không lý gì hai diễn viên trên tự dựng chuyện “phim giả tình thật” trên phương tiện truyền thông để hứng lấy búa rìu của dư luận?
Kiều Minh Tuấn và An Nguy từng yêu nhau thật hay chiêu quảng bá, nhà sản xuất có thật sự bị oan không là điều người trong cuộc biết rõ. Cũng không thể trách khán giả bởi trước đó, điện ảnh thế giới lẫn điện ảnh Việt có không ít những vụ tung chiêu “phim giả tình thật” của hai diễn viên chính để thu hút công chúng trước khi phim phát hành. Một chiêu lừa quen thuộc, cũ kỹ, không còn hấp dẫn nữa. Rõ ràng “gậy ông đập lưng ông”, nhà sản xuất nhận quả đắng.
Không chỉ điện ảnh, bất kỳ sản phẩm nào muốn đến được với công chúng nhà sản xuất cần phải quảng bá đến khán giả. Nhưng quảng bá thế nào để mang lại hiệu quả, công chúng thấy được những giá trị ở đó để tìm đến chứ không phải tạo chú ý bằng chiêu trò gây sốc. Trước đó, phim “Song lang” cũng từng được nhận định là quảng bá sai mục tiêu dẫn đến hiệu ứng phòng vé không như kỳ vọng. Đội ngũ truyền thông tập trung nhiều vào mối tình đồng tính giữa hai nhân vật chính nên vô tình khiến nhiều khán giả e ngại. Phim “Cô Ba Sài Gòn” được đánh giá quảng bá tốt nên dù gặp rắc rối lúc đầu nhưng sau đó tạo được làn sóng dư luận rộng rãi qua giá trị áo dài truyền thống. “Trong thời đại thông tin như hiện nay, việc quảng bá cho sản phẩm vừa dễ vừa khó. Dễ là vì có nhiều kênh để tiếp thị so với trước đây nhưng cũng chính vì vậy người làm nghề cần cẩn thận hơn trong khâu quảng bá để kiếm soát thông tin. Khán giả văn minh và hiểu biết hơn về thông tin quảng bá nên họ bắt đầu biết lựa chọn, chắt lọc chứ không “dễ tin” như xưa. Quảng bá làm sao để vừa gây chú ý nhưng đừng quá phản cảm và coi thường khán giả là một việc đang được quan tâm trong quảng bá phim” – nhà sản xuất kiêm đạo diễn Bảo Nhân bày tỏ.
Chất lượng mới quyết định thắng, bại
Khán giả ngày nay khác trước và đã qua thời của những chiêu trò có thể gây tò mò, tạo chú ý trong công chúng. “Tôi thấy vấn đề trọng tâm vẫn là chất lượng phim, các hình thức quảng bá chỉ có thể tạo chú ý ở giai đoạn đầu, chất lượng mới quyết định thắng hay bại. Nếu phim hay, sau khi ra rạp, khán giả truyền tai nhau, chia sẻ trên mạng xã hội sẽ thu hút chú ý. Phim không hay thì dù có quảng bá nhiều kiểu, khán giả phản hồi tiêu cực, vẫn nhận quả đắng” – nhà báo Cát Vũ khẳng định.
Theo nguoilaodong.vn
Đau xé lòng khi diễn viên nhí Hữu Khang hỏi: 'Con có được đóng phim nữa không?'
"Con có được đóng phim nữa không?"; "Con đọc điện thoại của ba, có mấy cô chú nhắn tin nói con mày diễn dở, từ nay không ai gọi con mày đi đóng phim đâu!". Đó là tất cả những gì Hữu Khang đã hỏi đạo diễn Đinh Tuấn Vũ khi vẫn còn thở gấp, nằm trên giường bệnh...
Có lẽ bài viết này ra đời trong hoàn cảnh khá nhạy cảm khi mà ồn ào của cặp đôi An Nguy - Kiều Minh Tuấn, diễn viên phim Chú ơi, đừng lấy mẹ con vẫn chưa kịp hạ nhiệt. Sẽ có ai đó bảo rằng đây lại là chiêu trò PR, vì tranh thủ sự thương hại để "cứu" phim mà lợi dụng cả một đứa con nít. Nhưng với tư cách những người ngoài cuộc, chúng ta cần đứng ở góc độ khách quan để nhìn nhận vấn đề.
Mới đây, Đinh Tuấn Vũ - đạo diễn bộ phim Chú ơi, đừng lấy mẹ con đã đăng tải một dòng trạng thái lên Facebook cá nhân với thái độ vô cùng bức xúc, nội dung chủ yếu đề cập đến Hữu Khang - cậu bé Nhện trong bộ phim của anh vừa ra rạp cách đây chưa đầy một tuần. Được biết, cậu bé đã phải nhập viện vì sốc, sau khi đọc được những tin nhắn ác ý đề cập đến vai diễn của mình trong phim trên điện thoại của ba.
Và có lẽ không riêng gì Đinh Tuấn Vũ, ngay cả chúng ta - những con người trưởng-thành-và-hiểu-chuyện cũng không khỏi phẫn nộ trước tổn thương tâm lý mà người lớn vô tâm đã gieo lại trong lòng cậu bé Hữu Khang. Tôi còn nhớ trong buổi showcase, Khang đã bật khóc khi nhắc đến quãng thời gian đóng phim và cách lấy tâm lý, hóa thân vào nhân vật. Khoảnh khắc ấy, tôi và cả những người đồng nghiệp của mình đã thật sự ngỡ ngàng trước cách cậu bé biểu lộ cảm xúc. Đó là một tâm hồn mong manh, nhạy cảm, và hơn hết, chúng tôi vô cùng trân trọng những xúc cảm ngây ngô đến chân thật như thế.
Chúng ta nói nhiều, thậm chí là rất nhiều đến việc đầu tư, tạo điều kiện để các tài năng nhí được bộc lộ khả năng của mình. Đã có nhiều show truyền hình được khởi xướng để tạo sân chơi và trở thành bệ phóng cho những cái tên như Phương Mỹ Chi, Hồ Văn Cường, Quang Anh... và một vài tên tuổi khác. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là chúng ta có đang quá tàn nhẫn với những đứa trẻ "trót" mang tài năng trong mình như thế, mà Hữu Khang là một ví dụ?
Ở vào độ tuổi như cậu bé, bạn bè đồng trang lứa chỉ cần góp mặt vào một vở kịch hay một tiết mục văn nghệ của trường đã được gia đình và mọi người tán dương. Vậy thì tại sao chúng ta lại mang cái chuẩn của một diễn viên chuyên nghiệp áp vào một học sinh tiểu học như Khang? Huống hồ, nếu thật sự xem phim bằng cái nhìn công tâm, người xem sẽ nhìn thấy tiềm năng diễn xuất của cậu bé này.
Khi nằm trên giường bệnh, thở chẳng ra hơi, ai hỏi gì cũng không trả lời, vậy mà Khang đã cố gắng hỏi Đinh Tuấn Vũ bằng cái giọng thều thào vỏn vẹn chỉ hai câu: "Con có được đóng phim nữa không?", "Con đọc điện thoại của ba, có mấy cô chú nhắn tin nói con mày diễn dở, từ nay không ai gọi con mày đi đóng phim đâu!". Nếu người nằm đó là con, cháu hoặc người thân của chúng ta, liệu ai sẽ có thể ngồi yên? Chỉ bấy nhiêu thôi đã cho thấy Hữu Khang thích diễn xuất đến thế nào. Cậu bé không quan tâm mình đang không thở nổi, chẳng màng sức khỏe bản thân, chỉ lo mình không được đóng phim nữa vì "diễn dở".
Ai đó có thể nói tôi nghe không, các bạn đã xem phim chưa? Các bạn có tận mắt chứng kiến Khang khóc, cười ở bất kì scene nào đó chưa? Nếu đã trải nghiệm và buông lời nhận xét như thế, tôi cho rằng các bạn thật sự phải xem lại khái niệm "diễn hay", "diễn tốt" của mình. Bởi lẽ, ngay cả diễn viên trẻ bây giờ, một vài người có khi diễn còn thua cả Hữu Khang.
Tôi đang băn khoăn rằng vì sao chúng ta lại cư xử ác độc và kém văn minh với một đứa trẻ như thế, và tôi chợt nhớ ra "làn sóng" tẩy chay phim vừa dấy lên cách đây không lâu. Có thể bạn chán ghét Chú ơi, đừng lấy mẹ con vì những ồn ào tình ái xung quanh nó, nhưng chúng ta đều hiểu trẻ con không có lỗi, và hơn hết, câu chuyện này vốn chẳng liên quan gì đến Hữu Khang, ngoài việc cậu bé đã được "chọn mặt gửi vàng" cho vai diễn Nhện trong phim. Vì vậy, hãy công tâm nhìn nhận vấn đề và thể hiện mình là những khán giả văn minh, tỉnh táo.
Tôi biết showbiz trước nay luôn rất khắc nghiệt và tàn khốc. Ngay cả những tài năng nhí như Phương Mỹ Chi, Quang Anh hay Hồ Văn Cường đều không ít lần xuất hiện trên mặt báo sau khi đăng quang với những ồn ào và tranh cãi bủa vây. Nhưng rồi có khi nào chúng ta bình tâm lại và xem tất cả chỉ là những cô bé, cậu bé bình thường hay chưa? Từ bao giờ sở hữu tài năng nhưng không thể làm đẹp lòng tất cả đã trở thành cái tội? Hay chính bản thân khán giả đã đặt kì vọng quá nhiều vào các bạn nhỏ ấy?
Trong chừng mực nào đó, ở vào độ tuổi như Hữu Khang hay các tài năng nhí khác, các bé hoàn toàn chưa sẵn sàng cho một "cuộc chiến" showbiz được người lớn sắp bày. Tốt nhất, hãy để Khang cũng như các bạn nhỏ làm điều mình yêu thích để có thể phát triển, trưởng thành một cách bình thường và trọn vẹn. Bao giờ cũng thế, những cơn sang chấn tâm lý vô hình luôn là liều thuốc độc vô hình ngấm ngầm giết chết những tâm hồn non nớt. Vì lẽ đó, tôi mong rằng chúng ta sẽ luôn là những khán giả có lối ứng xử đẹp, văn minh và tôn trọng những người làm nghệ thuật chân chính, dù họ là ai hay ở bất kì độ tuổi nào.
Theo Saostar
Sẽ không còn "phim Việt lai Hàn" ? Sự tò mò của khán giả với phim Việt hóa đến lúc giảm, họ chán sự vay mượn, chán phim làm lại từ kịch bản phim Hàn Quốc nhưng kém hơn Từng là trào lưu rầm rộ, phim Việt hóa, chủ yếu từ phim Hàn (còn gọi phim Việt lai Hàn), sớm giảm dần trên màn ảnh nhỏ và mất hút trên màn...